.

Tác giả trẻ Trác Diễm: 'Cứ để trái tim tự ngân lên những giai điệu của riêng mình'

Thứ Tư, 27/12/2017, 08:31 [GMT+7]

(QBĐT) - Bước chân vào nghiệp văn chương khi vừa chớm qua tuổi 20, vậy mà chỉ trong vòng mấy năm, cái tên Trác Diễm đã “phủ sóng” trên nhiều diễn đàn văn học nghệ thuật và trở thành một điểm nhấn ấn tượng của văn chương trẻ Quảng Bình thời gian qua. Nhân dịp cuốn tiểu thuyết “Đất khát” của Trác Diễm vừa đến tay bạn đọc trong những tháng cuối năm 2017, cây viết trẻ đã dành thời gian chia sẻ suy tư của mình về tình yêu và trách nhiệm đối với nghiệp văn chương cùng những nỗi niềm trăn trở giấu kín.

- PV: 22 tuổi mới viết tác phẩm đầu tay và được sự đón nhận tích cực của giới phê bình cùng công chúng. Đây là động lực hay là thử thách Trác Diễm phải vượt qua?

Tác giả Trác Diễm: Trong cuộc sống không riêng gì việc viết văn, Trác Diễm luôn để mọi sự tùy duyên, không cưỡng cầu mà thuận theo tự nhiên. Đặc biệt, Diễm đang sống ở thì hiện tại, một môi trường tự nhiên xã hội rất phong phú và đặc sắc, cho nên, những tác phẩm của Diễm cũng tràn đầy hơi thở của không gian này. Rất hiện thực và cũng rất tự nhiên. Diễm không có quan niệm văn chương đến với mình sớm hay là muộn, cũng không áp đặt hay cố gồng mình lệ thuộc vào những đề tài hay sự giao phó trách nhiệm của ai đó vào sự viết. Vì vậy, để nói đến việc sớm hay muộn trong việc viết văn thì Diễm sẽ gọi đây là “duyên nghiệp”.

Từ tiềm thức xa xôi đã có và sẽ đến lúc “duyên nghiệp” đó đến thì nó sẽ tự thân trào ra một cách tự nhiên nhất. Như cách nói ví von về ngọn núi lửa, cứ âm ỉ trong mình một sức nóng, mọi sự cuộn trào, dồn nén, chứa chất và đến lúc chín muồi thì nhu cầu tự thân sẽ bùng nổ.

 

Cây bút trẻ Trác Diễm
Cây bút trẻ Trác Diễm

- PV: Ngay sau tác phẩm đầu tay, Trác Diễm gần như liên tục cho xuất bản các tác phẩm mới và mới đây nhất là một cuốn tiểu thuyết và tập truyện ngắn. Đâu là nguyên nhân đằng sau sự “vội vàng” này? Và liệu Trác Diễm có lo lắng “tinh hoa phát tiết” như cha ông ta thường nói?

- Tác giả Trác Diễm: 22 tuổi, Trác Diễm bắt đầu bắt tay vào viết tiểu thuyết và ra mắt tác phẩm “Hồn lau trắng”. Tiếp theo, Diễm chắp bút viết cuốn thứ 2 là “Tiếng vọng Ma Coong”, lúc này Diễm vừa làm công việc hướng dẫn viên du lịch vừa sáng tác, cũng mất hết một năm để ra được tác phẩm. Cùng năm đó, để có một môi trường làm việc và tiếp xúc nhiều hơn với những người làm trong ngành báo chí và sáng tác văn chương, Trác Diễm may mắn được cơ quan Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng chấp nhận nguyện vọng được chuyển công tác về Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh và được cơ quan Hội chấp nhận. Tại môi trường mới, Trác Diễm được tiếp xúc rất nhiều với những nguồn thông tin nóng từ đài, báo, được tiếp xúc, giao lưu học hỏi kinh nghiệm từ các văn nghệ sĩ. Nhờ đó, Trác Diễm có thêm nhiều nguồn đề tài mới lạ, hấp dẫn để viết. Một vài truyện ngắn được hình thành từ những cuộc gặp gỡ giao lưu và tiếp xúc đó. Còn lại thì đều xuất phát từ cái bản ngã của bản thân, từ việc đi và cảm nhận trước hiện thực cuộc sống để rồi thông qua lăng kính chủ quan của cá nhân, tư duy từ bộ não và mọi sự tích lũy tiếp tục được nuôi dưỡng trong tim để rồi cứ thế mà chảy ra. Và khi mình viết ra bằng cả trái tim chân thành, nồng nàn, yêu người yêu cuộc sống thì ắt sẽ nhận lại được những gì như bạn đã cho đi. Cuốn tiểu thuyết thứ 2 “Tiếng vọng Ma Coong” đã được trao giải nhì -giải thưởng văn học nghệ thuật Lưu Trọng Lư lần thứ 5.

Và Trác Diễm cũng được Nhà xuất bản Hà Nội tự gom tất cả các truyện ngắn đăng rải rác trên khắp các báo in thành một tập truyện ngắn “Người đàn bà vẽ hoàng hôn”. Đó là lý do trong vòng 1 năm (2016) mà Trác Diễm cho ra đời 2 đầu sách. Trác Diễm không tham viết nhiều, không chạy đua theo số lượng, do vậy, mọi tác phẩm đều ra đời khi nó đủ chín và đủ “duyên”.

-  PV: Trong các tác phẩm của Trác Diễm, hình tượng người phụ nữ xuất hiện khá đa dạng và mang nhiều màu sắc, vậy đâu là “tuyên ngôn nữ quyền” mà Trác Diễm muốn gửi gắm?

- Tác giả Trác Diễm: Hầu hết trong các tác phẩm của Diễm đều xây dựng hình ảnh người phụ nữ luôn mang trong mình sự đa nhân cách. Có chút gì đó hiền lành, cam chịu, nhẫn nại, có chút gì đó cá tính, bướng bỉnh và bứt phá. Và đương nhiên những người phụ nữ đó đều có nội tâm sâu sắc, thông minh và đáo để. Và sự nhân hậu, vị tha luôn là hạt ngọc ẩn chứa bên trong cái vỏ bọc bên ngoài ấy.

Trác Diễm vẫn mong muốn rằng dù ở thân phận nào thì chúng ta cũng phải học cách: “Nghĩ thông, nhìn thoáng và buông bỏ”.

Tác giả Trác Diễm tên thật là Trần Thị Trác Diễm, sinh năm 1988 tại Bố Trạch, Quảng Bình.

Công tác tại Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh.

Các tác phẩm đã xuất bản: Hồn lau trắng (Tiểu thuyết); Tiếng vọng Ma Coong (Tiểu thuyết); Đất khát (Tiểu thuyết); Người đàn bà vẽ hoàng hôn (Tập truyện ngắn).

- PV: Nhiều tác phẩm của Trác Diễm viết về chiến tranh, với tư cách một người trẻ, sống trong thời bình, cách nhìn của Diễm có gì khác biệt và tạo dấu ấn so với các thế hệ trước?

- Tác giả Trác Diễm: Dù sinh ra và lớn lên trong thời bình, nhưng cuộc sống của gia đình Diễm cũng kham khổ chẳng khác gì thời chiến tranh. Do vậy, Diễm luôn luôn trân trọng thức ăn và trân trọng những mảnh đất sinh sôi ra nhiều cây xanh trái ngọt. Càng đi, Diễm càng trân trọng những khoảng xanh bình yên ấy và thỉnh thoảng trong các cuộc hành trình của mình, Diễm cũng không ít lần chứng kiến những vụ nổ do bom mìn và vật nổ sau chiến tranh còn sót lại, chứng kiến những câu chuyện thương tâm, được nghe nhiều về những hồi ức chiến trận... Không biết từ bao giờ, màu xanh ấy luôn bám riết lấy Diễm, màu xanh của rừng, của đất trời, được đánh đổi bằng xương và máu thịt, để rồi hôm nay lại yêu thêm màu xanh áo lính và những đề tài về người lính, về chiến tranh luôn thu hút một cách mạnh mẽ ngòi bút của Diễm.

Tất cả đều được viết lại từ cái dư âm của những người đã đi qua cuộc chiến và xuất phát từ lòng biết ơn sâu sắc cũng như sự ngưỡng mộ của bản thân Diễm dành cho những thế hệ lính chiến một thời. Diễm chỉ viết về thời hậu chiến chứ không đặt mình trong bối cảnh chiến tranh, để có những cảm nhận và cách nhìn nhận chân thực nhất mà không sáo rỗng hay gò ép. Diễm viết văn như kiểu 1 ngày bằng cả trăm năm. Khi cảm xúc dâng lên thì sẽ chảy. Chảy miệt mài bền bỉ và thăng hoa!

- PV: Được biết, Trác Diễm vừa nỗ lực cho ra mắt cuốn sách về người cha quá cố của mình, người có ảnh hưởng rất lớn đến lựa chọn văn chương của Trác Diễm. Vậy, ngoài ông, các tác phẩm của Trác Diễm còn chịu ảnh hưởng của tác giả nào nữa không?

- Tác giả Trác Diễm: Bố Diễm cũng là một nhà thơ, nhà báo thời chiến, Diễm rất yêu cha, tính cách của 2 cha con rất hợp nhau, nhưng nói thật ra rằng, Diễm không chịu ảnh hưởng gì nhiều từ cha trong việc viết văn của mình, có chăng cha chỉ là người truyền đến cho mình tình yêu nồng nàn với cuộc sống, sự mạnh mẽ, bao dung, biết thứ tha. Diễm vẫn luôn nhớ mãi lời dạy của cha: “Cho dù ai đó có đối xử thật tệ hại với con thì con cũng đừng nên ghét bỏ lại họ mà hãy tìm ở họ một điểm để thương, con có thể nhìn lúc họ ăn, họ ngủ, tuyệt đối không để sự thù hận đầu độc tâm hồn mình”. Sinh thời, nguyện vọng của ông là tập hợp các bài viết trên báo để in thành một tập sách kỷ niệm bạn bè nhưng chưa kịp thực hiện thì ông đã đi xa. May mắn nhờ sự giúp đỡ của nhiều đồng nghiệp yêu quý cha, Diễm đã thực hiện được ước nguyện của ông. Và hiện nay, NXB Quân đội đang tập hợp in cuốn thứ 2 của cha Diễm. Dù âm dương cách biệt nhưng 2 bố con vẫn song hành.

Còn với những nhà văn khác, Diễm luôn quan niệm trong sáng tạo nghệ thuật sẽ không có một người thầy nào. Chính vì vậy, đừng mong tác phẩm của mình sẽ ảnh hưởng tới ai và thay đổi ai. Ngược lại, con đường mình đi là do những bước chân mình tự đặt lên và thành đường chứ không chiụ ảnh hưởng từ ai cả. Cứ để trái tim tự ngân lên những giai điệu của riêng mình.

Các tác phẩm đã xuất bản của tác giả Trác Diễm.
Các tác phẩm đã xuất bản của tác giả Trác Diễm.

- PV: Văn chương Quảng Bình đang thiếu những cây viết trẻ, là một trong những niềm hy vọng mới tiếp nối thế hệ đi trước, Trác Diễm cho rằng mình “cần” và “đủ” những gì để tạo điểm nhấn trên văn đàn?

- Tác giả Trác Diễm: Những người trẻ luôn có suy nghĩ chạy đua với yếu tố thị trường vì sự thay đổi của người trẻ cực kỳ nhanh chóng, nếu chạy theo lối ấy thì cực kỳ bị động và gian khổ. Vì vậy, Diễm viết văn trong một tâm thế hết sức nhẹ nhàng như viết lại nhật ký hàng ngày của cuộc đời, không gò bó, không khiên cưỡng và Diễm luôn không ngừng đánh thức bản thân, luôn như vậy.

- PV: Trong một lần gặp gỡ trước đây, Trác Diễm từng chia sẻ ấp ủ muốn góp sức phát triển ngành du lịch tỉnh nhà bằng cách giới thiệu đến du khách những tác phẩm mang đậm bản sắc văn hóa người dân Quảng Bình, nhất là vùng Phong Nha-Kẻ Bàng. Vậy, mơ ước này đã thành hiện thực đến đâu?

- Tác giả Trác Diễm: Trong năm nay, Diễm đã được Nhà xuất bản Quân đội phát hành cuốn tiểu thuyết “Đất khát”. Những cuốn sách của Trác Diễm luôn ghi đậm dấu ấn quê hương đất nước con người miền Trung, trong đó, những địa danh ở Quảng Bình được nhấn mạnh mô tả nhiều nhất. Diễm mong muốn từ giờ cho đến sang năm sẽ hoàn thành cuốn tiểu thuyết theo lời mời hưởng ứng cuộc sáng tác văn học do Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Công an tổ chức. Sau đó, Diễm sẽ tổ chức một cuộc tọa đàm đánh dấu 5 năm công việc viết lách và bàn về việc quảng bá đẩy mạnh du lịch qua các tác phẩm.

Mai Nhân
            (Thực hiện)