Giữ mãi nghệ thuật hát nhà trò của người Nguồn

  • 22:54 | Thứ Bảy, 02/11/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Xã Minh Hóa được xem là cái nôi của nghệ thuật hát nhà trò của người Nguồn ở huyện Minh Hóa. Nhiều năm qua, nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc này vẫn được người dân nơi đây hết lòng bảo tồn, lưu giữ…
 
Những người “giữ lửa”
 
Con đường bê tông phẳng lì đưa chúng tôi về làng Kim Bảng (xã Minh Hóa), một làng quê thanh bình nép mình dưới chân ngọn lèn Cây Quýt. Đang thả hồn dưới con đường làng rợp bóng cây xanh, bất chợt nghe tiếng phách, tiếng hát vang lên giữa buổi chiều mùa thu trầm bổng mà dặt dìu đến lạ.
 
Những đứa trẻ với nụ cười trong veo đang thong thả trên chiếc xe đạp đến trường ngoảnh lại nhìn chúng tôi nói lớn, như thể đã hiểu được nỗi lòng của những người khách lạ: “Mấy o, mấy mệ đang tập hát nhà trò đó ạ”. Lần theo tiếng phách, tiếng ca, chúng tôi tìm đến nhà của nghệ nhân Cao Thị Bương, nằm ở cuối làng Kim Bảng, nơi các thành viên Câu lạc bộ (CLB) hát nhà trò xã Minh Hóa đang tổ chức sinh hoạt. Trên khoảng sân rộng rợp bóng cây, các thành viên CLB sôi nổi trao đổi và truyền dạy cho những kép và ca nương lớp sau từng nhịp phách, lời ca.
 
Hát nhà trò được xem là một trong những gốc tổ của nghệ thuật hát ca trù. Hát nhà trò của người Nguồn Minh Hóa có âm hưởng gần với lẫy Kiều Bắc Bộ và hát Kiều ở Nghệ Tĩnh. Người thể hiện vừa hát, vừa làm động tác với quạt, vừa diễn trò, nên người ta thường gọi là hát nhà trò. Theo lời nghệ nhân Cao Thị Bương, nghệ thuật hát nhà trò có ở đất Minh Hóa từ bao giờ thì chính bà cũng không biết được, chỉ biết rằng, khi bà lớn lên, hát nhà trò đã là món ăn tinh thần không thể thiếu mỗi dịp lễ, tết và các ngày hội làng, đặc biệt là hội Rằm tháng ba. Trong các nghi lễ tâm linh của người Nguồn ở Minh Hóa, hát nhà trò như một sợi chỉ đỏ kết nối tâm nguyện của người dân với các thần linh, tổ tiên, cầu cho mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm no…
Nghệ nhân Cao Thị Bương (giữa) đang trao đổi, truyền dạy nghệ thuật hát nhà trò cho lớp kế cận.
Nghệ nhân Cao Thị Bương (giữa) đang trao đổi, truyền dạy nghệ thuật hát nhà trò cho lớp kế cận.
Với riêng bản thân bà Bương, từ lúc nhỏ, chị em bà đã được người cha truyền dạy cho từng lời ca, nhịp phách. Và rồi, sau những lần được theo cha và chị đi biểu diễn, tình yêu đối với nghệ thuật hát nhà trò đã ngày càng ngấm sâu vào máu thịt của bà cho đến tận bây giờ không dứt ra được. Cũng có thời gian dài do chiến tranh, cuộc sống hiện đại chi phối, nghệ thuật hát nhà trò ở xã Minh Hóa bị mai một, lắng xuống, nhưng từ đầu năm 2010 đến nay, lại được phục hồi và phát triển mạnh mẽ, bởi những người tâm huyết như các ông, bà: Cao Thị Bương, Cao Thanh Biên, Cao Thị Hồng Dương...
 
Năm 2009, với quyết tâm "nhóm" lại "ngọn lửa" nghệ thuật hát nhà trò ở làng Kim Bảng và xã Minh Hóa, họ đã đứng ra thành lập CLB hát nhà trò xã Minh Hóa. Nhưng theo ông Cao Thanh Biên, Chủ nhiệm CLB, cũng phải mất một thời gian khá dài, những người tâm huyết mới khôi phục, duy trì và phát triển tốt nghệ thuật hát nhà trò như hiện nay. Nghệ nhân Cao Thị Bương năm nay đã ngoài 70 tuổi, nhưng nhiều năm qua, bà luôn miệt mài truyền dạy các điệu hát nhà trò cho thế hệ trẻ. Tính đến nay, nghệ nhân Cao Thị Bương đã truyền dạy nghệ thuật hát nhà trò cho hàng chục người, không chỉ các thành viên trong CLB mà còn ở các CLB khác trong huyện Minh Hóa. “Tôi biết cái gì đều truyền lại hết cho thế hệ trẻ; chỉ mong khi chúng tôi không còn nữa, các em, các cháu có thể thay chúng tôi tiếp tục lưu giữ được những vốn văn hóa truyền thống quý báu của quê hương.”, nghệ nhân Cao Thị Bương tâm sự.
 
Tre già, măng mọc
 
CLB hát nhà trò xã Minh Hóa hiện có 18 thành viên, thường xuyên tập luyện và sinh hoạt. Để có kinh phí hoạt động, các thành viên CLB đã cùng nhau đóng góp và biểu diễn gây quỹ. Hàng năm cứ vào dịp Tết, lễ mừng thọ các bậc sinh thành, nhiều gia đình ở xã Minh Hóa và huyện Minh Hóa đã mời CLB hát nhà trò xã Minh Hóa đến biểu diễn. Thù lao từ những lần biểu diễn như thế này, CLB dành hết để duy trì hoạt động. Ngoài ra, trong những lần đi tham gia hội diễn, UBND xã Minh Hóa cũng hỗ trợ một phần nào kinh phí tàu xe, ăn ở; các thành viên CLB bảo nhau “chi tiêu tiết kiệm”, nên đã có kinh phí để hoạt động thường xuyên.
 
Sau khi ca trù được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, công tác bảo tồn nghệ thuật hát nhà trò ở xã Minh Hóa đã được quan tâm hơn; CLB hát nhà trò xã Minh Hóa được tham gia hội diễn thường xuyên và gặt hái được rất nhiều thành tích.  
Các thành viên CLB Hát nhà trò xã Minh Hóa được tham gia lớp tập huấn nghệ thuật biểu diễn ca trù do Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức tại huyện Minh Hóa.
Các thành viên CLB Hát nhà trò xã Minh Hóa được tham gia lớp tập huấn nghệ thuật biểu diễn ca trù do Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức tại huyện Minh Hóa.
Chị Cao Thị Hồng Dương, cán bộ văn hóa xã Minh Hóa, cũng là một thành viên của CLB chia sẻ: “Tôi sinh ra và lớn lên ở làng Kim Bảng, là cái nôi của nghệ thuật hát nhà trò của người Nguồn Minh Hóa. Chính nơi đây tôi đã được những cô, bác như nghệ nhân Cao Thị Bương truyền dạy cho nghệ thuật hát nhà trò và thực sự rất yêu thích môn nghệ thuật dân gian này. Năm 2014, tôi vinh dự được tham dự liên hoan ca trù toàn quốc. Bản thân tôi đã không bỏ lỡ cơ hội này để giới thiệu, quảng bá nghệ thuật hát nhà trò của quê hương đến với bạn bè trên cả nước.”
 
Trước đây, CLB  thường lấy các đoạn trích trong Truyện Kiều, Phạm Công-Cúc Hoa, Thạch Sanh... hoặc nói về công đức của cha mẹ, ơn thầy để hát. Ngày nay, khi diễn hát nhà trò, các nghệ nhân đã sáng tác lời mới có nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi quê hương, đất nước, con người phù hợp với thời đại nên không chỉ có những người lớn tuổi quan tâm mà còn thu hút được sự yêu thích của thế hệ trẻ.
 
Và có lẽ điều vui mừng nhất đối với CLB hát nhà trò xã Minh Hóa là hiện nay, trong các buổi sinh hoạt và biểu diễn hát nhà trò của họ, vẫn thường xuyên có 3 thế hệ cùng ngồi trong chiếu hát: lớp già có ông Biên, bà Bương; lớp giữa có chị Dương, chị Hoa và đặc biệt là lớp trẻ lúc nào cũng có các em học sinh như: Trương Thị Hà (học sinh lớp 9), Trần Thị Vân Anh (học sinh lớp 7), Trương Thị Lê Na (học sinh lớp 8… “Tre già, măng mọc, chúng tôi quyết tâm không bao giờ để đứt mạch tiếng hát nhà trò ở xã Minh Hóa. Quyết giữ gìn tiếng hát ấy như một báu vật của quê hương”, nghệ nhân Cao Thị Bương khẳng định.
 
Ông Đinh Văn Chinh, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Minh Hóa chia sẻ: “Chúng tôi đánh giá rất cao hoạt động của CLB hát nhà trò xã Minh Hóa. Hàng năm, huyện Minh Hóa cũng tổ chức nhiều lớp tập huấn và mời các thành viên của CLB đến truyền dạy, thu hút nhiều bạn trẻ tham gia. Chính nhờ sự tích cực trong các hoạt động truyền dạy của các nghệ nhân và các CLB mà các môn nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là nghệ thuật hát trò của người Nguồn Minh Hóa được bảo tồn và phát triển”.
 
Phan Phương