.

Diễn viên chuyên nghiệp ở... làng!

Thứ Ba, 21/11/2017, 08:55 [GMT+7]

(QBĐT) - Năm nay đã bước vào tuổi 70, bà Phạm Thị Đuế (tổ dân phố 1, phường Nam Lý, TP.Đồng Hới) vẫn miệt mài với “nghiệp” diễn, “nghiệp” hát vốn đã ăn sâu vào máu thịt của mình hàng chục năm qua. Chỉ cần làng xã có việc trọng, hay một tổ chức, đoàn thể xã hội nào đó ngỏ lời mời là bà gác lại mọi chuyện để đi hát...

Đã từ lâu, người dân ở tổ DP1 đã gắn cho bà Đuế biệt danh “diễn viên chuyên nghiệp ở... làng”, bởi từ tổ dân phố cho đến phường xã, thậm chí các tổ chức đoàn thể xã hội của thành phố và tỉnh... ở đâu có hội diễn văn nghệ, ở đó đều có sự góp mặt của bà Đuế với những tiết mục đặc sắc nhất...

“Tiếng hát át tiếng bom...”

Trong cuộc trò chuyện khá dài với chúng tôi, bà Đuế kể rằng, gia đình bà vốn làm nông nghiệp và không có ai theo nghề ca sỹ, hay diễn viên sân khấu. Nhưng bản thân bà là một người thích hát và có giọng hát khá hay. Những năm 1965-1968, khi đang là một thanh niên xung phong (TNXP) làm nhiệm vụ mở đường Trường Sơn, bà là một trong những hạt nhân của phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”. Trong mưa bom bão đạn trên những cung đường Trường Sơn ác liệt ngày ấy, những giọng ca như bà Đuế cất lên với niềm chứa chan, hào hùng, là sự thúc giục, động viên, khích lệ, đưa đến một nguồn sinh khí mới cho các chiến sĩ trên chiến trường vượt qua khó khăn, khốc liệt của chiến tranh, quyết tâm giành chiến thắng cuối cùng. Chính những ca khúc đầy hào hùng của một thời bom đạn ác liệt ấy đã ngấm vào tâm hồn, hòa vào máu thịt của bà một tình yêu văn nghệ đến mê hoặc và nó đã đi theo bà trong suốt cuộc đời. Những ca khúc: “Cô gái mở đường” của Xuân Giao, “Đường tôi đi dài theo đất nước” của Vũ Trọng Hối, “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” của Hoàng Hiệp... tôi chỉ nghe qua một lần là thuộc và nhớ mãi. Hàng chục năm qua, mỗi khi được trình bày hoặc nghe lại những ca khúc ấy, tôi như được sống lại một thời hào hùng của tuổi trẻ trên cung đường Trường Sơn huyền thoại”,  bà Đuế tâm sự.

Năm nay đã 70 tuổi nhưng chỉ cần làng, xã có việc trọng, hay một tổ chức, đoàn thể xã hội nào đó ngỏ lời mời tham gia văn nghệ là bà Đuế gác lại mọi chuyện để lên đường.
Năm nay đã 70 tuổi nhưng chỉ cần làng, xã có việc trọng, hay một tổ chức, đoàn thể xã hội nào đó ngỏ lời mời tham gia văn nghệ là bà Đuế gác lại mọi chuyện để lên đường.

Bà Đuế cho biết, cuối năm 1968, khi bà vẫn đang cùng đồng đội mở đường Trường Sơn thì nhận được quyết định của tỉnh Quảng Bình điều động về nhận công tác ở Đoàn văn công nhân dân tỉnh. “Nói thiệt, từ một TNXP chỉ biết đào đất đá mở đường và biết hát một số bài ca cách mạng chứ chưa khi mô biết diễn, nên khi được điều về làm diễn viên của đoàn văn công, mọi thứ đối với tôi đều bỡ ngỡ và quá khó khăn. Đặc biệt, thời điểm đó đang là chiến tranh ác liệt, trường lớp đào tạo môn nghệ thuật không có, thầy cô dẫn dắt cũng không, tôi chỉ còn cách là tự học từ những anh chị đi trước để phấn đấu vươn lên...” bà Đuế kể về những khó khăn ban đầu khi đến với nghiệp diễn.

Từ chỗ một người ngoại đạo với sân khấu, chỉ một thời gian ngắn tích cực học hỏi, phấn đấu vươn lên, bà Đuế  đã thuộc được rất nhiều làn điệu dân ca, được đoàn giao cho khá nhiều vai diễn. Những vai diễn như vai bà Thân trong vở kịch dân ca: “Con gà mái xám chân chì”; vai thằng bé liên lạc trong vở kịch nói “Đường phố dậy lửa”; vai chị Ngoan trong vở kịch dân ca “Lòng suốt”; vai công chúa Sở trong vở kịch dân ca “Thoại Khanh Châu Tuấn”... đã để lại ấn tượng trong lòng khán giả cho đến mãi sau này.

Xin làm cô nuôi để theo nghiệp diễn

Năm 1976, ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế sát nhập thành tỉnh Bình Trị Thiên. Đoàn văn công nhân dân tỉnh Quảng Bình cũng được sát nhập thành Đoàn ca kịch Bình Trị Thiên và chuyển vào đóng trụ sở ở TP. Huế. Thời điểm đó do hoàn cảnh gia đình khó khăn, con cái còn quá nhỏ dại nên bà Đuế đã không theo được đoàn vào Huế mà phải ở lại Quảng Bình để lo cho gia đình. Đến năm 1977, khi công việc gia đình đã tương đối ổn định, bà Đuế mới vào Huế xin lãnh đạo đoàn được tiếp tục công việc, tuy nhiên thời điểm đó định biên của đoàn đã hết, lãnh đạo đoàn không thể nhận bà trở lại nữa. Không được nhận vào đoàn để làm diễn viên chuyên nghiệp, bà Đuế vẫn quyết tâm xin được ở lại đoàn nhưng làm công việc cô nuôi dạy trẻ. Tại đây, hàng ngày ngoài công việc của một cô nuôi dạy trẻ, bà Đuế đã tích cực tham gia phong trào văn nghệ quần chúng của ngành Giáo dục và địa phương. Năm 1978, với vai diễn bà mẹ trong vở ca kịch “Cô nuôi dạy trẻ”, bà Đuế đã xuất sắc giành giải diễn viên xuất sắc nhất TP. Huế. “Làm cô nuôi dạy trẻ ở Đoàn văn công, tuy không được diễn chính nhưng hằng ngày tiếp xúc với các diễn viên chuyên nghiệp của đoàn, tôi cũng học thêm được rất nhiều thứ cho “nghiệp” diễn của mình sau này” bà Đuế tâm sự.

Bà Phạm Thị Đuế (thứ 4 bên phải) tham gia tiết mục văn nghệ khánh thành Bia tưởng niệm TNXP ở bến phà Long Đại.
Bà Phạm Thị Đuế (thứ 4 bên phải) tham gia tiết mục văn nghệ khánh thành Bia tưởng niệm TNXP ở bến phà Long Đại.

Năm 1982, bà Đuế trở về lại Quảng Bình và xin làm công việc tạp vụ tại Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới. Tại đây, với niềm đam mê văn nghệ cháy bỏng của mình, bà Đuế tiếp tục tham gia đội văn nghệ của bệnh viện. Với tài năng và niềm đam mê của mình, những tiết mục văn nghệ của bệnh viện do bà Đuế đảm nhiệm đều đạt giải A tại các hội diễn. Không dừng lại ở đó, những năm sau này, nhiều ngành và đơn vị ở Quảng Bình mỗi lần có hội diễn ở tỉnh, ở Trung ương... đều mời bà Đuế tham gia cho bằng được. Không phụ sự quan tâm của mọi người, những lần đi hội diễn bà Đuế đều cố gắng gặt hát được những thành tích khá cao: 2 lần tham gia hội diễn ngành Tài chính tỉnh Bình Trị Thiên bà Đuế đều đạt giải A; hội diễn Công đoàn Bình Trị Thiên đạt giải nhất; hội diễn Lực lượng vũ trang Bình Trị Thiên cũng đạt giải đặc biệt... Đặc biệt, năm 1984, tại hội diễn Lực lượng vũ trang toàn quân, bà Đuế đã xuất sắc giành 1 huy chương vàng với tiết mục kể chuyện “Chị em chúng tôi đi hội thao”...

Truyền lửa cho lớp trẻ

“Bà Phạm Thị Đuế là một người rất tâm huyết với phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương. Không chỉ ở phường Nam Lý, các hội diễn, hội thi văn nghệ ở thành phố và cả tỉnh, bà đều được mời và tham gia rất nhiệt tình. Ngoài việc trực tiếp tham gia các vai diễn, bà Đuế còn là người truyền đạt các kiến thức, kinh nghiệm về dân ca, diễn xuất... cho lớp trẻ, từ đó khởi dậy phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương ngày càng phát triển...”- Ông Nguyễn Văn Tuế, Chủ tịch UBND phường Nam Lý.

Năm 1989, bà Đuế về hưu nhưng vì đồng lương ít ỏi, gia đình lại khó khăn nên bà đã mở một gánh cháo canh ở chợ Ga Đồng Hới để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. “Một buổi sáng tôi đang bán cháo canh thì thằng Vinh (nhà văn Nguyễn Quang Vinh) xuất hiện. Hắn hỏi tôi: “Chị Đuế đi đóng kịch cho em nhé?”. “Nhưng tau phải bán cháo canh”, tôi trả lời hắn. “Mỗi ngày chị lãi mấy?”, hắn lại hỏi. “Thì khoảng 35 ngàn” , tôi trả lời tiếp. “Rồi. Chị tập với em 20 ngày, ngoài tiền bồi dưỡng tập, em thanh toán ngay bây giờ 700 ngàn gọi là tiền lãi cháo bánh canh của chị. Được không?”. Hắn nói xong thì đưa tôi 700 ngàn đồng, không nói chi thêm. Vậy là hôm sau, tôi dẹp gánh cháo canh theo thằng Vinh đi đóng kịch”, bà Đuế kể lại câu chuyện thú vị cách đây gần 20 năm về trước khi bà nhận lời tham gia vở diễn “Điếu văn của rừng” của nhà văn Nguyễn Quang Vinh.  

Ở vở diễn này, bà Đuế vào vai “người đàn bà tâm thần”, một vai diễn mà theo nhà văn Nguyễn Quang Vinh là rất khó nhưng bà đã nhập vai một cách xuất sắc để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả... Sau vai diễn “người đàn bà tâm thần” trong vở “Điếu văn của rừng”, bà Đuế được mời tham gia câu lạc bộ (CLB) dân ca tỉnh Quảng Bình. Cũng từ đây, bà Đuế được ví như là một “diễn viên chuyên nghiệp... ở làng” khi hầu hết các hội diễn văn nghệ từ cấp làng, cấp khu phố đến cấp xã, cấp phường, cấp thành phố và các cơ quan, đoàn thể cấp tỉnh... đều có sự tham gia của bà. Đặc biệt, trong phần thi tài năng, sự có mặt của bà Đuế đã giúp nhiều cơ quan, đơn vị, đoàn thể gặt hái được nhiều thành tích xuất sắc. Đặc biệt, năm 2005, tại cuộc thi hòa giải của ngành Tư pháp tại Hà Nội, tiết mục tài năng bà Đuế đã vượt qua 63 tỉnh thành còn lại để giành giải nhất.

Năm nay đã bước vào tuổi 70, nhưng khi các cơ quan, đoàn thể và địa phương yêu cầu giúp đỡ các chương trình văn nghệ, hội diễn... là bà Đuế lại sắp xếp công việc để lên đường, dù nhiều nơi chẳng có đồng thù lao nào...

Phan Phương