.

Chỉ còn mây trắng

.
15:56, Chủ Nhật, 11/11/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Bà ở quê với dâu con, cháu nội nhưng thỉnh thoảng lên phố với con gái; ấy là những khi cô sinh nở. Cả ba đứa cháu ngoại đều qua tay bà bồng bế, ru nựng từ khi còn đỏ như hòn máu cho đến lúc chạy nhảy, bi bô. Lắm lúc ốm mệt hay bận với ruộng vườn nhưng nghe con gái gọi về, bà lại giao việc nhà cho dâu con rồi lật đật đi ngay. Vợ chồng con trai bà không lấy đó so bì tị nạnh với chị; ngược lại, họ còn lo chị vất vả với các con còn nhỏ.
 
Khi cháu vào mẫu giáo, bà về quê nhưng cũng chẳng yên. Những lúc con ốm không đến lớp được (mà tuổi mầm chồi lại hay ốm), vợ chồng con gái lại chạy về quê “điều” bà lên trông cháu, để đi làm. Bà lại tức tốc ra đi; cứ thế bà đi đi về về giữa phố và quê không biết bao lần. Không lấy đó làm phiền, bà luôn sẵn lòng giúp cháu con; hơn thế, coi đó là niềm vui. Bà hiểu các cháu chắc còn hơn ba mẹ chúng hiểu con; bà nhớ kỹ đứa này mấy tháng thì biết lật, đứa kia sau thôi nôi mấy ngày thì biết đi, rồi đứa nào sớm cất tiếng nói đầu đời; cả tính nết hay thói quen từng đứa bà đều thuộc. Các cháu càng lớn thì bà càng già yếu; lúc chúng vuột ra khỏi bàn tay nâng niu chăm bẵm của ngoại thì bà cũng ít có lý do để lên phố.
 
Về quê, bà lại nhớ con thương cháu. Những dịp lễ Tết, thấy người làm ăn xa dồn về cố hương, bà cứ đi ra đi vô, bồn chồn ngóng về phía con đường lớn dẫn vô làng. Trong các đám hiếu hỉ hay giỗ chạp, bà ngẩn người nhìn con cháu người ta sum vầy; lại bối rối khi nghe ai đó hỏi con gái sao không về. Để con ở xa vẫn được tiếng tốt với láng giềng, bà góp cả phần cho con mỗi khi xóm thôn lạc quyên cho từ thiện hay làm công ích. Lòng mẹ thương con còn thể hiện trong những món quà quê bà gửi cho con mỗi tuần, từ thịt cá sạch đến dưa mắm tự làm hay rau quả vườn nhà.
 
Khác với trước đây, khoảng cách giữa những lần về quê của con gái bà cứ dài ra. Giải thích cho sự sao nhãng này, cô đưa ra lý do “bận công việc làm ăn”. Người quê thật thà, cứ nghe con đưa công việc che chắn cho sự không phải đạo của mình, người mẹ tin ngay. Thậm chí có hôm vợ chồng con gái nán lại chơi lâu, bà còn giục về sớm bởi lo ảnh hưởng tới việc công việc tư của chúng; cả những lúc ốm mệt, mẹ cũng không muốn cho con biết. Sợ hàng xóm dị nghị, cho là con gái không chu đáo với mẹ, bà còn rào đón thay con: “Nó vì công việc, làm ăn nên phải “múa” tối ngày, nhọc lắm!” Những ai biết chuyện mẹ vì thương con mà luôn nhận phần vất vả thua thiệt, trong khi con lợi dụng sự cả tin của mẹ để ngụy tạo lý do che giấu cho sự ích kỷ đều lắc đầu ngao ngán.
Minh hoạ
Minh hoạ
Lần giỗ họ mới đây, con gái bà cũng về. Nghe người trong gia tộc bảo, ngày nào bà cũng tựa cửa ngóng con, cô lại đưa lý do “bận công việc, làm ăn” để mong được thông cảm. Ông trưởng tộc - một doanh nhân thành đạt với chuỗi cửa hàng xăng dầu rải khắp trong tỉnh đã bực mình, xẵng giọng: “Công chức hay kinh doanh cũng phải có ngày nghỉ, sao bận lắm thế?! Sao trước đây cô cần bà giữ cháu thì về suốt; giờ thì cứ kêu bận ? Bận…ích kỷ thì có!”
 
Cô đỏ mặt, im bặt; nhìn lảng ra sân như không muốn nghe những lời gai góc. Người đứng đầu dòng họ vẫn chưa thôi bực tức nhưng cố dằn lòng, dịu giọng: “Cô có giận thì tôi cũng phải nói điều này, cô cúng vái tứ phương nhưng coi chừng mả cha không khóc, lại khóc tổ mối đấy!”
 
Ông trưởng tộc nói vậy bởi biết cô rất trọng tâm linh; thường xuyên thăm viếng, tế lễ ở các đền, miếu, điện thờ. Cô có thể kể say sưa về những nơi được cho là linh thiêng, “cầu chi được nấy”. Chẳng có điều kiện kiểm nghiệm lời nói nhưng ai cũng thấy cô là “đệ tử” luôn tôn sùng thần thánh; đã dành nhiều thời giờ, tâm sức và cả tiền bạc cho các lễ cúng ở những nơi thờ tự. Sau lễ cầu là lễ tạ khi sở nguyện đã thành; lễ nào cũng được tín chủ sắm bằng cả tiền triệu. Cô rất sẵn lòng làm việc thiện nguyện, cúng dường những nơi hay đến cầu khấn.
 
Ở nhà riêng, cô đặt trang thờ từ ngoài sân đến trong hiên, từ nhà trên đến nhà dưới, từ dưới đất đến trên cao. Lễ cúng nhà cô luôn phải đầy đủ phẩm vật và theo tuần tự nên rất lâu. Nhìn cách thờ cúng của cô cũng có thể thấy sự thành kính đặc biệt dành cho thánh thần. Cô có vẻ tự mãn về sự am hiểu việc cúng bái và hay san sẻ “kinh nghiệm” cho những người xung quanh về cách bày biện lễ vật, nội dung lời khấn hay ý nghĩa của các buổi lễ.
 
Mải lo tế lễ ở các đền miếu nên mẹ nhập viện mấy ngày cô mới vào thăm; cũng chỉ thăm thôi còn chăm sóc bà đều dồn cho vợ chồng em trai. Trong khi cô không tiếc thời giờ dành cho những nơi thờ tự nhưng lại có quá ít khoảnh khắc bên mẹ trên giường bệnh. Cô không thể ngủ qua đêm với mẹ trong bệnh viện chỉ vì “cứ thức đêm là đổ bệnh liền?!” Cả khi mẹ không chủ động được trong bài tiết, cô cũng gọi các em lau dọn, còn mình thì tránh ra. Người con trọng tâm linh ấy thể hiện tình cảm, trách nhiệm với bậc sinh thành bằng cách đề nghị với em thuê người chăm sóc mẹ; chi phí do mình lo. Nhưng em trai cô, dù phờ phạc với má hóp mắt sâu sau nhiều đêm trắng vẫn không chịu: “Mẹ có con cháu, sao nỡ biến bà thành kẻ cô đơn?! Vả lại, người ngoài dù tốt đến đâu cũng không thể bằng con lo cho mẹ.” Cô bảo lưu ý mình: “Dịch vụ chăm sóc người bệnh trong viện đầy ra đó, sao không tận dụng để con đỡ cực nhưng mẹ vẫn được chăm sóc chu đáo?” Người em tiếp tục xua tay, lắc đầu. Sau cùng, vẫn theo hướng “không có công thì có của”, cô đưa cục tiền cho các em bồi dưỡng “để có thêm sức chăm mẹ” nhưng bị từ chối thẳng.
 
Hôm ông trưởng tộc vào viện thăm người mẹ thì gặp con gái bà. Khi thấy cô chào để về còn chuẩn bị đi lễ một đền thờ phía Bắc, người đứng đầu dòng họ giữ lại: “Cô ngồi lại chút đã.” Ông có vẻ không vui, pha chút bức xúc nhưng vẫn điềm tĩnh. Sau một lúc chuyện trò, ông ghé tai cô nói nhỏ: “Bà cụ thế này, cô đi xa sao đành!?” Cô động viên người đối thoại: “Bác sĩ bảo sức khỏe bà đang khá lên, bác ạ.” Ông trưởng tộc lạnh lùng, giọng thẳng băng như thước thợ: “Bệnh người già nay khỏe mai yếu, nói chắc sao được. Nhưng tôi bảo cô điều này, đạo hiếu với mẹ chưa tròn thì thờ cúng cũng chẳng có ý nghĩa gì đâu!” Cô vẫn theo đuổi nỗi lo riêng: “Cháu đã nguyện với thánh Bà là khi điều khẩn cầu linh nghiệm, sẽ sắm lễ tạ đúng ngày đã định; vả lại, lễ hội Đền Bà sắp kết thúc nên không hoãn được, bác ạ.” Đáp lại là cái lắc đầu cùng lời chua xót: “Mẹ nằm đây, cô không lo; lại lo đi cầu lợi lộc cho mình!?” Bỏ ngoài tai những lời buốt như kim châm ấy, cô vẫn làm theo ý mình.
 
Con gái đi được hai ngày thì bệnh của mẹ đột ngột trở nặng. Bác sĩ đưa ra tiên lượng xấu, gia đình cuống quýt, hoang mang; “còn nước còn tát” hay đưa bà về để được sống những giây phút cuối trong nhà mình? Hy vọng mong manh càng lúc càng tàn lụi khiến gia đình không có nhiều lựa chọn, bà ra viện trên chiếc băng ca. Con cháu, kể cả con rể, cháu ngoại của bà trên phố cũng vội vã về; cùng với nét mặt căng thẳng lo lắng là những tiếng sụt sịt, cố nén đau thương. Không còn nói được, bà nắm tay người thân, ứa nước mắt. Sau những lúc mê man, bà mở mắt ngó quanh, có người bảo bà đang mong con gái nhưng cô này tắt máy hoặc ở ngoài vùng phủ sóng. Cả nhà tìm mọi cách gọi cho cô nhưng chịu, cứ vào tế lễ là cô lại đoạn tuyệt thông tin với người thân để toàn tâm với thánh thần; xưa nay vẫn thế.
 
Khi cô về thì không còn thấy mẹ nữa rồi. Nghe em trai bảo, hình như mẹ không yên lòng ra đi khi chưa gặp lại con gái nên người nhà vuốt mặt rồi thắp hương khấn vái mấy lần bà mới nhắm mắt xuôi tay, cô càng vật vã. Nhiều ngày liền nằm bên mộ mẹ, cô khóc than gọi mẹ đến khản giọng nhưng đáp lại chỉ có tiếng gió hun hút giữa mênh mang trắng của mây trời và rừng cát.
         
                                          Nguyễn Trọng Hoạt
,