"Ngọn lửa - trái tim" của Đăng Sơn

  • 09:18 | Chủ Nhật, 16/02/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tận đến khi nghỉ hưu, Đăng Sơn mới có thời gian rảnh rỗi để gom lại thơ mình và cho ra mắt "Ngọn lửa-trái tim" (NXB Thuận Hóa, 2019). Suốt mấy chục năm liên tục giữ chức hiệu trưởng ở một số trường THPT và THCS ở huyện Lệ Thủy, dù bận rộn trăm công nghìn việc, nhưng anh vẫn âm thầm trao gửi tình cảm với nàng thơ. 
 
Trong bài mở đầu (thay cho lời ngõ), anh thành thật thú nhận: "Tôi lạc vào khu rừng của thơ/Không có lối mòn, chỉ có cây chằng chịt" (Nghiệp thơ). Thơ đúng là một khu rừng đầy bí ẩn, phải tự mình khám phá, tự mình tìm đường, phải “bước gập ghềnh trên những phiến đá chông chênh”. Ý thức được điều đó, song anh vẫn quyết chí dấn thân. Anh “vịn vào gió mây, vịn vào tiếng chim phía trước” chỉ để “mong nhặt được quặng vàng thơ đẹp nhất/Để khắc vào tường, để treo lên vách”. Và thế rồi anh “thành người rừng… ngẩn ngơ…” lúc nào không biết. Chính nhờ cái “ngẩn ngơ” ấy mà thầy hiệu trưởng mẫn cán Đăng Sơn mới trở thành một thi sỹ đa tình, đa cảm.
Trang bìa cuốn
Trang bìa cuốn "Ngọn lửa-trái tim" của Đăng Sơn.

 

“Hơn nửa đời tìm kiếm giữa rừng”, có thể anh vẫn chưa “nhặt được quặng vàng thơ đẹp nhất”. Bởi nhặt được “quặng thơ vàng đẹp nhất” đâu dễ dàng gì. Có người bỏ cả cuộc đời đi tìm kiếm nàng thơ vẫn không gặp được nàng. Đăng Sơn “hơn nửa đời tìm kiếm” mà có được những câu thơ như thế này cũng là hạnh phúc lắm rồi:
 
Bạn ơi xa tuổi trăng rằm
Bao nhiêu lời hẹn giờ nằm biên cương…?
Thầy ơi, sao chẳng đến trường
Muộn màng con gửi nén hương tạ thầy…?"
                                    (Về lại trường xưa)
 
"Người ta xin lộc cầu may
Còn tôi gói ghém đắng cay gửi chùa"
                                      (Thăm chùa ngày xuân)
 
Bài giảng của em, tôi chẳng nhớ gì
Dù tôi cũng say mê và ngồi chăm chú
Em đâu biết điều tôi đang ấp ủ
Một câu thơ từ đôi mắt của em"
                                            (Một tiết dự giờ)
 
Trong bài "Bốn mươi năm rồi, bạn ơi!", khi nhắc về những kỷ niệm thời sinh viên 10+3 Quảng Bình, Đăng Sơn có những câu thơ rất ấn tượng:
 
Trường xưa vách đất, mái tranh
Lạ quen bạn mới mà thành lớp chung
Đồi cao gió đến ở cùng
Bữa cơm chiều muộn, bập bùng lửa nhen
Bên vòm ô cửa hoa đèn
Dáng ai nghiêng xuống bóng rèm lung lay…
 
Chỉ với hai câu mà tác giả gợi nhớ thời bao cấp với bao khó khăn, gian khổ: "Bữa cơm nghèo, gạo ít nhiều khoai/Mắt quầng sâu, tóc bạc vì thiếu ngủ" (Trang sách-cuộc đời). Cũng chỉ bằng hai câu mà tác giả nói được sự tận tụy với nghề của những thầy, cô giáo ở thôn quê: "Vác cuốc ra đồng, miệng nhẩm đọc câu thơ/Thổi lửa nhặt rau còn nghĩ bài toán khó" (Trang sách-cuộc đời).
 
Lễ hội đua thuyền trên sông Kiến Giang cũng được Đăng Sơn tái hiện một cách hết sức sinh động: "Bỏ lại phía sau những toan tính dại khôn/Gửi lại đường đời những tháng ngày bươn chải/Cởi nón, lột khăn hò reo tung vẫy/Ùa vào sông cười khóc… vô duyên…" (Em có về Lệ Thủy coi bơi).
 
Một chiều ngồi trên bãi cát Hải Thành, nhẩm đọc hai câu thơ trong Truyện Kiều: "Buồn trông của bể chiều hôm/Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa…", Đăng Sơn chợt nghe, chợt thấy, chợt nghĩ:
 
Biển ru Nhật Lệ nhặt thưa
Câu thơ Cụ Nguyễn như vừa hiện lên
Ba trăm năm ấy ai quên?
Câu thơ thắp lửa, biển đêm ấm lòng…
                 (Đi tìm câu thơ Nguyễn Du)
 
Và đây là hình ảnh ngày mùa qua vài nét đặc tả của Đăng Sơn:
 
Tháng Năm sấp ngửa nón quê
Lúa theo chân mẹ đi về sân phơi
Rơm vàng thơm ngọn gió trời
Cánh cò ngược nắng “chơi vơi giữa đồng”
Gió nồm về ướt cơn giông
Bữa cơm gạo mới thơm nồng tháng Năm
                              (Mùa tháng Năm)
 
Có được những “mảnh quặng thơ” quý hiếm ấy chính là nhờ ngọn lửa “âm thầm cháy và âm thầm tỏa sáng” suốt “30 năm nắng sớm mưa chiều”: "Một ngọn lửa không sắc màu hình dạng/Giữa cuộc đời nào ai biết đâu". Đăng Sơn gọi đó là ngọn lửa-trái tim! Chính nhờ ngọn lửa-trái tim ấy mà chàng thi sỹ trở thành: "Kẻ tiều phu nhọc nhằn/Lượm lặt từng mẫu chữ vương vãi/Gom lại một đời âm thầm nhẫn nại…/Vừa đủ đốt thành ngọn lửa sưởi ấm cho em…" (Nghiệp thơ).
 
                                                                          Mai Văn Hoan