.

Cả nước có 982 cơ quan báo, tạp chí được cấp phép hoạt động

Chủ Nhật, 16/07/2017, 09:09 [GMT+7]

Thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, tính tới tháng Sáu, cả nước có 982 cơ quan báo, tạp chí được cấp phép hoạt động.

Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Cụ thể, số lượng báo in là 193 (Trung ương: 86, địa phương: 107); 639 tạp chí (Trung ương: 525, địa phương: 114); báo điện tử là 150. Thống kê cũng cho thấy, có 17.297 nhà báo được cấp Thẻ nhà báo.

Thực tế trong thời gian qua, báo chí đã thông tin kịp thời, phản ánh hơi thở đời sống xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống người dân.

Tuy nhiên, vẫn có những "con sâu làm rầu nồi canh" với nhiều trường hợp phóng viên sai phạm, bị thu Thẻ nhà báo, cơ quan báo chí bị xử phạt...

Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nêu rõ, hiện có tình trạng báo chí bị thương mại hóa với việc đăng tải thông tin, hình ảnh thiếu văn hóa, thiếu nhân văn và phản giáo dục. Một số cơ quan báo chí và nhà báo lạm quyền, lợi dụng vị trí và công việc để vụ lợi, trục lợi và làm trái pháp luật, trái đạo đức nghề nghiệp nhà báo gây tác động xấu đến vai trò, uy tín của báo chí đối với xã hội, làm suy giảm niềm tin của công chúng đối với báo chí.

Thậm chí, trong một văn bản mới đây, nhà chức trách thẳng thắn cho biết, đã xuất hiện hiện tượng một số nhà báo, phóng viên liên kết thành những “liên minh báo chí’’ hoặc nhóm phóng viên lấy danh nghĩa cùng đi tác nghiệp nhưng thực chất là để nhũng nhiễu doanh nghiệp.

Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí chỉ đạo rà soát, chấn chỉnh hoạt động của các Văn phòng đại diện, phóng viên thường trú. Bên cạnh đó, các Sở Thông tin và Truyền thông phải xử nghiêm hành vi vi phạm pháp luật của các văn phòng, phóng viên thường trú.

Tại phiên họp Chính phủ ngày 3-7, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, nhiều cơ quan chủ quản vẫn đứng ngoài khi cơ quan báo chí trực thuộc ngành quản lý vi phạm. Do đó, ông đề nghị, khi phóng viên vi phạm trong quá trình tác nghiệp, ngoài việc xử lý trách nhiệm của lãnh đạo tòa soạn báo thì cần xử lý cả cơ quan chủ quản của tờ báo đó khi vụ việc ở mức nghiêm trọng.

Phía Bộ này cũng cho biết, trong sáu tháng cuối năm 2017 sẽ chú trọng thanh kiểm tra trong công tác quản lý nhà nước, đặc biệt trong ở lĩnh vực báo chí, xuất bản và xử nghiêm các hành vi vi phạm./.

Theo Nam Khánh (Vietnam+)