.

Ấm tình hội chơi bài chòi

.
08:02, Thứ Năm, 22/02/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Nhiều năm qua, nhà văn hóa tổ dân phố 1, phường Nam Lý, thành phố Đồng Hới trong những ngày Tết luôn đông vui, nhộn nhịp bởi hội chơi bài chòi...
 
Hội chơi truyền thống
 
Tổ dân phố 1 (phường Nam Lý, TP.Đồng Hới) là một trong số địa phương ở tỉnh ta còn duy trì được hội bài chòi, trò chơi dân gian mang đậm nét văn hóa truyền thống trong những ngày Tết.
 
Ông Hoàng Văn Lưu, Tổ trưởng tổ dân phố 1, Trưởng ban tổ chức hội bài chòi cho biết, để giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa của ngày xuân, đã thành truyền thống hằng chục năm qua, lễ hội bài chòi được tổ dân phố 1 tổ chức từ chiều 30 đến mồng 5 Tết Âm lịch. Những ngày trước Tết, công tác chuẩn bị như dựng chòi, phân công người hô bài, chạy bài, bán vé và lo phần thưởng đã được Ban cán sự tổ dân phố thực hiện chu toàn.
 
Cũng như mọi năm, hội bài chòi Tết Mậu Tuất được dựng 11 chòi, gồm 10 chòi cho người chơi và 1 chòi ở trung tâm cho những người tổ chức, điều khiển hội chơi. Mỗi hội bài được chia thành chín ván, mỗi ván người chơi phải đánh hết 3 quân bài, kết thúc mỗi ván người thắng sẽ được cắm một cờ vào chòi của mình và nhận được phần thưởng theo quy định.
Hội bài chòi được tổ chức thường niên từ 30 đến mồng 5 Tết ở tổ dân phố 1, phường Nam Lý (TP. Đồng Hới)
Hội bài chòi được tổ chức thường niên từ 30 đến mồng 5 Tết ở tổ dân phố 1, phường Nam Lý (TP. Đồng Hới)
Bên cạnh người chơi, sẽ có một đội ngũ người điều khiển gồm người chạy bài (phát bài, gom bài); người trao cờ, phần thưởng và quan trọng nhất là người hô bài (ông hiệu) thường do những bậc cao niên trong tổ dân phố đảm nhận...
 
Năm nào cũng vậy, hội bài chòi ở tổ dân phố 1, phường Nam Lý vẫn thu hút rất đông bà con trong tổ dân phố và vùng lân cận, cùng du khách thập phương đổ về tham gia. Điều đặc biệt ở đây là người đánh bài không phải vì mục đích ăn thua mà muốn hòa mình vào hoạt động vui vẻ của lễ hội giàu chất truyền thống này. Với mỗi hội bài, người chơi chỉ mua vé hết 30 ngàn đồng để được  đánh 9 ván với thời gian khá dài và tỷ lệ thắng thua sau mỗi cuộc chơi là rất ít. Bà Phạm Thị Đuế, năm nay đã 70 tuổi, cho biết: “Người dân tổ dân phố 1 ai cũng biết và mê cái trò ni. Lũ trẻ đi làm ăn xa, đến Tết về quê lại tụ tập ra đây chơi. Đông vui lắm!”
 
Ông Hoàng Văn Lưu, chia sẻ: “Người dân quanh năm vất vả với công việc mưu sinh, chúng tôi tổ chức một lễ hội như vậy để bà con có những giây phút thư giãn thoải mái trong ngày Tết. Đồng thời cũng tạo điều kiện cho người dân quê xích lại gần nhau hơn sau một năm xa hương bôn ba làm ăn kiếm sống. Với ý nghĩa như vậy, nên dù có khó khăn đến đâu thì hàng năm tổ dân phố vẫn dành một phần kinh phí để tổ chức hội bài chòi và chúng tôi tự hào là hàng chục năm qua nó đã thành truyền thống, được duy trì mà không năm nào bị gián đoạn”.
 
Dễ hiểu, dễ chơi
 
Cụ Phạm Văn Phì, một cao niên chuyên hô bài ở hội bài chòi tổ dân phố 1, phường Nam Lý cho biết, sở dĩ hội bài chòi ở đây được duy trì tốt hàng chục năm qua và ngày càng thu hút được nhiều người tham gia, ngoài sự cố gắng của những người tổ chức, một phần quan trọng là nó đã được lược bớt ngắn gọn, chân chất, dễ hiểu, dễ chơi.
 
Ở những nơi bài chòi phát triển mạnh như ở Quảng Nam, Bình Định... cánh hô bài chòi được thể hiện bài bản bằng những câu hát trầm bổng, nhịp nhàng, du dương như đọc thơ thì bài chòi ở đây đã được lược bớt, gần gũi, dễ hiểu hơn với người chơi. Đặc biệt, những lời cổ đôi khi rất khó hiểu đã được những người hô bài cố gắng đưa ra những ca từ, tình huống xuất hiện thường xuyên trong cuộc sống. Ví dụ, ở hội bài chòi chuẩn, lời đầu thường bắt đầu bằng bài ca: “Gió xuân phảng phất nhành tre/ Xin mời bà con cô bác lắng nghe bài chòi/ Bà con cô bác lắng lặng mà nghe/ Tui hô cái quân bài, con gì nó ra đây...”.
 
Trong khi đó, bài chòi ở tổ dân phố 1, phường Nam Lý, người hô bài chỉ cần hô: “Hai bên lắng lặng mà nghe con bài đi chợ” là ván bài đã bắt đầu. Còn khi hô các quân bài, bài chòi chuẩn, người hô bài thường hô đầy đủ các câu ca dao, tục ngữ, câu hát. Ví như ở quân bài “Nhì nghèo”, bài chòi chuẩn phải hô: “Một anh để em ra/Hai anh để em ra/Về em buôn bán/Trả nợ bánh tráng, trả nợ bánh xèo/Còn dư trả nợ thịt heo/ Anh đừng lầm em nữa, kẻo mang nghèo vì em.” Trong khi đó, bài chòi ở tổ dân phố 1, phường Nam Lý, người hô bài chỉ cần hô: “Nhị sách con nghèo” là được, hoặc “Xóa đói giảm nghèo!” cho hợp với hoàn cảnh hiện tại...
Hội bài chòi thu hút đông đảo người chơi.
Hội bài chòi thu hút đông đảo người chơi.
Theo cụ Phì, dù ở nhiều nơi cách thể hiện, diễn xướng bài chòi có khác nhau, nhưng về cơ bản, bài chòi vẫn là sân chơi của những ván cờ. Bộ bài chòi cơ bản có 30 quân bài khác nhau chia thành 3 họ, mỗi họ có 10 quân bài: họ văn (nhất văn cái gối, nhị văn tràng hai, tam văn tràng ba, tứ văn ông voi, ngũ văn con rún, lục văn sáu tiền, thất văn lá liễu, bát văn tám tiền, cửu văn con xe và ông lão thái tử); họ vạn (nhất vạn nhất trò, nhị vạn nhị đấu, tam vạn tam quăn, tứ vạn tứ cẳng, ngũ vạn ngủ trưa, lục vạn lục xơ, thất vạn thất dọn, bát vạn bát bồng, cửu vạn cửu thầy và bán chi chị bạch tuyết) và họ sách (nhất sách con nọc đượng, nhị sách con nghèo, tam sách con gà, tứ sách đôi giống, ngũ sách con giày, lục sách bướng đầu hay 6 hột, thất sách con sưa, bát sách tám giây, cửu sách đỏ mỏ và ông thang, ông ầm). 
 
Trong một ván chơi, mỗi chòi  được chia 3 quân bài bất kỳ, cuộc chơi được bắt đầu khi “ông hiệu” bước đến ống thẻ, xóc đi xóc lại rồi chậm rãi rút từng con bài. Mỗi lần rút bài, “ông hiệu” sẽ đọc tên quân bài đó bằng những câu ca vần điệu như đã nói ở trên. Chòi chơi nào có 3 quân bài trùng với 3 quân bài mà “ông hiệu” hô (được 3 cờ) thì xem như thắng cuộc, được nhận 1 cờ đỏ; chòi nào thắng liên tục 3 ván thì được nhận một lá cờ vàng, nhận được phần thưởng gấp đôi...
 
“Với hội bài chòi được tổ chức thường niên ở nhà văn hóa tổ dân phố 1, phường Nam Lý, ngày Tết cổ truyền của dân tộc như trọn vẹn hơn bởi các em nhỏ, nam thanh, nữ tú hiện đại được biết đến một thú chơi lành mạnh và thuần Việt. Còn các cụ già, kể cả người chơi và người tổ chức trò chơi như được sống lại với cái thời của mình với những câu hô đậm chất làng quê Việt Nam”, cụ Phì chia sẻ.
Lúc 17h15’ (giờ Hàn Quốc) ngày 7-12-2017 (khoảng 15h15’ giờ Việt Nam), tại phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của UNESCO diễn ra tại Jeju, hồ sơ Nghệ thuật bài chòi Trung Bộ của Việt Nam đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Phạm vi nghệ thuật bài chòi gồm 11 tỉnh, thành phố miền Trung, gồm: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.
 
Phan Phương
,