Đậm đà bản sắc văn hoá dân gian vùng thượng nguồn sông Gianh

  • 08:58 | Thứ Bảy, 07/12/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thượng nguồn sông Gianh là vùng đất cư trú của cộng đồng dân cư nằm ở phía tây huyện Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn. Trải qua nhiều thế hệ, cư dân nơi đây đã chung lưng đấu cật khai phá vùng đất nhỏ hẹp đôi bờ sông Gianh, những thung lũng giữa hai sườn núi và các bãi bồi ven sông để tạo lập làng xã, lao động xây dựng cuộc sống. Trong quá trình tồn tại và phát triển, với sự cần cù, sáng tạo, ứng xử với thiên nhiên, con người nơi đây đã sáng tạo những nét văn hóa dân gian độc đáo, đặc sắc, sinh động, phản ánh tâm tư, tình cảm qua các loại hình dân ca, ca dao, câu đối, truyện cười…
 
Trong thể loại dân ca, nổi trội là hò. Đây là loại hình nghệ thuật ra đời trong lao động, âm hưởng chất phác, mộc mạc với những câu hò bày tỏ tình cảm yêu đương, hò đối đáp, giao duyên trữ tình, đằm thắm, dí dỏm. Ví như, nữ hò: “Hò ơi! Hai tay em cầm một nạm ngô rang/Đố anh đúc mô mà mọc/Thiếp theo chàng hôm ni". Nam đáp: “Hò ơi! Em ơi chỗ nào nắng hạn khô lâu/Mà trời mưa không ướt anh đúc mô mọc liền”.
 
Đứng chân trên mảnh đất nhỏ hẹp đôi bờ sông Gianh, một bên là núi, một bên là sông, đất đai kém màu mỡ, họ vẫn vượt lên khó khăn, mưa dầm gió rét để lao động, sản xuất, điệu hò của họ vẫn vang lên đầy lạc quan, yêu đời, yêu người,  dí dỏm: Nam hò: “Hò ơi! Trời mưa gió rét tràn đồng/Mà tội tình chi em rứa chổng mông lên trời". Nữ đáp: “Hò ơi! Anh ơi nghề em nông vụ kịp thời/Mà em không chổng mông như rứa anh lấy gì mà chơi”.
 
Sau vụ mùa, những đêm trăng, trai gái thường rủ nhau tới các bờ đê, bến sông giữa hai làng ven sông để hò đối đáp: “Tiếng ai văng vẳng bên sông/Có phải người đó thì mời sang ăn trầu/Trầu em têm tám miếng hai cơi/Cau lưng trò đỏ hạt xin mời bạn ăn”.
Dòng Gianh thơ mộng đã đi vào thơ ca, hò vè.
Dòng Gianh thơ mộng đã đi vào thơ ca, hò vè.
Tình cảm yêu đương, chờ đợi khắc khoải, ngóng trông nhau của những đôi trai gái được gửi gắm qua những điệu hò lắng đọng lòng người: Nam hò: "Em về ngược gió sang mưa/Thuận buồm xuôi gió biệt mong xa chàng/Em về anh cũng về theo/Lên truông cát nóng lội đèo đá dăm”. Nữ đáp: “Cát nóng đưa lưng em cõng/Đá dăm em lượm sạch đường em đi”.
 
Hò hát đối đáp, giao duyên là cơ hội cho trai gái bày tỏ tình cảm của mình. Nam hò: “Hỡi là em ơi, tui ở xa xa nghe tiếng chày khắc cối/Chứ lòng tui bối rối cũng tới đây/Tui xin chào bạn một đôi lời tình tứ để bắt tay giao hòa” . Nữ đáp: “Hỡi anh ơi, em đến nơi đây anh thì cũng lạ, em cũng lạ/Hỏi anh thôn xã nào, anh xưng danh báo, để cho má đào xưng tên”.
 
Họ hò hát say sưa đến lúc tan hội làng vẫn chưa muốn về, họ tiễn nhau, tay cầm tay, mắt nhìn mắt mà lòng vẫn luyến lưu: “Mình về ta chẳng cho về/Ta nắm lai áo ta đề bài thơ/Bài thơ ba chữ rành rành/Chữ trung chữ hiếu, chữ tình là ba/Chữ trung để dành phần cha/Chữ hiếu phần mẹ, đôi ta chữ tình…"
 
Các loại hò: hò khoan, hò giã gạo, hò chèo đò… thường được sử dụng trong cuộc sống, trong lao động. Hò giã gạo ra đời trong lao động, trai gái hò bên cối giã gạo, hò khi cấy lúa để tỏ tình.
 
Các loại hình văn hóa dân gian vùng thượng nguồn sông Gianh rất phong phú và đa dạng. Đặc biệt, hò nhân nghĩa là biểu hiện các cung bậc về tình cảm, về lòng chung thủy, về chữ nhân, chữ nghĩa. Hơn ai hết, người con gái phải có bổn phận với công ơn cha mẹ. Ví như, nam hò: “Anh thương em không dám vô nhà/Giả bộ đi quanh hàng xóm hỏi gà có bán không?”. Nữ đáp: “Anh ơi phận rể thì phải lòn ra cúi/Anh phải gắng công sớm túi đến thăm/Dù có lâu chăng nữa cũng một vài năm…”
 
Ca dao dân ca, hò đối đáp, hò nhân nghĩa, hò giao duyên… là kho tàng văn học dân gian đáng quý, có giá trị của vùng đất thượng nguồn sông Gianh. Nó được sáng tạo, gắn bó với rừng núi, với khe suối, với bờ tre, bến nước, sân đình, với đầu sông, câu hò, điệu hát, vẫn lưu truyền qua bao thế hệ, hun đúc bản lĩnh, cốt cách, tình cảm của con người nơi đây. Dòng văn học dân gian truyền thống của vùng đất này là di sản văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc cần được khai thác, bảo tồn, phát huy giá trị trong xu thế hội nhập, trong phát triển du lịch văn hóa hiện nay của Quảng Bình.
 
     Tạ Đình Hà