Quảng bá văn học nghệ thuật qua mạng internet:

Cần "một cái đầu lạnh" và "trái tim nóng"!

  • 12:16 | Chủ Nhật, 29/03/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, các văn nghệ sỹ Quảng Bình đã nhanh nhạy sử dụng công nghệ thông tin để quảng bá tác phẩm của mình, của bạn bè, đồng nghiệp cũng như chia sẻ các suy nghĩ, trăn trở, đề xuất ý tưởng hay, mới lạ… Điều đáng mừng là không chỉ lớp văn nghệ sỹ trẻ, mà ngay cả "lớp già" cũng rất bắt kịp xu hướng và thậm chí còn nổi bật với những tác phẩm mạng ấn tượng. Và mục đích cuối cùng của sự đổi mới này chính là để các tác phẩm văn học nghệ thuật đến gần hơn với công chúng, mang hơi thở thời đại và "bám rễ" vào cuộc sống hiện đại.
 
Cây viết trẻ Trác Diễm từ lâu đã gắn bó với mạng xã hội cũng như các trang web văn học nghệ thuật, nhất là từ khi cô bắt đầu chập chững với nghề viết. Trác Diễm chia sẻ, độc giả và giới trẻ hiện nay đang có xu hướng chuyển dịch từ đọc sách truyền thống sang các trang web tin tức, văn học nghệ thuật hoặc nghe đọc sách qua các phần mềm sách điện tử, sách nói…
 
Internet ngày càng phát triển thâm nhập vào mọi ngóc ngách của cuộc sống, trong đó, việc sử dụng mạng xã hội làm nền tảng quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật là một phương pháp "marketing" rất hiệu quả. Để tác phẩm của các nhà văn, cây bút trẻ nhanh chóng đến với công chúng, việc sử dụng internet làm công cụ quảng bá là việc cần thiết và quan trọng.
 Trang web của nghệ sỹ Dương Ngọc Liên là
Trang web của nghệ sỹ Dương Ngọc Liên là "kho" tư liệu quý về hò khoan Lệ Thủy.
Trác Diễm cũng cho biết, bên cạnh kênh phát hành truyền thống, tác phẩm của cô hiện nay đang đến với bạn đọc thông qua các tờ báo điện tử, trang thông tin điện tử và một số sách nói được phát trên kênh Youtube. Trác Diễm cũng thường xuyên trao đổi với công chúng, bạn bè trong cả nước về các bài viết mới, tác phẩm văn học mới thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo và một số diễn đàn văn học trong tỉnh, trong nước trên internet.
 
Nhờ đó, việc giới thiệu tác phẩm, giao lưu và trao đổi thông tin với bạn đọc được nhanh chóng, thuận tiện, hiệu quả và tiết kiệm. Hơn nữa, theo Trác Diễm nhận thấy, mạng xã hội còn là một "thị trường" tiềm năng để các tác giả trẻ quảng bá, tiếp cận chuyên sâu hơn dựa trên các đặc điểm về giới tính, sở thích, trạng thái mối quan hệ, nơi làm việc, trình độ học vấn…
 
"Từ đó, chúng tôi sẽ hướng đến cái đối tượng độc giả của mình và chọn lọc những người bạn văn chương đúng nghĩa. Ngoài ra, những “ mảnh đất”-tức các tờ báo, trang thông tin, diễn đàn mạng… còn hội tụ nhiều bài viết chất lượng của các tác giả để chúng tôi cộng tác, giao lưu, học hỏi, chia sẻ…", Trác Diễm cho biết thêm.
 
Không phải đến gần đây khi mạng xã hội trở nên phổ biến, các văn nghệ sỹ mới chú trọng đến cách thức quảng bá qua internet, mà trước đó, một số văn nghệ sỹ Quảng Bình đã tự lập các trang web để chia sẻ thông tin văn học nghệ thuật, "diễn đàn" trao đổi học thuật. Nghệ sỹ Dương Ngọc Liên là một trong những người tiên phong đó.
 
Trang web cá nhân của ông được lập từ năm 2006 có thể xem là "kho" tư liệu về hò khoan Lệ Thủy. Ông đã dành nhiều thời gian sưu tầm, nghiên cứu về hò khoan Lệ Thủy và sau đó đưa lên trang web, được nhiều độc giả yêu thích, giúp loại hình nghệ thuật dân gian này lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng. Đặc biệt, nhiều video clip về các cố nghệ nhân hò khoan Lệ Thủy nay trở thành "kho báu" quý giá cho giới nghiên cứu.
 
Nghệ sỹ Ngọc Liên chia sẻ, mong muốn lớn nhất của ông khi lập ra trang web này là để góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị của hò khoan Lệ Thủy, nhất là trong giới trẻ, đồng thời, đây sẽ là diễn đàn trao đổi, chia sẻ cho những ai yêu thích nghệ thuật dân gian Lệ Thủy. Ngoài ra, trên trang cá nhân Facebook, ông cũng thường xuyên cập nhật các tác phẩm mới, đàm đạo với giới văn nghệ sỹ về những vấn đề văn học nghệ thuật thường nhật.
 
Tuy nhiên, trước những cám dỗ và nguy cơ từ internet, các văn nghệ sỹ cần hết sức tỉnh táo và có những định hướng đúng. Cây viết trẻ Trác Diễm chia sẻ: "Người ta vẫn thường nói, mạng là ảo và rồi nhiều người đồng nghĩa luôn rằng: mọi thứ trên mạng chắc cũng là ảo (bao gồm cả về nội dung lẫn hình thức)…, do vậy, trước hết, muốn quảng bá bất kỳ một sản phẩm của mình thì việc đầu tiên chúng ta cần phải trang bị cho bản thân những kiến thức nền về internet, máy tính.
 
Đồng thời, cần khai thác hiệu quả các thông tin trên internet cũng như dành khoảng thời gian nhất định trong ngày để đọc và nghe các kênh thông tin chính thống của Nhà nước. Không "Share" và "Like" các thông tin, hình ảnh có tính chất phản động, lừa đảo, chống phá Nhà nước. Việc sử dụng internet để giới thiệu sản phẩm văn học là hết sức cần thiết, tuy nhiên, nếu sa đà, lạm dụng internet quá mức sẽ là "con dao hai lưỡi", có thể tạo ra những bất lợi cho văn nghệ sỹ bất cứ thời điểm nào!".
 
Còn theo nhà điêu khắc Phan Đình Tiến, Chủ tịch Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh, Hội luôn khuyến khích các văn nghệ sỹ sử dụng nhiều kênh thức khác nhau, truyền thống hoặc phi truyền thống, để quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật của mình, trong đó, internet là công cụ hữu hiệu, phù hợp xu thế thời đại.
 
Đặc biệt, trong bối cảnh của dịch bệnh Covid-19, internet chính là công cụ hiệu quả để đội ngũ văn nghệ sỹ vượt qua giai đoạn khó khăn, đưa tác phẩm đến gần hơn với công chúng thông qua những cách thức mới mẻ, hấp dẫn và hiện đại. Và không ít tác phẩm phản ảnh nỗ lực phòng, chống dịch bệnh Covid-19 từ các văn nghệ sỹ Việt Nam được lan tỏa mạnh mẽ trên không gian mạng trong thời gian qua.
 
Tuy nhiên, nói như tác giả trẻ Trác Diễm, internet là "con dao hai lưỡi", cho nên bên cạnh khai thác hiệu quả các thế mạnh của mạng để quảng bá tác phẩm, tiếp cận gần hơn với công chúng, theo sát hơi thở thời đại, các văn nghệ sỹ cũng rất cần một "cái đầu lạnh", "trái tim nóng" để mạnh mẽ tỉnh táo trước bất kỳ một cám dỗ hay khiêu khích nào!
 
Mai Nhân