Malaysia.. Một góc nhìn khác

  • 08:30 | Chủ Nhật, 27/10/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Malaysia là một trong những thành viên sáng lập ra Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Asean). Mặc dù cách trở nhau về mặt địa lý nhưng Việt Nam, Malaysia đã tạo lập nên mối quan hệ tốt đẹp vì sự thịnh vượng chung của cộng đồng Asean. Những ngày tháng 10, chúng tôi có dịp sang công tác tại đất nước Malaysia. Từ thành phố Đồng Hới, nếu tính theo trần bay của Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, chỉ mất trên dưới 3 giờ đồng hồ. Buổi chiều, đoàn công tác đang ở  TP. Hồ Chí Minh, buổi tối đã tản bộ dọc các con phố đông đúc của Kuala Lumpur, thủ đô Malaysia, khởi đầu cho hành trình khám phá về văn hóa, con người ở quốc gia Hồi giáo này.
 
Bài 1: Nền văn hóa đa sắc màu
 
Nhắc đến Liên bang Malaysia, phải liên tưởng đến Di chỉ khảo cổ học Lenggong có lịch sử trên 2 triệu năm tuổi chứa nhiều ẩn tích về văn hóa, lịch sử cư dân Đông Nam Á và thế giới. Cùng với thành phố cổ Malacca, Vườn quốc gia Gunung, thánh đường Hồi giáo và tháp đôi Petronas… định hình nên một đất nước Malaysia trải dài từ quá khứ đến hiện tại và tương lai, đậm dấu ấn văn hóa đa sắc màu.
 
Với diện tích hơn 329km2, lãnh thổ quốc gia theo thể chế quân chủ lập hiến Malaysia có 13 bang và 3 vùng lãnh thổ, dân số trên 32 triệu người. Những ngày chúng tôi lưu lại Malaysia là cơ hội để khám phá văn hóa, đất nước và con người nơi đây.
 
Nếu Việt Nam là mái nhà chung của 54 dân tộc anh em cùng chung một gốc “đồng bào” từ thời con Lạc, cháu Hồng thì ở đất nước Malaysia, quá trình khai ấn, lập quốc khởi nguyên từ những gì Di chỉ Lenggong thể hiện và lần lượt về sau này cho thấy gốc cội người Mã Lai bản địa quyện hòa với văn minh Hồi giáo, Ấn Độ, Trung Hoa tạo nên một nền văn hóa nhiều chiều kích.
 Đường phố Kuala Lumpur, sự tương đồng như ở Việt Nam.
Đường phố Kuala Lumpur, sự tương đồng như ở Việt Nam.
Trong những ngày công tác, lưu lại trên đất nước Malaysia, chúng tôi được Johnny, một tài xế xe khách người Mã Lai gốc Hoa phục vụ đưa đón. Gốc Mã Lai, John cực kỳ hiếu khách như truyền thống cha ông để lại. Mang dòng máu Hoa Hạ, John trở thành người của công việc. Nghĩa là ngoài ôm vô lăng, John còn kiêm thêm bán hàng lưu niệm cho du khách. Du khách là những người John phục vụ, tiện cả đôi đường. Nếu ở Việt Nam, John sẽ được khen “vừa khôn vừa khéo”.
 
Nhưng Johnny dù sao cũng cội nguồn Trung Hoa, ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa trên đất nước Malaysia hơn 60% dân số theo đạo Hồi, đa số là tộc người Mã Lai bản địa. Hiến pháp Malaysia năm 1957 bảo đảm quyền tự do tôn giáo cho mọi công dân, nhưng đồng thời quy định rõ ràng-Hồi giáo là quốc giáo. Cho nên ngoài các lực lượng chấp pháp của chính phủ, Malaysia còn có thêm một lực lượng khá đặc biệt là cảnh sát Hồi giáo, thực thi quyền lực tối thượng liên quan đến nguyên tắc đạo Hồi và Kinh Koran cùng Đức thánh Allha vĩ đại.
 
Sultan Shah Aziz Salahuddin Abdul-thánh đường Hồi giáo lớn nhất Malaysia, trở thành niềm tự hào của các tín đồ Hồi giáo. Vào thế kỷ XV, thông qua con đường thương mại, đạo Hồi du nhập vào Malaysia. Qua bao thăng trầm lịch sử, Hồi giáo trở thành quốc giáo. Malaysia là quốc gia có nhiều thánh đường Hồi giáo tráng lệ nhất trong những quốc gia theo đạo Hồi trên thế giới.
 
Sultan Shah Aziz Salahuddin Abdul tọa lạc trên diện tích 14ha tại thủ phủ Shah Alam, bang Selangor. Thánh đường bắt đầu xây dựng năm 1982 và hoàn thành 6 năm sau đó. Nằm bên cạnh một hồ nước thanh bình, sự hiện diện của thánh đường dệt nên một khung cảnh kỳ vĩ, biểu tượng cho nền văn hóa Hồi giáo đặc trưng, truyền thống, khác với tháp đôi Petronas, biểu tượng của một đất nước Malaysia hiện đại, hội nhập và phát triển.
 
Thánh đường hoàn hảo theo phong cách Trung Đông, vật liệu dùng chủ yếu bằng nhôm. Mái vòm hình củ hành có đường kính 51,2m, chiều cao 106,7m. Với sức chứa 25.000 tín đồ lúc bình thường và 50.000 người vào những ngày lễ trọng, kết hợp kiến trúc vừa cổ kính vừa hiện đại và cách phối màu sắc, Sultan Shah Aziz Salahuddin Abdul xứng đáng là đỉnh cao nghệ thuật kiến trúc theo phong cách Hồi giáo.
 
Cách thủ đô Kuala Lumpur khoảng 13km về phía bắc, ẩn mình sau những ngọn núi đá vôi là vùng đất thiêng-thánh địa Hinđu giáo của người Mã Lai gốc Ấn Độ. Động Batu hình thành cách đây hơn 400 triệu năm. Vào thế kỷ XVII, động Batu là nơi trú ẩn của tộc người thiểu số Temuan thuộc bộ tộc Orang Ashli. Một thời gian dài, động Batu chìm vào sự lãng quên. Cho đến những năm đầu thế kỷ XX, những giáo sỹ Hinđu khi tìm kiếm một vùng đất để thờ tự các vị thần linh đã phát hiện ra Batu. Từ đó, Batu được xây dựng trở thành trung tâm Hinđu giáo.
Thánh đường Sultan Shah Aziz Salahuddin Abdul trở thành niềm tự hào của các tín đồ Hồi giáo Malaysia.
Thánh đường Sultan Shah Aziz Salahuddin Abdul trở thành niềm tự hào của các tín đồ Hồi giáo Malaysia.
Nổi bật nhất khi đến thăm động Batu là bức tượng thần Murugan cao 42,7m đặt phía trước thánh địa. Bên trong Batu gồm những hang động lớn nhỏ khác nhau, trong đó có 3 hang động lớn là hang Thờ (Cathedral Cave), hang Triển lãm nghệ thuật (Art Gallery cave) và hang Bảo tàng (Museum Cave). Để đi lên động Cathedral Cave, chúng tôi phải vượt qua 272 bậc thang.
 
Trao đổi với những cư dân Mã Lai gốc Ấn dưới chân động Batu, chúng tôi được biết, hàng năm vào khoảng tháng 10 theo lịch Hinđu (giữa tháng giêng và tháng hai theo âm lịch Việt Nam), tại Batu diễn ra một nghi lễ lớn nhất của tín đồ Hinđu gọi tên lễ hội Thai Pusam. Trong ngôn ngữ Malaisia, thai có nghĩa  “tháng”, Pusam là tên một ngôi sao thuộc dải ngân hà.
 
Truyền thuyết kể rằng vào thời xa xưa, khi trời đất mới hình thành, các vị thần sao ở thượng giới luôn bị ánh trăng chế ngự nên không thể tỏa sáng. Vì muốn cứu sao Pusam, thần Siva đã dùng cây đinh ba phóng vào mặt trăng làm tiêu hao ánh sáng giúp sao Pusam rực sáng hơn. Với sự tích như thế nên lễ hội Thai Pusam ngày nay còn có tên khác là lễ hội ngôi sao tỏa sáng.
 
Theo nghi thức, người tự nguyện thành tâm sám hối tội lỗi phải mang trên mình một trang thờ bằng những que kim loại (gọi là KaWati) xiên thủng da thịt, cổ, lưỡi, mũi, môi… rồi theo đám rước vượt 272 bậc thang lên động Batu, tiến đến điện thờ. Khi vị chủ lễ vừa đọc kinh vừa tháo KaWati ra khỏi thịt da rồi xoa thuốc cầm máu, lúc đó mọi tội lỗi mới xóa bỏ hết.
 
Người Trung Quốc đặt chân đến đất nước Malaysia vào những năm đầu thế kỷ XV. Trong dòng chảy nền văn hóa đa sắc màu đất nước Malaysia, bản sắc Trung Hoa vẫn bảo tồn nguyên vẹn giữa cộng đồng người Mã Lai gốc Hoa. Đặc trưng văn hóa Trung Hoa mang tính biểu trưng cao, hội tụ tại ngôi chùa cổ thờ bà Thiên Hậu ở thủ đô Kuala Lumpur-chùa Thean Hou Temple.
 
Chùa bà Thiên Hậu khánh thành vào năm 1989. Ngôi chùa gồm 4 tầng, tọa lạc trên diện tích rộng đến 6.760m2. Điểm đặc biệt tại chùa Thiên Hậu là Chính phủ Malaysia ưu ái cho cộng đồng gốc Hoa được phép làm thủ tục đăng ký kết hôn ở chùa do sư trụ trì đảm trách. Thủ tục đăng ký kết hôn tại chùa có giá trị pháp lý như đăng ký tại các cơ quan công quyền của chính phủ.
 
Từ thủ đô Kuala Lumpur, Johnny đưa đoàn công tác xuôi về miền nam Malaysia, qua thành phố cổ Melacca, điểm đến cuối cùng là thành phố Johor Bahru, thủ phủ bang Johor để làm thủ tục nhập cảnh vào Singapore bằng đường bộ. “Tạm biệt! Chúc thượng lộ bình an”-John chia tay những người bạn Việt Nam bằng lời chào tiếng Việt không tròn môi.
 
                                                                                                        Ngô Thanh Long
 
Bài 2: Thuốc lá, rượu và… môi trường!