Một thoáng nước Nga - Bài 3: Sankt Peterburg cổ kính

  • 08:39 | Thứ Ba, 12/11/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tạm biệt Matxcova, Xéc-gây tiễn chúng tôi ra tàu đi Sankt Peterburg (St.Petrburg). Đoàn tàu tốc hành lao nhanh về phương Bắc qua những cánh đồng, cánh rừng bất tận. Thỉnh thoảng mới thấy một xóm làng bình yên giữa thảo nguyên bao la. Đón chúng tôi ở sân ga cũng là một hướng dẫn viên người Nga trông trẻ hơn Xéc-gây. Anh giới thiệu: “Tôi là Ali nhưng các bạn ở Việt Nam gọi tôi là Alibaba”. Ali nói tiếng Việt còn thông thạo hơn Xéc-gây vì anh học ở thành phố Hồ Chí Minh sau đó có thời gian ở lại làm việc trong lãnh sự quán.
 
St.Petrburg nằm trên 42 hòn đảo lớn nhỏ trong châu thổ sông Nêva thông ra vịnh Phần Lan. Trước đây, St.Petrburg từng là kinh đô của đế chế Nga, có nhiều công trình xây dựng của các Nga Sa Hoàng nên được mệnh danh là “thành phố của các cung điện và tượng đài”.
 
Địa điểm đầu tiên Ali đưa chúng tôi đến là Pháo đài Petropavlovsk do Pie Đại đế cho xây dựng vào năm 1703, đặt nền móng cho thành phố St. Petrburg hoa lệ. Nằm bên sông Nêva thơ mộng bao quanh là những bức tường dày, phía trong là các công trình quân sự. Đặc biệt ở đây có nhà thờ Petropavlov nơi mai táng các Nga Sa Hoàng từ thời Pie Đại Đế (1682-1725) đến Alexander III (1881-1894) và của các thánh tử vì đạo.
 
Không thể đi hết các lâu đài, cung điện của các Nga Hoàng và giới quý tộc ở St. Peterburg, Ali dẫn chúng tôi đến tham quan một số cung điện được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Xe chạy về hướng tây cách trung tâm thành phố chừng 20km, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của Cung điện mùa hè (Peterhof) được xây dựng từ năm 1714 theo ý tưởng của Pie Đại đế để có một lâu đài lưu danh hậu thế.
 
Sau khi tham quan các căn phòng xa hoa, lộng lẫy, chúng tôi xem vườn ngự uyển đẹp như cảnh thần tiên. Giữa những cánh rừng đang mùa thay lá là một con kênh thẳng tắp nối ra vịnh Phần Lan. Một công viên nhiều bậc với 140 đài phun nước và các bức tượng hình nhân mạ vàng được tạc theo điển tích thần thoại Hy Lạp lấp lánh trong nắng.
 
Lúc này, hàng nghìn du khách tập trung bên những hồ nước để đợi phút giây kỳ diệu xảy ra trong mỗi ngày. Đúng 11 giờ trưa, 140 đài phun nước hoạt động trong điệu nhạc trầm mặc của bản thánh ca của Reinhold Glieres. Điều đáng nói ở đây là các đài phun nước không sử dụng máy bơm mà dựa vào nguyên tắc bình thông nhau, lấy nước từ con suối Ropsha cách đó chừng 20km để tạo áp lực cho các đài tự động phun. Được biết, trong chiến tranh thế giới thứ hai, Cung điện mùa hè bị tàn phá, nhưng sau đó được chính quyền và nhân dân thành phố khôi phục nhằm bảo vệ một di sản văn hóa của nhân loại.
 Cung điện mùa hè.
Cung điện mùa hè.
Ngày thứ hai, chúng tôi đến tham quan Cung điện mùa đông được xây dựng từ năm 1754 đến 1762 do kiến trúc sư người Ý B.F.Rastrelli thiết kế theo chỉ đạo của Hoàng hậu Elizaveta.
 
Có quy mô tới 90.000m2 với 700 phòng trang hoàng lộng lẫy, cung điện là nơi ở của các Nga Hoàng cho đến ngày 7-11-1917 khi Cách mạng Tháng Mười bùng nổ. Năm 1922, toàn bộ tòa nhà được giao cho Bảo tàng quốc gia Hermitazh, một trong những bảo tàng lớn nhất thế giới. Gần 3 triệu hiện vật gốc trong đó có hơn 15.000 tác phẩm hội hoạ, 12.000 bức tượng, 620 bản khắc và 1 triệu bản phù điêu của các thời đại, các quốc gia trên thế giới.
 
Hơn hai tiếng tham quan bảo tàng, chúng tôi như lạc giữa mê cung của hội họa và điêu khắc. Ali nói: “Các chuyên gia tính rằng, chỉ cần để 1 phút cho một tác phẩm trưng bày bạn phải mất 11 năm để tham quan tất cả.”
 
Đến St.Peterburg, bên cạnh các cung điện Nga Hoàng, các nhà thờ cũng là công trình kiến trúc tuyệt vời, có lịch sử lâu đời. Một trong các nhà thờ chúng tôi đến tham quan là nhà thờ Thánh Issac, vị thánh bảo mệnh của Pie Đại đế, người sáng lập nên thành phố, được xây dựng từ năm 1818 đến năm 1858 theo phong cách tân cổ điển Byzatine truyền thống như các nhà thờ Hy Lạp. Bên ngoài với 112 cột đá granit, mỗi cột nặng 114 tấn chống đỡ cho cho toàn bộ công trình. Mái vòm chính của nhà thờ cao 101,5m được mạ 100kg vàng nguyên chất. Bước vào bên trong, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng trước vẻ đẹp lộng lẫy của hàng trăm bức tranh thánh được khảm các loại đá quý, ngọc nhiều màu và bằng 43 chất liệu khác nhau.
Tác giả bài viết bên chiến hạm Rạng Đông.
Tác giả bài viết bên chiến hạm Rạng Đông.
Trước nhà thờ Thánh Issac có bức tượng “Kỵ sỹ đồng xanh” nổi tiếng được làm theo ý nguyện của nữ hoàng Ekaterin II bắt đầu từ năm 1768 đến năm 1778 mới hoàn thành. Bức tượng khắc hoạ hình ảnh Pie Đại đế trên lưng ngựa hai chân trước tung vó hướng ra biển cả, hai chân sau dẫm lên con rắn khổng lồ được đặt trên một bệ đá hoa cương đỏ nguyên khối. Người ta giải thích đó là hình tượng của vị Nga Hoàng đầu tiên của nước Nga dẫm lên cái ác, khát vọng vươn ra biển lớn. 
 
Đến St.Peterburg không thể không đến thành phố Puskin cách trung tâm thành phố St.Peterburg 30 km về phía nam. Trước kia đây là khu làng Hoàng gia, có cung điện Ekaterina lộng lẫy, trường học đào tạo con cháu Nga Hoàng và các tầng lớp quý tộc mà Puskin từng học. Năm 1937, kỷ niệm 100 năm ngày mất của đại thi hào, Nhà nước Liên Xô đặt tên cho vùng đất này là quận Puskin, sau đó đổi là thành phố Puskin, nơi có những kỷ niệm ấu thơ và cuộc đơi thăng trầm của “Mặt trời thi ca Nga”.
 
Ngày cuối, chúng tôi có một chuyến du thuyền trên sông Nêva để được ngắm toàn cảnh thành phố và khi lên bờ, không quên dừng lại bên Chiến hạm Rạng Đông lịch sử, nơi đã bắn những loạt đạn đầu tiên báo hiệu giờ phút cáo chung của chế độ quân chủ chuyên chế nước Nga Sa Hoàng năm 1917. Tạm biệt St.Peterburg, thành phố cổ kính, thành phố anh hùng, chúng tôi mang theo chút nắng thu vàng của nước Nga trong nỗi nhớ.
 
Phan Viết Dũng
 

>> Một thoáng nước Nga-Bài 2: Ký ức và nỗi buồn