Kỷ niệm 1980 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng (40-2020):

Canh Tý năm 40: Mốc son chói lọi

  • 23:29 | Thứ Bảy, 25/01/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sau khi nước Âu Lạc bị Triệu Đà thôn tính, chia thành hai quận Giao Chỉ (Bắc Bộ) và Cửu Chân (Bắc Trung Bộ), chúng cử quân lính, quan lại, sang chiếm đóng, cai trị. Năm Tân Mùi (năm 111 TCN), nhà Hán đưa hàng vạn quân xuống đánh Nam Việt, đất đai Âu Lạc chuyển sang tay nhà Hán, đất nước bị giày xéo, nhân dân bị đoạ đày, đau khổ. Nhà Hán thực hiện chính sách bóc lột và đồng hoá, âm mưu biến nước ta thành quận huyện của triều đình phương Bắc.
 
Không cam chịu sự áp bức bóc lột của bọn quan lại nhà Hán, nhiều cuộc đấu tranh của nhân dân đã nổi lên và đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng vào đầu công nguyên.Theo sử sách, Trưng Trắc và Trưng Nhị là hai chị em ruột, con của Lạc tướng huyện Mê Linh (miền Sơn Tây và Vĩnh Phú ngày nay) thuộc dòng dõi Hùng vương. Trưng Trắc có chồng là Thi Sách, con trai của Lạc tướng huyện Chu Diên, một người yêu nước, có chí khí quật cường bị thái thú Tô Định giết chết. Mùa xuân, tháng 3 năm Canh Tý - năm 40, Trưng Trắc cùng em là Trưng Nhị quyết định dựng cờ khởi nghĩa ở cửa sông Hát. Những người yêu nước ở khắp nơi kéo về Mê Linh tụ nghĩa.
 
Theo Đại Việt sử ký tiền biên, lúc xuất quân chưa mãn tang chồng, bà Trưng Trắc vẫn trang điểm đẹp, các tướng hỏi bà nói: “Nếu giữ lễ mà làm xấu dung nhan thì nhuệ khí tự nhiên suy kém. Cho nên ta mặc đẹp đẽ để mạnh thêm sắc của quân, khiến cho quân giặc khiếp sợ thì dễ giành phần thắng”.  Theo Thiên nam ngữ lục, áng sử ca dân gian cuối thế kỷ XVII, trên đàn thề, trước ba quân tướng sĩ Bà Trưng đã nêu rõ mục tiêu của cuộc khởi nghĩa là đền nợ nước, trả thù nhà:
 
Một xin rửa sạch nước thù,
Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng,
Ba kẻo oan ức lòng chồng,
Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này.
 
Từ Mê Linh, nghĩa quân tiến đánh Luy Lâu (Thuận Thành - Bắc Ninh), thủ phủ của chính quyền Đông Hán ở quận Giao Chỉ. Hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, các quận khác như Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố nhất tề đứng dậy và được tập hợp, thống nhất lại thành một phong trào nổi dậy mạnh mẽ của dân chúng từ miền xuôi đến miền núi của người Việt và các thành phần dân tộc khác trong nước Âu Lạc cũ. Chỉ trong một thời gian ngắn, cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã tập hợp được “65 huyện thành”. Chính quyền đô hộ tan rã và sụp đổ nhanh chóng, thái thú Tô Định và bọn quan lại Đông Hán hoảng sợ bỏ cả thành trì, ấn tín trốn về Nam Hải.
  Đền Hai Bà Trưng ở Mê Linh – Hà Nội . Ảnh Internet
Đền Hai Bà Trưng ở Mê Linh – Hà Nội . Ảnh Internet
Khởi nghĩa thắng lợi, nền độc lập dân tộc được khôi phục, bà Trưng Trắc được suy tôn làm vua (Trưng Nữ Vương), đóng đô ở Mê Linh. Ngay khi đánh đuổi quân xâm lược ra khỏi bờ cõi, Trưng Nữ Vương đã thực hiện chính sách miễn thuế cho dân chúng trong hai năm, xoá bỏ chế độ lao dịch trong những năm cầm quyền.
 
Trước thất bại nhục nhã, tháng 4 năm 42 vua nhà Hán sai tướng Mã Viện đem hai vạn quân cùng hàng nghìn thuyền xe sang xâm lược nước ta lần nữa. Được tin Mã Viện vào Lãng Bạc (Yên Sơn, Hà Bắc), Hai Bà Trưng cùng các tướng lĩnh phát quân từ Mê Linh tiến đánh địch. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt nhưng vì so sánh tương quan lực lượng quá chênh lệch, quân của Trưng Vương phải lui về Cẩm Khê (Yên Lạc, Vĩnh Phú). Sau gần một năm trời anh dũng chiến đấu, cuối cùng quân ta tan vỡ. Hai Bà Trưng về Hát Môn rồi gieo mình xuống sông Hát Giang tự tận.
 
 Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng chỉ đem lại nền độc lập dân tộc trong gần ba năm nhưng thật vĩ đại bởi lẽ, đó là cuộc khởi nghĩa đầu tiên chống lại nhà Hán đang thời kỳ hưng thịnh. Dưới thời phong kiến, các triều đại phương Bắc đều coi các dân tộc khác là “man di”, các đất nước khác đều là “nội thuộc” buộc phải phục tùng “thiên triều”, “thiên tử”. Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng là sự thức tỉnh tinh thần dân tộc; là sự “phủ định hiên ngang” cái uy quyền “ bình thiên hạ” của đế chế Hán để giành lại độc lập tự do cho đất nước[1].
 
Sách Đại Việt sử ký tiền biên viết: “Nước An nam nội thuộc đã lâu, phục tùng pháp chế cho là nên, chịu bọn tướng lại thống trị cho là thường. Những điều oán giận chất thành gò, họ gạt đi cho là tâm địa trẻ con, thường khi nghĩ đến chuyện nổi dậy thì họ cho Phương nam không phải đất dụng võ mà người thì nhút nhát. Lại chính lúc nhà Hán vừa trung hưng, đông đảo người chí dũng, ai dám đưa chút thân hèn mọn chạm vào cơn tức giận của hùm beo”[2].
 
  Thế nhưng hai chị em người nước Nam dám đứng lên phất cờ khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của bọn phong kiến phương Bắc. Sử thần Ngô Thì Sĩ viết: "Không gì khó thu phục bằng lòng người, không gì khó tập hợp bằng thế nước, cũng không gì khó bằng một phụ nữ mà tập hợp được nhiều nam giới làm người cùng chí hướng với mình… Thế mà Bà Trưng là đàn bà góa búi cao mớ tóc, trai tráng trong nước đều cúi đầu nghe bà chỉ huy, những người lớn ở năm mươi mấy thành cũng phải nín hơi không dám trái lệnh… Tiếng tăm của Hai Bà chấn động cả Di Hạ; cơ ngiệp của Hai Bà ngang dọc khắp đất trời. Ôi, anh hùng quá!”[3]…
 
Trong đội quân khởi nghĩa của Hai Bà Trưng còn có hàng chục tướng sĩ là phụ nữ như bà Lê Chân, Thành Thiên, Diệu Tiên, Vĩnh Huy, Liễu Giáp… đã anh dũng chiến đấu mở đầu cho truyền thống chống ngoại xâm của phụ nữ Việt Nam, niềm tự hào của cả dân tộc.
 
Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh giải phóng suốt mười thế kỷ để đi đến chiến thắng oanh liệt của Ngô Quyền trên sông Bach Đằng đánh đuổi quân Nam Hán cuối năm 938 kết thúc hoàn toàn nghìn năm Bắc thuộc, mở ra thời kỳ độc lập lâu dài của dân tộc. Chính vì thế, cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng mùa xuân năm Canh Tý - 40 là mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, niềm tự hào của dân tộc Việt Nam với bốn nghìn năm lịch sử.
 
Phan Viết Dũng
 
[1] Xem Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam. Lịch sử Việt nam. T1. HN.1976. Tr83
(2). Đại Việt sử ký tiền biên. Nxb Khoa học xã hội. Hà Nội. 1997. Tr75
(3).  Đại việt sử ký tiền biên. Tr 76