.

Thương lắm lời ru…

.
12:52, Thứ Năm, 21/03/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Chiều muộn, lang thang dạo bộ trên tuyến phố xanh, chợt vẳng bên tai lời ru cất lên từ nếp nhà ai đó rằng: "Con ơi muốn nên thân người, lắng tai nghe lấy những lời mẹ ru, một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con. Nuôi con cho được vuông tròn, mẹ thầy dầu dãi xương mòn gối long. Con ơi cho trọn hiếu trung, thảo ngay một dạ kẻo luống công mẹ thầy…”.  Nghe qua đã biết ngay lời ru trên được cất lên từ người mẹ quê ở một tỉnh, thành phố nào đó ở phía Bắc. Có lẽ, người mẹ đó mang theo con nhỏ đến dải đất miền Trung đầy nắng và gió này để mưu sinh?
 
Tôi đã có vài lần chứng kiến hình ảnh người phụ nữ cùng chiếc xe máy cũ rích có gắn chiếc thùng gỗ chia làm hai ngăn ở phía sau xe, một ngăn đựng đầy áo quần, giày dép, ngăn còn lại là không gian riêng của cô bé chừng ba tuổi rong ruỗi giữa đường phố để đến điểm mưu sinh là một bãi đất rộng bên tuyến phố đông người.
 
Khi thành phố lên đèn cũng là lúc người phụ nữ trải tấm bạt lên nền đất và bày bán đủ loại, từ áo quần, đồ chơi trẻ em đến giày dép người lớn và cả những đôi bông tai, kẹp tóc đủ sắc màu.
 
Đứa bé được bế ra khỏi thùng và ngoan ngoãn ngồi vào chỗ của mình là một góc nhỏ trên tấm bạt, một tay ôm chặt búp bê, tay khác cầm ổ bánh mỳ vừa ăn, vừa bi bô trò chuyện cùng mẹ. Khi người mẹ dọn xong hàng cũng là lúc cô bé ăn hết mẩu bánh mỳ và thỉnh thoảng chạy tới ôm chầm lấy mẹ, hôn lên bụng, lên tay, lên má người mẹ rồi trở lại vị trí của mình để mẹ bán hàng.
 
Có những hôm trời se se gió lạnh, khách thưa, người mẹ ôm trọn đứa con vào lòng và khe khẽ cất lên từng lời ru để đứa bé say nồng trong vòng tay của mẹ. Và rất nhiều buổi chiều muộn như thế, đứa trẻ có cả thế giới của riêng mình trong những vất vả, lo toan và cả tình yêu thương vô bờ bến của người mẹ.
Người đàn ông lặn lội cào hàu để kịp buổi chợ chiều. (Ảnh Liang Long)
Người đàn ông lặn lội cào hàu để kịp buổi chợ chiều. (Ảnh Liang Long)
Một lần ghé chợ để sắm sửa những thứ cần thiết cho bữa cơm chiều, tôi được nghe một câu chuyện rất cảm động từ người mẹ nghèo làm nghề bán cá. Chủ hàng cá là một người phụ nữ gầy gò, đầy những nếp nhăn trên gương mặt, đôi bàn tay.
 
Bà hàng cá nhìn tôi nở nụ cười thân thiện rồi nhẹ nhàng nói: “Cháu ơi, cháu mua cá giúp bác với. Hôm nay, bác bán rẻ hơn mọi ngày vì bác muốn nhanh chóng hết hàng để về nhà ăn bữa cơm tối cùng gia đình, bởingày mai con trai bác sang Úc du học. Bác bán hàng mà rất sốt suột vì sợ con trai buồn khi mẹ về muộn”…
 
Câu chuyện của người bán cá khiến tôi tò mò muốn nghe kỹ hơn và được bà chia sẻ: Vợ chồng bà đều là những người nông dân mộc mạc, chân chất. Đã quá tuổi 60 nhưng chồng bà vẫn ngày đêm đến các bến sông để cào hàu hay lặn lội lên các khe, suối để đánh bắt tôm, cá rồi nhập cho các quán ven đường, còn bà thì đến các bến sông mua lại cá của các chủ tàu về bán lại cho người dân. Cuộc sống vất vả, lam lũ quanh năm nhưng được cái hai con của ông bà đều chăm ngoan, học giỏi.
 
Con gái đầu đang là sinh viên năm cuối của một trường đại học ở thành phố Hồ Chí Minh, con trai thứ vừa trúng tuyển du học tại Úc… Chen giữa câu chuyện của bà, chị bán hàng rau ngồi bên góp lời: “Ông bà ấy sẽ là những người giàu có nhất đấy, chỉ vài năm nữa thôi, các con ăn học nên người thì tha hồ mà hưởng phúc. Cả xóm tôi ai cũng ngưỡng mộ gia đình bà ấy”. Bà hàng cá lại nở nụ cười hiền nói: “Tôi với cha tụi nhỏ cực khổ nhiều rồi nên muốn cho các con phải có cuộc sống no ấm.
 
Con gái tôi từng muốn nghỉ học để giúp cha mẹ kiếm việc làm nhưng tôi nhất quyết không đồng ý. Tôi không mong sau này chúng nó nuôi mình bằng tiền, bằng của mà chỉ mong ở bất cứ phương trời nào chúng cũng hiếu thuận, biết kính trên, nhường dưới, biết nhớ về quê hương, nguồn cội là hạnh phúc lắm rồi”… Tôi muốn câu chuyện được kéo dài thêm nhưng nghĩ đến tâm trạng của bà nên quyết định mua hết số cá và lòng vui lây khi chứng kiến người mẹ già luống cuống dọn đồ đạc để nhanh được trở về quây quần bên gia đình trước khi tiễn người con đến với một phương trời mới…
 
Tôi cũng được sinh ra từ một gia đình nghèo, được bố mẹ nuôi lớn bằng những lời ru và củ khoai, củ sắn. Bố tôi vì sức khỏe không tốt nên phải xin nghỉ hưu sớm khi đang có công ăn, việc làm ổn định. Mẹ tôi là giáo viên tiểu học song đồng lương ít ỏi của mẹ không đủ để nuôi chị em tôi ăn học nên người.
 
Tôi nhớ như in những ngày thơ bé ngồi bên thềm cửa chờ mẹ đi chợ về để được mẹ cho chiếc bánh đa, bánh đúc. Một chiếc bánh mẹ thường chia làm 4 và phần của tôi luôn bị thằng út tranh mất. Cả tuần, mẹ phải đến trường dạy học nhưng vì muốn có thêm tiền trang trải cuộc sống nên chừng hai, ba giờ sáng mẹ đã thức dậy để làm bánh khoai, bánh sắn rồi tranh thủ ra chợ quê nhập sỉ cho khách buôn. Ngày chủ nhật, thay vì được nghỉ ngơi, mẹ lại gồng gánh nào là bầu bí, rau xanh vườn nhà, nào là bánh từ tay mẹ làm để mang ra chợ bán.
 
Có những hôm thằng út khóc đòi theo mẹ nên bố tôi phải đặt nó vào cái thúng to rồi bỏ vào một đầu của đôi quang gánh. Thế là cây đòn gánh cong cong trên vai mẹ treo lủng lẳng hai chiếc thúng tròn, một chiếc là sản vật cây nhà lá vườn, một chiếc là thằng út ngồi lắc lư thích thú. Tôi nhớ mãi dáng mẹ xiêu xiêu trên suốt chặng đường từ nhà ra đến chợ.
 
Có lẽ vì mẹ đã quá vất vả trong cuộc mưu sinh để chúng tôi được ăn no, mặc đủ mà giờ đây khi cuộc sống đã khấm khá hơn, chị em tôi đã yên bề gia thất thì mẹ cũng triền miên đối diện với những cơn đau. Ngày xưa, có miếng ăn ngon mẹ nhường hết cho chúng tôi, còn ngày nay, dẫu có đủ thức ngon, vật lạ, mẹ cũng không cảm nhận được vì phải sống chung với thuốc…
 
Nhớ chuyện xưa và ngẫm chuyện nay, nhiều lúc nước mắt cứ thế rơi dài, cay xè, mặn chát. Thương cha mẹ vất vả cả một đời để đổi lấy sự khôn lớn, trưởng thành của các con. Thương cả lời ru chở nặng ân tình của đấng sinh thành rằng: "Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/Một lòng thờ mẹ kính cha/Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con…".
 
                                                                             Nhật Văn
,