Chi hội VNDG Việt Nam tỉnh Quảng Bình:

25 năm miệt mài với sự nghiệp văn nghệ dân gian

  • 07:47 | Thứ Năm, 24/10/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Quảng Bình là vùng văn hóa đa sắc thái, hội tụ, tiếp nhận và lan tỏa các giá trị văn hóa hai miền Nam-Bắc. Qua chiều dài lịch sử, những tinh hoa văn hóa, văn nghệ dân gian các vùng miền trên quê hương Quảng Bình được quy tụ thành tiềm năng, lợi thế vô cùng to lớn. Việc sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn để lưu giữ những giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trong dân gian có ý nghĩa nhân văn truyền từ đời này sang đời khác, lưu truyền tinh hoa ứng nhân xử thế tạo thêm nét đẹp tươi mới, độc đáo của một vùng đất giàu bản sắc văn hóa.
 
Năm 1995, Chi hội Văn nghệ dân gian (VNDG) Việt Nam tỉnh Quảng Bình được thành lập. Từ đó, đến nay, chi hội đã có nhiều nỗ lực và đạt được nhiều kết quả trong công tác sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn nhiều công trình văn hóa dân gian có giá trị. Với tôn chỉ, mục đích của Hội VNDG Việt Nam là "sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến và truyền dạy vốn văn hóa-văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam", mỗi hội viên Chi hội VNDG Việt Nam tỉnh Quảng Bình đều tận tụy, miệt mài thực hiện nhiệm vụ được giao và đã đạt được những thành quả đáng kể. Gần một phần tư thế kỷ, hội viên chi hội đã nỗ lực, phấn đấu, bám sát mục tiêu hoạt động nghề nghiệp, nâng cao chất lượng tác phẩm, xây dựng tổ chức hội ngày càng phát triển và lớn mạnh.
 
Mặc dù chi hội ít hội viên, một số hội viên khi đang công tác lại đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo ở các ban, ngành, cơ quan, nhiều hội viên tuổi cao, sức yếu, nhưng họ vẫn dày công sưu tầm, nghiên cứu nhiều tác phẩm. Không ít hội viên liên tục đạt giải thưởng hàng năm của Hội VNDG Việt Nam, như nhà nghiên cứu (NNC): Nguyễn Tú, Đinh Thanh Dự, Đỗ Duy Văn, Đặng Thị Kim Liên, Nguyễn Văn Tăng...  Dự án công bố và phổ biến tài sản Văn hóa-Văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam (2008-2017) được Nhà nước tài trợ, do Hội VNDG Việt Nam chủ trì đã tạo điều kiện thiết thực cho việc sưu tầm, nghiên cứu, dự trại viết, in ấn xuất bản của hội viên cả nước. Chi hội Quảng Bình có 15 công trình được Nhà nước tài trợ xuất bản. 
Trao bằng nghệ nhân dân gian cho các hội viên.
Trao bằng nghệ nhân dân gian cho các hội viên.
Bên cạnh việc sưu tầm, nghiên cứu và biên soạn các công trình, chi hội còn quan tâm đến vấn đề phổ biến và truyền dạy vốn văn hóa-văn nghệ dân gian cho thế hệ trẻ trên khắp vùng đất Quảng Bình, như: 6 mái hò khoan Lệ Thủy, hò nậu xăm và hò khơi ở Ngư Thủy Nam, hò lĩa trâu Mai Thủy (Lệ Thủy), hò chèo cạn, múa bông ở các làng xã vùng biển, hò thuốc Minh Hóa, hò phường nón Quảng Thuận (thị xã Ba Đồn), hát ru vùng đồng bằng và hát ru Cảnh Dương, các làn điệu dân ca dân tộc Bru-Vân Kiều ở Quảng Bình...
 
Đồng thời, chi hội còn quan tâm đặc biệt đến việc bảo tồn các làn điệu dân ca đặc sắc của tỉnh Quảng Bình, như: hát Kiều, hát kể hiệng (kệ hiệng) ở làng Pháp Kệ, xã Quảng Phương (Quảng Trạch), hát nhà trò Tuyên Hóa, hát Kiều ở xã Quảng Kim (Quảng Trạch), ca trù Đông Dương, xã Quảng Phương (Quảng Trạch), ca trù Trung Thôn, Quảng Trung (thị xã Ba Đồn)...
 
Phải nói rằng, các CLB như: CLB hát ru Cảnh Dương, CLB ca trù Đông Dương, CLB yêu câu hò xứ Lệ, CLB hò khơi và hò nậu xăm Ngư Thủy Nam, CLB hát Kiều làng Pháp Kệ, CLB ca trù Trung Thôn-xã Quảng Trung, CLB hò khơi Nhân Trạch, CLB hát đúm ví Minh Hóa, CLB văn nghệ xã Vạn Ninh... và nhiều nơi khác đã hoạt động với môi trường lành mạnh, phát triển đáng khích lệ, tạo nên nét tươi mới cho dân ca các làng, xã Quảng Bình.
 
Với tinh thần trách nhiệm và tấm lòng yêu mến vốn văn hóa cổ truyền của dân tộc, của quê hương, Chi hội VNDG Việt Nam tỉnh Quảng Bình đã nỗ lực sưu tầm, dày công nghiên cứu, biên soạn những công trình văn hóa dân gian có giá trị, tiêu biểu là các công trình: "Văn hóa dân gian Quảng Bình, tập1" của nhóm tác giả: Trần Hùng, Nguyễn Văn Nhĩ, Trần Hoàng, Đinh Thanh Dự, Lê Đình Lờng; "Địa chí Bảo Ninh" và "Những nét đẹp về văn hóa cổ truyền Quảng Bình" của NNC Nguyễn Tú; "Văn hóa miền biển Quảng Bình" của NNC Nguyễn Văn Lợi và NNC Nguyễn Tú; "Giếng nước, hồ nước, đầm phá trong tâm thức người Quảng Bình" của NNC Nguyễn Văn Tăng; "Văn hóa dân gian Bru-Vân Kiều, Chứt Quảng Bình" của NNC Đinh Thanh Dự; "Chợ quê Quảng Bình" của NNC Đặng Thị Kim Liên...
 
Trong 135 công trình văn nghệ dân gian viết về quê hương Quảng Bình, từ miền núi đến vùng biển, do hội viên chi hội biên soạn, có 30 công trình được tặng giải thưởng cấp trung ương và 14 công trình được tặng giải thưởng cấp tỉnh. Tiêu biểu có các NNC: Đinh Thanh Dự, Nguyễn Tú, Đỗ Duy Văn, Nguyễn Văn Lợi, Nguyễn Văn Tăng, Đặng Thị Kim Liên, Trần Hùng...                    
 
Chi hội còn quan tâm việc phát hiện, lập hồ sơ đề nghị Hội VNDG Việt Nam vinh danh các nghệ nhân dân gian Quảng Bình theo quy chế của hội. Họ là những người đã nắm giữ những làn điệu dân ca, dân vũ quê hương và truyền dạy cho thế hệ trẻ. Cho đến nay, tỉnh Quảng Bình đã có 24 nghệ nhân dân gian, trong đó, Hội VNDG Việt Nam công nhận 21 người (có 2 nghệ nhân tộc người Vân Kiều, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh).
 
Sau gần 25 năm miệt mài với sự nghiệp VNDG trên quê hương Quảng Bình, các NNC đã có dịp bồi đắp, tích hợp thêm nhiều tri thức dân gian, để cho ra mắt những tác phẩm công phu, đậm chất dân gian của một vùng đất giàu bản sắc. Tuy vậy, trong sâu thẳm những tầng văn hóa dân gian bản địa, vẫn còn những giá trị chưa được khám phá, chưa được trao truyền. Đó cũng chính là trăn trở của tập thể chi hội trong thời gian tới.
 
Nhiệm kỳ 2015-2020 của Chi hội VNDG Việt Nam khép lại với những thành quả đáng trân trọng, tạo tiền đề cho một nhiệm kỳ mới (2020-2025). Mỗi trang viết cho kho tàng VNDG Quảng Bình hôm nay sẽ góp sức xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
                                                         Đặng Thị Kim Liên
                                         (Chi hội trưởng Chi hội VNDG VN tỉnh Quảng Bình)