Giọng quê cứ thế tìm về

  • 08:19 | Chủ Nhật, 13/10/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Là con gái xứ Lệ, lớn lên bằng những câu hò khoan qua lời ru của bà, của mẹ, nghệ nhân dân gian Việt Nam (NNDGVN) Võ Thị Hồng Liên lấy chồng, lập nghiệp ở quê chồng (thôn Giữa, xã Vạn Ninh, Quảng Ninh) và luôn mang theo bên mình những câu dân ca xứ sở. Với nghệ nhân Hồng Liên, hò khoan đã thấm vào máu thịt, là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của bà, vui hay buồn bà đều trải lòng theo các làn điệu bằng cái giọng quê mộc mạc, ngọt ngào.
 
Võ Thị Hồng Liên sinh ra trong một gia đình có truyền thống văn hóa, văn nghệ. Bà là cháu của nghệ sỹ ưu tú Lài Tâm (gọi nghệ sỹ Lài Tâm bằng dì) - giọng dân ca quen thuộc trên làn sóng của Đài Phát thanh giải phóng và Đài Tiếng nói Việt Nam một thuở. Mẹ của bà cũng là “cây dân ca" có tiếng của làng An Thủy (Lệ Thủy).
 
Từ nhỏ, mỗi lần có dịp theo dì, theo mẹ chèo thuyền trên sông Kiến Giang, bà lại được nghe những làn điệu dân ca ngọt ngào do mẹ và dì thể hiện. Người Lệ Thủy quê bà ra đồng hò khoan, ru con cũng hò khoan nên những ca từ, giai điệu của dân ca xứ Lệ đã thấm vào tâm hồn bà và nhiều thế hệ người dân nơi đây.
 
17 tuổi, Võ Thị Hồng Liên nhập ngũ và trong suốt 10 năm làm bộ đội, bà luôn là hạt nhân văn nghệ của đơn vị. Giọng hát của bà đã góp phần xoa dịu nỗi đau cho những người bị thương, làm vơi đi nỗi nhớ quê hương của các đồng chí, đồng đội… Nghe và hát dân ca từ nhỏ nên khi theo chồng về thôn Giữa, Vạn Ninh (Quảng Ninh), Võ Thị Hồng Liên lại mang những làn điệu hò khoan quê mình lên sân khấu, ra cánh đồng và cùng những người có năng khiếu, tâm huyết với văn nghệ truyền thống thành lập nên Câu lạc bộ đàn, hát dân ca xã Vạn Ninh.
 
Với vai trò là chủ nhiệm câu lạc bộ, bà Võ Thị Hồng Liên đã tích cực vận động các thành viên tham gia luyện tập, xây dựng các chương trình biểu diễn để phục vụ bà con trong xã và giao lưu với các địa phương lân cận.
 
Câu lạc bộ là ngôi nhà chung của 13 thành viên là những người “đứng tuổi”, chủ yếu là người thôn Giữa thường xuyên luyện tập và 26 thành viên trẻ tuổi trong toàn xã tập luyện theo từng thời điểm để phục vụ các hội diễn, các sự kiện trọng đại của huyện, tỉnh. Câu lạc bộ được ví như một đoàn văn công thu nhỏ với sự góp mặt của các nghệ nhân nhạc cụ dân tộc, nghệ nhân hát dân ca, có biên đạo, có âm thanh… và sinh hoạt định kỳ hàng tháng.
 
Từ khi ra đời đến nay, câu lạc bộ đã sản xuất được nhiều chương trình biểu diễn đặc sắc, ấn tượng nhất là tiết mục diễn xướng dân ca “Nhớ về Đại tướng huyền thoại” do nghệ nhân Trần Biền soạn lời. Với ngôn từ giản dị nói lên nỗi tiếc thương vô hạn khi Đại tướng về với đất mẹ và niềm tự hào về một người con kiệt xuất của quê hương Lệ Thủy, tiết mục đã “lấy” nước mắt của rất nhiều người xem.
Sự động viên, cổ vũ của các thành viên trong gia đình như tiếp thêm sức mạnh để nghệ nhân Hồng Liên sống trọn với niềm đam mê.
Sự động viên, cổ vũ của các thành viên trong gia đình như tiếp thêm sức mạnh để nghệ nhân Hồng Liên sống trọn với niềm đam mê.
Câu lạc bộ còn có nhiều chương trình nhằm ca ngợi Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi Bác Hồ và Đảng quang vinh, được các nghệ nhân soạn lời mới dựa trên những làn điệu dân ca xứ Lệ, dân ca Bình-Trị-Thiên. Không chỉ có giọng hát ngọt ngào, truyền cảm, thường đảm nhận “vai” chính trong các chương trình, NNDGVN Võ Thị Hồng Liên còn có năng khiếu dẫn chương trình, biên đạo các chương trình và là người truyền ngọn lửa đam mê văn nghệ dân gian cho thế hệ trẻ trong xã.
 
Nhiều năm qua, nghệ nhân Hồng Liên còn được biết đến là người thầy truyền dạy dân ca miễn phí cho bất cứ ai muốn học. Bà luôn mong muốn những làn điệu dân ca của quê hương được đưa vào chương trình dạy học ở các trường học để những nghệ nhân như bà có cơ hội truyền dạy những tinh hoa của văn hóa dân tộc cho các con, cháu nhằm gìn giữ, lưu truyền cho mai sau.
 
Say mê các làn điệu dân ca, dân vũ của quê hương, nghệ nhân Hồng Liên luôn dạy bảo con cháu phải biết nhớ về nguồn cội, trân trọng quá khứ và gìn giữ bản sắc văn hóa của quê hương. Gia đình bà được xem là cái nôi văn nghệ dân gian của làng. Nhiều người dân trong làng gọi gia đình bà là “nhà mê hát dân ca”. Chồng bà-ông Trần Văn Bờ, từng là y sỹ quân y cũng say dân ca và thể hiện rất tốt các làn điệu hò khoan Lệ Thủy và dân ca Bình-Trị-Thiên. Ông cũng là thành viên trong Câu lạc bộ đàn, hát dân ca của xã Vạn Ninh. Các con, cháu của bà đều có năng khiếu văn nghệ và luôn là khán giả tích cực khi ông, bà biểu diễn trên sân khấu. Gia đình bà từng đạt giải nhì tại hội thi “Tiếng hát gia đình” do huyện Quảng Ninh tổ chức (năm 2018).
 
Ngôi nhà riêng của vợ chồng nghệ nhân Võ Thị Hồng Liên là địa điểm sinh hoạt của Câu lạc bộ đàn, hát dân ca xã Vạn Ninh. Mỗi buổi sinh hoạt chỉ có nước chè xanh, cây trái vườn nhà nhưng đầy ắp niềm vui bởi lời ca, tiếng hát của những người dân quê mộc mạc, chân chất. Lời ca kể về những buổi lao động, kể về sự đổi mới của quê hương, về tình mẫu tử, nghĩa vợ chồng… Và nói như các nghệ nhân dân gian thì dân ca hay, độc đáo ở chỗ cứ giọng quê mà kể như cô gái đẹp không cần son phấn vậy.
                                                                                                Nhật Văn