.

Đọc "Tình thu" của Hoàng Hữu Thào

.
14:23, Thứ Năm, 03/01/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Cho đến nay, anh Hoàng Hữu Thào sáng tác được trên trăm bài thơ. Anh ra mắt tập Tình thu (NXB Thuận Hóa, 2018) chủ yếu “để làm kỷ niệm cho bản thân” như lời bộc bạch chân thành của anh. Hoàng Hữu Thào yêu thơ và tập làm thơ khi đang ngồi trên ghế nhà trường. Thơ đến với anh một cách tự nhiên.
 
Trang bìa tập thơ Tình thu.
Trang bìa tập thơ Tình thu.
Trong bài Ký ức làm thơ, anh tâm sự: 
 
Giữa đêm tối, ngày đông
Bầy chim kêu nháo nhác
Tôi nén lòng không khóc
Ngòi bút nấc thành lời
 
Thơ là tiếng lòng của anh. Có đọc thơ anh, mới biết anh đến với thơ bằng một tình yêu, một niềm đam mê hiếm thấy. Hãy nghe anh chia sẻ: 
 
Yêu sao yêu thế nàng thơ
Niềm yêu da diết, nỗi chờ bâng khuâng
                            (Nàng thơ)
 
Thơ xuất hiện cách đây hàng nghìn năm và tồn tại cho đến bây giờ là có lý do của nó. Người đời tìm đến thơ với những động cơ khác nhau. Đa phần họ coi thơ là người bạn tâm tình để bày tỏ cảm xúc, thổ lộ buồn vui trong cuộc sống. Anh Hoàng Hữu Thào cũng vậy. Là con dân đất Việt, anh rất đỗi tự hào về truyền thống đánh giặc của cha ông. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, sinh thời Bác Hồ thường đọc thơ vào phút giao thừa. Cả sông núi vang vọng giọng đọc vừa ấm áp vừa sang sảng của Người. Anh Hoàng Hữu Thảo đã ghi lại thời khắc đáng nhớ ấy:
 
Thiêng liêng giây phút giao thừa
Xuân về trong những vần thơ của Người
                                               (Xuân về trong thơ Bác)
 
Theo Tố Hữu thì “thơ là một điệu hồn đi tìm đến những tâm hồn đồng điệu”. Đọc những vần thơ anh Hoàng Hữu Thào viết về quê hương khiến người đọc, nhất là bà con ở vùng quê anh không khỏi bồi hồi, xúc động:
 
Vẫn xanh xanh lũy tre làng
Vẫn mùi rơm rạ mùa màng diết da!
                                                 (Hai đầu nỗi nhớ)
 
Nông thôn ngày nay dù có thay đổi đến mấy cũng không thể mất đi “lũy tre làng” và “mùi rơm rạ mùa màng” thân thương ấy. Tình cảm quê hương thường gắn liền với tình cảm gia đình. Tôi cũng có hoàn cảnh tương tự như anh: mẹ tôi cũng mất sớm như mẹ anh; bố tôi cũng cùng cảnh “gà trống nuôi con” như bố anh. Nên khi đọc những vần thơ anh viết về bố mẹ mình, tôi hết sức đồng cảm:
 
Nắng, mưa, giông bão cõi còm
Một vai thay mẹ, vai tròn phận cha
                                          (Thương cha, nhớ mẹ)
Và:
 
Vành khăn đã xếp lại rồi
Xót thương hồn mẹ muôn đời còn đau
                                            (Nhớ ngày mãn tang mẹ)
 
Bên cạnh tình cảm đối với bố mẹ là tình thầy trò:
 
Học trò thầy thuở ấu thơ
Đã ngoài thất thập, bạc phơ mái đầu
Bùi ngùi trong phút gặp nhau
Chuyện xưa nghĩa cũ thấm sâu cõi lòng
                                                 (Đầu xuân thăm thầy)
 
Ngày 20-11-2017, trên đường sang Tây Linh (Huế) thăm thầy Lê Công Tánh (đã 93 tuổi), tôi cũng có ứng tác mấy câu thơ tặng thầy: "Thầy chín mươi, trò bảy mươi/ Thầy trò tóc bạc da mồi như nhau/ Quà thầy-trò có chi đâu/Một chai rượu, gói móc câu gọi là/ Chuyện gần lẫn với chuyện xa/ Thầy trò tình nghĩa đậm đà như xưa…"
 
Anh Hoàng Hữu Thào từng lăn lộn ở chiến trường miền Nam trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ. Tình đồng chí, đồng đội được anh hết sức nâng niu, trân trọng:
 
Thư nhà chung đọc vội
Điếu thuốc chuyền tay nhau
Năm tháng chẳng phai màu
Mãi mãi tình đồng đội.
                                   (Tình đồng đội)
 
Hoàng Hữu Thào sử dụng nhiều thể loại thơ. Để bày tỏ tình cảm quê hương, gia đình, anh thường dùng thể thơ lục bát; để diễn tả tình đồng đội, đồng chí, anh thường dùng thể ngũ ngôn; anh còn làm cả thơ Đường luật, thơ tự do… Tôi rất thích bài thơ Cò ông, cò bà của anh. Ở bài thơ này, ta thấy một Hoàng Hữu Thào vừa hóm hỉnh vừa thẳng thắn:
 
Người núng nính, miệng bô bô
Ăn chơi đủ mốt, nói phô lắm lời
Anh còn phác họa hình ảnh anh chàng nghiện rượu:
Áo vắt vai
Loạng choạng bước ra đường
Miệng méo xệch, giọng oang oang
Chân chếnh choáng bước cao bước thấp
                                                 (Chân dung kẻ lãng tửu)
 
Hoàng Hữu Thào đã tái hiện khá sinh động ngôn ngữ, bộ điệu của những anh Chí Phèo thời nay. Cái tiêu đề Chân dung kẻ lãng tửu theo tôi là chưa thật phù hợp. Nên đổi thành Chân dung kẻ nát rượu thì đúng hơn.
 
Hoàng Hữu Thào thỉnh thoảng cũng có những cách dùng từ, cách nói gây được sự chú ý. Chẳng hạn từ “đèo queo” trong bài Tự Vịnh:
 
Cái kiếp anh em quá khổ nghèo
Quanh năm con nợ bám đèo queo
Hay từ “chon von” trong câu:
Hai đầu nỗi nhớ chon von
Bước chân vẫn vững, lòng son càng bền
                                                  (Nỗi nhớ chon von)
 
Nỗi nhớ mà “chon von” quả là tôi mới nghe lần đầu.
 
Còn đây là cảnh thủy cung trong chuyến du lịch Nha Trang. Cá, tôm, mực… được tác giả nhân hóa rất phù hợp từng loại người trong xã hội:
 
Cá cờ phơn phớt làn môi
Áo dài tha thướt dáng người đoan trang
Tôm hùm, mực ống xênh xang
Cân đai áo mão như hàng thượng thư
                                              (Một thoáng thủy cung)
 
Cách nói dưới đây của anh cũng rất sáng tạo, mới mẻ:
 
Gửi anh một gói dạt dào
Một vuông đằm thắm, một bầu tình thơ
                                                               (Đọc thơ bạn)
 
Thơ anh Hoàng Hữu Thào mộc mạc, chân chất, đôi bài còn hơi dài dòng, hình ảnh chưa thật sắc nét, từ ngữ chưa thật chắt lọc. Cái quý nhất của thơ anh là tính chân thực. Nói thật lòng mình trong thơ như anh Hoàng Hữu Thảo là điều vô cùng đáng quý, đáng trân trọng!                                                  
Mai Văn Hoan
,