Xôn xao mùa Tết làng biển

  • 09:45 | Thứ Hai, 27/01/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Từ tháng Chạp, “đã thấy xuân về trong gió đông”. Quê tôi xôn xao vào mùa tết. Sau những ngày mùa đông mưa gió sụt sùi, bầu trời u xám, bước sang đầu tháng Chạp, một sớm mai nắng ửng, tất cả bừng thức. Không gian trở nên quang đãng và ấm áp. Cả khúc sông từ cảng cá Nhật Lệ ra đến cửa biển rạo rực chuyển động. Tàu thuyền của ngư dân Đồng Hới: Bảo Ninh, Hải Thành, Quang Phú bấy nay neo bờ tránh gió, bắt đầu rục rịch xuất hành đánh bắt hải sản phục vụ Tết Nguyên đán. Không khí rộn ràng như là xuân đã sớm về. Anh Hoàng Nam ở phường Hải Thành là ngư dân đã có gần 40 năm bám biển.
 
Quanh năm lênh đênh trên những con thuyền câu khơi, quen sống cùng sóng gió nhưng chuyến biển cuối năm thường để lại nhiều tâm tư sâu lắng. Thấp thỏm hy vọng về một khoang thuyền nặng cá và cái Tết sung túc đủ đầy. Lại bồn chồn lo lắng vì những rủi may đời biển ngày tháng tận năm cùng. Đời biển, thắng thua được mất một phần phụ thuộc vào thiên nhiên. May mà, biển cả hiểu được lòng người, các chuyến biển cuối năm luôn luôn trở về với khoang thuyền nặng cá. Những năm gần đây, nhờ được đầu tư nâng cấp phương tiện ngư dân Quảng Bình đã có thể vươn khơi đánh bắt hải sản xa bờ, dài ngày.
 
Chiếc tàu anh Hoàng Nam theo “ bạn” 450 mã lực, có 8 ngư phủ, đủ năng lực đánh bắt trên ngư trường vịnh Bắc Bộ, cách bờ biển Quảng Bình khoảng 150 đến 200 hải lý. Vừa sắp xếp đồ đạc vào chiếc ba lô nhỏ để chuẩn bị ra khơi, anh Hoàng Nam vừa kể cho tôi nghe chuyền đời người đi biển. Vất vả mà thú vị. Hiểm nguy mà hấp dẫn. Trong điều kiện thời tiết trời êm biển lặng họ phải chạy mất 2 ngày 2 đêm mới đến vùng khai thác. Con thuyền là một ngôi nhà di động. Tất cả chòng chành trên sóng lớn. Lắc lư ăn. Lắc lư ngủ. Mọi thứ không lúc nào đứng yên.
 
Người ta có thể bị lăn lông lốc từ mạn thuyền bên này sang mạn thuyền bên kia. Những khi gặp sóng lớn, ngư dân còn phải cột chân chặt vào một nơi cố định để khỏi bị văng xuống biển. Và những bữa ăn thì khó có thể diễn tả hết bằng lời. Để cơm nước không bị hất tung tốt hơn hết là phát cho mỗi người mỗi gói mỳ tôm sống. Vừa ăn vừa buông câu. Vậy nên, phải là những ngư dân lão luyện và có sức khỏe dẻo dai mới bám trụ được lâu dài với biển.
Hoàng hôn trên biển. Ảnh: Bách Chiến.
Hoàng hôn trên biển. Ảnh: Bách Chiến.
Chuyến ra khơi cuối năm của những ngư dân như anh Hoàng Nam thường kéo dài 15 đến 20 ngày. Rời bến từ đầu tháng, khoảng đến ngày tiễn ông Công ông Táo 23 tháng chạp là họ trở về. Giáp tết, ngư dân Đồng Hới thường tập trung khai thác các loại hải sản cao cấp như cá thu, cá cam, cá mú, tôm bộp biển hay mực ống, mực cơm... Đó là những loại hàng hóa có giá tiêu thụ khá cao, chừng ba, bốn trăm ngàn một kilôgam, thời kỳ cao điểm tôm có thể lên đến năm trăm.
 
Đắt đỏ, nhưng đáp ứng được nhu cầu của nhân dân thành phố, nên mỗi chuyến biển cuối năm họ thu được chừng trăm rưỡi, hai trăm triệu. Những thuyền to hơn có khi lên đến nửa tỷ là chuyện bình thường. Trừ hết chi phí, mỗi người cũng có mươi, mười lăm triệu dắt túi mang về cho vợ sắm sanh “Có được chừng đó là vui lắm rồi! Người theo “ bạn” như tôi chục triệu là cả một gia tài. Ăn tết rồi còn để dành đặng ra năm mà chi tiêu. Trăm thứ, vạn thứ đều phụ thuộc vô đồng tiền đi biển cả...”
 
Hành trang người đi biển thật gọn nhẹ. Chỉ cần vài ba bộ quần áo và đồ dùng cá nhân. Thức ăn, nước uống, thuốc thang chữa bệnh khi khẩn cấp...đã có chủ thuyền lo. Khoác ba lô lên vai, anh Hoàng Nam như một người chuẩn bị đi du lịch.
 
- Tui đi phượt đây. Phượt biển! Tạm biệt! Hẹn gặp lại khi tết đến!
 
Hải Thành nơi tôi sống là làng biển nội thị Đồng Hới, dù lối sống hiện đại đã len vào đến tận từng con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo vắt qua đồi cát, nhưng nhiều tập tục đón tết truyền thống vẫn chưa hề bị lạt phai. Tháng Chạp, nếu những người đàn ông lênh đênh mang tết về từ biển, thì chị em cũng bắt đầu lục đục bày biện đồ lề chế biến nhiều món ăn thường có. Tôm chua. Kiệu muối. Bánh xoài. Bánh in.
 
Phụ nữ làng biển Hải Thành chăm chỉ và khéo léo. Họ nổi tiếng với nghề nấu nướng và chế biến hải sản. Tết là dịp để họ trổ tài, vừa để phục vụ gia đình, vừa cung cấp cho thị trường tiêu thụ. Chỉ những thứ không thể mua được các bà các chị mới ra chợ, ngoài ra họ tự làm. Năm nào cũng vậy, khoảng sau rằm tháng 11 âm lịch, hiên nhà cô hàng xóm của tôi bắt đầu có đông người chộn rộn vào ra và những chuyến khoai dong được tập kết về, đổ ngổn ngang giữa khoảng sân hẹp. Những gia đình không làm bánh cũng tranh thủ sản xuất tinh bột dong. Lấy công làm lãi cũng có được khoản tiền kha khá. Công đoạn cuối cùng trong dây chuyền làm bánh xoài của người Hải Thành là lên lửa đổ bánh. Ngày lên lửa thật là hấp dẫn.
 
Căn bếp trở nên ấm sực. Con ngõ nhỏ vào nhà tôi bắt đầu nồng thơm mùi bánh mới. Trung bình 1,1 bột, 1 đường, 1 trứng, mỗi tạ bột sẽ đổ được 2,5 tạ bánh. Giá cả tùy loại. Bánh trứng gà trăm rưỡi, trăm bảy. Bánh trứng vịt rẻ hơn, trăm hai, trăm ba. Cần mẫn từ khi củ khoai dong còn bám đầy vỏ vai, bùn đất đến khi tắt lò, mỗi người thu nhập được chừng ba đến năm triệu với dăm ba cân bánh để dành cúng tổ tiên, biếu bà con hàng xóm và đãi khách. Lúc rảnh rỗi, tôi thích có mặt  bên lò đổ bánh xoài để chờ xem những chiếc bánh được nhẹ nhàng nhấc ra khỏi khuôn. Tơi xốp. Bung xé. Vàng ươm. Thơm ngọt. Những bông mai vàng nở bừng trên than đỏ. Đẹp đến nao lòng! Ngoài hiên nắng, những hủ tôm chua đã chín đỏ. Củ kiệu vừa thơm. Nghe đâu đây hương vị cay nồng của chảo mứt gừng đã đến lúc ngậm đường...
 
Tết ở làng biển nội thị không cầu kỳ, sang chảnh mà dân dã và thân thương. Cá tôm mực từ biển về tươi rói. Bánh xoài handmade tinh sạch, ngọt ngào. Và hoa cũng chẳng phải mua đâu xa. Sau rằm tháng 10, cây mai trước nhà đã vào kỳ vàng lá. Người làng biển cho rằng mai nở sây bông sẽ báo hiệu cho một năm nhiều điều may mắn. Vậy nên, năm nào mấy cụ ông trong làng cũng thủng thẳng dạo quanh mấy con ngõ nhắc con cháu nhớ trảy lá mai cho hoa nở trúng mùa. Ngày Tết, người ngồi bên hiên nhà ngoảnh nhìn ra sân nắng, chiêu một ngụm trà, nhấm nháp tý mứt gừng cay và ngắm những bông hoa đang tỏa ra thứ ánh sáng huy hoàng trước ngõ. Chẳng phải bon chen lo lắng, Tết đến thật nhẹ nhàng và thanh thản.
 Trương Thu Hiền