Đình làng Tô Xá và những dấu mốc lịch sử

  • 08:37 | Thứ Ba, 22/10/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Làng Tô Xá, xã Quảng Phương (huyện Quảng Trạch) được hình thành vào khoảng cuối thế kỷ XIII đầu thế kỷ XIV.
 
Nguồn gốc dân cư của làng cơ bản là từ phía bắc vào. Theo gia phả các dòng họ ghi lại, khoảng cuối thế kỷ XIII có ông Phạm Hữu Tố người xứ Hà Đông đưa theo một số dòng họ vào đây khai cơ lập nghiệp. Để có nơi thờ tự các vị thần linh, Thành hoàng và các bậc tiên tổ của 10 dòng họ Phạm, Nguyễn, Đậu, Phùng, Trần, Vương, Lê, Trương, Hoàng, Đặng, nhân dân làng Tô Xá đã cùng nhau góp công, góp của xây dựng ngôi đình cho riêng làng mình.  
 
Đình Tô Xá được xây dựng vào năm 1577, kiểu ba gian hai chái, lợp tranh tre nứa lá. Năm 1826, đình được xây dựng lại tại trung tâm làng với kiến trúc khá đặc trưng của đình làng ở nông thôn miền Trung thời nhà Nguyễn. Cột, kèo, xà, xuyên làm bằng gỗ, mái lợp bằng ngói liệt, tường bằng đá vôi. Trải qua thời gian, ngôi đình dần bị xuống cấp. Ngôi đình trải qua hai lần trùng tu vào năm 1930 và 1994. Hiện nay, đình Tô Xá nằm ở trung tâm làng, trên một khu đất bằng phẳng, thuộc thôn Tô Xá với diện tích toàn bộ khuôn viên trên 1.000m2. Đình có bố cục tổng thể  gồm cổng đình (trụ biểu)-bình phong-sân đình-đình tiền-đình hậu.
 
Đình Tô Xá lúc đầu mới xây dựng là nơi thờ Thành hoàng làng và các vị tiên hiền hậu thổ có công khai phá và xây dựng làng xóm, là nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa của cộng đồng làng xã. Sau này, trong một thời gian ngắn của lịch sử hành chính, ngôi đình còn là trụ sở hành chính của địa phương. Do vậy, ngôi đình cũng là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử của làng Tô Xá nói riêng, xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch nói chung.
 
Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, đình Tô Xá được sử dụng làm nơi hội họp, bàn bạc của các chiến sỹ cộng sản về tuyên truyền giác ngộ cách mạng, gây dựng cơ sở cách mạng, vận động thành lập chi bộ Đảng… Đến năm 1940, ở làng Tô Xá có hai đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản là Phùng Nghĩa Sĩ và Nguyễn Thái Bình.
 Đình làng Tô Xá đã được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh
Đình làng Tô Xá đã được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh
Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, dưới sự chỉ đạo của các đảng viên Nguyễn Thái Bình và Phùng Nghĩa Sĩ, dân làng khẩn trương chuẩn bị tham gia giành chính quyền ở Ba Đồn. Đoàn biểu tình của Tổng Lư Phong xuất phát từ Trung Thuần kéo về xã Quảng Phương rồi về huyện nhập với các đoàn biểu tình từ Thuận Bài, Thổ Ngọa. Trước khí thế sôi sục cách mạng của quần chúng, Tri phủ và bọn nha lại đã đầu hàng vô điều kiện, chính quyền thực dân phong kiến bị lật đổ, chính quyền cách mạng về tay nhân dân. Sau khi giành chính quyền ở huyện thành công, đoàn biểu tình của xã Quảng Phương đã kéo về đình Tô Xá để thu triện, sổ sách của lý trưởng.
 
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đình Tô Xá từng là nơi làm việc của Ủy ban Kháng chiến huyện Quảng Trạch, Đại đội 7 bộ đội Quảng Bình, Chi bộ xã Phong Trạch… Đặc biệt, năm 1952, tại đình Tô Xá, đồng chí Trần Quý Hai, Chỉ huy trưởng Mặt trận Bình-Trị-Thiên, triệu tập Thường vụ Huyện ủy Quảng Trạch cùng với 4 đồng chí tỉnh ủy viên được Thường vụ Tỉnh ủy cử ra huyện Quảng Trạch để bàn phương hướng hợp lực tác chiến và tiếp quản Ba Đồn sau giải phóng.
 
Trong những năm tháng chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, nhân dân Tô Xá kiên cường bám trụ, vượt qua nhiều gian khổ, hy sinh. Trong thời kỳ này, các cơ quan của tỉnh, huyện phải sơ tán về làm việc tại nhà dân, tại đình làng. Đình Tô Xá được sử dụng cho nhiều cơ quan của tỉnh, của huyện làm việc và sinh hoạt như Trường Sư phạm 10+2, Ty Lương thực, cơ quan Thuế, lớp y tế của Trường Y tế tỉnh… Tháng 4 năm 1967, Đại hội Đảng bộ huyện Quảng Trạch lần thứ X được triệu tập. Đình Tô Xá vinh dự được Huyện ủy chọn làm địa điểm tổ chức đại hội. Nơi đây cũng diễn ra nhiều kỳ đại hội Đảng bộ xã Quảng Phương.
 
Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, từ trong hoang tàn, đổ nát, nhân dân Tô Xá nói riêng, xã Quảng Phương nói chung, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã nhanh chóng bắt tay vào khắc phục hậu quả chiến tranh, cùng nhau xây dựng lại quê hương. Đình Tô Xá trở về với chức năng vốn có của mình, là trung tâm sinh hoạt văn hóa của dân làng.
 
Có thể nói, đình Tô Xá không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh, là sợi dây gắn bó cộng đồng, là thiết chế văn hóa tín ngưỡng, biểu tượng quyền lực làng, xã xưa mà còn trở thành biểu tượng cho văn hóa làng, xã trong công cuộc xây dựng nông thôn mới ngày nay. Đình Tô Xá cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình, vun đắp nên giá trị tốt đẹp của văn hóa làng, xã, là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ người dân Quảng Phương; là chứng tích tâm hồn cho những người con xa xứ khi nhớ về quê hương.
 
Hiện nay, vào dịp lễ hội cầu yên, cầu phúc diễn ra vào ngày 14 và 15 rằm tháng 7 âm lịch, con cháu thập phương và dân làng tập trung tại đình để dâng hương lên Thành hoàng, các bậc tiên tổ, các vị có công khai canh lập và bảo vệ làng với ước vọng cầu cho dân làng được yên ấm, hạnh phúc, con cháu học hành đỗ đạt. Bên cạnh việc thực hiện các nghi lễ thờ cúng, tại đây còn diễn ra các hoạt động vui chơi, giải trí như hát ca trù, chơi các trò chơi dân gian như hội vật, đi quyền, kéo co, chọi gà…
 
Với những đóng góp rất có giá trị lịch sử, ngày 5-9-2019, đình làng Tô Xá đã được UNND tỉnh Quảng Bình ra quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Đây là niềm vui và niềm tự hào to lớn, cũng là động lực để chính quyền và nhân dân địa phương tiếp tục nỗ lực đóng góp sức mình xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
 
Trang Thúy-Tạ Hùng