Về một loại hình sản phẩm du lịch ven biển Quảng Bình

  • 09:26 | Thứ Sáu, 13/09/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong ba kiểu vùng sinh thái du lịch là vùng núi cao, vùng hệ sinh thái hoang sơ và vùng ven biển thì kiểu vùng du lịch ven biển được nhiều người yêu thích nhất. Quảng Bình có bờ biển dài, nhiều bãi tắm đẹp, nhiều cửa biển gắn liền với những di tích danh thắng nổi tiếng, thu hút khách du lịch. Nhưng đây là vùng sinh thái nhạy cảm, dễ bị tổn thất khi sử dụng cho mục tiêu phát triển khác với dạng tự nhiên vốn có của nó.
 
Vùng du lịch biển chính là nơi cư trú của các loại động vật, thực vật quý hiếm, loài đặc sản hoặc có nguồn gen quý, là vùng bảo vệ nguồn nước chống xói mòn, nơi sinh sống của cộng đồng dân cư sống chủ yếu dựa vào hệ sinh thái biển. Họ có những luật tục gắn với lễ nghi, tín ngưỡng của đời sống tâm linh cư dân biển.
 
Theo quan điểm phát triển du lịch thì “vùng du lịch ven biển là nơi có bờ biển, có bãi tắm và dãi đất ven biển dùng để phát triển cơ sở hạ tầng du lịch…”. Quảng Bình được thiên nhiên ưu ái ban tặng đủ các yếu tố của quan điểm du lịch như: bãi tắm Nhật Lệ, Mỹ Cảnh, Đá Nhảy… và các đảo như: hòn La, hòn Nồm, đảo Yến…
 
Ở các khu du lịch, điểm du lịch ven biển thường gắn với các yếu tố sinh thái như: thủy triều lên, xuống, đặc điểm của từng loại bờ, bãi tắm phục vụ cho lướt sóng, tắm biển. Đặc biệt, ven biển, cộng đồng dân cư làm nghề đánh bắt và chế biến hải sản thường cư trú lâu đời tại các điểm du lịch như: Bảo Ninh, Hải Thành, Lý Hòa, Cảnh Dương… Họ có mối liên hệ gắn bó mật thiết với hệ sinh thái nhạy cảm vùng ven biển. Nhiều nét đặc trưng trong văn hóa truyền thống đều quan hệ, gắn bó với nghề biển.
 
Do vậy, việc phát triển du lịch ven biển nếu theo hướng thương mại, dịch vụ thuần túy sẽ tác động mạnh đến phong tục tập quán, văn hóa phi vật thể của các cộng đồng dân cư ở đây.
Lễ tế linh ngư-một phần của lễ hội cầu ngư hằng năm tại xã Cảnh Dương, nơi lưu giữ, phụng thờ hai bộ xương cá voi mà người dân làng biển tôn xưng là cá Ông và cá Bà. (Ảnh: A.T)
Lễ tế linh ngư-một phần của lễ hội cầu ngư hằng năm tại xã Cảnh Dương, nơi lưu giữ, phụng thờ hai bộ xương cá voi mà người dân làng biển tôn xưng là cá Ông và cá Bà. (Ảnh: A.T)

Cùng với các khu vực khác ven biển miền Trung, du lịch ven biển Quảng Bình từ khi tái lập tỉnh đến nay đã có những bước phát triển đáng kể, đặc biệt, khi Quảng Bình xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, đã phát huy được thế mạnh của tiềm năng thiên nhiên sẵn có, nhiều bãi tắm đẹp, lý tưởng, hấp dẫn đã được khai thác; nhiều khách sạn có thương hiệu, nhiều khu nghỉ dưỡng được đưa vào phục vụ du khách. Du lịch ven biển lại sẵn có nhiều đặc sản như: rắn biển, cua, ghẹ, cá, tôm, mực…

Tuy nhiên, thực trạng du lịch ven biển Quảng Bình vẫn còn nhiều vấn đề bất cập, đó là tác động môi trường của du lịch ven biển lên các phân hệ tự nhiên, kinh tế, xã hội, giao thông… như: vấn đề rác thải, nước thải xả trực tiếp ra biển, vấn đề an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, lều quán, bãi đỗ xe, nhà vệ sinh, đường giao thông tới các bãi tắm, dịch vụ du lịch chưa đa dạng, chưa phong phú, còn đơn điệu. Một số bãi tắm công trình xây dựng đang ngổn ngang, rác thải, nước thải, vệ sinh môi trường đang là vấn đề nan giải cho các cơ quan quản lý... 
Vịnh Hòn La là một trong những địa điểm có phong cảnh đẹp ở vùng phía bắc Quảng Bình. (Ảnh: A.T)
Vịnh Hòn La là một trong những địa điểm có phong cảnh đẹp ở vùng phía bắc Quảng Bình. (Ảnh: A.T)
Từ những thực tế nêu trên, để phát triển du lịch bền vững vùng ven biển Quảng Bình, trước hết, cần quản lý và kiểm soát chất thải, nước thải, rác thải, có những dự án xây kè chống sạt lở, chống xói mòn bờ biển như: kè biển Nhật Lệ, kè biển Bảo Ninh. Một số bãi tắm khác cần triển khai xây kè để bảo vệ, duy trì các điểm, các bãi tắm; cần bảo vệ các cụm đá ven biển, đá ngầm, các rạn san hô, các hang đá ở bãi tắm Đá Nhảy-Lý Hòa cũng như các hệ sinh thái nhạy cảm khác ven biển thích hợp cho phát triển du lịch.
 
Bên cạnh đó, cần tạo lập mối quan hệ giữa các ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện chương trình phát triển du lịch của tỉnh, quy hoạch và quản lý quy hoạch trong phát triển du lịch ven biển từ quản lý đất đai, quản lý các công trình kiến trúc xây dựng, chiều cao công trình cũng như bảo vệ môi trường sinh thái nhạy cảm ven biển… Tỉnh ta có bốn trung tâm du lịch được quy hoạch thì có 2 trung tâm du lịch nằm ven biển, đó là  Bảo Ninh (Đồng Hới) và Vũng Chùa-Đảo Yến (Quảng Trạch).
 
Mặt khác, Quảng Bình cần quan tâm đến đời sống văn hóa, tinh thần, vật chất của dân cư các làng chài ven biển, đặc biệt là nâng cao dân trí, ý thức về phát triển du lịch bền vững cho họ, không vì lợi ích trước mắt mà xâm hại hay khai thác cạn kiệt tài nguyên sinh thái biển; cần khuyến khích, động viên, thu hút các nguồn lực đầu tư, phát triển du lịch ven biển, giữ gìn môi trường sinh thái, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho du khách tại các điểm du lịch ven biển, làm cho du lịch ven biển Quảng Bình thực sự là điểm đến hấp dẫn, là “vùng đất hứa” thu hút du khách.
 
Đồng thời, bảo tồn, phát huy các loại hình văn hóa phi vật thể để du khách không những về với biển nghỉ dưỡng, tắm biển mà còn tham quan các làng nghề truyền thống ven biển như: đóng thuyền, chế biến hải sản, trải nghiệm sinh hoạt văn hóa cộng đồng làng biển…, với những trải nghiệm câu cá, kéo lưới, thả lưới, quay rớ, bơi lội, lướt sóng, thể thao biển…
                                                                                                                                  Tạ Đình Hà