Tết Việt trong cảm nhận của người nước ngoài:

"Thú vị và khác biệt"

  • 09:38 | Thứ Hai, 27/01/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đường phố rực rỡ sắc hoa, nhà nhà treo câu đối đỏ, phụ nữ, trẻ em diện trang phục áo dài truyền thống đi du xuân, trẩy hội… cùng những phong tục độc đáo, Tết cổ truyền Việt Nam đã để lại nhiều ấn tượng đẹp đối với những người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Quảng Bình. Tết trong cảm nhận của họ là quãng thời gian tuyệt vời nhất, bởi họ được hòa mình vào không khí nô nức, vui tươi, đầm ấm, được khám phá những nét đẹp văn hóa của người dân Quảng Bình-dải đất được ví như khúc ruột miền Trung của đất nước Việt Nam.
 
Piter và các bác sỹ Cuba rất hào hứng tham gia Tết trồng cây của người Việt nhân ngày đầu năm mới.
Piter và các bác sỹ Cuba rất hào hứng tham gia Tết trồng cây của người Việt nhân ngày đầu năm mới.

2020 là năm thứ 4, Mike Rosa đến từ New York (Mỹ), giáo viên tiếng Anh của Trung tâm anh ngữ quốc tế Asemlink Quảng Bình được vui xuân, đón Tết tại Quảng Bình, nơi anh đang sinh sống, làm việc.

Nói về sự khác biệt giữa Tết Việt và cách đón năm mới của người Mỹ, Mike cho hay: Đón năm mới ở Mỹ được xem là một kỳ nghỉ dài bắt đầu từ lễ Giáng sinh và người dân chủ yếu tham gia các hoạt động vui chơi, nhảy múa rất sôi động được tổ chức ngoài trời. Ở Quảng Bình, tôi nhận thấy người dân tập trung cho việc đón Tết Nguyên đán và họ dành nhiều thời gian cho gia đình, bè bạn.

Mike rất thích các món ăn ngày Tết và anh đã có thể chế biến những món ăn phổ biến của người Quảng Bình như: bánh bột lọc, ram (nem), lẩu…
 
Căn nhà số 14 Nguyễn Trãi (Đồng Hới) nơi Mike đang ở cũng là một quán nhỏ chuyên phục vụ các món ăn tây và món ăn Việt. Đây trở thành điểm gặp gỡ của nhiều người nước ngoài đang làm việc tại Quảng Bình và cũng là nơi mà nhiều người Quảng Bình muốn đến để thưởng thức các món ăn từ bếp của Mike.
 
“Tôi được biết, Quảng Bình có thế mạnh về phát triển du lịch với rất nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng cùng những nét đẹp văn hóa đặc trưng. Tôi sẽ cố gắng làm việc thật tốt nhằm giúp cho các bạn trẻ Quảng Bình có kiến thức về tiếng Anh để các bạn có thể tìm hiểu, khám phá nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới và giới thiệu với bạn bè quốc tế về Tết Việt cùng những nét văn hóa đặc sắc của người Việt Nam.”-Mike nói.
 
Trong cảm nhận của bác sỹ Piter Martinez Benitez, chuyên gia y tế đến từ Cuba đang làm việc tại Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới thì Tết Việt đặc biệt ấn tượng bởi sự gắn kết yêu thương trong mỗi gia đình và cộng đồng dân cư.
 
Theo Piter, chính sự sum họp gia đình, cùng nhau nhớ về những điều đã qua, chúc nhau nhiều điều tốt đẹp trong tương lai, làm cho Tết Việt trở thành một kỳ nghỉ vô cùng đặc biệt.
 
Cuba không có tết cổ truyền nhưng mỗi dịp đón năm mới, người Cuba cũng chú trọng đến bữa cơm gia đình với ông bà, cha mẹ, người thân quây quần bên nhau. Vì thế, khi được chung vui trong bữa tiệc cuối năm, được đến thăm, dùng bữa với các gia đình đồng nghiệp, anh cảm thấy rất gần gũi, thân thương như đang được sống trên quê hương của mình.
 
Đón Tết ở Quảng Bình, được chứng kiến lễ tiễn ông Táo về trời (23 tháng chạp) và cùng với những người bạn mới chờ đón giao thừa, phút giây giao hòa giữa năm cũ và năm mới với Piter là những trải nghiệm rất thú vị. Anh còn đi thăm các di tích lịch sử, văn hóa, đi lễ chùa và thưởng thức nhiều trò chơi dân gian như: hội bài chòi, hội đua thuyền và các lễ hội truyền thống của người dân Quảng Bình.
 
Anh nhận thấy rằng, người Việt Nam rất quan tâm đến sức khỏe vì trong các cuộc vui, những buổi liên hoan hay khi gặp nhau, tạm biệt nhau người ta thường bắt tay nhau và chúc sức khỏe. Chính điều đó càng thôi thúc anh và các chuyên gia y tế Cuba nỗ lực nhiều hơn nữa để góp phần mang lại sức khỏe, niềm vui cho người dân Quảng Bình-mảnh đất mà Piter khẳng định là “quê hương thứ hai” của anh.
 
Một thoáng Phong Nha Lake House Resort.
Một thoáng Phong Nha Lake House Resort.

Yêu đất, yêu người Quảng Bình, Anthony Agrew, người Úc trở thành rể Việt khi kết duyên với chị Phan Thị Hồng Thắm (Bố Trạch) và cùng nhau gây dựng nên khu du lịch sinh thái có tên gọi Phong Nha Lake House Resort thuộc xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch.

Với mong muốn các con lớn lên phải am hiểu, tiếp thu trọn vẹn hai nền văn hóa Việt-Úc nên ngoài việc dạy cho các con về ngôn ngữ, vợ chồng Anthony còn tạo điều kiện cho con trải nghiệm cuộc sống thực tế tại 2 đất nước. Vào mỗi dịp hè, Anthony cho các con về Úc sống cùng người thân trên quê nội. Kết thúc kỳ nghỉ hè, anh lại đưa các con trở lại quê ngoại để tiếp tục việc học tập, sinh hoạt.

Kinh doanh trên lĩnh vực du lịch, lượng khách chủ yếu là người nước ngoài nên vợ chồng Anthony luôn muốn tạo nên những không gian mang bản sắc văn hóa Việt để tạo ấn tượng về làng quê Việt Nam trong lòng du khách quốc tế.
 
Tại khu du lịch Phong Nha Lake House Resort, ngoài những công trình, hạng mục hiện đại, cao cấp còn hấp dẫn du khách bởi những điểm nhấn mang dáng dấp của làng quê Việt Nam. Đó là từng khóm trúc xanh mướt, cụm hoa giấy đỏ rực được trồng bên con đường quanh co hay những chiếc xe đạp, rổ, rá, thúng, mủng… làm bằng mây, tre được bố trí trong những không gian xanh rất đẹp mắt.
 
Cứ mỗi dịp đón Tết, Anthony lại cùng vợ bài trí tỉ mỉ không gian Tết Việt trong khu du lịch với gian nhà mái lá đơn sơ, đôi quang gánh cùng câu đối đỏ, bánh chưng xanh, các loại trái cây, rau, củ phổ biến của quê hương Quảng Bình. Gian nhà “di động” này không chỉ giúp cho du khách quốc tế hiểu hơn về Tết Việt, văn hóa Việt mà còn thu hút rất nhiều du khách trẻ trong, ngoài tỉnh đến “check in” chụp ảnh lưu niệm.
 
Tết Việt nói chung, Quảng Bình nói riêng trong cảm nhận của Mike, Piter, Anthony và nhiều người nước ngoài khác đang sinh sống, làm việc tại Quảng Bình là một phong tục đẹp. Và nói như Mike thì đất, người Quảng Bình, một phần của đất nước Việt Nam có sức hấp dẫn đặc biệt để nhiều người nước ngoài muốn gắn bó bởi càng khám phá lại càng thấy yêu thêm.
 
                                                                   Nhật Văn