.

Gió nam

Thứ Hai, 10/07/2017, 15:08 [GMT+7]

(QBĐT) - Đó là người quê tôi gọi ngọn gió tây nam, một thời gọi gió lào, nay đổi tên mới là hiệu ứng phơn...

Hoa lộc vừng.                                                    Ảnh: T.H
Hoa lộc vừng. Ảnh: T.H

Tháng bảy, rồi mùa rơm khô toóc rạp, cánh đồng trắng phớ, cỏ dại mọc lên. Sáng sáng, bọn trẻ trong đội sản xuất (của hợp tác xã) cùng nhau lùa trâu thả giữa cánh đồng. Và, trong khi lũ trâu cái gặm cỏ, lũ trâu đực húc nhau, chúng tôi tìm vào những lùm lòi có cây to bắt tổ chim, hái quả dại, bày trò đánh trận giả hoặc trèo lên chạc cây hóng gió. Gió, từ dãy Trường Sơn ào ạt thổi về. Mặt trời chưa lên cao, chưa nung nóng, ngọn gió nam mát rượi mơn man da thịt, những dây hoa mưng (lộc vừng) đung đưa. Không xa, có con chim cu đứng nhấp nhổm trên ngọn măng vòi gáy cúc cù rù, cúc cù rù nghe như ru ngủ. Trong những lùm lòi ấy còn có cả hoa dại. Có loài hoa trắng tinh khôi thơm dịu nhẹ mang cái tên hiền như cổ tích: hoa dành dành. Một, hai đứa con gái hái hoa dành dành găm vào cái kẹp trên đầu nghiêng nghiêng...

Chơi hoa chán thì khoét lỗ đánh bi, đánh mạng. Trong lưng quần đứa nào cũng sẵn mươi hòn bi đá. Đến bây giờ tôi vẫn không hiểu nổi làm sao với tuổi trẻ con hiếu động mà đủ kiên nhẫn đẽo tròn một hòn bi đá? Bắt đầu từ một cây dao hoặc rựa cùn và một khối đá bằng ngón chân cái, chúng tôi gò lưng kiên nhẫn đẽo. Hàng trăm nghìn nhát gõ nhẹ, đều vào khối đá nhỏ để thành một viên bi. Gõ tròn rồi còn phải mài cho nhẵn, chuốt cho láng. Cuối cùng là chờ khi nào chị gái và mẹ giã gạo thì bỏ viên bi vào cối gạo cọ xát với cám  cho bóng lên. Bi đá cũng có nhiếu loại: bi đá trắng, bi đá thanh và bi đá đen gọi là bi lèn. Vất vả là thế nhưng không phải lần chế tác nào cũng thành công. Có khi, sau cả buổi hì hụi, viên đá đã dần thành hình tròn tròn, bỗng một nhát gõ bất cẩn, viên đá tròn vỡ làm hai, tiếc hùi hụi. Đánh bi là cả một môn thể thao nghệ thuật dân gian điêu luyện tột đỉnh. Từ cách ba bốn mét, thằng bé co ngón tay búng viên bi bay cầu vồng nã trúng viên bi đối phương. Thắng một ván ăn một viên bi trắng, hai ván ăn viên bi thanh, ba ván ăn viên bi lèn. Không còn là trò chơi nữa mà đã thành môn thể thao, cuộc quyết đấu. Thua cháy túi, đêm về nằm ngủ mớ hét vang nhà. Và, gió! Ngọn gió nam thổi dạt dào suốt dọc tuổi thơ tôi.

Mang theo ký ức thời ấu thơ trong suốt như ngọc, tôi băng qua chiến tranh bom đạn, bươn chải những kỳ đói kém ăn sắn, ăn khoai...

Tuổi sáu mươi tôi trở về tìm ngọn gió, thăm cánh đồng trắng phớ trơ gốc rạ... những mong gặp người con gái cài bông dành dành lên tóc nheo mắt cười khì khì. Ngọn gió năm xưa đã trở về nhưng không mướt mát trên thân rạ. Lúa thấp cây nông phu cắt sát gốc, mương máng được nắn lại thẳng băng, lùm lòi bị phát quang... Tìm mãi tìm mãi, tuyệt nhiên không gặp bóng dáng cây dành dành nào sót lại, không còn ngọn măng vòi cho chú chim cu nhún nhảy gáy cúc cù rù cúc cù rù. Những bạn trai đánh bi đánh mạng nay phiêu tán chân trời góc biển. Dăm bạn gái lấy chồng xứ người. Chỉ ngọn gió là thủy chung, vẫn chào đón người quen cũ như mới chỉ chia tay cuối mùa hè năm ngoái. Ngọn gió lùa qua thổi tung mái tóc, thổi lộng lên bao lớp ký ức nồng nã mùi vị dáng nét chân quê khiến con người ta cứ nằng nặng nơi khóe mắt.

Một mai vật đổi sao dời nữa, không còn bóng dáng“ai” trong ký ức, liệu ngọn gió nam có còn nhớ mùa thổi về tìm người năm trước.

Nguyễn Thế Tường