Đón bằng di tích lịch sử cấp tỉnh lăng mộ và nhà thờ Nguyễn Đình Quang

Cập nhật lúc 07:59, Thứ Bảy, 16/06/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Ngày 15-6-2018, phường Bắc Lý và dòng họ Nguyễn Đình đã tổ chức trọng thể lễ đón Bằng công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh lăng mộ và nhà thờ cụ Nguyễn Đình Quang ở tổ dân phố 11, phường Bắc Lý (Đồng Hới). 
Đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao trao bằng di tích lịch sử cấp tỉnh Lăng mộ và nhà thờ Nguyễn Đình Quang cho lãnh đạo phường Bắc Lý và dòng họ Nguyễn Đình
Đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao trao bằng di tích lịch sử cấp tỉnh Lăng mộ và nhà thờ Nguyễn Đình Quang cho lãnh đạo phường Bắc Lý và dòng họ Nguyễn Đình
Theo cứ liệu lịch sử ghi lại, cách đây hơn 500 năm, hưởng ứng chiếu dụ của vua Lê Thánh Tông, cùng với các dòng họ ở các tỉnh phía Bắc vào khai hoang lập ấp ở vùng Bố Chính (vùng Quảng Trạch, Ba Đồn, Bố Trạch ngày nay); khoảng cuối thế kỷ XV, ông Nguyễn Đình Quang với sức vóc trai trẻ đã cùng những người thân cận từ Nghệ An đi theo đường ven biển vào thẳng vùng đất phía Tây cửa sông Nhật Lệ khai hoang đất đai, sinh cơ lập nghiệp, góp phần góp phần mở mang bờ cõi về phương Nam và xây dựng quê hương Quảng Bình trong “thời khai thiết”.
 
Ông Nguyễn Đình Quang cũng là người sáng lập xã Minh Lý, một trong 73 đơn vị hành chính xã đầu tiên thuộc huyện Khang Lộc dưới thời Nhà Lê Sơ, là vùng đất đứng chân hai phường Bắc Lý và Nam Lý (Đồng Hới) ngày nay. Công lao của ông Nguyễn Đình Quang không những được người dân ghi nhận mà ông còn được các triều vua phong tặng “Linh phù dực bảo Trung Hưng Tôn thần”. Đến thời vua Khải Định (triều Nguyễn), tiếp tục sắc phong “Đoan túc tôn thần”, chỉ dụ cho làng Thuận Lý, phủ Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình tiếp tục thờ tự tôn kính, chu đáo ngài “Đại lang của xã Minh Lý”…
 
Với những cống hiến của ông Nguyễn Đình Quang cho quê hương, xã tắc, xét đề nghị của chính quyền phường Bắc Lý, dòng họ Nguyễn Đình và Sở Văn hóa và Thể thao, UBND tỉnh đã có quyết định công nhận lăng mộ và nhà thờ Nguyễn Đình Quang là di tích lịch sử cấp tỉnh. Di tích lăng mộ và nhà thờ Nguyễn Đình Quang không chỉ góp phần quan trọng trong việc nghiên cứu, bổ sung những tư liệu, những bài học lịch sử trong các thời kỳ đấu tranh dựng nước và giữ nước; di tích còn có giá trị lớn trong việc giáo dục truyền thống quý báu về lịch sử nhân văn và văn hóa tinh thần, đấu tranh giữ nước, giữ làng, truyền thống uống nước nhớ nguồn của ông cha ta; nhằm giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Phan Phương
,
.
.
.