.

Lệ Thủy qua những khúc ca

Thứ Hai, 24/07/2017, 08:56 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong kho tàng âm nhạc Quảng Bình, ca khúc viết về Lệ Thủy khá nhiều và được ra đời vào những năm kháng chiến chống Pháp, đến nay cũng đã bảy thập kỷ.

Trong phong trào tân nhạc, có thể nói ca khúc đầu tiên viết về Lệ Thủy là bài Chiến thắng Xuân Bồ của tác giả Trần Đình Hiếu. Năm nay, ông đã 93 tuổi, ở làng Di Luân, xã Quảng Tùng, huyện Quảng Trạch. Ngày sáng tác ca khúc Chiến thắng Xuân Bồ, ông chỉ mới 25 tuổi, là chiến sĩ ở Trung đoàn 18, thuộc Sư đoàn 325, đang chiến đấu ở Lệ Thủy.

Mùa hè này, tôi có dịp gặp ông Trần Đình Hiếu, ông tâm sự: Việc ra đời của bài hát Chiến thắng Xuân Bồ cũng rất tình cờ. Sau khi trận Xuân Bồ chiến thắng giòn giã, quân dân ta vô cùng phấn khởi, đặc biệt là nhân dân vùng Lệ Thủy. Bà con Xuân Bồ đi làm đồng thường hô vang: "Hoan hô chiến thắng Xuân Bồ, năm trăm giặc Pháp không mồ chôn thây". Ông đã vào đầu bài hát bằng những câu thật súc tích, gọn gàng, đầy ý nghĩa về tình quân dân:

"Đồng quê một ngày qua mùa lúa chín giặc tàn hung hòng vơ vét cướp phá ngang tàng giày xéo. Chiến sĩ về cùng đồng lúa thơm thề không cho một bông lúa qua tay thù, một bông lúa giặc cướp đi. Hoan hô chiến sĩ Xuân Bồ, năm trăm giặc Pháp không mồ vùi thây. Sông sâu máu thắm loang đầy. Thôn quê bừng tiếng dân cày cười vui"...  

Ngay sau trận chiến thắng Xuân Bồ, anh Bộ đội Cụ Hồ Trần Đình Hiếu, thuộc Trung đoàn 18, Sư 325 đã thức trọn đêm để sáng tác xong bài hát "Chiến thắng Xuân Bồ", vào đêm 20, rạng ngày 21-5-1950.

Sau bài hát Chiến thắng Xuân Bồ, có thể kể đến sự ra đời của hai ca khúc: Mùa lúa bên bờ Kiến Giang của nhạc sĩ Trần Chung và Bên bờ Kiến Giang của nhạc sĩ Lê Quang Nghệ. Ấy là dịp Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức cho một đoàn nhạc sĩ vào thực tế vùng tuyến lửa Quảng - Vĩnh Linh, vào những năm đánh Mỹ để sáng tác ca khúc. Nhạc sĩ Hoàng Vân cho ra đời ca khúc Quảng Bình quê ta ơi, nhạc sĩ Phạm Tuyên với ca khúc Bám biển quê hương, nhạc sĩ Đức Minh với bài Trên biển quê hương, nhạc sĩ Trần Hữu Pháp với bài Em bé Bảo Ninh (thơ Nguyễn Văn Dinh), nhạc sĩ Xuân Giao với bài Giữ lấy bầu trời Quảng Bình - Vĩnh Linh, nhạc sĩ Vĩnh An với bài Bà mẹ trên sông Quảng Bình, nhạc sĩ Nhật Lai với Bài ca sông Nhật Lệ, nhạc sĩ Trần Thụ với bài Nhanh tay lưới, chắc tay súng, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ với bài Hàng em mang tới chiến hào... Chính trong dịp đi thực tế sáng tác ấy, Nhạc sĩ Trần Chung, quê Lý Nhân, Nam Hà và Nhạc sĩ Lê Quang Nghệ, quê Triệu Phong, Quảng Trị, đã cho ra đời hai ca khúc Mùa lúa bên bờ Kiến GiangBên bờ Kiến Giang. Đây là hai ca khúc viết về vùng lúa Lệ Thủy với dòng Kiến Giang hiền hòa, đi vào thơ ca thật duyên dáng.

Nét thơ mộng của dòng Kiến Giang đã đi vào câu hát.                         Ảnh: T.H
Nét thơ mộng của dòng Kiến Giang đã đi vào câu hát. Ảnh: T.H

Với bài Mùa lúa bên bờ Kiến Giang, chúng ta thấy cảnh nhộn nhịp ngày mùa trên đồng ruộng và thuyền bè xuôi ngược sông Kiến Giang:

"Lúa trĩu bông vàng xuôi về bờ Kiến Giang. Ơ khoan ơ khoan hò khoan! Nắng trên đồng quê vui sao mà rộn rã. Ơ khoan ơ khoan hò khoan! Tiếng ai bên dòng sông mà vút cao giọng hò nhịp mái (ơ) chèo. Thuyền ta đi chở lúa (ơ) về. Bát ngát hương tỏa xóm làng"... (lời 1). Bài hát có 4 lời ca, viết cho tốp ca nam nữ, mang âm hưởng mái xắp trong hò khoan Lệ Thủy, nghe rất rộn ràng không khí ngày mùa.

Trong bài Bên bờ Kiến Giang, nhạc sĩ Lê Quang Nghệ nói lên không khí sản xuất của Hợp tác xã Đại Phong nổi tiếng cả miền Bắc ngày chiến tranh chống Mỹ:

"Ai về quê mẹ miền Trung lắng nghe giọng hò văng vẳng triền sông tâm tình câu chuyện Đại Phong (ơ... hò); Nữ hát: Ơ... hỡi đoàn thuyền ngược dòng về đâu. Kiến Giang còn phủ sương mờ khoan tay chèo cho em nhắn hỏi. Nam hát: Ơ... đây đoàn thuyền chèo về miền Tây. Đi phá đồi dựng bao cánh đồng cho lúa vàng tràn khắp núi rừng"... Bài hát viết cho đồng ca, với  2 lời ca, có hát đối đáp nam nữ, theo lối hò khoan đối đáp, nghe rất sôi nổi, nhộn nhịp và tình cảm.

Có thể nói, sau những ca khúc của các tác giả và nhạc sĩ viết khá sớm từ những năm 50, 60 của thế kỷ trước, là những ca khúc của tác giả Hoàng Đình Luyện, một cán bộ hoạt động văn hóa cùng thời với các nhạc sĩ đã sáng tác những ca khúc về Lệ Thủy đã nói trên. Tác giả Hoàng Đình Luyện, sinh năm 1933 tại Liên Thủy, Lệ Thủy. Ông sáng tác nhiều ca khúc phục vụ phong trào văn nghệ quần chúng, tiêu biểu nhất là bài Quê hương Lệ Thủy kiên cường:

"Ghé về Lệ Thủy Kiến Giang nghe đôi bờ làng xóm đẹp tình quê. Quê hương vang Xuân Bồ chiến thắng. Bóng cờ nay càng thắm đỏ. Đại Phong Lệ Thủy kiên cường. Kiến Giang xanh rợp bóng làng xanh đồng xanh lúa, lượn sóng lượn xanh xanh biển trời. Mừng ta có Đảng tiền phong dìu dắt dìu chiến thắng"... Bài hát có 2 lời ca, nhịp 2/8 nghe rất rộn ràng.

Cũng trong thời gian này, ca khúc Quê tôi Ngư Thủy của nhạc sĩ Dương Mạnh Đạt, được sáng tác vào những năm ông là nhạc công đoàn văn công bán chuyên nghiệp của Tỉnh đội Quảng Bình những năm đánh Mỹ:

"Đây làng quê ta biển xanh cát trắng những cánh buồm chào nắng ban mai lên rừng phi lao xanh biếc chạy dài như bức tường sừng sững bên biển khơi quê nhà. Quê nhà ta xưa bền gan đánh Pháp nay kiên cường diệt Mỹ không ngơi tay súng chẳng rời suốt ngày đêm ta giữ biển trời. Ơi! Quê ta anh dũng tuyệt vời bắn rơi phản lực giữ trời xanh tươi"...

Sau ngày thống nhất đất nước, Lệ Thủy xây dựng quê hương giàu đẹp, nhiều ca khúc của các nhạc sĩ ra đời. Có thể kể đến các bài: Lời cô gái Lệ Ninh của nhạc sĩ Trần Hoàn, Đưa em về Kiến Giang của nhạc sĩ Xuân Đồng, hai ca khúc của nhạc sĩ Dương Viết Chiến: Sông nước Kiến Giang (lời thơ Trần Dzụ),

Dòng sông quê hương (lời thơ Đỗ Quý Dũng), Suối Bang của nhạc sĩ Lê Anh (lời thơ Hoàng Vũ Thuật),... đã được lưu truyền rộng rãi trong công chúng. Cũng cần kể đến một số ca khúc và tổ khúc dân ca của các tác giả con em Lệ Thủy như Lê Văn Hùng, Võ Như May, Dương Văn Liên,...

Ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp về cõi vĩnh hằng, nhiều nhạc sĩ và ca sĩ khắp cả nước đã sáng tác ca khúc để ngợi ca tài đức của vị tướng lẫy lừng năm châu bốn biển, người con của đất mẹ Lệ Thủy yêu thương! Tiêu biểu là những bài: Tướng quân Võ Nguyên Giáp, nhạc và lời Bùi Hoàng Yến; Vị tướng của nhân dân, nhạc Dương Viết Chiến, lời thơ Đỗ Quý Doãn; Vị thánh lòng dân, nhạc Hoàng Sông Hương, lời phỏng thơ Nguyễn Trọng Tạo; Đất mẹ ngày về của ca sĩ Phạm Phương Thảo...

Quê hương và con người Lệ Thủy giàu đẹp và anh hùng đã tạo cảm xúc dồi dào cho văn nghệ sĩ Quảng Bình cùng cả nước viết nên những áng văn thơ, nét nhạc ngọt ngào vùng sông nước mát xanh của cánh đồng lúa "hai huyện" nặng trĩu phù sa tươi tốt. Hy vọng sẽ còn nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật, đặc biệt là những ca khúc ngân vang mãi với thời gian trên quê hương đất nước.

Nhạc sĩ Dương Viết Chiến