Những vần thơ mang nặng ân tình

  • 08:27 | Thứ Ba, 25/02/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhà thơ Ngọc Khương sinh năm 1949 tại làng Vĩnh Phước, xã Quảng Lộc (thị xã Ba Đồn). Ông là hậu duệ đời thứ 12 của Nguyễn Khắc Minh (người đã từng thi đỗ tiến sỹ vào thời Lê Trung Hưng và đã có lúc làm đến chức Thượng thư Bộ Lại sau đó phong tước Nghiêm Công hầu, rồi đến Nghiêm Quận công dưới thời chúa Trịnh), là hậu duệ của dòng họ Thái Bảo-dòng họ khoa bảng có lịch sử 500 năm ở thôn Hoa Kinh, xã Nhân Lục, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín (nay là phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Ông mang nặng ân tình với quê hương ngay tự thuở ấu thơ. Đọc "Tuyển tập thơ Ngọc Khương" (NXB Hội Nhà văn-năm 2020) chúng ta sẽ cảm nhận rõ hơn những điều này.
 
Trong bài “Ký ức làng tôi”, Ngọc Khương đã viết: “Làng tôi làng cù lao/Quanh năm cồn cào sóng vỗ/Tiếng gõ chài khuya đổ sao đêm” và: “Làng tôi nghè Tiến sỹ trơ đá ngày nào/Đến nhà quan mọt trơ ngày giỗ/Thánh đường chuông nhòe tháp cổ/Cánh cò bay bạt vía hoàng hôn”. Cha mẹ đi Nam khi mới 2 tuổi. Ngọc Khương đã phải ngụp lặn dưới chân cầu để bắt ốc, mò cua: “Tôi lớn lên ngụp lặn dưới chân cầu/Tay lấm láp bắt con còng làm bạn/Chân tứa máu bởi mảnh hàu, mảnh hến/Da cháy rần trong nắng quái miền Trung”.
Trang bìa cuốn
Trang bìa cuốn "Tuyển tập thơ Ngọc Khương".
 
Chiến tranh, đất nước bị chia cắt hai miền nên ông phải sống xa bố mẹ. Bù đắp cho ông là tình thương vô bờ của bà nội. Về quê, thắp cho bà nén hương, lòng ông quặn thắt. Ông khóc: “Một đời rơm rạ ruộng đồng/Nội đi chỉ tấm lưng còng mang theo/Cỏ vàng nấm mộ buồn teo/Buốt mưa đêm rát nắng chiều nội ơi/Bao năm nuôi cháu mồ côi/Lời ru nội đẫm vành nôi cháu nằm”.
 
Bằng thể thơ lục bát, bài thơ “Bà nội” mang âm hưởng như ca dao. Lời ru của bà đã lặn vào đời cháu, làm người đọc cũng rưng rưng rớt nước mắt theo. Bao khó khăn, vất vã, nhọc nhằn nuôi cháu đè lên đôi vai gầy của nội. Bởi thế: “Con đi góc biển chân trời/Trong tim không cạn những lời nội ru”. Có lẽ đây là bài thơ hay nhất trong cuộc đời làm thơ của nhà thơ Ngọc Khương.
 
Có lẽ nhờ “thừa kế” gen thông minh di truyền của dòng họ khoa bảng mà nhà thơ Ngọc Khương đa tài, học giỏi toàn diện. Năm học 1967-1968, ông đã từng đoạt giải nhất cuộc thi học sinh giỏi văn (lớp 10/10) của tỉnh Quảng Bình. Nhưng đó chưa phải là lý do chính để ông bước vào nghề nhà giáo. Cái chính là ông thương những đứa trẻ cù bơ cù bất không đủ điều kiện học hành như ông thuở nhỏ. Ông mang nặng ân tình của quê hương đã cưu mang, đùm bọc trong những ngày cắp sách đến trường.  
 
Đến nay, nhà thơ Ngọc Khương đã có 12 tập thơ với gần 1.000 bài đăng báo và chưa đăng báo. Nhưng phần thơ hay nhất của ông là các bài thơ viết về quê nội Quảng Bình và lứa tuổi “thần tiên”. Giọng thơ ông hoài cảm, đằm sâu, nhớ nhung da diết. Thơ ông luôn giàu cảm xúc, hình ảnh, nhạc điệu, có lúc tưởng chừng như lẫn vào các khúc dân ca, nhất là thể thơ lục bát. Ông như con ong chăm chỉ, lặng lẽ đi tìm mật cho đời.  
 
Thơ ông viết cho thiếu nhi nhẹ nhàng, đằm thắm, rất hồn nhiên và giàu chất liên tưởng. Vào giữa nơi đô hội ồn ào, náo nhiệt, chỉ thấy cánh cò chao nghiêng bay qua giữa phố ông đã có ngay bài “Cò bay giữa phố”: “Sau lưng phố em/Có khoảnh ruộng vắng/Ngày ngày đàn cò/Tha hồ tắm nắng/Cò săn ếch nhái/Cò tìm ốc biêu/Cò nghiêng cánh trắng/Rựng cả trời chiều/Hóa ra giữa phố/Còn chút đồng quê/Đàn cò chấp chới/Cõng ca dao về”. Những hình ảnh sinh động, lấp lánh chất đồng quê lung linh ngay giữa phố.
 
Ông thực sự đã đi vào thế giới trẻ thơ bởi những vần thơ tinh khôi. Trong bài “Sinh nhật thỏ” ông viết: “Sinh nhật thỏ thiệt vui/Tất cả xông vào bếp/Ong nấu chè xôi nếp/Gà chiên bánh phồng tôm/Heo rán chả giò thơm/Dọn ra như bàn tiệc/Khỉ vừa ăn vừa liếc/Ngỗng diễn kịch thằng lười/Cả lũ bạn lăn cười/Chỉ mèo con no bụng”. Mỗi vần thơ viết cho thiếu nhi, Ngọc Khương đều rút ra triết lý nhân sinh, giáo dục cuộc sống làm người: “Ba cho em hộp sữa/Bâng khuâng bao nghĩa tình/Sáng nay vào bệnh viện/Em tặng người thương binh/Mẹ may em chiếc áo/Sao ấm áp lạ lùng/Chiều nay nghe tin bão/Em gửi về miền Trung...” (Hộp sữa và chiếc áo). Có lẽ đó là thói quen đặc trưng của các nhà thơ nhà giáo. Không đao to búa lớn, không giáo huấn lên gân, nhà thơ đã khéo léo đưa vào tâm hồn trẻ thơ tình yêu quê hương, đất nước, tình người thấm đẫm.
 
Không chạy theo lối thơ cách tân, thơ Ngọc Khương viết theo lối truyền thống, dung dị mà cuốn hút đến lạ lùng. Và bài thơ nào cũng gieo vào lòng người đọc những câu chữ tượng hình lung linh, gợi cảm. Bất cứ một hình ảnh nào đập vào mắt cũng là cái cớ để ông xuất khẩu thành thơ. Về quê gặp lại trái bầu đã cắt đi một nửa để nấu canh, ông có bài thơ “Trái bầu quê tôi”: “Về quê đụng phải dàn bầu/Trái treo lơ lửng mắt hau háu nhìn/Ngỡ là ngú ngớ không tin/Hóa ra còn một chút mình ngày xưa/Cái thời bầu bí đung đưa/Bầu dăng cho trẻ trú mưa dàn bầu/Trái bầu một nửa đi đâu/Nửa treo rỉ máu mà đau xé mình!”. Trái bầu hay khúc ruột miền Trung. Một nửa cho đời, một nửa cho thơ, một nửa trong Nam, một nửa ngoài Bắc, một nửa ấu thơ, một nửa trở thành người lớn khi đã là nhà thơ, doanh nhân thành đạt. Đó là cái nghĩa hàm ngôn mà ông muốn nói.  
 
Thay cho lời kết luận, tôi đồng ý với ý kiến của nhà văn Lê Thiếu Nhơn, Ủy viên Hội đồng lý luận phê bình Hội Nhà văn Việt Nam: “Quảng Bình, thế kỷ XX đã có được không ít nhà thơ nổi tiếng mà sau cái dáng thi nhân liêu xiêu của Lưu Trọng Lư có thể kể đến Xuân Hoàng, Lâm Thị Mỹ Dạ, Lê Xuân Đố, Hải Kỳ, Ngô Minh, Hoàng Vũ Thuật, Trần Quang Đạo…Và nhà thơ Ngọc Khương cũng là một gương mặt xứng đáng để người yêu thơ Quảng Bình vinh danh và tự hào”.  
 
                                                                                    Hoàng Minh Đức