Cổ vật "kể chuyện"

  • 09:52 | Chủ Nhật, 01/03/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - “Mỗi hiện vật cổ mang trong mình câu chuyện về một vương triều trong quá khứ. Chính bởi sứ mệnh kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai nên việc gìn giữ, bảo tồn chúng là điều mà thế hệ hậu sinh nên làm.”, ông Phan Đức Hòa, Chủ nhiệm CLB UNESCO Nghiên cứu, sưu tầm cổ vật tỉnh đã khẳng định như thế vào một buổi chiều Đồng Hới se lạnh, bên ly trà tỏa khói nghi ngút. Mỗi ngày trôi đi, những con người với niềm đam mê đặc biệt như ông vẫn lặng lẽ sưu tầm những hiện vật đượm màu xưa cũ, lắng nghe câu chuyện của quá khứ bên trong mỗi hiện vật cũ kỹ truyền đời.

 

Cổ vật là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học, có từ 100 năm tuổi trở lên. Nhiều cổ vật còn mang giá trị kinh tế hàng trăm triệu đồng, có khi hàng tỷ đồng. Vậy nên hẳn nhiên, phải có điều kiện kinh tế mới có thể gắn bó với thú vui sưu tầm cổ vật. Nhưng như ông Hòa bảo, để nuôi dưỡng niềm đam mê từ năm này qua tháng khác, người chơi cổ vật phải thực sự sống, thức, ngủ cùng những hiện vật. Niềm đam mê ấy được nuôi lớn, chắt chiu từ những ngày tháng miệt mài đi từng nơi, đến từng nhà sưu tầm từng hiện vật nhỏ.

 

Cũng chính từ những ngày lặng lẽ với thú vui này, những người yêu thích cổ vật như ông Hóa gặp gỡ, rồi gắn bó cùng nhau. Một câu lạc bộ (CLB) kết nối những người yêu thích sưu tầm các hiện vật cổ ra đời để tạo nên sân chơi thú vị cho những người cùng chung đam mê. Ông Hòa kể, CLB UNESCO Nghiên cứu, sưu tầm cổ vật tỉnh ra đời từ năm 2014. Buổi ban đầu, CLB có 15 hội viên, rồi lâu dần, niềm đam mê lan tỏa, đến nay đã 25 hội viên với gần 10 nghìn hiện vật cổ được sưu tầm, lưu giữ.

Để thẩm định đúng giá trị của một món cổ vật đòi hỏi người chơi phải có kiến thức về lịch sử, cảm quan nhạy bén.
Để thẩm định đúng giá trị của một món cổ vật đòi hỏi người chơi phải có kiến thức về lịch sử, cảm quan nhạy bén.

Không như những CLB, tổ chức hội khác, CLB UNESCO Nghiên cứu, sưu tầm cổ vật tỉnh khá “kén” hội viên. “Những người tham gia vào CLB phải là người có được một số “vốn” kha khá cổ vật và phải là người yêu vốn cổ, những giá trị xưa cũ của cha ông để lại. Họ cũng là những người có tính tình điềm đạm, kiên nhẫn, vì chỉ có vậy mới biết nâng niu, trân trọng những giá trị cũ kỹ này. Rồi thì, họ phải có một chút điều kiện kinh tế, nếu không, họ sẽ bán đi những cổ vật có giá trị để giải toả những gánh nặng cơm áo thay vì sưu tầm, gìn giữ.”, ông Hòa cười hiền.

 

Với ông Hòa, niềm đam mê sưu tầm cổ vật đến khá tình cờ. Hơn 10 năm trước, khi dựng ngôi nhà rường để làm nơi bạn bè lui tới chuyện trò, ông nhận ra, trong không gian cũ xưa này cần có những vật trang trí phù hợp. Mỗi ngày được tiếp xúc, ngắm nghía những hiện vật cũ xưa đã tạo nên sức hút hấp dẫn đối với ông. Dần dà, từ việc sưu tầm chỉ để trang trí, ông bắt đầu yêu thích rồi đam mê với thú vui đặc biệt này.

 

Ông bảo, nâng niu những hiện vật cổ có giá trị cũng mang đến niềm vui, niềm hạnh phúc đặc biệt. Bởi ẩn sau những hoa văn, đường nét, những chạm khắc tinh xảo còn sót lại trên mỗi hiện vật là quá khứ, là một nền văn hóa, tinh hoa “vang bóng một thời”. Hiện vật cổ ở Quảng Bình chủ yếu là các sản phẩm gốm sứ đời nhà Nguyễn, các đồ đồng của nền văn hóa Đông Sơn... Những họa tiết trên bề mặt gốm sứ dù đã phủ màu thời gian nhưng vẫn thể hiện độ tinh xảo của đôi bàn tay, tính thẩm mỹ của cha ông thuở trước.

 

Là một trong những hội viên trẻ tuổi nhất của CLB, anh Phan Xuân Hải (phường Hải Thành, TP. Đồng Hới) đã có gần 15 năm gắn bó với thú vui sưu tầm cổ vật. Niềm đam mê ấy vốn được truyền từ thế hệ cha, ông đi trước. Anh bảo, ngày trước, ông bà nội thuộc một gia đình bề thế nhất nhì của làng nên khi ông bà mất đi, họ để lại số lượng lớn các hiện vật cổ được truyền qua nhiều thế hệ. Trách nhiệm với truyền thống gia đình, đặc biệt là những món gia bảo ấy, anh bắt đầu nghĩ đến việc phải gìn giữ chúng cho con cháu đời sau. Đến nay, cùng với những món đồ của gia đình, anh hiện đang sưu tầm gần 500 hiện vật, chủ yếu là gốm, sứ. 

 

Quý giá nhất là gốm sứ nhà Nguyễn và một số cổ vật đời nhà Minh (Trung Quốc). Có những cổ vật quý, anh phải cất công vào Nam, ra Bắc, thuyết phục chủ nhân để mua cho bằng được. “Đã trót bước chân vô địa hạt này rồi thì mê lắm, khó mà dứt ra. Đã không ít lần, vì trót yêu thích một món đồ nào đó, mà chưa thuyết phục được người ta bán cho thì đêm về không sao ngủ được. Lâu dần, sưu tầm cổ vật vừa đem lại niềm vui, vừa rèn cho tôi đức tính kiên nhẫn, đằm hơn. Nhìn ngắm chúng mỗi ngày, tâm hồn tôi cũng trở nên nhẹ nhàng, tĩnh tâm hơn", anh Hải chia sẻ thêm.

Hiện vật cổ ở Quảng Bình chủ yếu là đồ gốm sứ, gỗ thờ.
Hiện vật cổ ở Quảng Bình chủ yếu là đồ gốm sứ, gỗ thờ.

 

Với sự cho phép của Luật Di sản văn hóa ban hành năm 2001, thị trường cổ vật được công khai hoạt động. Cổ vật được chính thức nhìn nhận dưới góc độ một loại tài sản, loại hàng hóa đặc biệt không chỉ có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học mà còn có khả năng đem lại lợi ích kinh tế cho các chủ sở hữu. Theo ông Hòa, đồ cổ được làm ra từ hàng trăm năm về trước, càng lâu đời sẽ càng quý, những món đồ được làm từ chất liệu độc đáo, độc bản sẽ càng quý giá hơn. Tại Quảng Bình, cổ vật có giá trị cao không nhiều nhưng hiện trạng “chảy máu” cổ vật vẫn xảy ra thường xuyên. Với những hiện vật có giá trị, chủ nhân của nó buộc lòng phải bán đi vì mục đích cơm áo. Vậy là cổ vật ở Quảng Bình cứ thế mai một dần.

 

Điều đáng nói, việc đánh giá, nhận định giá trị của một hiện vật nào đó ở Quảng Bình chủ yếu dựa vào kinh nghiệm mà chưa có bất kỳ một phương pháp khoa học nào. Để có thể thẩm định đúng giá trị của một món cổ vật đòi hỏi người chơi phải có kiến thức về lịch sử, cảm quan nhạy bén. Nhưng không phải ai chơi cổ vật cũng có được điều đó, vậy nên, việc nhận định sai, dẫn đến việc mua nhầm hiện vật không có giá trị cũng đã từng xảy ra.

 

Một nỗi lo hiện hữu nữa là việc thiếu đi “truyền nhân” trong sưu tầm và bảo tồn hiện vật cổ. Nên không khó để nhận ra, những buổi sinh hoạt CLB chủ yếu là cuộc chuyện trò của những người đã luống tuổi. Truyền ngọn lửa đam mê với việc sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị những bảo vật mà cha ông để lại là việc nên làm. Theo ông Hòa, một trong những nỗ lực đó là sắp tới, CLB sẽ phối hợp với Bảo tàng tổng hợp tỉnh tổ chức một buổi trưng bày các hiện vật cổ, chủ yếu là các hiện vật gắn bó với đời sống, lịch sử, văn hóa của mảnh đất Quảng Bình. Chỉ khi tình yêu với những hiện vật cổ được lan tỏa mới góp phần “đánh thức” những giá trị xưa cũ và tạo nên giá trị vững bền cho đến mai sau.

 

Diệu Hương