.

Lý Hoài Xuân và "Nhịp tim con chữ"

.
08:12, Thứ Bảy, 22/06/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - “Tôi đo mình bằng thước đo của biển/Nhịp tim con chữ thiện-chân/Khép mở lòng qua từng hải lý/Biến lắng tình/Sức bút hoài xuân”-nhà thơ Lý Hoài Xuân, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Văn học-Nghệ thuật Quảng Bình tự bạch như thế. Đọc tập thơ “Nhịp tim con chữ” dễ nhận ra một Lý Hoài Xuân mỗi ngày “mang về một gương mặt hoa/Sở hữu riêng trong trí tưởng tượng/ Để nuôi hồn/Và chống sự già”.
 
Trang bìa tập thơ
Trang bìa tập thơ "Nhịp tim con chữ" của Lý Hoài Xuân.
Chữ tình với “anh” và “em ” được Lý Hoài Xuân sử dụng trong hầu hết tác phẩm thơ của mình. Mỗi bài thơ mang một giọng điệu riêng, thể hiện sự sáng tạo, đổi mới trong câu, chữ để nhà thơ gửi gắm vào đó niềm vui, nỗi buồn và cả những băn khoăn, trăn trở trong cuộc sống.
 
Hơn 50 năm gắn bó với nghề, Lý Hoài Xuân đã cho ra đời nhiều tác phẩm thơ, trường ca, phê bình tiểu luận như: Những đám mây mùa hạ, Giữa hai người, Gió cát, Đàn trăng, Trường ca Nguyễn Du, Hai sắc hoa một điệu hồn, Hồ Chí Minh-nguồn cảm xúc không bao giờ cạn… và Nhịp tim con chữ- Nhà xuất bản Thuận Hóa năm 2019 là tập thơ mới nhất.
 
Tập thơ gồm có 58 bài thơ, trong đó phần lớn là thơ tình mà Lý Hoài Xuân đóng vai người kể chuyện tình, là “anh”, là “tôi”.
Nhà thơ kể về những kỷ niệm, là nỗi nhớ, niềm thương đong đầy trong từng câu, chữ: “Sẽ mãi còn trong anh/Gương mặt em ngày trẻ/ Như còn giữa trời xanh/Vầng trăng thu mới mẻ. Và trong em hẵn thế/Sẽ mãi còn như sao/Ánh mắt anh lặng lẽ/Ẩn chìm trong chiêm bao…” (Lưu ảnh) hay: “Em đi tận cùng trăng ấy/Sang ngày thêm hiểu thơ ta/Ta đi tận cùng trăng ấy/ Mang về một giấc mơ hoa” (Đồi hoa tím).
 
Nhiều bài thơ của Lý Hoài Xuân có giọng điệu rất trẻ. Là những lời trách móc, sự tiếc nuối một thời đã qua trong nỗi cô đơn của hiện tại: “Sao em không trở lại” những nơi mà ngày xưa đôi ta đã cùng qua để rồi “Bây giờ anh trở lại/Thương hồn mình cô đơn/Nơi em không trở lại/Tím ngát trời hoàng hôn” (Sao em không trở lại). Không ít bài thơ trong tập thơ này mang giọng điệu của thơ mới, như: “Bông hồng của riêng tôi”, “Giọt đắng”, “Với một người dưng”, “Tượng gạch Chăm”, “Bay”…
 
Mặc dù “mới” về cách thể hiện và sử dụng ngôn từ song thơ Lý Hoài Xuân vẫn mang nét giản dị, gần gũi với công chúng. Nhà thơ từng tâm sự rằng: Người làm thơ phải hướng đến cái mới. “Mới” không có nghĩa là chạy theo trào lưu, theo cái mới mà loại bỏ hoàn toàn cái cũ mà đòi hỏi người nghệ sỹ phải luôn tìm tòi, sáng tạo để không đi lại lối mòn nào đó… “Tôi là tôi” trên hành trình khám phá, chinh phục cái mới.
 
Chủ đề về đất và người Quảng Bình cũng được Lý Hoài Xuân thể hiện trong một số bài thơ và vẫn là “anh”, “em” với những ký ức đẹp của quá khứ đan xem với hiện tại, phảng phất một nỗi buồn: “Một thuở Hải Ninh mưa trộn nắng/ Đêm-ngày-sáng-tối khó phân minh/Biển-bờ một thoáng nhường hoa sóng/Gió thu một thoáng nối ta-mình” (Một thoáng Hải Ninh) hay: “Sông hai nhánh nước hai dòng/Bên xanh, bên đỏ hai lòng khác nhau/Anh lội trước, em bước sau/Bóng lồng bóng giữa hai màu nước trôi/Có đôi mà lại lẻ đôi/Là sông hai nhánh ở nơi núi buồn” (Ghi ở sông hai nhánh)…
 
Thể thơ truyền thống lục bát cũng được Lý Hoài Xuân làm mới bằng cách sử dụng ngôn từ đầy sáng tạo để rồi tạo ra một giọng điệu riêng, giàu cảm xúc, ý tưởng. Vẫn là thơ tình song với thể thơ lục bát câu chuyện giữa “anh” và “em” được kể với những ngôn từ giản dị, chân chất như: “Gần nhau một khúc đường thôi/Thương nhau dang dở một đời không xong/Buồn vui hiện giữa môi hồng/Đắng cay ủ giữa đáy lòng lạnh se/Tiễn nhau một đoạn đường về/Lòng đi muốn ở, lòng về không yên”… hay “Như là vẫn có em theo/Lên đèo rồi lại xuống đèo cùng anh/Em như xa lại như gần/Bỗng hiển hiện, chợt bất thần biến đâu” (Chiêm bao ban ngày)… Đó là những câu từ chứa đựng nỗi niềm của người trong cuộc, là những hoài niệm, tiếc nhớ được dệt nên từ trái tim đa cảm của người nghệ sỹ.
 
Rung cảm trước cảnh “cá chậu chim lồng”, Lý Hoài Xuân viết: “Thoát khỏi lồng mà dễ chi bay được/Cánh đâu còn mềm mại như xưa/Những con chim nhiều năm bị nhốt/Đứng tần ngần giữa đêm tối đầy mưa”. Vì thấu hiểu “Khát vọng tự do bao ngày ấp ủ” nên nhà thơ xót thương “những con chim vô hại/Ra khỏi lồng còn sợ bẫy giăng” (Thương thế chim lồng)…
 
Ngoài một số bài thơ đã được đăng tải trên các báo, tạp chí, tập thơ còn có hai bài thơ khá nổi tiếng đã được nhạc sỹ Hoàng Sông Hương phổ nhạc và được nhiều nghệ sỹ tên tuổi trong và ngoài tỉnh thể hiện. Đó lài bài “Nhật lệ trăng huyền thoại” và “Tâm tình với sông Gianh”. Một số bài thơ tác giải viết để tặng cho các bạn văn, thơ của mình như: “Nhận cảm một chân trời” tặng nhà thơ Hữu Phương, “Người cô đơn ngồi trước hư vô” tặng Tr.D, “Người nhà” tặng nhà văn Nguyễn Thế Tường…
 
Có thể nói rằng, “Nhịp tim con chữ” là phong cách thơ của Lý Hoài Xuân. Ở đó, ông thể hiện trọn vẹn chính mình với niềm đam mê mãnh liệt đối với thơ-người bạn đồng hành trong cuộc sống của ông, là nơi nhà thơ gửi gắm trọn vẹn các cung bậc của cảm xúc. Và như ông nói: “Tim chữ/Tim tôi/Cộng sinh/Đồng điệu/Đồng cảm/Chung ghét/ Chung yêu/Cùng vui/Cùng buồn/Cùng lao tâm khổ trí/Tôi ký thác vào chữ/Chữ đan rễ vào tôi/Tạo máu hồn/Nở thành hoa”… để rồi, Lý Hoài Xuân “Sống đẫm với đời” và không bao giờ “phụ chữ” (Nhịp tim con chữ).
 
Nhật Văn
,