Đẹp hơn tiếng hát

  • 08:32 | Thứ Tư, 29/01/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong bối cảnh các giá trị văn hóa dân gian đứng trước nguy cơ bị mai một thì Hoàng Việt Anh (18 tuổi, ở thôn Cây Da, xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa) đã tự viết nên cho mình một câu chuyện thật ý nghĩa về hành trình yêu và “gieo” tình yêu văn hóa dân gian đến các bạn trẻ.
 
Trọn niềm yêu
 
Tiếng hát mộc mạc, ngọt bùi của Hoàng Việt Anh đưa chân chúng tôi đến với thôn Cây Da, xã Xuân Hóa, miền sơn cước điệp trùng, quanh co đèo dốc vờn mây. Chính nơi đây, những làn điệu dân ca Minh Hóa qua lời ru của bà ngoại Việt Anh len sâu vào giấc ngủ, vào tuổi thơ của cậu bé, để rồi neo bám, vun đắp thành niềm yêu tự lúc nào.
 
Cùng xã với Việt Anh có nghệ nhân dân gian Đinh Thị Phương Đống nổi tiếng với giọng hát dân ca ngọt ngào, truyền cảm hiếm có. Hâm mộ bà Đống, Việt Anh mạnh dạn xin bà truyền dạy. “Vừa học phổ thông, vừa học nhạc, sợ con vất vả nên vợ chồng tôi lúc đầu cũng can ngăn. Nhưng vì đam mê của con, chúng tôi đành lòng cho con đi.”, anh Hoàng Văn Thanh, bố Việt Anh nhớ lại.
 
Đến bây giờ, nghệ nhân Đinh Thị Phương Đống vẫn không quên ngày đầu Việt Anh đến xin học. Bà bảo, tất cả các lớp mà bà đi tập huấn hết nơi này nơi khác đều do huyện chỉ đạo. Việt Anh là người đầu tiên tự nguyện xin bà truyền dạy nên bà rất mừng. Vậy là từ đó, một già, một trẻ cùng say mê cất lên những điệu hò hát. Trong mỗi buổi dạy, nghệ nhân Phương Đống luôn giải thích cho Việt Anh về hoàn cảnh ra đời, ý nghĩa sâu xa của từng làn điệu, từng ca từ, bởi theo bà, có hiểu thì mới yêu sâu đậm được, mà sâu đậm thì mới không từ bỏ.
Trong các buổi học, Việt Anh thường được nghệ nhân Đinh Thị Phương Đống giải thích về ý nghĩa của các làn điệu dân ca.
Trong các buổi học, Việt Anh thường được nghệ nhân Đinh Thị Phương Đống giải thích về ý nghĩa của các làn điệu dân ca.
Bà lo Việt Anh tuổi trẻ lắm niềm vui, tình yêu dân ca hời hợt như nhiều bạn trẻ khác. Nhưng đó bà lo xa, 3 năm trời, thứ 7, chủ nhật hàng tuần, cậu học trò nhỏ vẫn miệt mài. “Học cả đêm cả ngày, tôi rảnh là cháu đến học. Thời gian tôi bị tai nạn nằm liệt một chỗ 4, 5 tháng, tôi nằm trên giường, cháu ngồi dưới sàn nhà học. Có những hôm mưa gió, Việt Anh vẫn mặc áo mưa gõ cửa gọi là tôi dậy, hai bà cháu hát với nhau đến 22, 23 giờ đêm cháu mới về.”, bà Đống tâm sự. 
 
Bây giờ Việt Anh đã rất vững vàng trong tất cả các làn điệu, khó nhất là điệu đàn ru em cũng đã thông thạo và biểu diễn thành công trong hội rằm tháng 3 năm 2019 của huyện. Bà Đống tự hào: “Lứa tuổi như thế này mà hát được điệu này chững chạc là công chúng họ mến mộ, hoan nghênh lắm. Chỉ có người Minh Hóa mới hát được dân ca Minh Hóa vì nói tiếng Nguồn mới đúng được.”
 
Trọn vẹn tình yêu cho văn hóa dân gian, Việt Anh quyết tâm học thêm đàn bầu, sáo, nhị, trống, xập xỏa. Con đường đi học xa hơn một chút khi em tìm học đàn bầu với một nghệ nhân ở Quy Đạt. Mẹ em, chị Đinh Thị Kim Hoa xót con: “Thương con đi một mình đêm khuya nên hai mẹ con cùng đi. Sau con nói mẹ cứ ở nhà, con tự đi được.”
 
Hành trình dài với dân ca mà Việt Anh trải qua, có lẽ không ai không mến phục ý chí, tâm huyết của cậu học trò nhỏ, vậy nhưng với em, việc này không có gì to tát cả. Việt Anh chia sẻ: “Hát dân ca mà có tâm hồn yêu quê hương, dân tộc thì hát rất đơn giản”. Và chính tình yêu quê hương đã thôi thúc em làm nhiều hơn cho dân ca. 23 học sinh trong xã, đều đặn trong 2 buổi tối cuối tuần được Việt Anh vận động tập trung về sân nhà em để học. Những hôm bà Đống bận công chuyện, Việt Anh thay bà dạy cho các bạn. “Khi anh Việt Anh kêu cháu qua học thì ban đầu cháu thấy khó, nhưng khi quen dần thì thấy dễ hơn và rất hay”, em Đinh Mai Đức Bảo, học sinh lớp 6 Trường THCS Xuân Hóa chia sẻ.
 
Giọng hát của cậu học trò nhỏ Việt Anh thật hay, thật đẹp. Và đẹp hơn cả tiếng hát ấy, chính là tình yêu em dành cho dân ca và những nỗ lực đáng trân quý của một người trẻ để góp phần giữ gìn giá trị văn hóa dân gian của quê hương.
 
“Văn hóa dân gian-ngọc từ cuộc sống”    
 
Nỗ lực của Việt Anh càng đáng quý hơn trong bối cảnh các giá trị văn hóa dân gian đang dần mai một bởi một thực tế đáng buồn là sự thờ ơ của đa phần người trẻ. Ông Đinh Xuân Đình, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam huyện Minh Hóa chia sẻ: “Tôi rất mến mộ em Việt Anh. Rất hiếm có người hăng say, đam mê với dân ca và hoạt động nhiệt tình như em. Em là nhân tố để thúc đẩy phong trào hát dân ca ở địa phương đi lên."
Việt Anh cùng các bạn nhỏ trong xã học hát dân ca.
Việt Anh cùng các bạn nhỏ trong xã học hát dân ca.
Cho rằng, các giá trị văn hóa dân gian chính là ngọc kết tinh từ trong cuộc sống mà nếu không được trao truyền, chắp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác thì sẽ bị đứt gãy, nhà văn Nguyễn Thế Tường, Thường trực Hội VHNT Quảng Bình nhìn nhận: “Mở cửa văn hóa, chúng ta có nhiệm vụ tiếp nhận, chọn lọc và thậm chí phải có động tác kháng cự lại một số luồng văn hóa không lành mạnh. Muốn vậy, chúng ta phải có nội lực văn hóa dân tộc, đặc biệt là văn hóa dân gian được kết tinh hàng trăm, hàng nghìn năm.”
 
Quảng Bình hiện có khoảng 90 CLB văn nghệ dân gian, tuy nhiên tỷ lệ thanh thiếu niên tham gia chỉ là một con số ít ỏi. Làm sao để giới trẻ quan tâm và ý thức được trách nhiệm của mình trong gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa dân gian, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao Nguyễn Mậu Nam trăn trở: “Cần tạo điều kiện cho giới trẻ tiếp xúc với các giá trị văn hóa dân gian. Các địa phương có thể học tập Lệ Thủy là đưa văn nghệ dân gian (hò khoan) vào trường học. Đồng thời, có cơ chế khuyến khích các hoạt động, dự án của giới trẻ về văn hóa dân gian.”
 
Cùng với nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, những nghệ nhân dân gian đầy tâm huyết, những gì mà Hoàng Việt Anh đã và đang làm bằng tình yêu hồn nhiên nhưng sâu sắc dành cho dân ca có lẽ phần nào cho chúng ta niềm tin rằng, những giá trị văn hóa dân gian, hồn cốt của dân tộc sẽ không bao giờ mất đi. 
 
Phương Thảo