.

Ðôi vợ chồng đam mê văn nghệ dân gian

.
07:22, Thứ Sáu, 31/08/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Trong căn nhà của hai vợ chồng ông Đoàn Hữu Bang và bà Hoàng Thị Lài ở tổ dân phố 2, phường Bắc Nghĩa (TP. Đồng Hới) vẫn thường vang lên những câu hát dân ca mượt mà, sâu lắng. Cùng yêu văn nghệ dân gian mà nên duyên vợ chồng, hơn 50 năm qua, ông bà luôn sánh đôi nhau tham gia đóng góp bảo tồn văn hóa truyền thống và phong trào văn nghệ của địa phương…
 
. Thắp đèn dầu biểu diễn văn nghệ
 
Gần cả cuộc đời đam mê biểu diễn, truyền dạy, phát huy, gìn giữ những điệu hát bài chòi, sắc bùa, hò đưa linh, tuồng bội…vợ chồng ông Bang, bà Lài được người dân và chính quyền phường Bắc Nghĩa đánh giá là “báu vật sống của văn nghệ dân gian” ở địa phương.
 
Ông Bang kể rằng, không biết từ lúc nào mà những làn điệu văn nghệ dân gian đã ăn vào tâm trí của ông, chỉ biết rằng ở tuổi 13 ông đã thuộc lòng hàng trăm câu dân ca và điệu hát dân gian. Đến 15 tuổi, ông Bang đã là diễn viên chính trong các đêm diễn ở khắp các xã trong khu vực Quảng Ninh và Đồng Hới.
 
Ngày đó, nếu như ông Bang là diễn viên nam chính trong những vở kịch dân ca, tuồng bội… thì bà Lài chứ không ai khác là người được sắm các vai nữ chính. Nhiều vở kịch dân ca như: “Thoại Khanh - Châu Tuấn”, “Lâm Xanh - Xuân Nương”, “Lưu Bình - Dương Lễ” được ông bà thể hiện rất thành công, ghi dấu ấn khó quên trong lòng khán giả lúc bây giờ.
Vợ chồng ông Đoàn Hữu Bang và Hoàng Thị Lai cùng chung niềm đam mê văn hóa, văn nghệ dân gian trong suốt hơn 50 năm qua.
Vợ chồng ông Đoàn Hữu Bang và Hoàng Thị Lai cùng chung niềm đam mê văn hóa, văn nghệ dân gian trong suốt hơn 50 năm qua.
Hằn sâu trong trí nhớ của ông Bang, bà Lài là những đêm trắng thắp đèn dầu biểu diễn phục vụ bà con. “Ngày ấy làm gì có điện như bây giờ. Trên sân khấu chỉ có 2 ngọn đèn dầu 2 bên, ánh sáng cũng chỉ đủ khán giả nhìn rõ các động tác của diễn viên nhưng mỗi đêm diễn vẫn có hàng trăm, hàng nghìn người đến xem kín cả một khoảng sân rộng. Sau những câu ca, những lớp kịch, tiếng vỗ tay của bà con, khán giả lại vang dội cả một vùng. Chính những điều rất giản dị ấy đã làm chúng tôi vui sướng, hãnh diện và ngày càng đam mê hơn với sân khấu của văn nghệ dân gian.”, ông Bang tâm sự.
 
. Lời ca bên trận địa pháo
 
Cũng chung niềm đam mê văn nghệ dân gian, sau những vai diễn trên sân khấu, ông Bang và bà Lài đã nảy sinh tình cảm mà nên duyên vợ chồng cách đây hơn 50 năm. Cũng từ đó vợ chồng ông đã cùng sát cánh cống hiến tích cực cho hoạt động văn nghệ cổ vũ chiến đấu, sản xuất trong những năm chiến tranh và phong trào bảo tồn vốn văn hóa dân gian truyền thống, phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ ở địa phương trong những năm qua.
 
Theo lời ông bà, những năm 1965 đến 1973, khi đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, trên địa bàn hình thành nhiều trận địa pháo đánh trả máy bay địch. Thời điểm đó, ông Bang đang công tác tại Đội văn nghệ, thông tin lưu động huyện Quảng Ninh, còn bà Lài cũng là thành viên đội văn nghệ của xã, cả hai là hạt nhân của phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”. 
 
Ông Bang kể rằng, những năm ấy, ở các trận địa pháo của bộ đội, dân quân, cứ sau mỗi trận đánh, tiếng bom vừa dứt là đội văn nghệ, thông tin lưu động của ông lại có mặt vừa góp công sửa sang công sự, khắc phục thiệt hại, vừa tổ chức văn nghệ phục vụ bộ đội, dân quân.
 
Những làn điệu dân ca, những vở kịch dân ca của những người làm công tác văn hóa, văn nghệ như ông Bang, bà Lài thời điểm đó cất lên với niềm chứa chan, lắng sâu đã có tác dụng cổ vũ, động viên, khích lệ, đưa đến một nguồn sinh khí mới cho các chiến sĩ trên các trận địa pháo binh vượt qua khó khăn, khốc liệt của chiến tranh, quyết tâm giành chiến thắng cuối cùng…
 
Chiến tranh kết thúc, đất nước lặng tiếng đạn bom, trở về với đời thường, dù phải tất bật với cuộc sống mưu sinh đầy khó khăn để nuôi 8 người con nhưng vợ chồng ông vẫn luôn nhiệt tình cống hiến bền bỉ cho các hoạt động phong trào văn hóa, văn nghệ ở địa phương. Hầu như các liên hoan, hội diễn văn nghệ của các đơn vị, đoàn thể của địa phương hàng chục năm qua đều có sự góp mặt của vợ chồng ông bà với những đêm diễn, tiết mục xuất sắc nhất. Ngoài ra, họ còn tham gia biểu diễn trong các chương trình hát dân ca, bài chòi, sắc bùa… để phát trên sóng của Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh…
 
. Và những trăn trở cuối đời
“Trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng của phường Bắc Nghĩa trong nhiều năm qua đều có sự đóng góp tích cực của vợ chồng ông Đoàn Hữu Bang, Hoàng Thị Lài. Ông bà cũng là hạt nhân nổi bật trong các hoạt động phong trào ở phường Bắc Nghĩa. Ngoài việc trực tiếp tham gia biểu diễn, cả hai ông bà còn là người truyền đạt các kiến thức, kinh nghiệm về hát dân ca, diễn kịch… cho lớp trẻ, từ đó khởi dậy phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương…”- bà Trần Thị Lan, cán bộ văn hóa phường Bắc Nghĩa.

Hơn 50 năm sống trọn với niềm đam mê văn nghệ dân gian, vợ chồng ông Bang, bà Lài đã thầm lặng đóng góp một phần không nhỏ trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống và phát triển phong trào văn hóa văn nghệ địa phương. Giờ đây, như chuyến tàu dần về ga cuối, vợ chồng ông vẫn giữ vẹn nguyên ngọn lửa đam mê. Chỉ cần làng xã có việc trọng, hay một tổ chức, đoàn thể xã hội nào đó ngỏ lời mời, ông bà đều gác lại mọi chuyện để đi diễn, đi truyền nghề, để được sẻ chia niềm đam mê cháy bỏng này.
 
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, vợ chồng ông bà đã nhiều lần trăn trở: Biết rằng những năm gần đây, văn nghệ dân gian đang được Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm, đặc biệt là các môn nghệ thuật như bài chòi, ca trù... được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Thế nhưng, thực tế hiện nay, những người đam mê văn nghệ dân gian ngày càng ít đi, nhất là lớp trẻ.
 
“Người trẻ bây giờ họ thích những thứ âm nhạc ồn ào, náo nhiệt, nhảy múa loạn xạ, còn những điệu hát, những vở kịch dân ca dẫu lắng sâu, đầy ý nghĩa không hiểu sao vẫn không đủ sức lôi cuốn họ”, ông Bang trăn trở.
 
Cũng theo ông Bang, ở phường Bắc Nghĩa nhiều năm qua đã duy trì tốt một CLB đàn hát dân ca nhưng thời gian gần đây hoạt động cầm chừng và ngày càng mai một. “Vợ chồng tôi cũng rất muốn làm một điều gì đó để góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống này như việc mở lớp truyền nghề cho lớp trẻ nhưng nói thật là rất khó. Thứ nhất là kinh phí không có, hai nữa rất khó để tìm được những người trẻ thực sự đam mê với văn hóa, văn nghệ dân gian”, vợ chồng ông Bang chia sẻ.
 
Phan Phương
,
  • Rực rỡ sắc màu lễ hội đua thuyền trên biển ở xã Cảnh Dương

    (QBĐT) - Nhân kỷ niệm 375 năm thành lập làng (1643 – 2018), chào mừng Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, ngày 29-8, xã Cảnh Dương (Quảng Trạch) đã tổ chức lễ hội đua thuyền truyền thống.

    30/08/2018
    .
  • Đọc 'Bình thơ và tâm sự nghề văn' của Lý Hoài Xuân

    (QBĐT) - Lý Hoài Xuân nổi tiếng với bài thơ "Huyền thoại trăng Nhật Lệ" được nhạc sỹ Hoàng Sông Hương phổ nhạc.

    30/08/2018
    .
  • Khúc đồng dao

    (QBĐT) - Góc trời quê tuổi thơ náo nức
    Mê mải đùa trên lối cỏ xanh
    Đuổi theo những cánh chuồn cánh bướm
    Đôi chân trần tóc khét long nhong
    30/08/2018
    .
  • Lệ Thủy: Sẵn sàng cho ngày hội lớn

    (QBĐT) - Như thường lệ, cứ vào dịp tháng Tám hàng năm, dòng sông Kiến Giang hiền hòa của huyện Lệ Thủy lại bắt đầu dậy sóng bởi hàng chục đội đò bơi, thuyền đua của các thôn, xã hạ thủy xuống để tập luyện, sẵn sàng cho lễ hội lớn nhất trong năm...

    29/08/2018
    .
  • Dấu chân người lính

    (QBĐT) - Tuổi thanh xuân anh vào bộ đội
    Vòng lá ngụy trang, súng trên vai, ba lô, mũ cối
    Vượt núi băng đèo, đường giao liên chỉ lối
    Cao vút Trường Sơn, vực thẳm cheo leo
    29/08/2018
    .
  • Trưng bày 61 bức ảnh 'Lệ Thuỷ-Tiềm năng du lịch'

    (QBĐT) - Vừa qua, tại Trung tâm Văn hóa-Thể thao huyện Lệ Thủy, UBND huyện Lệ Thuỷ đã tổ chức trưng bày 61 bức ảnh với nội dung: "Lệ Thuỷ-Tiềm năng du lịch" nhằm quảng bá những tiềm năng du lịch trên địa bàn huyện.

    29/08/2018
    .
  • Đồng dao mùa thu

    (QBĐT) - Anh dệt một miền thơ
    Thả lên trời tháng tám
    Ôi, thời gian bát ngát
    Giọt tình rơi miên man
    29/08/2018
    .
  • Nghe lời Bác dạy

    (QBĐT) - Đất trời một cõi giang san
    Tôi yêu đến cả vạn ngàn lần yêu
    Núi sông mưa nắng sớm chiều
    Đẹp bao nhiêu đấy bấy nhiêu ân tình.
     
    29/08/2018
    .