… Rồi lại Xuân

  • 09:00 | Chủ Nhật, 05/01/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cơn mưa bất ngờ của sáng nay thật trong trẻo. Như đã có mùa xuân khi mình nhìn thấy hai đóa hồng nhỏ nở bừng trước ngõ của một ngôi nhà thanh vắng ở góc phố. Hoa như trời hồng đã tan trong những giọt mưa đang rơi trên cánh từng chiếc cánh mỏng manh. Như đã viên thành một tình yêu…
***
Bất chợt, chiều mùa hè lồng lộng màu tím ngây thơ. Ấy là lúc những tán bằng lăng bên đường bừng nở, nhuộm tím cả quãng phố bình yên. Dừng lại dưới cây bằng lăng đương độ nở bên góc phố là nghe tuổi mộng mơ ùa về trong tâm tưởng và thấy thành phố thân thương của mình mềm mại, nên thơ và có sắc màu lãng mạn dẫu từng đợt gió Lào cũng đã bắt đầu về…
 
Bên sắc tím của hoa bằng lăng cánh mỏng rung rinh theo làn gió mùa hè là những cô cậu học trò vừa xong kỳ thi cuối cấp phổ thông trung học đang chuyền tay nhau những trang lưu bút. Vậy là mùa thương nhớ đã bắt đầu với những bâng khuâng, man mác rồi sẽ vỡ òa, thảng thốt giữa lúc phố nhỏ nhẹ nhàng khoác vào mình chiếc áo mới được may bằng những cánh hoa bằng lăng mỏng mảnh, dịu dàng. Đây cũng là lúc hoa bằng lăng đương độ đẹp nhất, làm vấn vương cái nhìn và gợi miền ký ức không thể phai nhòa, gọi về những tứ thơ nao lòng “Bằng lăng ơi, tím chi mà tím mãi”. Nắng vàng tràn trên khắp ngả và trời xanh hơn, cao hơn với mây bồng bềnh thi thoảng thoáng hiện cánh diều chao nghiêng trên những vòm bằng lăng tím ngát rộn vang tiếng ve ngân và vi vu tiếng gió như bản giao hưởng của đất trời dành tặng thành phố đã làm nên những mùa hoa thắm thiết.
 
 
Bạn về từ bên kia đèo núi chập chùng, gặp tiếng sẻ nâu ríu rít trong tán bằng lăng che mát những giọt guitar chở Khúc thụy du đã thấy ngày bình yên như một vạt nắng ngoan hiền, nhẹ nhàng nói bây giờ ở thành phố “đi dăm phút đã về chốn cũ” đã có sắc tím của hoa bằng lăng điểm xuyết vào mùa hè để làm nên một nét duyên hóa thành nỗi nhớ, niềm thương trong những người đi xa. Và cái màu hoa tím ngát trên từng cánh mỏng mềm như lụa giữa nắng vàng và gió nhẹ mang tới cảm giác mùa hè dịu mát và thanh thoát hơn. Bạn nói, đó là cảm giác an yên, nhẹ nhàng và thư thái đến từ hoa giúp mình đi qua mùa hè với “vạn vật đều phơi trần dưới nắng” thúc giục những bước tiến mới trước những thử thách mới. Như hôm qua một bác nông dân ở ngoại thành vừa nói, Hè là mùa của tăng trưởng sau những đâm chồi nảy lộc trong mùa xuân như đời người đang độ sôi nổi, tráng kiện, dạt dào mà cũng nhiều thách thức, cam go với trời cao hơn, sông hẹp hơn, đêm ngắn lại, mưa nhanh hơn, âm này tiếng nọ ồn ào hơn. Nhưng mùa hè luôn có những háo hức từ ngọn lửa nhiệt tình của con người để làm nên những thành tựu mới trong đời sống, nhất là những người trẻ bây giờ biết làm nên mùa hè xanh…
 
Sau cơn mưa rào ấm áp, góc phố hai bên đường quen mà lạ bởi những cánh hoa bằng lăng tím long lanh như một ký ức không phai dễ làm mê đắm lòng người. Có thêm cánh hoa bằng lăng trong trang vở, có lời thề thủy chung bên cánh hoa tím nở tròn và có nỗi tiếc nuối chợt thức trên cung đường bằng lăng giữa phố dài như câu thơ hôm nay mình viết tặng một người đã qua thời tri kỷ: “Ta và cánh bằng lăng chờ đợi/ Trong ngôi vườn nhiều nắng vàng rơi”…
 
***
Buổi chiều của ngày thứ năm trong tiết Lập Thu. Ý muốn ngắm hoàng hôn ở một góc phía tây của thành phố đã kéo mình cùng Quảng, Nhân, Hằng, Quốc tới chiếc quán nhỏ bên đường có những tán bàng, tán phượng xanh rợp.
 
Mưa bắt đầu rơi khi mình cùng Quảng chạm ly bia thứ nhất. Mình nói, cơn mưa sẽ làm hỏng hoàng hôn vẫn thường đỏ thắm ở nơi đây- giọng chùng xuống rất sâu. "Mưa có cái hay của mưa nên hoàng hôn trong mưa bây giờ chắc cũng sẽ có cái hay, vẻ đẹp của riêng mình và biết đâu ta sẽ gặp đốm lửa nhen sớm trong chiều". Mình nhìn vào mắt Quảng, ngỡ ngàng vì bạn là một kỹ sư điện kỹ thuật mà nói về mưa, về hoàng hôn và đốm lửa "ngon" đến vậy.
 
Mưa hắt vào mạnh hơn làm cả nhóm chuyển chỗ ngồi vào hẳn trong quán. Bên sự lém lỉnh của Quốc, vẻ tươi trẻ của Hằng và gương mặt ấm áp của Nhân, thoáng chốc mình không nhận thấy hoàng hôn đã qua nhưng thỉnh thoảng lại cau mày vì Quảng nghe điện thoại. Bỗng dưng tất cả đều quay nhìn màn hình tivi trong quán vừa chuyển sang bản tin dự báo thời tiết trong chương trình thời sự của VTV1 với những thông tin về "siêu bão" và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông. Chỉ trong mấy phút, những kinh độ, vĩ độ, vị trí tâm bão, tốc độ gió, sức gió, giật cấp, khả năng đổi hướng di chuyển của bão, ảnh hưởng của hoàn lưu bão gây mưa và giông mạnh ở vùng gần tâm bão đi qua, biển động dữ dội, vị trí tâm áp thấp nhiệt và sức gió mạnh nhất đã hút hết tâm trí của mỗi người và không khí trong quán cũng đã chùng hẳn xuống ngay khi nghe lời thông báo bão đang vào...
 
Trong lúc đứng lên để khoác áo mưa chuẩn bị đi đến một nơi vừa có sự cố lưới điện do mưa gió trong thành phố, Quảng chỉ về phía bếp than hồng đang được chủ quán đem ra phục vụ  khách và nói với mình chỉ mấy tiếng "an lành trong bão, nhé" thay lời tạm biệt.
 
Bất chợt mình nhớ  ra, mai là ngày Thất tịch, chắc nhân gian sẽ cảm thương Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau giữa lúc "siêu bão" đang gây mưa gió đầy trời.
 
***
Đã lâu, mình không còn chờ đợi những nhắn, gọi bằng âm thanh, giọng nói từ người này, người nọ về những hẹn hò cuống quýt. Vậy nên sáng nay mình lại ra phố, điềm nhiên chọn một góc quán nhỏ, ghi vội ý thơ “Đời biến lòng ta thành khách lạ” bên ly cà phê giữa ngày mới vẫn còn nhiều khốn khó cùng cực của mình trước cái rét đậm đà của gió mùa đông bắc. Vẻ ảm đạm vốn dĩ của mùa đông- mùa di trú của nhiều loài chim la đà trên nền trời và trên những tán cây vẫn ướt đẫm vì cơn mưa đêm qua mà khăn áo ngự hàn quây kín thân người vẫn không ngăn được những xuýt xoa với cái lạnh đã ngấm.
 
Dòng thơ ngừng lặng khi một giọng nói đã quên từ lâu bỗng vang lên, “Ở góc phố rộn ràng người xe mà bạn ngồi viết văn như ri thì vui thiệt”. “Ơ, đi mô mà tới đây giờ ni?”, mình ngơ ngác hỏi. “Có người alo mình uống cà phê ở quán cà phê hộp đằng kia. Chạy ngang qua đây thấy bạn, mình dừng xe gọi điện hỏi đằng nớ ngồi lâu chưa, họ nói là lâu rồi nên mình bảo thì về đi để mình vòng vô đây gặp bạn. Dễ cũng đã mấy năm rồi mới gặp bạn”, có lẽ là chưa có những thời khắc tường thuật trực tiếp nào hồn nhiên hơn. “Rứa thì ngồi đây, quán ni xay và pha cà phê cũng được lắm dù là quán trên vỉa hè và hình như cũng chỉ mới mở gần gần đây”. Cà phê được đưa ra và khi mình bắt đầu trở lại với sự lặng yên vì “nếu không nói là xoàng thì anh bạn này cũng thường thôi nên dù học khoa Lý cùng Trường Tổng hợp nhưng mình chưa hề để mắt tới”. “Thời sinh viên bốn năm đằng đẵng ở Huế số lần mình được uống nguyên một ly cà phê chỉ đếm trên đầu ngón tay vì bao giờ cũng là hai hoặc là năm, là bảy thằng sinh viên trong lớp hoặc cùng phòng ký túc xá uống chung một ly cà phê đen. Nên chừ ngày mô cũng uống cà phê thoải mái nhưng mình vẫn nhớ những lúc uống cà phê hồi học đại học. Bạn đừng cười, vì hồi nớ cực quá nên nhớ nhiều và nhớ lâu ấy mà”, dư vị thời sinh viên của dân tỉnh lẻ trong hai mươi bảy năm trước ùa về theo câu nói đi ra từ ký ức, từ kỷ niệm làm mình phải ngước lên, nhìn vào mắt của cậu sinh viên nghèo khó thuở ấy bây giờ nghe chừng đã là sếp trong ngành viễn thông… “Mình cũng thiết trí một chỗ uống trà, uống cà phê tự chọn ở văn phòng để anh em có chỗ chém gió trước khi làm việc. Lát nữa có cuộc giao ban trực tuyến nên mình uống cà phê ở đây với bạn một lúc là phải đi…”.
 
Đang ở một trong những ngày cuối cùng của năm. Chuyện thời ký túc xá sinh viên những năm đầu thập kỷ 1990, chuyện người khoa Lý làm việc ở tổng công ty điện lực hay hãng hàng không là đúng sở học, chuyện người tốt nghiệp khoa Văn làm báo đã đành mà người học khoa Sinh hiện giờ làm giám đốc một đài phát thanh-truyền hình mới tài cũng được người vừa nhận ra mình giữa xôn xao phố xá nhắc với nhiều việc như vừa diễn ra hôm qua và cả những chi tiết phải “khảo cổ”, phải “khai quật” mới nhớ được. Nhìn ra ngã tư phía trước, thấy người từng có những biểu hiện “không uống cà phê sáng với bạn là không được” mà mình ngỡ là bạn giờ đã lìa bỏ để tâm được tịnh trong đời sống hằng theo đuổi sự chân thành và tính chân thật, mình thầm cảm ơn người mà mình chưa từng nghĩ là bạn đang giúp mình hiểu điều gì làm nên vẻ đẹp của những câu hát có âm giai dìu dặt trong quán: …“những mùa đông giá lạnh/ những con đường thanh vắng trong sương/ bước chân người đi không hối hả/ những khuôn mặt không vất vả/ đêm nào trong chăn ấm nghe mưa/ những mùa Đông thắm thoắt thoi đưa/… Mùa đông gặp nhau, khát khao được gần nhau hơn”.
 
***
 
Hơn hai mươi năm trước, với chỉ vỏn vẹn hai câu “Em ơi nắng bỏ trời không tiện/ Vì thế xuân đành khép nép lên” nhưng bài thơ Xuân đành của Trịnh Công Sơn là một trong những thi phẩm làm nên nét đặc sắc của số phát hành đặc biệt của một tờ nguyệt san văn nghệ. Sâu sắc mà nhẹ nhàng và êm dịu, bản lai tâm hồn của một con người đã hiểu “Tháng giêng chưa hẳn là mùa xuân. Tháng hai cũng vậy. Trời cho tôi một cuộc tình êm ái vào tháng tám, tháng mười và bỗng nhiên có mùa xuân: Thế là mùa xuân qua đời tôi không tháng năm, không thời gian, không tuổi tác” được Trịnh Công Sơn viết trong bài Mùa xuân không năm tháng. Một hôm khác, cảm thức về mùa xuân của Trịnh Công Sơn gần như là một niềm tuyệt vọng: “Em ơi tuyết đổ/ Bàng hoàng tuyết rơi/ Mùa xuân tuyết khổ/ Lá cỏ ngậm ngùi/ Em đi nho nhỏ/ Giữa mùa tuyết bay/ Ta đi vô độ/ Giữa mùa tuyết say/ Tim ta vò võ/ Tuyết trở mặt rồi/ Mùa xuân năm ấy/ Mùa xuân năm này/ Hồn ta bỏ ngỏ/ Ai nào ai hay”. Trong mối tương quan với mùa xuân, niềm tuyệt vọng đã có lúc được Trịnh Công Sơn tỏ bày trong một đoản văn uyển chuyển thông điệp thật đẹp về sự sống: …“vào một lúc tưởng chừng như tuyệt vọng nhất, bỗng những con gió lành đến từ các thảo nguyên xa xôi mang theo mùi hương cốm, hương bạc hà của những loài hoa dại đánh thức bạn dậy và làm hồi sinh những mùa xuân đang ngủ quên trong các mạch máu của cơ thể bạn”.
 
Nhiều mùa xuân đã qua trong đời mình, Trịnh Công Sơn đón giao thừa Tết tây và Tết ta như từng viết trong đoản văn Đêm giao thừa: “Đêm giao thừa ngồi một mình và hát "Đừng tuyệt vọng tôi ơi đừng tuyệt vọng. Lá mùa thu rơi rụng giữa mùa đông". Đừng tuyệt vọng vì cuộc đời hồn nhiên đôn hậu vẫn luôn luôn cho ta những ngày vui khác. Những ngày vui của đời thì thênh thang vô tận. Hết cuộc tuyệt vọng này đến một cuộc tuyệt vọng khác biết đâu cũng là một niềm vui. Một niềm vui dù không có thật thì cũng đủ an ủi trong phút chốc… Có những đêm không phải giao thừa mà vẫn có người yêu. Những đêm như thế ta cứ xem như là đêm giao thừa vậy”. Giản dị và tài tình hơn mà vẫn êm ái và chứa chan tình cảm, những vần thơ được Trịnh Công Sơn sáng tác vào mùa xuân tạo ấn tượng rất riêng về đối tượng nghệ thuật là cái sát-na nhỏ bé của thời gian và sự vô thường, là một niềm vui không trọn, là khúc hát dở dang: “Đưa em một nửa lên đường/ Nửa kia còn lại nỗi buồn quẩn quanh/ Mùa xuân phố bội bạc tình/ Bước chân phiền não một mình ta hay”. Khách thể thẩm mỹ ấy trong thơ của Trịnh Công Sơn là chủ thể của “Đường xa mỏng mộng vô thường/ Trái tim chợt tỉnh em nhường nhịn tôi”, là người khiến con người tài hoa Trịnh Công Sơn bối rối với điều tự vấn “Em có hiểu đời cho em là mộng/ Để anh về cứ tưởng một là hai” và sự khẳng định về cảm xúc, cảm giác của mình trong đời sống “Ở đây nếu ở trăm năm/ Xa em tôi có hàng trăm nỗi buồn/ Ở đây nếu ở đây luôn/ Xa em tôi sẽ hồn nhiên ngậm ngùi”.
 
Thăm đóa hoa vô thường của mùa xuân, mình nhận ra một vài giải bày nho nhỏ trong những vần thơ chưa ghép nhạc, những khúc hát trầm giữa những bất toàn của con người cùng với sự đồng cảm và niềm an ủi trước mùa xuân giữa tri âm với tri âm trên trang viết của Trịnh Công Sơn: “…Có thể mùa xuân trước anh vui và mùa xuân này anh đang chết điếng trong lòng. Nhưng mùa xuân vẫn cứ là mùa xuân. …Mùa xuân làm em trẻ trung và mùa xuân cũng là tôi tuổi đời quá nặng. Cứ thế mà mùa xuân là ngày, là tháng, là từng giây phút chúng ta biết chia sẻ cho nhau những ngọt bùi đáng giá. Có vài mùa xuân ở lại. Có nhiều mùa xuân ra đi. Ở lại với người này. Ra đi với kẻ khác. …Nói cho cùng, ai cũng tưởng mùa xuân đến nhưng thật ra mùa xuân cứ còn ở đó, bên cạnh đời ta. Mỗi giây phút trong đời nếu ta biết sống, biết hàm ơn mà không chút trách cứ, mùa xuân sẽ vì ta mà vĩnh viễn ở lại, ở gần”.
Nguyễn Bội Nhiên