Tinh hoa nghệ thuật dân gian: Nắm giữ để trao truyền

  • 09:15 | Thứ Bảy, 21/09/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Xuất phát từ niềm đam mê với văn hóa dân gian, những “nghệ nhân chân đất” ở các làng quê đã tập hợp nhau lại để thành lập các câu lạc bộ (CLB) dưới tên gọi như: CLB văn nghệ quần chúng, CLB đàn, hát dân ca, CLB văn nghệ dân gian… Những CLB này được xem là ngôi nhà chung của những người say mê câu hò, điệu hát, các hình thức dân vũ dân gian để rồi chung tay, góp sức khôi phục, truyền dạy, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn liền với đời sống sinh hoạt của người dân.
 
Trọn đời với dân ca
 
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Đặng Thị Kim Liên, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tỉnh Quảng Bình cho biết: Toàn tỉnh hiện có 24 nghệ nhân dân gian (NNDG), trong đó có 15 NNDG Việt Nam. Như con tằm lặng lẽ ươm tơ, nhiều NNDG, như cố nghệ nhân (NN) Phạm Thị Thứu (ca trù Đông Dương), cố NN Phạm Ngọc Thức (hát ru, hò biển Cảnh Dương)… đã gắn trọn cả cuộc đời cho việc gìn giữ, truyền dạy, biểu diễn văn nghệ dân gian, góp phần bảo tồn, phát huy các tinh hoa văn hóa của quê hương.
 
Trong số các NNDG Việt Nam, đã có 8 NN được phong tặng danh hiệu NN ưu tú và 1 NN được phong tặng danh hiệu NN nhân dân. Điều đáng mừng là hầu hết các địa phương đều có NN tiêu biểu. Chính họ là “linh hồn” của các CLB văn nghệ truyền thống-nơi nắm giữ, trao truyền các giá trị văn hóa cổ xưa của mỗi làng quê.
 
Tiêu biểu là NN nhân dân Phạm Thị Niếu (Bố Trạch), nắm giữ nghệ thuật trình diễn các làn điệu hò cùng nghệ thuật múa bông, chèo cạn của cư dân vùng biển và các NN ưu tú: Trần Khánh Nguyên (Minh Hóa), nắm giữ nghệ thuật trình diễn dân ca Minh Hóa; Lê Thành Lộc (Quảng Trạch) nắm giữ nghệ thuật trình diễn dân gian hát ru và hò chèo cạn Cảnh Dương; Hồ Xuân Thể (Quảng Trạch), nắm giữ nghệ thuật trình diễn dân gian ca trù; cùng các NN Nguyễn Hữu Điệp, Lê Thị Hồng Hạnh, Nguyễn Thị Lý, Đặng Thị Hới, Đặng Ngọc Linh (Lệ Thủy) nắm giữ nghệ thuật trình diễn hò khoan Lệ Thủy. Hai NNDG Việt Nam: Trần Văn Phúc, Hồ Ai (Trường Sơn, Quảng Ninh) cũng có nhiều đóng góp trong thực hành, truyền dạy dân ca và sử dụng nhạc cụ dân tộc Bru-Vân Kiều.
Không chỉ biểu diễn phục vụ người dân địa phương, các CLB văn nghệ dân gian còn tạo nhiều dấu ấn tại các liên hoan nghệ thuật đàn hát dân ca do tỉnh tổ chức.
Không chỉ biểu diễn phục vụ người dân địa phương, các CLB văn nghệ dân gian còn tạo nhiều dấu ấn tại các liên hoan nghệ thuật đàn hát dân ca do tỉnh tổ chức.
Đa số các NN đều xuất thân từ các gia đình có truyền thống văn hóa, văn nghệ. Họ thừa hưởng tài năng nghệ thuật từ chính cha mẹ, ông bà của mình.
 
Đơn cử như gia đình ông Nguyễn Hữu Sào (98 tuổi ở Lệ Thủy) có các con, cháu, anh, chị, em đều say mê và nắm giữ các làn điệu hò khoan Lệ Thủy. Ông là cha của 2 NN: Nguyễn Thị Lý, Nguyễn Hữu Điệp-những người đóng vai trò nòng cốt trong các hoạt động biểu diễn, truyền dạy hò khoan ở Lệ Thủy và bản thân ông cũng là NN nổi tiếng một thời của vùng đất xứ Lệ.
 
NN Hồ Xuân Thể (sử dụng đàn đáy ở CLB ca trù Đông Dương) cũng xuất thân trong một  đình có ông cố nội, ông nội và cha đều là những kép chính trong các đoàn ca trù của làng Đông  Dương. Ông được chính ông nội truyền dạy cách đánh đàn đáy ngay từ khi còn nhỏ. 13 tuổi, ông Hồ Xuân Thể đã tham gia cùng với đoàn ca trù đi biểu diễn ở một số lễ hội do các làng tổ chức và đến bây giờ, ông vẫn lưu giữ, sử dụng cây đàn đáy trên 100 năm tuổi mà thế hệ ông, cha đã để lại cho mình, xem đó là tài sản quý giá nhất, là bạn đồng hành với ông gần trọn cuộc đời.
 
Có truyền thống từ gia đình và tình yêu đối với nghệ thuật truyền thống, các NN từng trăn trở khi các làn điệu dân ca, dân vũ của quê hương mình dần bị mai một, thất truyền trong cuộc sống hiện đại. Và chính họ đã tiên phong trong các hoạt động khôi phục, gìn giữ, làm sống lại các câu hò, điệu hát trên mỗi vùng quê.
 
"Giữ lửa" văn nghệ dân gian
 
Những năm gần đây, các CLB văn nghệ truyền thống, CLB đàn hát dân ca… và các đội, nhóm văn nghệ quần chúng trên địa bàn tỉnh ta phát triển khá rầm rộ. Đây là nơi tập hợp những NN nòng cốt trong phong trào văn hóa, văn nghệ ở địa phương.
 
Ngoài những CLB ra đời sớm và phát triển mạnh như: CLB văn hóa dân gian xã Nhân Trạch, CLB ca trù Đông Dương, các CLB hò khoan Lệ Thủy…, nhiều CLB ra đời sau nhưng cũng có bước phát triển mạnh mẽ trong việc duy trì sinh hoạt, luyện tập và xây dựng các chương trình biểu diễn như: CLB yêu câu hò xứ Lệ (Lệ Thủy), CLB hát ru, hò khơi (Cảnh Dương, Quảng Trạch), CLB hát Kiều làng Pháp Kệ (Quảng Phương, Quảng Trạch), CLB đàn, hát dân ca xã Vạn Ninh (Quảng Ninh), CLB hát phường nón Quảng Thuận (Ba Đồn), CLB đàn, hát dân ca Hồng Hóa (Minh Hóa)…
 
Mỗi CLB được ví như đoàn văn công của mỗi làng quê bởi ở đó quy tụ nhiều gương mặt có tài năng từ hát, sử dụng nhạc cụ dân tộc, sáng tác và biên đạo… Đơn cử như CLB đàn, hát dân ca xã Hồng Hóa (Minh Hóa), một trong những CLB có tuổi đời còn khá non trẻ nhưng ngay từ khi thành lập đã xây dựng được quy chế hoạt động cụ thể.
 
Ông Đinh Thanh Đàn, chủ nhiệm CLB  là người giữ vai trò chủ chốt trong việc sáng tác ca khúc mới phù hợp với thời đại, với các sự kiện chính trị của địa phương dựa trên những giai điệu cổ của dân ca Minh Hóa. Ông cũng là người trực tiếp dàn dựng các chương trình biểu diễn của CLB. NNDG Đinh Tiến Dòng (sử dụng đàn bầu) đảm nhận phần nhạc cụ dân tộc. Các thành viên: Đinh Thị Thê, Đinh Thị Thanh… sử dụng thành thạo bộ gõ cùng rất nhiều giọng ca thể hiện tốt tất cả các thể loại dân ca của Minh Hóa. CLB chia thành 3 tổ, mỗi tổ có một người làm tổ trưởng, chịu trách nhiệm tổ chức các buổi sinh hoạt của tổ mình. Ban đầu, các tổ cũng đề ra lịch sinh hoạt định kỳ hàng tháng, hàng tuần nhưng do nhu cầu của các thành viên nên hầu như đêm nào, CLB cũng tổ chức sinh hoạt.
 
Từ các CLB, nhiều làn điệu dân ca như hát đúm, ví, hát ru, hát kiều, ca trù, hò khơi, hò biển, hò khoan… được khôi phục, phát triển, ngày càng có nhiều chương trình biểu diễn chất lượng cao, phục vụ các sự kiện chính trị, các ngày lễ lớn ở các địa phương. Nơi nào có CLB, nơi đó, các giá trị của văn hóa dân gian dường như được khôi phục nguyên vẹn. Nhiều làn điệu dân ca, dân vũ tưởng chừng như bị khuất lấp bởi thời gian được sống lại và trở thành "món ăn tinh thần" không thể thiếu trong đời sống của người dân bản địa.
 
Có thể nói, sự ra đời của các CLB đã đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân ở các vùng, miền. Qua đó, người dân ý thức hơn về vai trò của mình trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, tạo động lực thi đua xây dựng nông thôn mới gắn với việc bảo tồn, phát huy các bản sắc văn hóa của quê hương.
 
                                                                   Nhật Văn