Mùa Vu Lan, nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc

  • 06:41 | Thứ Năm, 15/08/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong tâm thức người Việt Nam, tháng 7 âm lịch (hay còn gọi là mùa Vu Lan báo hiếu) và ngày lễ Vu Lan (15-7 âm lịch) được xem là lễ trọng, thể hiện sâu sắc đạo hiếu của con cái đối với cha mẹ, trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa tâm linh, văn hóa Phật giáo của người Việt Nam.
 
Cứ mỗi dịp tháng 7 âm lịch, các chùa trên địa bàn tỉnh ta lại đón rất đông Phật tử và người dân đến dâng hương, bày tỏ lòng thành kính đối với đức Phật và cũng là dịp mà mỗi người tự soi lại mình để hoàn thiện hơn về nhân cách, đạo đức, từ đó hướng tâm theo những việc thiện lành.
 
Như thường lệ, ngay từ những ngày đầu tháng 7 âm lịch, các nhà chùa trên địa bàn tỉnh như: chùa Đại Giác (Đồng Hới), chùa Quảng Xá (Quảng Ninh), chùa Hoằng Phúc (Lệ Thuỷ)… luôn chuẩn bị sẵn hương, đăng cho người dân đến chùa lễ Phật. Các chùa còn tổ chức nhiều nghi lễ truyền thống, các buổi thuyết giảng Phật pháp, thu hút đông đảo bà con Phật tử tham gia. Qua đó, người dân được hiểu rõ hơn về nguồn gốc ngày lễ Vu Lan và nét đẹp văn hóa từ đại lễ này.
 
Trong đời sống văn hóa của người Việt, Vu Lan là dịp nhắc nhở các thế hệ con cháu nhớ tới công ơn dưỡng dục, sinh thành của cha, mẹ, ông bà, bày tỏ lòng biết ơn đến các bậc tổ tiên, các anh hùng liệt sỹ, những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc.
 
Vì vậy, không chỉ các Phật tử mà với nhiều người dân, Vu Lan cũng được xem là mùa báo ân, báo hiếu với nhiều cách thể hiện khác nhau. Có người đến chùa để tham gia lễ cầu siêu, phóng sinh, làm phúc… nhằm tích phước, cầu an, cầu may cho cha mẹ được tăng phúc thọ, hóa giải nghiệp chướng. Nhiều người lại chuẩn bị mâm lễ đặt lên bàn thờ để tưởng nhớ đến những người đã khuất hay mua tặng cha, mẹ những món quà ý nghĩa hoặc nấu bữa ăn ngon để cả nhà quây quần, đoàn tụ. 
Chùa Đại Giác (Đồng Hới) đón nhiều người dân, Phật tử đến tham gia hành lễ trong dịp lễ Vu Lan.
Chùa Đại Giác (Đồng Hới) đón nhiều người dân, Phật tử đến tham gia hành lễ trong dịp lễ Vu Lan.
Bà Diệu Tâm ở phường Nam Lý (Đồng Hới) cho hay: Cứ đến mùa Vu Lan, ngoài việc đến chùa lễ Phật, cầu siêu cho cha mẹ, bà còn dành nhiều thời gian để gần gũi con, cháu, răn, dạy con cháu những điều hay, lẽ phải và vận động người thân của mình tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện như: hỗ trợ bát cháo dinh dưỡng cho người bệnh nghèo, hỗ trợ gạo, thức ăn, áo, quần cho những người lang thang, cơ nhỡ…
 
Một trong những nghi lễ ấn tượng nhất trong dịp lễ Vu Lan được tổ chức ở các chùa là lễ “Bông hồng cài áo”. Trong không khí trang nghiêm, đầm ấm, mỗi người được cài lên áo một bông hoa hồng (màu đỏ cho những ai còn mẹ và màu trắng cho những người mất mẹ). Nghi lễ giản đơn nhưng luôn để lại nhiều cảm xúc trong lòng mỗi người tham gia hành lễ. Những ai may mắn được cài bông hồng đỏ trên ngực như được nhắc nhở rằng, phải luôn hiếu thảo với cha mẹ. Và những người không còn mẹ, khi được cài bông hoa trắng trên áo như gợi nhớ về những ngày tháng êm đềm bên cha, mẹ và nhắc nhở họ không bao giờ quên ơn đức của đấng sinh thành và phải giữ gìn tình cảm gia đình đầm ấm, anh em trên thuận dưới hòa. Phong tục cài hoa hồng lên áo nhân dịp lễ Vu Lan là do Thiền sư Thích Nhất Hạnh khởi xướng qua ấn phẩm “Bông hồng cài áo” vào năm 1962.
 
Giáo lý Phật giáo luôn đề cao vai trò của chữ “hiếu” và trong đời sống văn hóa của người dân Việt Nam, chữ “hiếu” cũng luôn được đặt lên hàng đầu. Những câu dân ca rằng “Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/Một lòng thờ mẹ, kính cha/Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con…” vẫn được bao thế hệ người Việt truyền tụng, xem như bài học đạo đức mà đề cao chữ “hiếu” là cốt lõi để răn dạy con, cháu nên người. “Hiếu” đối với cha mẹ là sự tận tụy chăm sóc, tôn kính bằng cả tấm lòng, bằng những gì có thể tốt đẹp nhất của những người con, nhằm đền đáp phần nào công ơn trời biển của cha, mẹ. Và việc báo hiếu cho cha, mẹ không chỉ dừng ở một lễ Vu Lan mà là bổn phận, là trách nhiệm, đạo lý mà mỗi người làm con phải ghi nhớ suốt đời. 
 
Vào mỗi lễ Vu Lan, nhiều địa phương còn lập đàn cầu siêu hoặc cúng thí thức ăn cho các cô hồn (những người đã khuất không có người người thân). Đây được xem là nét đẹp thể hiện tính nhân văn cao cả của đạo Phật, song đang có nguy cơ bị biến tướng, dẫn đến hiện tượng mê tín dị đoan ngày càng phố biến hiện nay. Nhiều người vì không hiểu hết ý nghĩa của việc “xá tội vong nhân” trong rằm tháng 7 nên cho rằng đây là tháng cô hồn, tháng xui xẻo nhất trong một năm. Vì vậy, họ thường tránh mua xe, làm nhà, cưới, gả… mà tổ chức cúng tế, cầu an, sắm vàng mã, rải tiền lẻ… Họ xem việc làm đó là nhằm thỏa mãn nhu cầu của các “cô hồn” để họ phù trì, ủng hộ cho gia chủ làm ăn phát đạt. Quan niệm sai lầm đó đã làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp của mùa Vu Lan, mùa hiếu hạnh, mùa khơi dậy tinh thần báo đáp thâm ân của cha, mẹ.
 
Dân gian có câu “Thờ cha, kính mẹ chính là chân tu” và tháng 7 âm lịch không chỉ là quãng thời gian ôn nhắc mỗi con người kỹ hơn về đạo hiếu mà còn là dịp hướng về nguồn cội, tri ân các vị anh hùng đã có công lao to lớn với đất nước trong lịch sử dân tộc. Vì lẽ đó, tháng 7 âm lịch là tháng tốt lành, tháng tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của người Việt Nam.
 
                                                                             Nh.V