O Thơm

  • 07:48 | Thứ Hai, 16/03/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Chiếc Boeing sơn màu xanh nhạt đã hiện ra trong ráng chiều, hai mẹ con chị bồn chồn ngồi ở nhà ga sân bay đợi anh công tác trở về gần cả tiếng đồng hồ.

 

- Mẹ con đợi bố lâu chưa?-anh hỏi nhưng không đợi câu trả lời của vợ và con trai, nhanh nhẹn mở cửa lên xe.

 

- Đi con!-anh khẽ nói khi cậu con trai vừa xếp gọn hành lý vào cốp xe, thắt xong dây an toàn.

Chiếc Atists rời cảng hàng không Đồng Hới không đi về phía Nam như mọi lần mà ngược về hướng Bắc, về nhà ông bà nội. Những lần anh đi công tác về câu chuyện lúc nào cũng xôm tụ, rôm rả, không khí trong xe hôm nay khá trầm lắng, ai cũng kiệm lời, nóng lòng về quê để sớm để được gặp o Thơm lần cuối. O mắc bệnh hiểm nghèo, điều trị đã khá lâu chừng đã ổn định. Về chăm chị, trước khi đi công tác, o nắm tay anh: “Chị khỏe mà, cậu yên tâm theo công việc!”. Nhưng hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh tổ chức ở thành phố Hồ Chí Minh sắp kết thúc, anh được vợ nhắn tin: “Bệnh o chuyển xấu”. Cũng may, dạo này nhiều hãng mở tuyến bay đến vùng đất có di sản Phong Nha-Kẻ Bàng, anh đáp chuyến bay sớm về Đồng Hới.

 

Đường về quê chồng với chị đã quá quen. Cũng trên cung đường này, những ngày đầu làm dâu, anh đèo chị trên chiếc xe đạp Thống Nhất, chỉ có quốc lộ được rải nhựa, còn đoạn từ thị xã Ba Đồn về nhà, đường vừa hẹp vừa xấu, chờ qua được phà Phù Trịch có khi hơn một buổi mới đến nhà, đi xe máy chỉ hơn 2 tiếng rưỡi, ô tô chỉ hơn tiếng là đến. Quốc lộ I mở rộng phẳng lỳ, tiếp là quảng đường bê tông nông thôn mới, xe chạy nhanh hơn trước nhiều, nhưng hôm nay chị cảm thấy xe chạy chậm quá, tưởng như dài vô tận. “Có kịp về với o không?”, chị lo. Còn ở nhà, bà con ai cũng lo o đi sớm, vợ chồng cậu Hùng không về kịp, thời gian trôi nhanh.

Minh hoạ: Tiến Hành
Minh hoạ: Tiến Hành

Từ ngày về làm dâu đất Quảng Bình “gió Lào cát trắng”, công tác ở thị xã, mỗi lần về quê chồng là mỗi lần để lại cho chị những ấn tượng khó quên. Mời đó mà đã hơn 40 năm, cái ngày chị gặp anh ở Trường đại học Nông nghiệp. Chiều, gió bấc buốt giá se sắt thổi, trên những thửa ruộng thí nghiệm của nhà trường ở ngoài thành Hà Nội, ánh mắt mãi nhìn theo bóng người lom khom trên chân ruộng xa xa, chị không để ý đám bạn cùng lớp đứng sau lưng tự lúc nào. Mãi đến khi cái Mận đồng hương của anh cười nói: “Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng, mà những hai bà cô đấy!”. Chị quay lại mắng yêu các bạn: “Đồ quỷ sứ!”.

 

Đa phần sinh viên lớp trồng trọt ở các tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ, chỉ có chị, anh và cái Mận đồng hương của anh là ở xa nhất. Đến giờ chị cũng không thể xác định được rạch ròi anh chị thân thiết nhau từ khi nào, nhưng chắc chắn các thửa ruộng thí nghiệm đã vô tình đưa anh chị đến gần nhau. Với chị, tự ngày bé thơ, sóng lúa dập dờn tựa chiếc váy uốn lượn theo điệu xòe đêm hội, hình ảnh bông lúa nặng hạt cúi mình trước mùa gặt không khác gì cô gái Thái cúi mình xõa tóc trên dòng Nậm Tấc đêm trăng hằn mãi trong tâm trí mình.

 

Lớn lên với rừng núi mênh mông ở một trong bốn mường nổi tiếng miền Tây Bắc “nhất Then, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” chị cứ ngỡ mình không bao giờ xa nơi chôn nhau cắt rốn của mình được. Lúc nhỏ chị đã được bố mẹ cho ra ruộng, lên nương. Thích nhất là cọn nước với những nan xòe tựa ánh mặt trời chậm chậm quay chậm rãi rót nước vào máng làm bằng cây luồng nối dài rồi đổ vào các “mương, phai, lái, lịn” lên tưới cho các thửa ruộng bậc thang trước bản. Lúa nuôi người, cuộc sống của bản chị thật khó hình dung nếu không có lúa nước. “Anh thật quá!”, chị nghĩ khi thấy anh nhận thửa đất bạc màu làm thí nghiệm, nước chưa khô cỏ dại đã lún phún mọc phủ kín khắp mặt ruộng. Ban đầu, chị đứng từ xa nhìn anh quan sát kỹ từng khóm lúa. Anh không để ý có người đến gần, anh ngẩn người một chốc khi chị đến. Chị khẽ hỏi: “Một mình thôi anh?”.

 

Ra trường, chị về quê công tác, tưởng khó gặp lại anh, nhưng hình ảnh người bạn học hơn chị 2 tuổi, cao gầy, da hơi ngăm ở một tỉnh thuộc khu Bốn qua mấy năm xa nhau những vẫn hằn vào tâm trí chị. Dịp về lại trường tập huấn chuyển giao kỹ thuật giống lúa mới, anh chị gặp nhau, sẵn xe cơ quan, anh mời chị về quê anh chơi. “Ừ, thì cứ đi cho biết!”, ban đầu chị chỉ nghĩ thế.  “À, bà cô, chị gái đầu, mà bà con đến chơi kêu là o của anh đây!”. Chị cố thật tự nhiên, nhưng vẫn muốn hướng về o,tuổi đã kha khá mà vẫn không lấy chồng ở cùng bố mẹ. Phong thái của o thật thoải mái, chân chất, một thoáng cảm giác đến với chị hình như chị đã gặp o từ thuở nào, phút e dè ban đầu chóng qua, hai người xoắn xuýt lấy nhau, rồi kể hết chuyện này đến chuyện khác.

 

Dạo đó, Quảng Bình, Hà Tĩnh chưa có đường sắt, anh đón xe tải đưa chị ra Vinh để đón tàu ra Hà Nội. Sau chiến tranh, làng mạc xơ xác, hố bom rải rác dọc đường.

 - Noọng ơi, quê ải vất vả lắm phải không? - anh pha mấy từ tiếng dân tộc Thái của chị, hỏi.

- Không! - chị đáp lời anh.

- Về với anh nhé! - anh mạnh dạn tiếp lời.

 

Đoàn tàu nhả khói đen chuẩn bị rời sân ga, chị siết chặt tay anh trước khi buông dần bàn tay chai sạn của anh để vào trong toa.

 

Anh đi công tác luôn, thường về các hợp tác xã, lúc con đau ốm, chị ngóng anh về. Chị cứ ân hận mãi về cái hôm anh chân ướt chân ráo bước vào nhà, nghe chị báo tin o Thơm ốm, anh vơ vội bát cơm rồi về quê ngay. “Anh xem o Thơm hơn mẹ con em à?”, chị nặng lời. Anh tránh không trả lời chị, chờ chị bớt giận, anh dắt xe ra ngõ.

 

Mỗi lần về quê là mỗi lần chị mang theo những suy tư về o Thơm. Khi thì gặp chị Xoan hàng xóm sang chơi, o vừa thoăn thoắt nhặt rau vừa nói chuyện. Ra ngõ, chị Xoan quay lại, tay vừa rút chiếc túi vải nhỏ dắt lưng quần lấy mấy trăm nghìn đưa cho o vừa nói: "Chút nữa tui quên bác ơi, sang trả tiền mà ham chuyện quá, nhờ bác mà kịp nộp học phí cho cháu”. Lần thì chị kể: "May cho chị Thắm, một mẹ một con mà đòi ở riêng, chừ thì ổn rồi… Chị vừa thuyết phục được chị Thắm và cô con dâu làm lành với nhau".  Hai đứa con chị thích nhất là mỗi lần về được o Thơm gửi cho những món quà quê. Mùa nào thức ấy, mà món nào cũng đậm đà khi qua bàn tay chế biến đến là khéo của o, “Cầm lấy cho chị vui, về mời nước anh em cơ quan uống nước”, chị nói với em dâu.

 

Chị mê các món o nấu nướng, nhất là món bánh đa, hến xào. Hiếm nơi có loại hến béo, ngon, ngọt mà lại thanh đến thế. Những con hến chỉ nhỉnh hơn đầu đũa, mà có người quả quyết: “Chỉ ở bãi bồi ở ngã ba sông này mới có!”. Nguồn Nan phía Tây Nam luồn, lách qua các dãy núi đá vôi của khối núi Phong Nh-Kẻ Bàng chảy chếch về hướng Tây trước khi nhập vào nguồn Nậy từ dãy Giăng Màn ở  cực Tây Bắc giáp với đất Lào qua các dãy núi đất, phủ kín rừng già rồi lặng lẽ chảy giữa các nương ngô, bãi dâu vùng Lệ Sơn nổi tiếng với 99 ngọn núi đi vào cổ tích đổ về và thêm một chút mặn mòi của nước biển ngược dòng sông Gianh lên. Cây cầu gỗ lấy nước dựng choãi ra sông đủ cho mình o ngồi đãi hến. Gió sông thổi nhẹ làm chiếc áo cánh dán chặt vào tấm lưng dài trắng hồng của o.

 

O Thơm xoay, chao nhẹ chiếc rổ tre, vỏ hến nghiêng nghiêng chìm dần. Vừa đãi hến chị vừa chỉ tay ra bãi sông nói chuyện, thỉnh thoảng o ngoái lại nhìn chị. Với chị, o Thơm là một từ điển sống của vùng đất bán sơn địa này. Búi tóc to đen nhánh, buộc cao lên đỉnh đầu như kiểu tằng cầu của gái chưa chồng ở ngoài quê chị để lộ ra chiếc cổ cao trắng ngần, gió sông dợn dợn thổi làm hai làn tóc mai khẽ bay bay. “ Phải chi…”, chị kịp lau nước mắt khi o ngoái lại. Chị như chợt tỉnh khi o quay lại nói: “Về thôi em!”. Bánh đa vừng đen xứ Minh Lệ xúc hến xào hành tăm, trộn lá lốt nóng vẫn để lại dư vị khá lâu.

 

Tiếng là công tác ở nội tỉnh nhưng vợ chồng chị lâu lâu mới về thăm ông, bà và o được. Vợ chồng cán bộ, nuôi con nhỏ cộng với điều kiện khó khăn chung dạo đó nên anh chị khá chật vật trong một thời gian dài, đến khi có điều kiện hơn muốn bù đắp một chút cho o nhưng cũng thật khó. Biết cách làm ăn, thức thời, cuộc sống với o ở quê cũng khấm khá. Xe máy, ti vi, tủ lạnh, mạng miếc… đủ cả. O lúc nào cũng lạc quan: “Cậu mự cứ yên tâm công tác, ở nhà có chị lo”. “Nước xa không cứu được lửa gần”, ông bà ngày một già yếu, khi trái gió trở trời đã có o bên cạnh, anh chị em ở xa cũng yên tâm.

 

Ba đi thoát ly thỉnh thoảng mới về nhà, anh trai đầu đi bộ đội, o Thơm phụ mẹ lăn lộn với ruộng đồng, trở thành trụ cột gánh vác công việc gia đình như một định mệnh. Dầm cơn mưa dông với nhì nhằng sấm chớp ở phía núi xa khi lúa đông-xuân xanh đồng thì con gái tưởng chừng vô hại ấy đã làm em gái o đang chăn trâu bên bãi sông đúng ngày “khó ở” về nhà ốm liệt giường. Tỉnh dậy, em o dở chứng, ngày thường cũng như bao bạn bè cùng trang lứa khác cô em vui tươi, nhí nhảnh nhưng đến những ngày trở trời, mưa gió lại trở thành một con người khác.

 

Điều kiện chiến tranh, đi lại khó khăn không có cách gì điều trị cho em được. Bao lần vừa ôm em vào lòng o vừa khóc: “Sao khổ thân em tôi thế này!”. O cứ để em gái mặc sức cào cấu vào tóc, vào tai, vào mặt mình cho đến khi em hết vật vã, thiếp đi trên tay. Thương em, o ở nhà vừa công việc đồng áng, vừa tham gia công việc ở địa phương và chăm em. Ở nông thôn xa thị trấn, điều kiện học hành khó khăn, được cái các em o đều sáng dạ, đứa nào học cũng giỏi, nhận hết phần thưởng của trường ở các kỳ tổng kết. Lần lượt các em o xa nhà đi đại học, không nhiều nhưng mỗi dịp về hè, Tết lúc nào các em cũng có ít tiền, gạo mang về trường. Tốt nghiệp, phần lớn các em o công tác xa, xa nhất cậu út làm nghiên cứu sinh về dầu khí làm việc tận Vũng Tàu, chỉ có cậu Hùng, em kế o học ngành Nông nghiệp xong, được bố trí về tỉnh công tác. Khi các em đã có nghề nghiệp, em gái dần hết bệnh, đi lấy chồng, thì o đã gần 50.

 

Với vợ chồng cậu Hùng ở gần chị em có điều kiện gần gũi, hỗ trợ nhau. Cô em dâu bày cho o làm món lạp cá, món cơm lam của người dân tộc Thái, o bày cho em dâu cách làm mắm cá, nước mắm từ cá biển.

Bệnh tình o Thơm trở nặng quá nhanh. Trước lúc đi công tác ở phía Nam, anh chị về với o, thấy o vẫn tươi cười, xua tay: “Cậu mự yên tâm, chị khỏe mà!”. O luôn tạo ra không khí thật vui để mọi người yên tâm.

Mắt ai cũng bừng sáng, khi pha xe dọi vào cổng làng. Vợ chồng chị đã về vùng thôn quên bình yên với ba bề sông nước. Vùng quê ấy, thời anh học đại học và mãi nhiều năm sau này, ít năm lúa được mùa hai vụ lúa.

 

Năm nào hạn nặng là ruộng nứt nẻ, chân ruộng chưa cạn nước cỏ lác mọc đầy, bà con phải chạy kiếm gạo chợ vượt qua các đận đói làm anh vào đại học luôn canh cánh trong lòng, được dịp anh chọn các chân ruộng xấu thí nghiệm mong góp phần tăng sản lượng lúa cho các chân ruộng bạc màu, nhiễm mặn ở quê mình.

 

Xe vừa đến cổng nhà, đã nghe tiếng bà con xôn xao:

- Vợ chồng Hùng về rồi!

- Mau vào nhà đi! - bác Biền, trưởng họ thúc.

 

O đang thiêm thiếp, khuôn mặt sạm đi sau những ngày vật lộn với bệnh tật, mắt khẽ hé mở khi bạn tay em trai vuốt nhẹ. O khẽ đưa mắt nhìn gắng, đưa tay nắm bàn tay hai em, ánh mắt o khép lại, mạch chậm dần… O đã hóa thành ngọn núi thứ 100 ở phía Tây, nơi có 99 ngọn núi do 99 con đại bàng từ phương xa bay về đỗ lại và hóa đá, trong truyện cổ tích mà có lần chị được o kể cho nghe từ những ngày đầu chị chọn vùng đất này làm quê hương thứ hai của mình.

 

 Nguyễn Lương Cương