.

Người 'tái sinh' nghệ thuật hát Kiều làng Pháp Kệ

Thứ Ba, 19/12/2017, 08:58 [GMT+7]

(QBĐT) - Thôn Pháp Kệ, xã Quảng Phương (Quảng Trạch), một vùng quê trù phú, giàu truyền thống cách mạng và chứa đựng nhiều di tích lịch sử văn hóa. Nơi đây còn nổi tiếng với phong trào văn nghệ quần chúng, đặc biệt là hát Kiều, một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo tồn tại gần 300 năm nay.

Trải qua các thời kỳ lịch sử và sự xuất hiện của các loại hình nghệ thuật khác, hát Kiều vẫn được nhân dân yêu thích, nhất là vào các dịp lễ tết, hội thành hoàng hay sau vụ gặt mùa... Theo các cụ cao niên, trước đây làng có “phường Kiều”. Từ năm 1935-1937, làng lập đoàn hát Kiều. Năm 1946, đoàn được tách thành 2 đội, phục vụ cả những vùng lân cận. Trong kháng chiến chống Pháp, hát Kiều được sát nhập vào đội văn nghệ của xã, biểu diễn phục vụ kháng chiến và bà con vùng tự do. Thời kỳ chống Mỹ, hát Kiều cùng một số làn điệu dân ca đóng vai trò chủ lực trong phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” của đội văn nghệ xã. Nhiều thế hệ đã cố gắng giữ gìn kho báu này như Phạm Suyền, Trần Văn Tùng, Phan Văn Nhơn, Phan Văn Chức, Phan Tành cùng một số ông, bà khác...

Hơn 60 năm lại đây, người có công bảo tồn, phát huy nghệ thuật hát Kiều ở Pháp Kệ là ông Trần Xuân Thủ. Nhờ thuộc lòng toàn bộ truyện Kiều (3254 câu), ông trở thành đạo diễn, vừa là diễn viên hát Kiều sắc sảo. Đặc biệt, ông có thể đảm nhận nhiều vai, trong đó có 40 năm chuyên thủ vai Thúy Kiều...

Lớn lên trong lúc hát Kiều đang thịnh hành, mỗi lần đoàn Kiều biểu diễn, ông là khán giả say mê nhất. Nhờ đó, ông nắm bắt khá chi tiết từng làn điệu, nhân vật và động tác của họ. Về nhà, ông tìm chỗ vắng làm thử, đúng 15 tuổi, ông gia nhập đoàn Kiều. Mặc dù sau này ông theo nghề dạy học, nhưng hát Kiều đã ngấm vào máu thịt, khiến ông luôn nung nấu ý định khôi phục lại nghệ thuật hát Kiều của làng. Suốt thời gian công tác, dù bận rộn chuyên môn nhưng thầy giáo Thủ vẫn cố gắng sưu tầm, nghiên cứu kịch bản, tham gia dàn dựng và biểu diễn.

Từ khi Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) của Đảng về “phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” ra đời, ông Thủ đã dành nhiều thời gian tham mưu, vận động thành lập câu lạc bộ (CLB). Năm 2010, UBND xã Quảng Phương đã đồng ý chuyển mô hình đội Kiều, thành lập CLB hát Kiều Pháp Kệ, ông Thủ làm chủ nhiệm CLB.

Ông cho biết, tránh thất truyền là công việc khó khăn nhất của thời kỳ đầu. Phải nhờ các “cựu đạo diễn” để ghi lại từng phần, từng cảnh; gặp các “cựu diễn viên” để biết sử dụng các làn điệu, sau đó củng cố và đưa ra dàn dựng, có như thế cảnh diễn mới mang đậm tính truyền thống. Hiện kịch bản của CLB gần 100 trang viết tay, kết cấu gồm 5 phần, 76 cảnh và 31 làn điệu. Trong các điệu cổ như nói lối, xá, xướng, ngâm, còn có điệu “la chớ” rất khó diễn xuất.

Trải qua thời gian, hát Kiều ở Pháp Kệ nay đã có nhiều đổi mới, pha trộn một số làn điệu như hát tuồng, dân ca Nghệ Tĩnh, dân ca Bình Trị Thiên... Đa số diễn viên đã thể hiện sự mềm dẻo, điêu luyện trong từng động tác, tăng sự hấp dẫn cho người xem. Quá trình phát triển, CLB được ông Hồ Viết Lâm Chủ tịch UBND xã (nay là Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã Quảng Phương), ông Nguyễn Văn Đản, Trưởng thôn Pháp Kệ và nhiều vị lãnh đạo khác rất quan tâm, ngoài ra qua các dịp trình diễn được bà con cổ vũ rất nhiệt tình.

CLB hiện có 20 thành viên, độ tuổi từ 40-82, cùng một số em học sinh từ 12-15 tuổi, đã luyện tập thành công 21 vai diễn và biểu diễn thuần thục hầu hết 76 cảnh của kịch bản, dựa theo tác phẩm Truyện Kiều, phục vụ nhân dân địa phương và tham gia các liên hoan cấp huyện, cấp tỉnh.

Tâm huyết và trách nhiệm, những năm qua ông Thủ đã bỏ ra hàng chục triệu đồng để mua sắm tài liệu, thiết bị phục vụ tập luyện, biểu diễn. Ông giữ đầy đủ màn hình, đầu VCD, cát-xét, âm-ly... cùng hàng chục băng từ, đĩa từ và rất nhiều hình ảnh về các hoạt động của CLB. Ông lặn lội đến những nơi có hát Kiều trong tỉnh để học hỏi, vận dụng, đổi mới lối diễn cho CLB. Ông say mê đến mức cài đặt chương trình ngâm Kiều vào điện thoại, từ bữa ăn, giấc ngủ, viết lách..., đều có hát Kiều phục vụ. Hiểu được sở thích và ý nghĩa việc ông làm, mọi người trong gia đình luôn vui vẻ động viên, nhà ông lắm lúc cũng trở thành nơi luyện tập của CLB. Điều ông Thủ băn khoăn là việc truyền giữ di sản này khi những người gắn bó với hát Kiều không còn nữa và quan trọng hơn, để hát Kiều muốn thu hút người xem, đòi hỏi nhạc cụ, trang phục, đạo cụ... phải đầy đủ, bài bản.

Như vậy, trong quá trình phục hồi, thực hành và trao truyền, hát Kiều Pháp Kệ đã trở thành một hoạt động văn hoá không thể thiếu trong sinh hoạt cộng đồng, tác động sâu sắc tới đời sống tinh thần của người dân. Kết quả đó nhờ một phần ở sự trăn trở, tâm huyết của ông Trần Xuân Thủ. Người dân Pháp Kệ đã coi ông là “linh hồn” của CLB hát Kiều và ghi nhận, nhờ có ông nên sức sống hát Kiều của làng không bị mai một mà ngày càng phát huy.

Vinh dự đến với ông, ngày 6-3-2017, Hội Văn học - Nghệ thuật và Chi hội Văn nghệ dân gian tỉnh đã tổ chức lễ trao bằng công nhận “Nghệ nhân dân gian” của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho 5 nghệ nhân có thành tích thực hành, truyền dạy văn nghệ dân gian trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, trong đó có nghệ nhân Trần Xuân Thủ. Ông còn được Thường trực Hội đồng Thi đua khen thưởng tỉnh hướng dẫn làm hồ sơ, trình cấp trên xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú năm 2018.

Hy vọng rằng, với sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự hết mình của nghệ nhân Trần Xuân Thủ và các thế hệ thành viên, sức sống của nghệ thuật hát Kiều ở Pháp Kệ sẽ ngày càng lan tỏa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần phong phú, đa dạng của người dân...

Nguyễn Tiến Nên