.

"Cái tình với Quảng Bình còn sâu nặng lắm"

.
08:27, Thứ Hai, 24/06/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Tôi gặp họ khi Hà Nội đã bước vào hè, nắng chênh chao trên những con phố nhỏ. Họa sỹ Nguyễn Đức Dụ và nhạc sỹ, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha gọi chúng tôi là những người đồng hương, dù không ai trong hai nghệ sỹ ấy có quê ở Quảng Bình. Như phút đầu gặp gỡ, họ nắm lấy tay chúng tôi mà trìu mến bảo: “Chào Quảng Bình quê ta ơi! “Quê ta” thật đấy nhé, không phải chỉ trong bài hát của Hoàng Vân đâu”.
 
Nguyễn Thụy Kha và “mẹ Quảng Bình”
 
Cuộc gặp gỡ với nhạc sỹ, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Thụy Kha diễn ra tại một địa chỉ khá yên tĩnh trên phố Lý Quốc Sư (Hà Nội). Nơi này vốn là chốn gặp gỡ của ông với những người bạn làm nghệ thuật. Bên chén rượu ấm, họ ngồi bên nhau để bàn chuyện văn, chuyện đời. Với chúng tôi, được gặp ông thực sự là một may mắn lớn bởi những câu chuyện ông kể bao giờ cũng đầy trải nghiệm, để những người trẻ soi chiếu vào và tự ngẫm mình.
 
Ông bảo, Quảng Bình với ông thật nhiều duyên nợ và dường như, cái duyên của quá khứ cứ vấn vít đến tận bây giờ. Năm 1972, Nguyễn Thụy Kha khi ấy là một chàng lính trẻ thuộc Đoàn thông tin Lam Sơn vừa từ chiến trường Quảng Trị hành quân trở ra Quảng Bình.
 
Hơn một năm gắn bó với mảnh đất Phú Hòa (Phú Thủy, Lệ Thủy), tình đất và người nơi này trở thành ký ức ông mãi không bao giờ quên. Một năm thực sự ngắn ngủi so với cuộc đời làm nghệ thuật luôn gắn với những cuộc ra đi và trở về.
Nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha trò chuyện cùng phóng viên Báo Quảng Bình.
Nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha trò chuyện cùng phóng viên Báo Quảng Bình.
Nhưng như ông bảo, đó là những năm tháng nghĩa tình mà thời điểm đó và cho mãi về sau, mảnh đất Quảng Bình vẫn luôn là cảm hứng bất tật cho những sáng tác thơ nhạc của Nguyễn Thụy Kha. Ở cái thời mà “Một thế hệ hiến dâng trọn vẹn, hiến dâng vô danh/ Cắn chặt răng không khóc/Cháy thành lửa, tắt thành vuông cỏ mọc/Chín muộn như không thể chín tự nhiên” (Máu xanh), Nguyễn Thụy Kha đã có những năm tháng thanh xuân đẹp nhất trên chính tuyến lửa Quảng Bình.
 
Những tháng ngày ấy, ông đã được sự yêu thương, đùm bọc của những người mẹ đất lửa. Trong bài thơ Mạ với lời đề từ “Kính tặng mẹ Quảng Bình”, ông đã viết: “Ngày đánh Pháp cha có bầm làm mẹ/Giờ đánh Mỹ mạ là mẹ con”. Chính những người mẹ chân chất ấy, bằng sự lạc quan của mình, đã làm điểm tựa tinh thần cho những đứa con xa quê như ông, hun đúc một niềm tin mãnh liệt về một ngày đất nước vẹn tròn, Nam Bắc sum họp.
 
Trong những ngày được sống giữa sự yêu thương ấy, Nguyễn Thụy Kha đã sáng tác nên những tác phẩm thơ nhạc ý nghĩa, như: Anh lính và con chim sâu, Cuộc đời đoạn đường tàu cũ, Mùa thu Quảng Bình, Mảnh đất nhỏ cuối làng, Mùa tôm sớm...
 
Đó là những tháng ngày khởi nguồn cho cuộc đời làm nghệ thuật, báo chí mang nhiều dấu ấn của Nguyễn Thụy Kha. Ông đã xuất bản trên một chục tập thơ cũng như văn xuôi, một tập nhạc; viết 12 kịch bản phim chân dung, 20 lời bình cho các nhiều phim khác nhau với nhiều giải thưởng văn học và âm nhạc.
 
Ông bảo, những miền quê ông đã đi qua trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, trong đó có Quảng Bình đã trở thành cảm hứng cho nhiều sáng tác mãi về sau này. Năm 2016, sau hơn 40 năm, ông trở lại mảnh đất Phú Hòa, Phú Thủy, tìm gặp những người đã từng cưu mang, đùm bọc mình trong những năm tháng ác liệt ấy. “Buồn là đã quá nhiều năm trôi qua nên nhiều người trong số đó không còn nữa.
 
Tôi tìm về, thắp hương cho ông Cộng, cô Bình, cô Bông, rồi đi dọc trên lối đường sắt giữa làng. Mảnh đất ấy đã đổi thay nhiều, chỉ có tình người vẫn mộc mạc như xưa. Một vài người bạn thuở ấy vẫn còn nhận ra tôi. Họ ôm lấy tôi, vui mừng như thể gặp lại người thân sau hơn 40 năm xa cách. Vậy nên, cái tình của tôi với Quảng Bình còn sâu nặng lắm.”, Nguyễn Thụy Kha chia sẻ.
 
Họa sỹ của Trường Sơn
 
Ông hóm hỉnh mà gần gũi, chân chất mà vẫn toát lên vẻ uyên thâm của một người nghệ sỹ dạn dày sương gió và từng đi qua khói lửa chiến tranh. Vậy nên, đằng sau những câu chuyện hài hước với chúng tôi là ánh mắt hoài niệm của Nguyễn Đức Dụ về quá khứ, về chiến tranh và về những năm tháng không thể nào quên của cuộc đời mình. Gần 10 năm trong cuộc đời binh nghiệp cũng là khoảng thời gian ông gắn bó với con đường Trường Sơn trên đất Quảng Bình.
 
Năm 1965, chàng trai quê Hải Dương Nguyễn Đức Dụ vừa tròn 19 tuổi đã tham gia làm con đường 20 Quyết Thắng. Tuổi thanh xuân sôi nổi của ông đã gắn bó với những năm tháng ác liệt và hào hùng nhất của cuộc chiến tranh sinh tử.
 
10 năm là quãng thời gian đủ dài để mỗi người có thể ghi dấu nhiều điều trong suốt cuộc đời mình. Đó còn là 10 năm chiến tranh, nơi có cả máu và nước mắt, cả chết chóc và khó khăn, nên hoài niệm thường sâu và khó quên gấp nhiều lần.
Tác phẩm Cụm trọng điểm ATP mùa khô 1970 của họa sỹ Nguyễn Đức Dụ.
Tác phẩm Cụm trọng điểm ATP mùa khô 1970 của họa sỹ Nguyễn Đức Dụ.
Ông kể, từ trong những năm chiến tranh, cách ông đối diện với những khắc nghiệt của cuộc chiến là vẽ. Ông vẽ bằng bút chì, bằng cọ, bằng bút bi hoặc bằng bất kỳ chất liệu gì mà ông tìm thấy. Ngày ấy, ông chỉ nghĩ đơn giản rằng phải vẽ ra cảm xúc của mình, tái hiện sự hy sinh anh dũng của những người đồng đội bằng chính những bức tranh. Và đó còn là cách ông chọn để lưu lại dấu ấn của chính mình, bởi “chiến tranh, mất còn là lẽ thường tình”.
 
Ký ức chiến tranh luôn đeo đẳng Nguyễn Đức Dụ suốt những năm sau ngày hòa bình. Cách mà Nguyễn Đức Dụ hoài niệm quá khứ cũng chính là vẽ. Ông vẽ lại ký ức mình, của đồng đội và đất nước. Nên không khó hiểu khi 40 năm về sau, tranh của Nguyễn Đức Dụ vẫn đậm chất Trường Sơn, chất của một người lính.
 
10 năm gắn bó với đất Quảng Bình, những địa danh như: Phong Nha, đèo Đá Đẽo, Cự Nẫm... đi vào tranh của Nguyễn Đức Dụ. Nhiều tác phẩm có giá trị được vẽ bằng sơn dầu, lấy cảm hứng từ tuyến lửa Quảng Bình, như: Làng Ho-nơi lập chân hàng, Vượt Cổng Trời, Đưa hàng vào động Phong Nha, Cụm trọng điểm ATP mùa khô 1970...
 
Với Nguyễn Đức Dụ, vẽ về Trường Sơn không chỉ là vẽ lại ký ức mà là sự tri ân những cán bộ, chiến sỹ Trường Sơn, nhân dân đã đùm bọc người lính trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc chiến. Trong suốt 30 năm qua, Nguyễn Đức Dụ đã có gần 20 cuộc triển lãm về một đề tài duy nhất: Trường Sơn. Cái tên của họa sỹ Nguyễn Đức Dụ gắn bó như một họa sỹ của Trường Sơn là vậy!
 
Những ký ức về gian khó, hy sinh, sự đùm bọc, yêu thương thường được lưu giữ và trân trọng hơn tất thảy. Vậy nên, với nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha hay họa sỹ Nguyễn Đức Dụ, mỗi chuyến vào với Quảng Bình không phải là những lần quay trở lại mà là những cuộc trở về.
 
Ở đó có một phần tuổi trẻ sôi nổi, có máu, có hoa, có hy sinh, có mất mát và sẽ mãi là nguồn cảm hứng cho cuộc đời nghệ thuật của họ. Giữa thủ đô hào hoa, họ cứ mãi ghi nhớ về một Quảng Bình anh dũng trong chiến tranh, một Quảng Bình gần gũi, yêu thương trong những ngày hòa bình.
 
Diệu Hương
,