Bánh mì cho người nghèo

  • 15:11 | Thứ Sáu, 20/12/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tôi từng thấy quán cơm “hai nghìn” hay thùng nước uống miễn phí đặt bên đường dành cho người khó khăn, cơ nhỡ nhưng bánh mì cho người nghèo thì lần đầu chứng kiến. Lần đó, tôi đưa vợ đi khám ở bệnh viện đa khoa thành phố. Tới cổng bệnh viện, vợ vẫy tay tạm biệt rồi trấn an chồng bằng nụ cười gắng gượng: “Chắc bệnh chẳng sao đâu, anh cứ đứng đây đợi em”.
 
Tôi dạt xe vào bên lề, đang mải nhìn vợ căng thẳng nhích từng bước trong dòng xe xuôi ngược để qua đường, bỗng giật mình nghe giọng nhỏ nhẹ sát bên: “Anh cảm phiền tránh ra cho tí để bà con nhìn thấy…” Tôi ngoảnh sang, gặp ngay nụ cười hiền lành cùng gương mặt đẹp, không long lanh sáng chói nhưng khả ái, ưa nhìn. Cô gái khoảng ngoài ba mươi, vừa nói vừa chỉ vào tủ bánh mì đặt sát mé đường. Tôi lí nhí “xin lỗi” rồi vội dắt xe lên lề để khỏi che tủ bánh. Sau khi nhắc ông khách vô ý, cô quay lại tiệm thuốc tây ngay phía sau; ở đó có mấy khách hàng đang chờ cô.
 
Bấy giờ tôi mới nhìn kỹ tủ bánh mì to. Sau lớp kính trong suốt là những chồng bánh được xếp ngay ngắn, chắc phải hơn trăm ổ; mỗi ổ bánh được cho vào bao nilon như muốn giữ vệ sinh cho người dùng, cả khi tay không được sạch. Đây là bánh mì bơ, loại lớn; người ăn khỏe thì mỗi sáng “làm” một ổ là đủ năng lượng tới trưa. Phía trên mặt tủ là dòng chữ đỏ nổi bật “BÁNH MÌ DÀNH CHO NGƯỜI NGHÈO”. Dòng chữ thật đến trần trụi kia có thể làm cho ai đó chạnh lòng tủi phận nhưng rõ ràng không thừa. Bởi chỉ đứng một lúc thôi nhưng tôi thấy có người không “chính danh” vẫn cố tình “cầm nhầm”; cả dòng nhắc nhở “một người một ổ” cũng có khi bị phớt lờ. Tất nhiên, đó là số rất ít.
 
Đông hơn cả là những người từ cổng bệnh viện ra, nối nhau đi lại bên tủ bánh. Màu áo bệnh nhân cùng vẻ mặt đờ đẫn, hốc hác đã phần nào cho thấy sự bất hạnh của những con người đáng thương. Nhiều người đứng nhìn dòng chữ trên tủ hồi lâu rồi mới rụt rè mở tủ lấy một ổ bánh. Trước khi quay vào viện, có người đưa tay về phía nữ chủ nhân, giọng chân thành: “Xin cảm ơn chị nhé!” Đáp lại là cái vẫy tay cùng tiếng cười ấm áp: “Chúc các bác sớm bình phục!” Tôi vui vui với ý nghĩ, những con người vốn xa lạ, chắc còn chưa biết tên nhau nhưng sao gần gũi quá chừng.
 
Bỗng đâu xuất hiện người đàn ông chạy lại bên tủ bánh, với vẻ lấm lét đáng ngờ. Anh ta ngồi trên chiếc Dream II trờ tới, ngó trước ngó sau rồi vội vàng bốc liền mấy ổ bánh bỏ vào cái túi đen và rồ ga phóng đi. Kẻ mờ ám xuất hiện đúng lúc nữ chủ nhân không có ở quầy thuốc, lại nhanh đến mức tôi không kịp phản xạ, cứ ngơ ngác nhìn. Lâu sau, cái thằng tôi chậm chạp mới cay đắng nghĩ, nhận của từ tâm sao chụp giật như móc túi!? Sau tiếng thở dài là nỗi bất bình lẫn bực tức dâng đầy.
 
Chưa hết ngạc nhiên về người đàn ông tham lam, tôi lại tròn mắt nhìn chiếc SH đột ngột dừng lại bên tủ bánh. Quả thật, tôi chưa thể hình dung người phụ nữ cùng đứa con trai khoảng bảy tuổi đang ngự trên con xe sang trọng kia sẽ làm gì với những ổ bánh dành cho người nghèo. Tôi bất ngờ nghe người mẹ trẻ bảo con: “Xuống lấy đi con!”; liền đó, chị ta dựng chân chống để nghiêng xe, như có ý cho con dễ bước xuống.
 
Thằng bé không nhúc nhích, lại lắc đầu từ chối nguây nguẩy. Sự kiên trì và hy vọng của người mẹ vẫn chưa tắt, chị xoay lại vỗ nhẹ vào con vừa như khích lệ vừa như hối thúc: “Xuống lấy đi con, bánh cho không mà!” Đứa con vẫn ngồi im, miệng lầm bầm, khó chịu: “Đây là bánh cho người nghèo, trong khi mẹ vẫn bảo nhà mình có điều kiện cơ mà!?” Người mẹ vẫn dỗ ngọt nhưng đáp lại là giọng cộc lốc, phũ phàng: “Con không!” Thằng bé nhăn nhó, thúc giục: “Đi, đi mẹ! Đi, đi mẹ!”. Chẳng đặng đừng, chiếc xe vọt đi trong tiếng càm ràm của người mẹ.
 
Khi người đàn ông đi xe Dream II quay lại lấy bánh mì lần nữa thì tôi không thể im được. Lúc bàn tay ấy xòe ra như cái cào lúa để lùa những ổ bánh trong tủ vào bao nilon, tôi bước tới ngăn lại; bực lắm nhưng vẫn cố dằn lòng, dịu giọng: “Này anh, anh không thấy dòng khuyến cáo mỗi người chỉ lấy một cái sao?” Anh ta giật mình, khựng lại, trừng mắt nhìn người đối diện. Chỉ một thoáng bối rối rồi kẻ ấy lấy ngay lại vẻ lì lợm, vênh mặt thách thức: “Mắc mớ chi đến ông, xỏ vô làm gì?!” Đúng là gái đĩ già mồm, tôi không còn kìm được cảm xúc, cố nói to để người đứng quanh cùng nghe: “Giành hết phần của người nghèo như thế mà không thấy nhục à!?” Và hiệu quả tức thì, cái tay bốc hốt bỗng rụt lại như chạm phải điện. Liền đó, bàn tay ấy chuyển sang thế công với nắm đấm chĩa thẳng về phía tôi nhưng những lời phản đối đồng thanh ào lên như sóng khiến gã tái mặt.
 
Vừa lúc, nữ chủ nhân tủ bánh rời quầy thuốc, bước ra; chị đứng về phía tôi, cùng trố mắt nhìn người đàn ông nọ. Gương mặt phúc hậu đượm buồn, chị lắc đầu, thất vọng: “Sao anh lấy nhiều thế? Để cho người khác nữa chứ!” Kẻ ấy cúi gằm rồi hằm hằm vọt lên xe phóng đi, không quên ném lại ánh mắt hình viên đạn, cứ như muốn găm vào tôi.
 
Trước khi vợ tôi khám bệnh xong và cùng về, tôi còn thấy một người nữa đi ngang qua tủ bánh mì. Đó là bà cụ đẩy xe nước mía. Cụ chắc khoảng tám mươi, cái chân trái bị tật nên mỗi bước đi cứ phải lấy đà-chân phải bước lên làm trụ rồi mới kéo lê chân kia. Khi tới trước tủ bánh, cụ tần ngần đứng nhìn giây lát, vẻ như muốn ăn bánh nhưng không hiểu sao lại đẩy xe đi tiếp. Tới bóng cây xà cừ gần đó, cụ đẩy xe lên lề. Thấy cụ hì hục cho xe lên cao, tôi vội chạy lại trợ giúp. Cụ tươi cười, xuýt xoa trong hơi thở gấp: “Quý quá, cảm ơn cậu!”
 
Tiện tay, tôi lấy mấy bộ bàn ghế con bày ra; lại căng tấm bạt giúp cụ rồi ngồi xuống mở hàng. Đang sớm với những cơn khát nên chưa có khách uống nước, cụ nhẩn nha trò chuyện một lúc rồi điểm tâm. Tôi ái ngại nhìn bữa sáng của cụ là hộp cơm nhỏ, phía trên chỉ có mấy lát thịt xào dưa. Cơm nguội, hình như nấu bị khô nên cụ khó nuốt; gân cổ cứ nổi lên mỗi khi và cơm. Sau mỗi miếng cơm, cụ lại chiêu hớp nước lọc để tránh mắc nghẹn.
 
Tôi nhìn cụ rồi chỉ về phía tủ bánh mì: “Sao cụ không lấy ổ bánh ăn cho tiện.” Đáp lại là giọng thật thà: “Bánh mềm, dễ nuốt nhưng tôi đem cơm đây rồi; bánh để dành cho người cơ nhỡ được ấm lòng.” Sau mấy và cơm, cụ ngừng đũa, nói tiếp: “Sức tôi chỉ ăn được nửa cái bánh đó thôi; phần còn lại để qua hôm sau thì hỏng, bỏ thì phí nên tự mình liệu cơm gắp mắm thì hợp hơn, cậu ạ”.
 
Lời bình thường ấy khiến tôi rưng rưng, lặng người.
Nguyễn Trọng Hoạt