.

Lễ hội này em có về không?

Thứ Ba, 29/08/2017, 14:39 [GMT+7]

(QBĐT) - Con đường ven sông ầm ào dòng người trẩy hội. Xe đạp trên bờ đuổi theo đò bơi dưới sông. Một thảm cỏ trên bến nước, ngọn gió nam buổi sáng mơn man. Mặt sông nổi sóng dưới mái dầm trai bơi đẩy thuyền xé nước lao lên. Từ một lễ hội cầu mưa dân gian ngày hạn hán có từ hơn 500 năm trước đã chuyển thành hội bơi thuyền mừng Tết Độc lập hàng năm. Tôi, một người lính mới ra khỏi quân y viện đang tận hưởng những ngày nghỉ phép hiếm hoi ngồi giữa đám đông cổ động viên hân hoan chào đón những chiếc thuyền bơi thuyền đua lướt qua. Thanh bình quá!

 Đua thuyền trên sông Kiến Giang. Ảnh: T.H
Đua thuyền trên sông Kiến Giang. Ảnh: T.H

Ngày 2-9-1973, Hiệp định Pa-ri có hiệu lực đã hơn nửa năm. Miền Bắc không còn bom đạn của không quân, hải quân Mỹ. Miền Nam tạm ngưng bắn, những người lính tự cho phép mình có nhiều thời gian thả lỏng. Ồn ào mà trật tự, không yên tĩnh mà trong sáng tịnh tâm, lạ chưa! Tịnh tâm đến độ một tiếng kẹt xe trên đường cũng lọt vào tai. Tôi ngoái lại. Một chiếc xe đạp có vấn đề. Bàn tay ngọc sắp chạm vào vòng xích đầy dầu mỡ. Tác phong lính khiến toàn thân bật ngay dậy. Tay tôi lấm láp mỡ dầu xích sắt súng pháo đã gần ba năm, sá chi vài động tác! Nhưng, nó không phải xe tăng – thiết giáp mà là chiếc xe đạp nhỏ bé với cái vòng xích bị kẹt vào ổ líp. Loay hoay, loay hoay, cái xích được gỡ ra, bánh xe quay tròn cũng là lúc những sợi tóc mềm như tơ lưới qua mặt, thơm! Mùi bồ két, lá chanh và mùi... đồng nội. Cúi xuống thật gần là một gương mặt thiếu nữ tuổi mười bảy, một lời cảm ơn nhẹ như hơi thở.

Trái tim chiến binh tuổi hai mươi lập tức bị cầm tù.

Hồi ấy, người dân vùng quê ban đêm ngủ không đóng cửa, gà ngủ trên cây, đò đậu dưới bến. Nhờ vậy mà đêm đêm tôi sang ngang đến với làng. Trễ phép nhận mức kỷ luật của đơn vị nhưng tôi có được lời hẹn ngày tan giặc của em. Làng em bên kia sông, nơi có đền đạo mẫu, thờ vị nữ thần dám hi sinh danh tiết cho thắng lợi của đò đua trai làng. Chúng tôi  thề thốt nặng lời, để tan hội em lại liềm hái ra đồng, tôi hành quân chống giặc. Rồi biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc giặc sôi như kiến. Đất trời im tiếng súng thì cuộc mưu sinh trầm buồn rều rác cuốn đi. Ngày trở về, sông Kiến Giang vẫn lặng lờ trôi nhưng nước không còn trong xanh nữa. Trăng muộn, đò nhà ai chằng khóa. Cởi quân phục tôi lẩy bẩy bơi sang sông mà tuồng như nước đã không còn là dòng chảy xưa cũ. Con sáo sang sông, con sáo sổ lồng, nàng đã theo chồng về phương trời xa ngái...

Thời gian như nước chảy chân cầu. Thập niên bảy mươi, tám mươi rồi chín mươi, thế kỷ hai mươi qua đi. Một thế kỷ mới, thiên niên kỷ mới mở ra. Từng ngày gõ cửa. Từ cái buổi sáng bên sông lễ hội bơi thuyền mừng Tết Độc lập, thảm cỏ êm, gió hây hây buổi sớm, đò đua vút qua, người chảy về hai phía, thanh bình tĩnh tâm, một tiếng kẹt xe, một lọn tóc, hơi thở nhẹ và gương mặt tuổi mười bảy thật gần... hơn bốn mươi năm đã trôi qua.

Tôi không còn là trai hai mốt, em không còn là tuổi bẻ gãy sừng trâu. Đời người trôi dạt. Mặt nước Kiến Giang sẽ ầm ào nhịp bơi, tiếng mõ tiếng trống, tiếng hò reo hai dải bờ sông và dòng người chen vai thích cánh. Em, tay bế tay bồng nên thím nên bác phương nào có nhớ ngày lễ hội mừng Tết Độc lập, nhớ ngọn gió nam, thảm cỏ mềm, chiếc đò sang ngang và đêm trăng cổ tích...  để về không em?

Nguyễn Thế Tường