.
Bưu điện Quảng Bình:

Tạo bước đột phá mới cho điểm bưu điện văn hóa xã

.
07:11, Thứ Ba, 10/07/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Gần 20 năm trước, các điểm bưu điện văn hoá xã (BĐVHX) xuất hiện và trở thành một “thiết chế văn hóa”, là điểm sáng của ngành Bưu điện trên toàn quốc. Ở tỉnh ta cũng không ngoại lệ, các điểm BĐVHX đã giúp người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa được thụ hưởng văn hóa đọc và những thành quả hiện đại hóa của ngành Bưu điện trong sự nghiệp đổi mới của đất nước.
 
Đến thời điểm này, hệ thống BĐVHX gần như đã hoàn thành “sứ mệnh” được đặt ra ban đầu.Tuy nhiên hiện nay, ngành Bưu điện nói chung và Bưu điện tỉnh Quảng Bình nói riêng đang có những giải pháp thiết thực tạo ra bước đột phá mới cho điểm BĐVHX trong thực hiện nhiệm vụ và trọng trách mới.
 
Một thời đáng nhớ
 
Gần 20 năm trước, với mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả dịch vụ bưu chính viễn thông kết hợp với việc cung cấp thông tin cho nhân dân, Tổng công ty Bưu chính Viễn thông (thuộc Tổng cục Bưu điện) đã xây dựng các điểm BĐVHX. Đây là cách làm mới đã được sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền, sự chào đón nhiệt tình của nhân dân, nên chỉ trong thời gian ngắn, trên 80% số xã trong toàn quốc đã có điểm BĐVHX. Tại Quảng Bình, ngay sau khi có chủ trương xây dựng điểm BĐVHX, năm 1999 đã có 21 điểm được xây dựng. Đến năm 2007, toàn tỉnh đã có 91 điểm BĐVHX được xây dựng.
 
Ngay sau khi các điểm BĐVHX được xây dựng, người dân trong tỉnh, đặc biệt là người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, thay vì phải đi đến trung tâm cụm xã, huyện, thị trấn mới có dịch vụ bưu chính viễn thông thì họ chỉ cần đến điểm BĐVHX là được đáp ứng ngay. Thời bấy giờ, diện phủ sóng phát thanh - truyền hình (PT-TH) còn hạn chế, số hộ gia đình có phương tiện nghe, nhìn hoặc có báo in để đọc, có điện thoại cố định còn ít, thì số đầu sách, báo được trang bị ở những điểm BĐVHX trở thành nơi cung cấp thông tin, trở thành  một “thiết chế văn hóa” ở cơ sở. Những năm đầu tiên ra đời, điểm BĐVHX đã góp phần giúp cộng đồng nông thôn, miền núi, vùng cao thuận lợi hơn trong việc trao đổi thư tín và liên lạc với gia đình họ hàng, bạn bè qua máy điện thoại hữu tuyến gọi đường dài. Đảm nhận chủ yếu phần bưu điện, ngoài ra các điểm BĐVHX còn phục vụ người dân đọc sách báo miễn phí, thiết thực mang văn hóa đọc đến với người dân nông thôn.
 
Thời gian đó, trong những chuyến công tác ở các huyện miền núi Minh Hóa và Tuyên Hóa, chúng tôi có thể cảm nhận được tầm quan trọng của các điểm BĐVHX khi được chứng kiến cảnh người dân xếp hàng chờ tới lượt gọi, nghe điện thoại của người thân ở xa; được thấy cảnh “2 người ngồi 1 ghế” đọc chung tờ báo; rồi lại chứng kiến mấy cô nhân viên BĐVHX tất bật phục vụ người dân các dịch vụ có tại điểm BĐVHX...
 
Ông Đinh Trọng Lưỡng, một nông dân sản xuất giỏi ở xã Sơn Hóa, huyện Tuyên Hóa nhớ lại: “Ngày đó cứ có thời gian rảnh là tôi lại ra điểm BĐVHX để đọc sách, báo miễn phí. Nhờ những thông tin hữu ích từ sách báo ở đây mà tôi đã áp dụng vào chăn nuôi, trồng trọt nên đã có thu nhập khá cho gia đình. Ngoài ra, cần trao đổi thông tin, hàng hóa với đối tác, gia đình tôi đều tìm đến điểm BĐVHX là được đáp ứng đầy đủ chứ không cần phải đi đâu xa.”
 
“Nốt trầm”
 
Theo ông Trương Tấn Quang, Giám đốc Bưu điện tỉnh Quảng Bình, với chức năng và nhiệm vụ được đề ra ban đầu, có thể nói, thời gian đầu, các điểm BĐVHX đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, khoảng năm 2008 đến năm 2014, cùng với quá trình đổi mới, nhiều chính sách phát triển kinh tế - xã hội, nhiều chương trình mục tiêu quốc gia, như: đưa thông tin về cơ sở, phủ sóng vùng lõm, đưa PT-TH về vùng núi, vùng cao, biên giới, hải đảo, viễn thông công ích... đã góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa và mở rộng không gian tiếp nhận thông tin của nhân dân; mạng lưới PT-TH, đặc biệt là sự ưu việt và phát triển của internet, sự gia tăng theo cấp số nhân của dịch vụ điện thoại di động... đã góp phần thay đổi xã hội một cách nhanh chóng.
 
Vì vậy người dân không còn đến điểm BĐVHX để gọi điện thoại hoặc đọc báo nữa, thay vào đó là tiếp nhận thông tin ngay tại nhà, mọi nơi, mọi lúc.“Đó là giai đoạn khó khăn nhất của các điểm BĐVHX đi cùng khó khăn của Tổng công ty Bưu chính Việt Nam.Thời gian này các điểm BĐVHX chỉ còn lại dịch vụ chuyển phát là chủ yếu, nhiều điểm không còn được đầu tư nên xuống cấp trầm trọng. Rất nhiều cán bộ, công nhân viên bưu điện và nhân viên BĐVHX đã rời bỏ hệ thống…”, ông Quang chia sẻ.
 
Đa dạng hóa dịch vụ để phát triển
Các điểm BĐVHX trong tỉnh hiện được đầu tư phát triển theo hướng đa dạng hóa dịch vụ, là “cánh tay nối dài” của dịch vụ hành chính công.
Các điểm BĐVHX trong tỉnh hiện được đầu tư phát triển theo hướng đa dạng hóa dịch vụ, là “cánh tay nối dài” của dịch vụ hành chính công.
Dẫu có lúc thăng trầm, nhưng từ khi ra đời đến nay điểm BĐVHX luôn là một kênh thông tin hữu ích, góp phần đắc lực vào việc tuyên truyền các đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Nhiều chương trình, dự án của Nhà nước cũng lựa chọn điểm BĐVHX để làm điểm phục vụ của chương trình như: chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích, dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập internet công cộng tại Việt Nam” do Quỹ Bill và Melinda Gates tài trợ. Từ năm 2014-2017, tại tỉnh ta đã có 23 điểm BĐVHX cung cấp dịch vụ viễn thông công ích, hiện nay còn duy trì 18 điểm internet viễn thông công ích, bước đầu đã đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân. Chương trình phối hợp công tác giữa Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch với Bộ Thông tin - Truyền thông trong việc tăng cường tổ chức hoạt động phục vụ sách báo tại các điểm BĐVHX, tại tỉnh ta, đến nay chương trình đã được triển khai tại 18 điểm BĐVHX với 1.244 đầu sách và 2.165 lượt người đọc.
 
Theo Bưu điện tỉnh Quảng Bình, từ năm 2014 đến nay, được sự quan tâm của Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (nay là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam), mạng lưới BĐVHX đã được chăm lo, đầu tư nhiều hơn. Trước sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Tổng công ty, lãnh đạo Bưu điện tỉnh, cùng sự quyết tâm của toàn thể nhân viên Bưu điện tỉnh nói chung và toàn thể nhân viên điểm BĐVHX nói riêng, sự chung tay đóng góp của cán bộ công nhân viên và người lao động, hiện nay có thể thấy được sự “hồi sinh” khá ngoạn mục của  hệ thống BĐVHX trên toàn tỉnh.
 
Ngoài là điểm sinh hoạt cộng đồng, duy trì các dịch vụ bưu chính truyền thống (chuyển phát bưu phẩm, bưu kiện, đọc sách báo…), hiện tại các điểm BĐVHX còn mở rộng thêm nhiều dịch vụ như: chuyển phát nhanh EMS, phát hàng thu tiền COD, các dịch vụ bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế tự nguyện, dịch vụ ngân hàng, dịch vụ viễn thông và sản phẩm hàng hóa tiêu dùng...
 
Đặc biệt, các điểm BĐVHX được ví như “cách tay nối dài của dịch vụ hành chính công” khi tham gia vào các dịch vụ như: chi trả lương hưu, trợ cấp xã hội, tiếp nhận và chuyển phát hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành, UBND các cấp, tiếp nhận hồ sơ cấp đổi giấy phép lái xe, hồ sơ bảo hiểm xã hội… Ngoài ra, điểm BĐVHX còn làm dịch vụ bán lẻ hàng tiêu dùng về nông thôn với mô hình chuỗi cửa hàng bán lẻ Post Mart... Đây được coi là hướng đi mới, mô hình hoạt động mới của BĐVHX hiện nay - mô hình BĐVHX đa dịch vụ.
 
Bà Nguyễn Thị Thủy ở xã Sơn Thủy (Lệ Thủy) cho biết, bà có tham gia mua BHXH tự nguyện. Thời gian trước, hàng tháng bà phải xuống tận trụ sở BHXH huyện để nộp, nhưng những năm gần đây nhờ điểm BĐVHX có dịch vụ này nên bà chỉ cần đến đây để nộp mà không phải đi xa. Ngoài ra, với nhiều dịch vụ tiện ích khác, khi có nhu cầu gia đình bà chỉ cần ra đây là được đáp ứng đầy đủ…
 
Trao đổi với phóng viên, ông Trương Tấn Quang, Giám đốc Bưu điện tỉnh cho biết, để tăng cường hiệu quả hoạt động của các điểm BĐVHX, thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục cải tiến, đầu tư cơ sở vật chất, Bưu điện tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng các dịch vụ tại các điểm BĐVHX như: chuyển phát bưu phẩm, bưu kiện, chuyển phát nhanh, phát hành thu tiền COD; các dịch vụ hành chính công; tài chính bưu chính, phân phối truyền thông, phục vụ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Đồng thời, thường xuyên lựa chọn và đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng bán hàng, trách nhiệm của đội ngũ nhân viên, để dù đến bất cứ điểm BĐVHX nào trong tỉnh, người dân cũng đều cảm nhận được sự năng động, thân thiện, nhiệt tình, tin cậy của các nhân viên bưu điện. Từ đó, từng bước đưa điểm BĐVHX trở lại thời “hoàng kim”!
Phan Phương
,
  • Tập đoàn Trung Nguyên Legend tặng 6.000 cuốn sách cho Thư viện tỉnh

    (QBĐT) - Ngày 8-7, Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã trao tặng 6.000 cuốn sách cho thanh niên, cộng đồng ở Quảng Bình thông qua Thư viện tỉnh.

    09/07/2018
    .
  • Long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Khe Sanh

    Tối 8-7, Lễ kỷ niệm 50 năm ngày chiến thắng Khe Sanh, giải phóng Hướng Hóa (9-7-1968-9-7-2018) được tổ chức trọng thể tại Nhà văn hóa Truyền thống dân tộc Vân Kiều, Pa Cô huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. 
     
    09/07/2018
    .
  • Quảng Bình là đất trường ca

    (QBĐT) - Trong kho tàng văn học dân gian Quảng Bình tồn tại một câu ca dao thật đáng chú ý: 
    "Quảng Bình là đất trường ca
    Đất đai chi Bảo Đại mà kéo Tây qua đóng đồn..."
    08/07/2018
    .
  • Dòng sông quê

    (QBĐT) - Dòng sông quê tôi chảy giữa miền Trung
    Mở điệu hò khoan qua miền cát trắng
    Đi dưới vòm xanh đầy nắng
    Nghe triều lên rượi mát bàn chân
     
    08/07/2018
    .
  • Chị tôi

    (QBĐT) - Chị tôi xưa ở Trường Sơn
    Một thời con gái vui buồn đã qua
    Mắt môi lặng lẽ về già
    Ruộng vườn ngõ trước heo gà ngõ sau.
     
    07/07/2018
    .
  • Bến quê

    (QBĐT) - Bến quê

    07/07/2018
    .
  • Tháng Bảy

    (QBĐT) - Tìm em tháng bảy mưa giăng
    Tí tách hiên nhà góc phố
    Ngọt ngào hôn từng lá nhỏ
    Vội vàng mưa nấp áo em
     
    06/07/2018
    .
  • Tìm thấy bản sao Tuyên ngôn Độc lập Mỹ quý hiếm tại Anh

    Một bản sao quý hiếm của Tuyên ngôn Độc lập Mỹ đã được tìm thấy trong một kho lưu trữ ở thành phố Chichester miền Nam nước Anh. 
     
    05/07/2018
    .