"Đường về cao nguyên", khúc tráng ca của người lính trận

  • 08:21 | Thứ Hai, 09/03/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những ngày cuối đời, dù đang phải nằm trên giường bệnh của Khoa Ung bướu, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới, ông Hoàng Minh Sơn, hội viên Hội Văn học-Nghệ thuật Quảng Bình vẫn gắng hết sức hoàn thiện những trang viết cuối cùng của cuốn “Đường về cao nguyên” (1) kịp ra mắt bạn đọc trước khi về cõi hạc.
 
“Đường về cao nguyên” là tập truyện ký dày hơn 300 trang, viết về cuộc chiến khốc liệt nhưng hào hùng của người lính trận. Tập truyện nhằm tri ân quân và dân các bộ tộc Lào, Binh đoàn 678 quân tình nguyện Việt Nam tại Lào, Binh đoàn Trường Sơn, Quân khu 4, Sư đoàn 968, đơn vị được Quốc hội 2 lần phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.    
 
Thầy giáo Hoàng Minh Sơn nhập ngũ tháng 2-1964, khi đế quốc Mỹ rục rịch chuẩn bị ném bom miền Bắc. Sau 2 năm làm công tác tuyên huấn ở Phòng Chính trị-Tỉnh đội Quảng Bình, ông cùng tiểu đoàn 46A hết đấu pháo với chiến hạm Mỹ ngoài khơi biển Quảng Bình lại vào Quảng Trị đánh nhau với sư đoàn kỵ binh Mỹ. Ngày 28-6-1968, Sư đoàn 968 được hình thành trên cơ sở Đoàn 968, Quân khu 4, ông Sơn theo tiểu đoàn 46A sang cao nguyên Bô-lô-ven chiến trường Nam Lào, trong đội hình của sư đoàn.
 
“Đường về cao nguyên” gồm 6 phần. Phần 1: “Lên đường”, viết về những ngày đầu gặp gỡ của đội trinh sát quân tình nguyện Việt Nam do Minh Hà làm đội trưởng, cùng tổ trinh sát của Khăm-lạ, du kích Lào. 37 đội viên trinh sát đã được bà con bộ tộc Lào thương yêu, đùm bọc. Họ hòa mình trong đời sống dân bản, cùng ăn, cùng ở, cùng làm. Họ hát say sưa với điệu Lăm-luông của dân tộc Nha-hớn bất khuất: “Ơi bà mẹ, thấy không”/Chim phượng hoàng từ đồng bằng Mê Kông/Đang cất cánh về cao nguyên làm tổ/Ơi em gái hiền mặc áo thêu hoa/Em thấy không, nơi ấy rất xa/Có chàng trai cổ quàng khăn đỏ/Tiếng kèn khuya gọi Mê Kông sóng vỗ…”.
 
Những chàng trai đất Việt cùng sát cánh với nhân dân bộ tộc Lào, Campuchia chống kẻ thù chung. Họ vạch mặt bọn phản động Bun-ùm, bè lũ tay sai của quân xâm lược Mỹ âm mưu chia rẽ tình quân dân hai nước Việt-Lào. Cùng với đội trưởng Minh Hà, tổ trưởng Vận, cậu “Tấn hạt tiêu” quân tình nguyện Việt Nam, các nhân vật như Khăm-lạ, cụ Cò-căn, cô Thoong-phăn (con gái cụ Cò-căn), anh Bun-tà, Kiều Hoa… được khắc họa khá đậm nét.  
 Trang bìa tập truyện ký “Đường về cao nguyên” của Hoàng Minh Sơn.
Trang bìa tập truyện ký “Đường về cao nguyên” của Hoàng Minh Sơn.

Phần 2: “Thử thách”, mới thực sự đi vào cuộc chiến. Là lính trinh sát, họ cần phải tránh đụng độ với địch. Nhưng khi gặp một đại đội biệt kích Lào, tay sai của Mỹ, các anh đã nổ súng. Tư lệnh mặt trận chỉ thị khi gặp thám báo địch phải tránh, không tránh được thì phải cố diệt gọn. Trận đánh được miêu tả khá đặc sắc. Mũi của đồng chí Vận (người phụ trách máy 2 oát) thọc sâu vào đội hình chính diện.

Hoàng Minh Sơn và Khăm-lạ chỉ huy 2 mũi tạo thành 2 gọng kìm. Đồng chí Vận bị tên Thao-ủi, đại đội trưởng biệt kích Lào, bắn chết. Khi bắt được Thao-ủi, Khăm-lạ (con nuôi cụ Cò-căn) định đâm chết hắn, nhưng ông Sơn ngăn lại. Cha mẹ của Thao-ủi đã bị giặc Pháp giết hại nhưng trớ trêu thay, anh ta lại đi theo Mỹ. Anh ta cho rằng vì nghèo mà cô Thoong-phăn chê, không lấy anh ta. Anh ta đã bắt cóc Thoong-phăn về cho GM trưởng(2) Thao-tình và cố vấn Mỹ Pôn-xắc-xơn.

Ông Sơn phân tích dù sao Thao-ủi cũng là nạn nhân của bọn tâm lý chiến Mỹ. Hãy nghe cuộc đối thoại của ông với Thao -ủi: “Thế anh biết vì sao anh phạm lỗi không?”. “Dạ…em cứ ngỡ Mỹ tốt hơn Pa-lăng(3) trước kia, tốt hơn cả…dạ…cách mạng nữa ạ”. Thế là đã rõ. Người thanh niên này mù quáng không phân biệt được ai là bạn, ai là thù. Phải cảm hóa anh ta trở về với cách mạng. Và Thao-ủi, viên thiếu úy, đại đội trưởng biệt kích (SGU) được thả ra sau khi bị bắt 36 tiếng đồng hồ. Thao-ủi được cô tình nhân Kiều Hoa chở về nhà như chưa có chuyện gì xảy ra. Sau này, Kiều Hoa đã cung cấp quần áo rằn ri biệt kích cho đội trinh sát đóng quân ngụy Lào hoạt động trong lòng địch. Cuộc thử thách bắt đầu.

“Về với dân bản” là phần 3 của tập truyện ký. Những thử thách đầu tiên với Thao-ủi, Kiều Hoa thắng lợi. Họ đã thực sự trở về với cách mạng, về với dân bản. Chiến dịch giải phóng cao nguyên là tiêu diệt hệ thống đồn bốt, các cứ điểm của địch. Trong khi Kiều Hoa chuốc rượu bia cho binh lính ngụy Lào, cố vấn Mỹ say bí tỉ, phía ngoài, đội trinh sát trườn lên từng người một cắt đứt dây thép gai các lớp hàng rào tạo cửa mở. Hướng chính căn cứ có 7 lớp hàng rào dây thép gai. Khi đội viên “Tấn hạt tiêu” ra đến lớp hàng cuối cùng thì bị trúng đạn hy sinh. Xiêng-thoong bị thương nặng nhưng vẫn một mực khẩn khoản Hà cõng Tấn ra trước.
 
Ở một hướng khác phía bờ suối có một cái hồ rộng chừng 50m dài 200m hình bán nguyệt bao quanh căn cứ. Phía đó chỉ có 3 lớp hàng rào. Bun-tà xung phong đi đầu mở cửa. Cắt xong lớp thứ 2, cậu lẹ làng trườn xuống một cái hồ để bơi qua. Nhưng đồng đội chờ mãi không thấy lên phải quay lại tìm. Dưới ánh đèn sáng như ban ngày của máy bay, Bun-tà đang hấp hối. Trên người Bun-tà chỗ nào cũng đầy đỉa.
 
Nhưng con đỉa voi to như lưỡi liềm bám chặt Bun-tà hút máu. Đó là loại đỉa độc trên cao nguyên Bô-lô-ven bọn địch bắt về thả xuống hồ. Với 74 trang viết, ở phần này, nhiều đoạn được khắc họa đẫm nước mắt. Tình bạn, tình đồng chí gắn bó giữa quân tình nguyện với bộ đội Pha-thét Lào thật là keo sơn.
 
Phần 4 có tựa đề “Trinh sát nắm địch”, phần 5 là “Tiến công dứt điểm”, phần 6 là “Ngày mới Bô-lô-ven của các bộ tộc Lào”. So với các phần trước, tác giả viết cởi mở, phóng khoáng hơn, tạo dựng được nhiều tình tiết trong các gia đình, giai tầng xã hội; có những đoạn phân tích nội tâm nhân vật giằng xé. Bức tranh toàn cảnh xã hội Lào hiện lên dưới ngòi bút của ông rất sinh động.
 
Đội trinh sát đã địch vận được đại đội biệt kích của Thao-ủi. Bộ đội Pha-thét và Keo nứa(4) đã nắm được quần chúng nhân dân. Các tầng lớp trung lưu dần dần ngã theo cách mạng. Những gia đình giàu có như cụ Kiều Văn (bố của Kiều Hoa) đã hoạt động cho ta. Ngôi nhà ba tầng của ông trở thành đài quan sát của mặt trận. Lực lượng địch di chuyển được báo về hàng ngày cho bộ chỉ huy chiến dịch. Bộ phận điện đài đã nắm bắt được chỉ thị của địch cho các GM qua các làn sóng điện trên không trung.
 
Đúng 1 giờ 30 phút ngày 5-12-1970, Khăm-lạ bắn lên không trung 3 quả pháo hiệu đỏ rực mở màn chiến dịch. Đội trưởng Hà ném quả thủ pháo đầu tiên vào ngôi nhà đặt máy phát điện. Hàng trăm ngọn điện tắt ngấm. Xung kích từ các hướng tràn lên, xốc tới. Tiếng bom gầm, tiếng pháo của ta, của địch nổ rầm trời. Bọn địch bán sống bán chết chạy về Pắc-xê. Trong số đó có tên Pôn-xắc-xơn, “con hổ xám” Mỹ chỉ huy căn cứ Huội-cô. Hắn cố hết sức thoát khỏi vòng tay của cô Thoong-phăn để chạy vào xe bọc thép.
 
Đội trưởng Minh Hà mặc cho bom xăng cháy quần áo như ngọn đuốc sống lao theo lính Mỹ. Hình ảnh của anh hiện lên rực rỡ như ánh hào quang, bất tử. Anh đuổi theo và đã kịp xốc lưỡi lê vào bộ ngực lông lá của tên lính Mỹ. Hắn ngã lăn quay trên ghế đệm xe bọc thép, anh cũng dần lịm đi. Nhiều tấm gương hy sinh anh dũng của anh Bộ đội Cụ Hồ, của bộ đội Pha-thét Lào như khúc tráng ca. Huội-cô hoàn toàn giải phóng.
 
“Đường về cao nguyên” viết xong ngày 20-9-1973 tại trại viết văn Trường Sơn do Tổng cục Chính trị tổ chức nhưng đến tháng 10-2019, Hoàng Minh Sơn mới bổ sung xong. Ngày 25-2-2020 ông tặng cho tôi cuốn sách vừa mới in và mong tôi đọc kỹ, viết vài lời cảm nhận. Tôi chưa kịp viết thì 3 ngày sau, ông trút hơi thở cuối cùng trên vòng tay của vợ con. Bài viết này như một nén hương lòng thắp cho ông để ông được mỉm cười nơi chín suối. 
 
(1) NXB Thuận Hóa, năm 2019.
(2) GM tương đương trung đoàn.
(3)  Pháp.
(4) Bộ đội Bắc Việt Nam.
 
                                                                                                   Hoàng Minh Đức