.

Ký ức Tết Trường Sơn

.
11:14, Thứ Ba, 20/02/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Cứ mỗi độ Tết đến xuân về, người lính Trường Sơn năm xưa ấy lại đau đáu nhớ về ký ức một thời trai trẻ trên tuyến đường huyền thoại, nơi ông được đón những cái Tết đặc biệt nhất trong cuộc đời. Với cựu chiến binh Nguyễn Trọng Phu ở tổ dân phố 10, Bắc Lý (TP. Đồng Hới), đó mãi là những tháng ngày oanh liệt, đáng nhớ nhất in đậm một thời tuổi trẻ, lý tưởng, khát vọng và tình yêu của ông.

Chiều cuối năm, đất trời bảng lảng hơi xuân. Những vạt nắng hiếm hoi cố len lỏi qua những khe lá trong mảnh vườn nhỏ nhưng đa cây, đa sắc của CCB Nguyễn Trọng Phu. Đây chính là không gian yêu thích nhất của người lính già, ông bảo, giữa thị thành phồn hoa, náo nhiệt, đây là chốn khiến ông thấy gần gũi, quen thân, gợi cho ông nhớ lại những tháng ngày sống hoà mình với núi rừng Trường Sơn.

 Vợ chồng CCB Nguyễn Trọng Phu (ngoài cùng bên phải hàng thứ nhất và thứ hai) chụp ảnh cùng các đồng đội trong đơn vị TNXP ngày ấy.
Vợ chồng CCB Nguyễn Trọng Phu (ngoài cùng bên phải hàng thứ nhất và thứ hai) chụp ảnh cùng các đồng đội trong đơn vị TNXP ngày ấy.

Ngày đó (7-1969), khi đang là chàng Bí thư xã đoàn năng động, đầy nhiệt huyết, Nguyễn Trọng Phu hăng hái xung phong lên đường nhập ngũ, biên chế về đội 119, P31 thuộc đơn vị 759, nhiệm kỳ 2. Tham gia vào đội mở đường, thồ hàng, cáng thương trên tuyến đường 16B, ông Phu và đồng đội đã nếm trải biết bao vất vả, hiểm nguy.

Những con đường Trường Sơn ngày đánh Mỹ cõng nặng trên lưng cả hậu phương lớn chi viện cho tiền tuyến lớn, nên nơi đây có nhiều túi bom của kẻ thù đổ xuống. Sự sống và cái chết nhiều khi chỉ cách trong gang tấc. Đường đi rất hiểm trở, nhiều chỗ toàn đá dựng đứng, bộ đội ta phải bám vào vách đá để khoét núi, phá đá, mở từng mét đường.

Địch liên tục huy động máy bay ném bom nhằm làm tê liệt giao thông của ta. Với khẩu hiệu “Thanh niên xung phong (TNXP) có thể hy sinh, nhưng quyết không để huyết mạch giao thông bị tắc”, nên cứ sau mỗi trận địch đánh phá, thả bom, các tổ quan sát ngồi trên cây đếm bom chưa nổ, đánh dấu vào bản đồ tự vẽ rồi xuống cắm tiêu vào các vị trí đó để đồng đội đến phá bom.

“Trong suốt những ngày đó, anh em trong các đội TNXP ngày đêm chiến đấu giành giật với quân địch từng giờ, từng phút, vừa phá bom nổ chậm, vừa san lấp hố bom khôi phục đường vừa vận chuyển lương thực, đạn dược chi viện cho chiến trường miền Nam.

Cứ máy bay địch ngớt ném bom là lực lượng TNXP ào ra san lấp hố bom, gỡ bom nổ chậm, bảo đảm cho xe thông tuyến. Hôm nào trời mưa, đất nhão trơn, anh em chặt cây mang đến chống lầy, chống lún, làm lại cầu, mở đường tránh..., bằng mọi biện pháp để thông xe đưa hàng ra mặt trận.

Có những đêm mưa rét, chúng tôi nhịn đói, dùng sức người đẩy ô tô chết máy qua đèo. Hay có những lúc gùi hàng nặng gấp đôi trọng lượng cơ thể, lúc về lưng như gãy đôi, bỏng rát, ứa cả máu. Vất vả, hiểm nguy là thế, nhưng ý chí của mọi người không hề giảm sút. Ngược lại càng hiểm nguy, càng khốc liệt, chúng tôi càng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.

Với CCB Nguyễn Trọng Phu có lẽ đáng nhớ nhất là cái tết đầu tiên của đời lính xa quê. “Thấm lắm cái cảm giác vừa bỡ ngỡ vừa nhớ nhà, nhớ tết quê hương da diết. Càng gần đến ngày tết nỗi nhớ ấy càng dâng lên. Bọn tui, nhất là các o con gái, cứ ôm nhau khóc rấm rứt vì nhớ nhà.

Đời lính mỗi đứa một vùng quê, tục lệ ăn tết, chơi tết của làng xã mình cứ nối nhau kể ra trong khi hộ tống những đoàn xe, trong đêm lấp hố bom để làm vơi mệt nhọc, nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương. Không để tinh thần bị nao núng, cấp trên phát động tổ chức tết cho anh em.

Thật ra nói là tết tinh thần thì đúng hơn vì vật chất thiếu thốn lắm. Chúng tôi người vào rừng hái hoa về trang trí; người đi kiếm hoa chuối, rau rừng về cải thiện, kiếm cây ngũ gia bì về chế thành rượu. Không có nếp, chúng tôi dùng gạo dẻo và lá chuối rừng gói bánh chưng. Cứ thế, nỗi nhớ nhà vơi đi, ai nấy đều rộn ràng, phấn chấn hẳn lên. Thiếu thốn đủ bề nhưng mà ấm áp, yêu thương đến lạ.

Niềm vui tuổi già của vợ chồng CCB Nguyễn Trọng Phu là được chăm chút cho mảnh vườn nhỏ.
Niềm vui tuổi già của vợ chồng CCB Nguyễn Trọng Phu là được chăm chút cho mảnh vườn nhỏ.

Đêm ba mươi Tết, trong căn lán lụp xụp, mưa rét lạnh thấu xương, chúng tôi vẫn ngồi chờ đón giao thừa. Đêm giao thừa ở Trường Sơn cứ thế kéo dài trong đầm ấm, sẻ chia, trong những xốn xang mới mẻ của đời lính. Chúng tôi chuyện trò chán chê rồi lại nghêu ngao hát. Mấy cô gái đã quên hết nhớ nhà, nhớ quê đem ngay bát đũa ra gõ nhịp... Trời dần sáng, một năm mới bắt đầu. Một năm mới vẫn những công việc, nhiệm vụ cũ nhưng với một khí thế mới, hào sảng, quyết tâm hơn”, ông Phu nhớ lại.

Chiến tranh là thế, ác liệt trong từng giây phút. Những cái tết trọn vẹn với TNXP thời ấy thật sự vô cùng hiếm hoi. Nhiều lần chưa kịp trao gửi nhau lời chúc năm mới thì địch ném bom, họ lại phải lao vào với nhiệm vụ. Xót xa hơn, không ít lần, đồng đội vừa quây quần bên nhau gói bánh chưng, canh lửa cho nồi bánh thì phút sau đã vĩnh viễn gửi lại tuổi thanh xuân nơi núi rừng Trường Sơn hùng vĩ.

Càng đau thương, mất mát, càng đối mặt với vô vàn hiểm nguy những người lính TNXP lại càng nhắc nhở nhau phải thật kiên cường, vững chí để chiến đấu, hoàn thành nhiệm vụ, để những hi sinh của biết bao đồng đội không uổng phí. Sang năm 1972, Nguyễn Trọng Phu được chuyển về Binh trạm 16, thuộc Ban 67. Lúc này, chàng trai gan dạ ấy đã bén duyên với cô TNXP Trần Thị Phiếu cùng đơn vị. Tình yêu khiến đời lính của họ trở nên thi vị, tươi đẹp hơn giữa những khốc liệt của chiến tranh.

Lúc này đang chuẩn bị cho chiến dịch Nam Lào, chiến trường ngày càng ác liệt, những cái tết của lính Trường Sơn cũng vì thế ngày càng ngắn ngủi nhưng quý giá hơn bao giờ hết. Với họ, đó mãi là những khoảnh khắc đẹp nhất đời lính, là nguồn động lực quý giá để họ vững chí, bền gan tiếp tục hoàn thành mọi nhiệm vụ, để góp phần làm nên huyền thoại của một con đường.

Tâm An


 

,