Bác Hồ trong tác phẩm của văn nghệ sĩ Quảng Bình

  • 08:53 | Thứ Sáu, 01/11/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Năm 2008, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã phát động cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Với tấm lòng tôn kính và biết ơn sâu sắc dành cho Bác, ngay lập tức cuộc vận động đã thu hút đông đảo văn nghệ sỹ Quảng Bình tham gia. Hàng trăm tác phẩm, công trình, ấn phẩm văn học nghệ thuật ca ngợi tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những điển hình tiên tiến trong phong trào học tập và làm theo Người đã ra đời. Nhiều tác phẩm trong số đó được Ban tổ chức cuộc vận động từ cấp tỉnh đến Trung ương trao giải.
 
Nổi bật có tác phẩm ảnh nghệ thuật “Tung cánh” của nghệ sỹ nhiếp ảnh Hoàng An đoạt giải C, tập thơ “Trong trái tim tôi” của tác giả Hoàng Hiếu Nghĩa đoạt giải B do Ban Tuyên giáo Trung ương trao tặng. Ngoài ra, còn có nhiều tác phẩm khác được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trao giải và giới thiệu tham gia giải thưởng toàn quốc như tập lý luận phê bình “Hồ Chí Minh-Nguồn cảm xúc không bao giờ vơi cạn” của Lý Hoài Xuân, ca khúc “Lời Người vọng mãi ngàn năm” của nhạc sỹ Hoàng Sông Hương, ca khúc “Phượng về nhớ Bác vô thăm” của nhạc sỹ Trần Anh Tuấn, bút ký “Người thương binh mù vẽ chân dung Bác Hồ bằng máu” của Nguyễn Anh Dũng... 
Tập bút ký
Tập bút ký "Trên quê hương Hai giỏi" của tác giả Trương Thu Hiền, Hội VHNT Quảng Bình.
Có một cụm tác phẩm mà nội dung tưởng như rất xa với đề tài của cuộc vận động nhưng lại thực sự mang nhiều ý nghĩa thiết thực, cụm tác phẩm phản ánh đời sống đương đại. Nghệ sỹ nhiếp ảnh Hoàng An từng rất thành công khi sáng tác về đề tài này, hiện nay anh vẫn tiếp tục bám sát thực tế để có nhiều tác phẩm giá trị. Bộ ba tác phẩm ảnh nghệ thuật “Xây dựng nông thôn mới” của Hoàng An phản ánh chân thực nhất hiệu quả của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ kính yêu. Hay tác phẩm “Chăm sóc sức khỏe nhân dân”của tác giả Văn Báu cũng không nằm ngoài mục đích khẳng định rằng học tập và làm theo Bác không phải chỉ là những lời nói chung chung mà phải bắt đầu từ những công việc cụ thể và mang lại hiệu quả thiết thực cho nhân dân, cho đất nước.
 
Ở thể loại bút ký, truyện ký của các tác giả như: Hoàng Minh Đức, Hoàng Minh Sơn, Trương Thu Hiền..., nhiều điển hình tiên tiến trong phong trào học tập và theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được khắc họa lại chân thực và giàu sức thuyết phục. Tập bút ký “Trên quê hương hai giỏi” của Trương Thu Hiền tập hợp các tác phẩm viết về những con người bình dị “sản xuất giỏi, chiến đấu cũng giỏi” đúng như lời khen của Bác dành cho quê hương Quảng Bình. Không nổi bật, không gây được tiếng vang trong công chúng như tiểu thuyết, truyện ngắn hay thơ nhưng chính những bút ký bình dị này lại có ý nghĩa về mặt xã hội khá sâu sắc. Mảng bút ký “Người tốt việc tốt” đã âm thầm mang đến cho người đọc nguồn năng lượng mạnh mẽ trong đời sống, cổ vũ toàn xã hội tích cực hưởng ứng cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần nhân rộng các nhân tố mới, xây dựng nhân cách con người Việt Nam trước yêu cầu mới.
 
Cuộc vận động sáng tác và quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí đề tài “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã diễn ra được hơn 10 năm. Trong suốt thời gian ấy, văn nghệ sỹ Quảng Bình luôn luôn bền bỉ lao động sáng tạo để có hàng trăm tác phẩm văn học, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu... đi đúng hướng nhưng không sáo rỗng, có ý nghĩa cổ vũ, tuyên truyền nhưng không rơi vào hô hào chung chung. Văn nghệ đã len lỏi vào hiện thực cuộc sống để ghi nhận và phản ánh, từ đó làm tròn trách nhiệm của mình, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Như vậy, trong vai trò của mình, văn nghệ sỹ Quảng Bình đã học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách của Bác Hồ kính yêu một cách thiết thực nhất, hiệu quả nhất.
 
Trương Thu Hiền