.

Vài cảm nhận khi đọc tập thơ "Giọng quê" của Hoàng Thanh Xuân

.
10:43, Thứ Hai, 21/01/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Quả thực tôi rất bất ngờ khi được cầm tập bản thảo 42 bài thơ của anh. Tôi và anh gặp nhau và trở thành anh em chí cốt với nhau suốt 48 năm nay. Lúc ấy tôi mới vào công an, còn anh đã có gần 4 năm trong quân ngũ.

Anh tên là Hoàng Thanh Xuân, tuổi Mậu Tý (1948), người xã Vạn Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), chung một cồn chăn trâu với quê tôi, nhưng mọi người thường gọi anh là Xuân Thơ.

Gọi là Xuân Thơ, nhưng chưa thấy anh công bố thơ bao giờ. Mọi người chỉ biết anh là một cây chuyền hai bóng chuyền giỏi có tiếng trong những năm 70 và 80 của thế kỷ trước. Mọi người chỉ biết anh là một cán bộ Đoàn có uy tín, một cán bộ làm công tác Đảng lâu năm, một Phó trưởng phòng Cảnh sát cơ động, một thượng tá Trưởng phòng Phòng xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, một người suốt đời chung thủy với thuốc lá Điện Biên...

Vậy mà... đến cái tuổi “Thất thập cổ lai hy” anh mới cho ra thơ - một tập thơ dày dặn, với cái tiêu đề rất đổi thân thương và gần gũi: “Giọng quê”

Giọng quê mộc mạc đầy vơi

Giọng quê tha thiết như lời mạ ru...

Đã có rất nhiều người viết về giọng quê, nhưng không có lời quê trong đó. Ở anh thì giọng quê - giọng của con người miền Trung rõ nét trong thơ:

          Để dành thì nói để đèng

          Chổi rành thì nói củi rèng xuốc cươi (1)

          ... Yêu nhau ưng chắc nhận lời

          Cấy nhôông có nghĩa là đôi vợ chồng...

          Cứ như thế, anh kéo liền 20 câu thơ bằng tiếng quê.

Sinh ra trên vùng nắng gió, lớn lên bên những đồi cát trắng, người miền Trung có một giọng nói riêng biệt. Nhiều người cho rằng: giọng miền Trung khó nghe, nặng trịch như búa, đặc sệt từ địa phương. Không ai chạnh lòng, mà: ừ thì giọng nói cha sinh mẹ đẻ… Không ai đổi giọng, bởi ai cũng hiểu người quê không thích những ai vừa ra khỏi ngõ đã để phôi pha những gì thuộc về gốc gác quê hương.

Bằng những tư duy chất phác và cách nói của người quê, hơn 40 bài thơ anh đã dành cho nhiều lĩnh vực khác nhau, đã thấm sâu trong người.

Trước hết là anh dành cho mẹ. Tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng không gì sánh bằng.

          Mẹ là nước mát dòng sông

          Bốn mùa chảy mãi vào lòng của con

          Mẹ là hoa thắm chồi non

          Mẹ là trái ngọt cho con tháng ngày

          Mẹ là lộc, phúc cao dày

          Mẹ là tất cả đời này của con

Khác với mẹ dịu dàng, gần gũi và hay thể hiện tình cảm dành cho con, cha thường nghiêm khắc, đôi khi khó tính và rất kiệm lời. Nhưng khi lớn lên và trưởng thành, chúng ta phải thầm cảm ơn những lần dạy dỗ, những bài học vô giá từ đấng sinh thành của mình.

          Cha dạy chữ Đức đầu tiên

          Đức năng thắng số làm nên cuộc đời

          Chữ Tâm luôn giữ trong người

          Cái tâm trong sáng rạng ngời thanh cao

          Chữ Hiếu đặt ở trên đầu...


                                      ( Lời cha dạy)

Viết về đồng đội là những chiến sĩ Công an nhân dân - những người đã kế thừa truyền thống tốt đẹp của ông cha, tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, chiến đấu ngoan cường trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn gian khổ nào, lập nhiều chiến công hiển hách xứng đáng với sự tin yêu của Đảng, của nhân dân giọng thơ anh da diết:

          Bộ cảnh phục màu vàng, cái xắc màu đỏ

          ...Vai cõng cụ già, tay bế em thơ

          Không quản hy sinh, vượt qua bom đạn...


                                                ( Bên mộ người chiến sĩ)

Hay:

Em biết tên anh người chiến sĩ Công an

Những người con trung thành với Đảng

Anh đi khơi nguồn ánh sáng

Nâng bước bao người lạc lối sa chân...


                                      (Tên anh)

Ai cũng có một quê hương, một tuổi thơ đầy dấu ấn. Và tuổi thơ trong những câu ca, lời hát hiện ra thật yên bình, êm đềm với chùm khế ngọt, con đường đi học, đàn bướm vàng bay, cánh diều đồng cỏ, con đò nhỏ trên sông…

Biết bao hình ảnh đẹp được những nốt nhạc nâng lên một cung bậc, hòa vào lòng người một cách nhẹ nhàng, miên man. Khi ta còn thơ bé, hình ảnh quê hương đã luôn hiện hữu trong tâm trí qua lời kể của bà, của mẹ. Để rồi, mỗi người khi trưởng thành, rời xa quê, mang theo trong lòng ký ức ngọt ngào... Vẫn giọng quê mộc mạc và yêu thương, anh viết:

Về thăm Vạn Trạch quê nhà

Tình người, tình đất mặn mà sắt son

Từ trong khói lửa, đạn, bom

Xây quê hương mới đẹp hơn từng ngày

Vạn Trạch điểm hẹn hôm nay

Mừng quê hương đẹp giăng đầy hoa thơm...


                             ( Hỏi đường về Vạn Trạch)

Anh viết về “ Về quê ăn Tết”, về "Nỗi buồn”, “Ru cháu”, “ Ghép họ tên vợ chồng”, “ Gửi Đồng Sơn” nơi mình đang sinh sống, về “ Tên anh cựu chiến binh”, lại “Thầm thì với đá”, “Nhớ Hàn Mặc Tử”.... , viết về các cháu, đường Ba Trại một miền kỳ tích, “ Ký ức làng” và  niềm vui của mình:

          Xuân này tôi viết trọn bài thơ

          Năm mươi tuổi Đảng sáng ngọn cờ

          Bảy mươi tuổi đời sáng tình nghĩa

          Tuổi đời tuổi Đảng trọn duyên tơ


                             ( Bảy mươi tuổi đời - năm mươi tuổi Đảng)

Chúc anh vui khỏe, khỏe tứ thơ!...

Kim Cương

---------------------------------------------

(1): xuốc cươi là quét sân

 

 


 

,