.

Đọc "Xuân Đường Thi"

.
09:37, Thứ Bảy, 08/06/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Câu lạc bộ (CLB) Đường thi Sông Gianh vừa tổ chức kỷ niệm 10 năm thành lập và ra mắt tập thơ thứ 8 “Xuân Đường Thi”. Thành lập ngày 13-4-2009, trong 10 năm qua, CLB Đường thi Sông Gianh đã cho ra đời 8 tập thơ. Trong đó, có 4 tập phát hành rộng rãi gồm: “Tháng Năm nhớ Bác” (NXB Thuận Hóa-2010), “Trường Thịnh Xuân” (NXB Thuận Hóa - 2012), “Tuổi măng non” (NXB Thuận Hóa-2014) và tập thơ “Xuân Đường Thi” (NXB Hội Nhà văn-2019). Và một số tập thơ lưu hành nội bộ như: “Những nén hương lòng”, “Cánh sóng Viettel”, “Sông Gianh dậy sóng”...
Những tập thơ CLB Đường thi Sông Gianh đã xuất bản.
Những tập thơ CLB Đường thi Sông Gianh đã xuất bản.
Đến với thơ Đường, ắt phải chấp nhận niêm luật khắt khe. Tuy nhiên, đây là thể loại thơ có nhiều hình thức thể hiện, như: thất ngôn bát cú, ngũ ngôn bát cú, thất ngôn tứ tuyệt, ngũ ngôn tứ tuyệt, liên tứ tuyệt… giúp các thành viên thả sức sáng tạo, tung hứng, nhả thơ.
 
Nhà văn Nguyễn Hữu Trường, trong phần “Lời tựa” đã nhận xét: “Do trình độ chính trị, văn hóa không ngừng nâng cao, nhân dân ta càng có ý thức đầy đủ hơn về những giá trị tinh thần mà nhân loại để lại, trong đó có kho tàng văn học nói chung, thơ Đường nói riêng…
 
Thơ Đường CLB Đường thi Sông Gianh đã đi vào ngõ ngách của cuộc sống: Mừng Đảng, mừng xuân, quê hương, Tổ quốc, ngợi ca lãnh tụ cùng các vĩ nhân của đất nước. Các thi hữu ở đây đã đi tới thơ Đường và tiếp biến nó với một tấm lòng trong sạch, mới mẻ. Tôi rất tâm đắc với các bài thủ vĩ ngâm, thán phục những bài thuận nghịch độc, thủ nhất thanh, nhất thủ thanh độc vận”...
 
Thật vậy, khi lồng cảm xúc của người thơ vào mùa xuân, tác giả Ngô Xuân Đàn bày ra trước mắt ta những chùm thi ảnh: “Mai vàng sinh tứ bao thi sĩ/Huệ trắng hớp hồn những bạn thơ/Ríu rít chim về hoa thắm biếc/Tung tăng cá giỡn bóng xanh lơ/Tưng bừng thôn xóm vui ca hát/ Rực rỡ không gian đẹp sắc cờ" (Tình xuân).
 
Với tâm sự, đã làm thơ về quê hương, đất nước… thế nào cũng phải thấy hình ảnh Bác Hồ trong đó, tác giả Trịnh Trọng Tý bày tỏ: “Thơ Bác lung linh ngời đất nước/Đức Người lấp lánh sáng tâm ta” (Nguyên tiêu nhớ Bác).
 
Đọc thơ Đỗ Thành Đồng-Chủ nhiệm CLB, mỗi câu thơ anh níu giữ bao kỷ niệm về tình người, tình thơ, tình đời: “Còn đây hóm hỉnh lời thầy Hải/Vẫn đó thân thương dáng cụ Hà/“Trường Thịnh xuân” về say ước mộng/“Tuổi măng non” đẹp thắm ngàn hoa” (Chẳng thể nhòa).
 
Thi sỹ Hoàng Hiếu Nghĩa, cây bút quen thuộc của người đọc tỉnh nhà đã rất khéo, khi vận dụng giữa xưa và nay, giữa quốc gia và quốc tế, làm nổi bật hình ảnh hai vị anh hùng dân tộc: “Nam quốc sơn hà vững một phương/Anh hùng muôn thuở nức danh thơm/Tướng tài thế giới VÕ NGUYÊN GIÁP/Tuấn kiệt toàn cầu HƯNG ĐẠO VƯƠNG/Văn lấy hùng văn xây xã tắc/Võ dùng thượng võ giữ quê hương/Cổ, kim tướng giỏi tôn mười vị/Hai vị Việt Nam đẹp lạ thường!” (Đẹp lạ thường).
 
Tác giả Trần Duy Nghiêm thật tinh tế, lắng chắt từ thiên nhiên, từ cuộc sống… mỗi thứ “một chút”, quyện hòa vào nhau. Và cái mà ông nhận về là những cung bậc tin yêu chan chứa: “Chút gió chút sương cứ sáng trong/Chút vui như thể rộn trong lòng/Chút mưa lành lạnh vương chân tóc/Chút nắng lâng lâng vén má hồng…” (Một chút).
 
Với nhà văn Hoàng Minh Sơn, quê hương luôn là đề tài có sức hút mãnh liệt: “Ba cồn trải rộng hiền con sóng/Bốn xóm vươn dài rợp lũy tre/Dẫu sống trăm năm miền xứ lạ/Đâu bằng giây lát mẹ hiền che!” (Với quê).
 
Ngợi ca tấm lòng nhân đạo, tác giả Nguyễn Hùng Tiến có cách nhìn độc đáo về “chữ Tâm”: “Sáng một chữ TÂM giữa ánh trời/Yêu thương trải rộng khắp muôn nơi”. Tác giả Lê Trung Tỷ chiêm nghiệm về đời, về nghề thật giản đơn mà sâu sắc: "Thời gian phớt trắng mái đầu anh/Lặn lội ngược xuôi giữ phước lành/Mỗi chữ tình mang gieo chí thẳng/Từng câu nghĩa nặng cấy tâm thanh” (Thời gian)…
 
Đọc “Xuân Đường Thi” mang đến cho ta cảm giác miên man, thẩm thấu từng con sóng vọng từ những địa danh bên dòng sông lịch sử. Với 106 trang, gồm 86 bài thơ của 18 tác giả, ngoài các thi phẩm vừa dẫn, tập thơ còn nhiều bài thơ ấn tượng, như: “Bàn chân người lính” của cụ Nguyễn Thêm, "Chóp Chài" của Trần Lý Minh, “Hồi ức sông quê” của Lê Chiêu Chúc, “Cảnh đẹp Quảng Bình” của Bùi Thị Tâm, “Dấu ấn mười năm” của Trương Văn Toan, “Mừng gia nhập Đường Thi Sông Gianh” của Nguyễn Xuân Hoàng…
 
Nguyễn Tiến Nên
,