Thông điệp của biển

  • 09:47 | Thứ Bảy, 05/10/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Biển Đông là một phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam, là đời sống tinh thần, vật chất và tâm linh của mỗi người dân nước Việt. Vùng nước, vùng đất, vùng trời đặc biệt này đã được các thế hệ nhạc sỹ Quảng Bình và cả nước gọi tên trong nhiều tác phẩm. Các ca khúc biển vang lên da diết yêu thương trên suốt dọc dài đất Việt như một lời khẳng định về chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.  
 
Ngược dòng lịch sử, năm 1965, đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc. Quảng Bình trở thành “tuyến lửa”. Rất đông văn nghệ sỹ trên đường chiến đấu và phục vụ chiến đấu đã dừng chân ở dải đất mong manh này. Biển Quảng Bình với những con người đang ngày đêm can trường sống chết cùng biển đã trở thành nguồn cảm hứng cực mạnh đối với họ.
 
Ca khúc “Trên biển quê hương” của nhạc sỹ Đức Minh ra đời chỉ sau một chuyến ông lưu diễn ngắn ngày. “Quảng Bình quê ta/Biển khơi vang hát câu ca (ơ) rằng/Ai đã vào đây khó quên những cồn cát trắng/Trong nắng ban mai bao người đan lưới hát vui/Súng để cạnh người giữ trời với biển khơi... Đoàn thuyền ra khơi biển xanh dâng sóng như đón (ơ) người/Mang súng liền vai hát vang câu hò tung lưới/Ơi gió lên đi cho thuyền chào nắng sớm mai/Giữ biển trời này như là trái tim của tôi...” .
 
Ngay lập tức, ca khúc được Đoàn ca múa nhân dân Trung ương và Đài Tiếng nói Việt Nam dàn dựng, biểu diễn. Ca khúc giản dị, viết về đời sống của nhân dân vùng biển Quảng Bình, tay lưới tay súng, vừa sản xuất vừa chiến đấu bảo vệ biển trời quê hương nhưng có sức lan tỏa và tính cổ vũ mạnh mẽ trên toàn miền Bắc. “Trên biển quê hương” được đánh giá là một trong những ca khúc hay nhất trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
 
Một nhạc phẩm nữa cũng viết về cuộc sống lao động sản xuất và chiến đấu của ngư dân miền biển Quảng Bình thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược là “Không rời biển xanh” của nhạc sỹ Doãn Nho, lời thơ Nguyễn Văn Dinh: “Tàu bay Mỹ bắn ngoài khơi/Thuyền em là em vẫn bám không rời biển xanh... Lưới em là em vẫn kéo nhanh nhanh lên thuyền... Căm hờn như sóng biển sục sôi/Quyết tâm đánh Mỹ giữa trời biển xanh...”.
Thuyền về trên biển Cảnh Dương.  Ảnh: A.T
Thuyền về trên biển Cảnh Dương. Ảnh: A.T
Hay ca khúc “Nhanh tay lưới chắc tay súng” của nghệ sỹ Trần Thụ “Giặc vô đây chớ hòng tìm đường ra/Vì ta là dân quân tay súng tay chài/Cùng chiến đấu với quân thù ta giữ yên biển khơi...” Biển là nhà. Biển là quê hương. Biển là Tổ quốc. Mỗi ngư dân Quảng Bình dù là trai hay gái đều là chiến sỹ, là cột mốc sống lừng lững giữa trùng khơi  “Quảng Bình hiên ngang lòng dân son sắt tay súng sẵn sàng/Giữ mái trường xinh vẫn đang tươi màu ngói mới/Giữ vững quê ta đấy lời Tổ quốc thiết tha, giữ cả bầu trời, tiếng hò quê mẹ ta...” (Trên biển quê hương, Đức Minh).
 
Phải khẳng định rằng, biển mang lại nguồn cảm xúc mãnh liệt cho các thế hệ văn nghệ sỹ. Rất nhiều ca khúc được sáng tác từ 30, 40 năm trước thậm chí đã qua hơn nửa thế kỷ vẫn còn vẹn nguyên tính thời đại.
 
“Tình ta biển bạc đồng xanh” của nhạc sỹ Hoàng Sông Hương , “Ánh đèn gọi cá” của nhạc sỹ Quách Mộng Lân, “ Tâm tình người thủy thủ” của nhạc sỹ Hoàng Vân, phỏng lời thơ của nhà thơ Quảng Bình Hà Nhật và rất nhiều ca khúc khác ... Đó là những ca khúc mà cho đến hôm nay mỗi khi được cất lên ở bất cứ sân khấu nào, bất cứ nơi đâu cũng thu hút được sự chú ý của đông đảo người nghe bởi tình yêu nồng nàn dành cho biển. “Thuyền anh ra khơi khi chân mây ửng hồng/Thuyền anh ra khơi đâu có ngại chi sóng gió... Em hỏi rằng vì sao anh ra khơi bám biển ngày đêm để màu da anh nắng sạm...” (Tình ta biển bạc đồng xanh). “Nhổ neo ra khơi/Đêm nay khi trăng mọc/Tàu anh sẽ nhổ neo ra khơi/Tạm biệt em yêu/Vẫy chào thành phố biển thân yêu/Em ơi chớ hỏi anh nhiều/Xin đừng hỏi vì sao anh ra đi/Em ơi cũng đừng nên hỏi anh rằng/Ngoài khơi xa kia có những gì vẫy gọi anh...” (Tâm tình người thủy thủ).
 
Ở trong tâm thế nào, người trai bám biển mang về “cá bạc đầy khoang”, chàng thủy thủ trên những chuyến tàu chở hàng lênh đênh xuôi Nam ngược Bắc phục vụ cho tiền tuyến, họ vẫn là những người đứng nơi đầu sóng, đêm ngày bám biển, bám tàu. Trả lời cho câu hỏi “Vì sao” và “Vì sao” trong các ca khúc viết về biển không gì khác chính là vì: “Tổ quốc Việt Nam bắt đầu ở nơi này” (Lính đảo hát tình ca trên đảo, Trần Đăng Khoa). Tổ quốc Việt Nam bắt đầu từ biển!  “Từ Bảo Ninh quê em trông về nơi biển cả/ Biển đêm nay đẹp quá ngàn ánh đèn lung linh/Biển đêm biển đêm vẫn hát mãi ngàn lời/Biển đêm biển đêm những chàng trai Đồng Hới thắp sáng những ngọn đèn gọi cá trong đêm...” (Ánh đèn gọi cá, Quách Mộng Lân). Trong các ca khúc viết về biển Quảng Bình luôn luôn rạng ngời vẻ đẹp của lao động và chiến đấu. Hình ảnh người ngư dân ngực trần vượt gió vượt sóng, lồng lộng giữa trời xanh nước biếc đã được chạm khảm vào tâm thức người Quảng Bình với một lời thề son sắt: "Giữ biển trời này như là trái tim của tôi...”. 
Biển Bảo Ninh xanh trong là điểm đến của du khách thập phương. Ảnh: A.T
Biển Bảo Ninh xanh trong là điểm đến của du khách thập phương. Ảnh: A.T
Bên cạnh các ca khúc mang âm hưởng cổ vũ tinh thần lao động sản xuất và chiến đấu  để xây dựng quê hương, bảo vệ Tổ quốc trong những năm tháng có chiến tranh, bước sang sự nghiệp đổi mới, một loạt các tác phẩm trữ tình ra đời. Biển bình yên. Biển lắng sâu. Biển trở thành đối tượng tâm giao. Biển được các nhạc sỹ cặp đôi với những đối tượng khác để gửi gắm tâm tư và thông điệp.
 
Sau “Tình ta biển bạc đồng xanh”, nhạc sỹ Hoàng Sông Hương tiếp tục thành công khi bắt cặp Biển-Rừng trong “Tình ca biển và rừng”, phổ lời thơ Hoàng Vũ Thuật. “Anh gọi hoài biển xanh, giữa rừng sâu vời vợi/Cơn mưa rừng bên suối, cho biển rừng liền nhau/Sương chiều giăng non cao, chim từ quy gọi bạn/Còn anh, anh xa em, biển xa rừng vô tận/Một mình trong rừng vắng, tiếng rìu vang xa xăm/Một mình qua cát trắng, với mênh mang nắng vàng...”. 
 
Quảng Bình rừng biển liền nhau. Hình ảnh quê hương hiện lên với những đường nét chân thực và gợi cảm: biển xanh và rừng sâu, sương chiều giăng non cao và cát trắng mênh mang nắng vàng. Có lẽ, chỉ người Quảng Bình mới thấu hiểu hơn ai hết những dòng ca từ da diết tưởng vợi xa mà lại vô cùng gần gũi ấy. Anh và em. Rừng và biển. Tình yêu đôi lứa nhưng cũng là tình yêu sâu thẳm dành cho dải đất mong manh Quảng Bình.
 
Ca khúc viết về biển được khởi phát từ cảm xúc riêng tư của tác giả và ra đời trong những hoàn cảnh khác nhau nhưng sau mỗi nốt nhạc, sau mỗi ca từ là một thông điệp chung- Thông điệp về tình yêu biển cả. Thông điệp ấy có sức lan tỏa mạnh mẽ và tính cộng hưởng cao độ trong mọi tầng lớp công chúng. Biển luôn là sự quan tâm, nỗi trăn trở của mỗi người dân Việt. Và ca khúc biển chính là tiếng lòng chúng ta gửi đến khơi xa.
 
Trương Thu Hiền