Đặc sắc ca dao, dân ca đôi bờ Linh Giang

  • 14:45 | Thứ Tư, 06/11/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Linh Giang hay còn gọi là sông Gianh, là con sông lớn nhất trong năm con sông của Quảng Bình, gắn với nhiều cộng đồng dân cư từ bao đời nay trong lịch sử, đó là các làng quê như: Thổ Ngọa, La Hà, Lộc Điền, Lũ Phong, Tân An, Phù Trịch, Trung Thôn, Lệ Sơn, Minh Cầm, Kinh châu… Cư dân nông nghiệp, sông nước nơi đây trải bao thế hệ cần mẫn lao động, sáng tạo nhiều loại hình văn học dân gian có giá trị. Dòng văn học dân gian này với các thể loại như vè, câu đối, truyền thuyết…; đặc biệt, ca dao, dân ca là loại hình phổ biến, mang tính đặc thù của cư dân nông nghiệp sông nước nơi đây.
 
Ca dao, dân ca có tác dụng to lớn trong cuộc sống, là món ăn tinh thần không thể thiếu, là nơi gởi gắm niềm thương nỗi nhớ, bộc lộ nỗi lòng sâu kín của con người, giải bày uẩn khúc của cuộc đời. Nhưng cũng từ trong ca dao, dân ca mà giáo dục đạo lý làm người, động viên mọi người vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Ca dao, dân ca của người dân sông nước là loại hình văn hóa phi vật thể đặc sắc, chuyển tải qua nhiều thế hệ, nhiều đối tượng cảm thụ, với nhiều đối tượng miêu tả, nhiều sắc thái tình cảm, là bức tranh lấp lánh muôn màu của cuộc sống mà nơi đó chúng ta tìm thấy nhiều điều bổ ích lý thú, làm cho ta sống thanh thản hơn, đẹp hơn, thánh thiện hơn
 
Ca dao đôi bờ sông Gianh mang đượm tính bình dân, dễ thuộc, dễ nhớ. Khi nói về cảnh chia cắt, ly tán trong cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn thời Trịnh-Nguyễn lấy sông Gianh làm giới tuyến, người dân nơi đây lâm vào cảnh tình bi đát không biết đi về đâu, không biết theo bên nào, khi bờ Bắc là chúa Trịnh, bờ Nam là chúa Nguyễn: "Sông Gianh nước chảy đôi dòng/Đèn chông đôi ngọn biết trông ngọn nào.”
 
Con sông vô tình, nước cứ trôi nhưng cuộc chiến chia cắt kéo dài gần hai trăm năm cứ khắc sâu vào lòng con người thành mối hận: “Núi kia ai đắp mà cao/Sông kia ai bới ai đào mà sâu”.
 
Vượt lên tình cảm chia ly, bờ Nam, bờ Bắc, con người nơi đây vẫn luôn yêu đời, yêu người. Đặc biệt, những nam thanh nữ tú yêu nhau không quản cách trở, không tính hèn sang, thiệt hơn, vẫn yêu nhau thủy chung, son sắt, không màng giàu sang phú quý, lòng vẫn dặn lòng: “Thương nhau cho trọn bao đời/Dẫu nghèo không chiếu nằm tơi cũng đành.”
 
Trong cuộc sống lao động, gắn liền với giao thông đi lại trên sông nước, họ biết đúc rút kinh nghiệm hiện tượng thời tiết để vận dụng cho thích hợp qua ca dao: “Trăng lên con nước lên theo/Trăng tà ngọn nước về theo trăng tà."
 
Cư dân nông nghiệp trồng lúa gắn liền với phương tiện sản xuất là con trâu, cái cày, khi chọn mua trâu ở chợ Ba Đồn muốn chọn con tốt thì nên tránh mua những con trâu có những đặc điểm cũng được đúc rút qua câu ca dao: “Tam tinh, khoang mang, vênh sừng/Có ba điều ấy xin đừng nên mua.”
Vẻ đẹp sông Gianh     Ảnh: Hành Tiến
Vẻ đẹp sông Gianh Ảnh: Hành Tiến
Trong dân ca xuất phát từ cuộc sống lao động của cư dân đôi bờ sông Gianh nổi bật là hò, như: hò vui chơi, hò chèo thuyền, hò may nón, hò cấy lúa... Hò là thể dân ca, là sự dung hòa của chất giọng địa phương và các thể thơ bình dân. Hò đối đáp mang tính chất giao duyên giữa những đôi trai gái, vào những đêm trăng, trai gái thường tụ tập đến các bờ đê, bến nước, cổng làng, sân đình, họ đối đáp bằng những câu hò gửi gắm tình cảm, tìm bạn tri kỷ trăm năm. Hò đối đáp thường diễn ra ở các làng có nghề quay tơ, dệt lụa, chằm nón, cấy lúa, chèo đò như: Châu Hóa, Phù Hóa, La Hà, Thổ Ngọa, Phù Trịch, Tiên Lệ… 
 
Nghiên cứu hò đối đáp ở các làng quê này ta thường thấy có ba chặng: mời chào; hò đố, hò tình, hò nghĩa; từ tạ, hò hẹn nhau. Ví như hò mời chào : “Hò ơ… hò lên dăm ba câu để giải sầu tâm sự/Sống được mấy đời mà cứ để tình trữ làm chi.” Hò đố, nam hò: “Hò ơ… đến đây tạm ván đóng đò/Trước đưa quan khách sau dò lại em.” Nữ hò đáp: “Hò ơ… tới đây tạm ván hương lân/Xa cha, nhớ mẹ, thiếp gởi thân cho chàng”…
 
Trong tình yêu, họ hò những câu hò mang tính “chọc ghẹo”, vui tươi, hóm hỉnh, thể hiện tính thông minh, tài ứng khẩu một cách hài hước: “Ra về hỏi thiệt nữ nhi/Chim phượng hoàng đau cẳng uống thuốc chi cho lành.”
 
Trên phương diện văn học, hò đối đáp của người dân sông nước đôi bờ Linh Giang có âm hưởng hò Nghệ Tĩnh nhưng điệu hò nơi đây mang đậm bản sắc địa phương, mộc mạc hơn, chân chất hơn: “Tay cầm cái quạt che trăng /Anh lương, em giáo biết thương răng được chừ”…
 
Hò đối đáp, một thể loại văn học dân gian là viên ngọc quý lấp lánh bao đời trong cuộc sống lao động, trong tình yêu quê hương, tình cảm yêu thương giữa con người với con người của người dân vùng sông nước đôi bờ Linh Giang, giúp chúng ta hiểu thêm về lịch sử văn hóa, về mảnh đất, con người đã từng gắn với bao thăng trầm của lịch sử, gắn với dòng sông. Những câu hò điệu hát vẫn âm thầm tuôn chảy qua bao đời như dòng nước từ thượng nguồn Linh Giang về tưới tắm làng quê, hun đúc thêm niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống của xứ sở đồng chua nước mặn thêm sức sống, vun đắp bản lĩnh cốt cách của con người nơi đây trong niềm thương nỗi nhớ của những người ở lại và những người đi xa…
 
                                                            Tạ Đình Hà