Dư âm giọng hò khoan

  • 07:44 | Thứ Tư, 04/09/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - “Xanh tươi bốn mùa rộn vang tiếng hò khoan Lệ Thủy...” (Hoàng Vân). Là cái sự khi tôi sinh ra, chiến trường Bình-Trị-Thiên khói lửa ngút trời. Chập chững biết đi gặp một cuộc “chiến tranh” khác, rất đau rất buồn lại mang tiếng một cuộc “cải cách”. Vết thương ấy chưa lên da non thì bầu trời lại bị xé rách trong tiếng gào rú của không lực Hoa Kỳ... Quê nhà tôi lại thành “tuyến lửa”. Rồi, mười năm sau, bản hòa ca ngân nga từ mục Nam Quan đến mũi Cà Mau lại tiếp đến cơn tuột dốc thảm hại của bát cơm, tưởng như không gượng được... Nửa thế kỷ đấy! “Văn hóa làng” đứt gãy, chìm lấp, tưởng như mất hẳn...
 
Vậy mà không! Cũng cái thời sau lẫm chẫm biết đi, lẫm chẫm cầm roi ra đồng theo trâu, tôi vẫn nghe đâu đó vọng lại đôi câu hò mái ba, mái nhì của người nhổ mạ cấy lúa, của ông lực điền đang cày ruộng. Và, vẫn có những buổi họp tổ đội sản xuất, một người xướng lên: “Ơ hơ ơ khoan, xin mời tất cả xố con!”. Vậy là, không hề hẹn trước tất cả: “Ơi là hố!”. Hò khoan Lệ Thủy đấy! Lạ thay, cái mạch nguồn văn hóa cứ chảy thao thiết, ngấm đều trong mỗi làng...
 
Mẹ Thế, một người phụ nữ gãy gánh bên kia sông sang gá nghĩa với một ông ở làng tôi, mang theo giọng hò khoan trong vắt và khả năng ứng tác tuyệt vời của một nghệ nhân từ trong máu huyết.
 
Ông Vĩnh, không ai hình dung được một thợ sơn tràng vai u thịt bắp, thời trai trẻ là một cây “giã gạo hò khoan” thâu đêm suốt sáng cả đôi bờ Kiến Giang. Hết gạo, thì bỏ trấu vào giã, hò tiếp, hết lời tử tế thì hò qua xỏ xiên chọc ghẹo.
 
Này nhé, ban đầu là lời thanh lịch: “Nghe tin anh đau đầu chưa khá/Em băng đồng chỉ phá bẻ lá về xông/Đổ mồ hôi em quạt/Ngọn gió lồng em che”. Đến hồi đảo giọng tào lao: “Nghe tin anh đau đầu chưa khá/Em vác đá quăng(ném) thêm/Đổ mồ hôi em quạt lả (lửa)/Ngọn gió lồng em đạp phên".
Trình diễn hò khoan Lệ Thuỷ
Trình diễn hò khoan Lệ Thuỷ
Lạ, cái danh xưng. Không phải hò khoan mà là hò khoan Lệ Thủy. Nghĩa rằng, định danh và định vị bởi danh từ riêng, vùng đất riêng. Đất này, thu lại từ cuối thế kỷ XI, sau hai cuộc Nam chinh của vua tôi triều Lý vào các năm 1069 và 1075, sinh sôi từ sau các chiếu di dân vào các kỳ 1402 thời Hồ, 1471 thời thịnh trị Lê Thánh Tông...
 
Gần 200 năm chia cắt Trịnh-Nguyễn, vết đứt văn hóa đến nay chưa lành: ca trù, hát Kiều vào đến bắc sông Gianh thì dừng lại. Người hai huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh không hề “hay biết”. Hò khoan, hát bội (tuồng) chỉ lưu truyền ở lưu vực sông Nhật Lệ. Dân Bố Chính (Bố Trạch, Quảng Trạch) không thông. Dân ca sinh ra từ người và...từ đất. Sông Gianh mạnh mẽ ào ạt, Nhật Lệ hiền hòa. Đồng hai huyện rộng lớn “xanh tươi bốn mùa” mà sản sinh ra hò khoan chăng?! Không kể hát bội (tuồng) là do Đào Duy Từ mang theo từ Hoa Trai (Tĩnh Gia-Thanh Hóa) đi vòng vô tới Bình Định trở ra xây chiến lũy giúp nhà Nguyễn giữ vững cõi bờ phía nam Gianh.
 
Rồi nữa, thế kỷ XVII, Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh mộ dân ngũ Quảng vào khai phá vùng Đồng Nai-Tân Bình hiện nay. Có viên đại tá Trung đoàn trưởng đặc công Rừng Sác Lê Bá Ước, sau 300 năm, thay mặt tiền nhân về làng Lộc An bên tả ngạn Kiến Giang nhận họ trong ngày khánh thành nhà thờ họ Lê đã “xố” thành thạo như thể tuổi trẻ đã từng hò khoan.
 
Lại nữa, vị Đại tướng lừng danh năm châu, sau 70 năm xa làng, trở về cứ yêu cầu được nghe hò khoan Lệ Thủy. Chưa hết, tình cờ, văn nghệ sĩ Quảng Bình đến thăm nhà 30 Hoàng Diệu (Hà Nội). Chuyện vãn, bỗng một người cất giọng hò khoan cũng là lúc thư ký báo hết giờ tiếp khách, Đại tướng ngỏ lời gần như khẩn khoản: "Cho xin thêm mười phút!". Mười phút trôi qua, lại: “Xin thêm... năm phút”. Ôi, nhịp đập văn hóa bước lên từ cánh đồng làng, dư âm hò khoan trong trái tim người con ra đi từ ngôi làng, bền vững bất chấp thời gian, bất chấp biến loạn “chớp bể mưa nguồn”!
 
Rồi một ngày, những người chân đất bước lên từ cánh đồng sâu được đứng dưới bóng bức tượng Lý Thái Tổ mà hát hò khoan, đứng bên hồ Gươm thiêng mà cất lến mái ba mái nện... Đó là lúc câu lạc bộ hò khoan Lệ Thủy được mời ra thủ đô giao lưu.
 
                                                *
 
Tôi biết đến hò khoan trong một ngày thật buồn. Đội âm công chuẩn bị đặt ba tôi xuống. Có một người cầm dụng cụ nện đất đáy huyệt cho chặt rồi bỗng hò lên câu gì đó. Những âm công tuổi mười tám, đôi mươi liền xố lên thành thạo nhịp điệu tiết tấu của “mái nện”.
 
Trước đó vài mươi năm, từ thời thơ ấu theo ba ra đồng, tôi cũng từng được nghe ông hò. Mùa đông, rét lắm, ba tôi mặc áo tơi đứng trên bừa có đôi trâu kéo đi. Bỗng ông cất giọng một làn điệu gì đó thật não lòng khiến tôi sững người, lạ lẫm. Nhưng, công cuộc làm ăn khó nhọc, nuôi một đàn con đến trường, tuyệt nhiên đã không cho phép ông có nhiều giây phút thả lỏng thăng hoa như thế.
 
Rất nhiều người đàn ông, đàn bà quê tôi biết hò năm mái, chín mái đã thành người thiên cổ. Nhưng, hò khoan Lệ Thủy đã bước ra cuộc sống với tư cách Di sản văn hóa quốc gia, đang lan tỏa trong cả nước. Và biết đâu một ngày nào đó được “xuất khẩu” ra ngoài biên giới.
 
Dạo trước, trên tivi quảng cáo mở lớp dạy “hò khoan chín mái”, tôi nhắn tin đăng ký xin học. Ban tổ chức trả lời chấp nhận và ưu tiên miễn học phí. Không, tôi không nhận sự ưu tiên ấy. Tôi sẽ nộp học phí đầy đủ để học bằng được, thành thạo chín mái trong di sản, để hò tiếp những làn điệu năm xưa ba tôi đứng trên bừa trong một chiều đông rét mướt đã cất lên... chưa trọn.
                                                                Nguyễn Thế Tường