Hội Di sản Việt Nam thành phố Đồng Hới: Dấu ấn một chặng đường
(QBĐT) - Tháng 4-2009, Chi hội Di sản văn hóa Việt Nam TP.Đồng Hới được thành lập, bước đầu chỉ có 5 hội viên. Ngày 23-2-2012, Hội Di sản văn hóa Việt Nam thành phố đã tiến hành Đại hội thành lập. Đến nay, hội đã có 61 hội viên.
Nhằm góp phần tích cực thực hiện có hiệu quả sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, phục vụ công cuộc đổi mới, 5 năm qua, hội đã triển khai các hoạt động nghề nghiệp với những công việc cụ thể. Các hội viên đã chủ động đề xuất và trực tiếp tham gia tuần lễ văn hóa, các lễ hội truyền thống, các buổi biểu diễn văn nghệ; tham gia lễ hội bơi trải, múa bông chèo cạn, diễu hành đường phố, lễ hội ẩm thực, phục vụ các sự kiện và các ngày lễ lớn... Hội viên cũng tích cực tham gia các hoạt động văn hóa ở địa phương như hội cướp cù ở phường Đồng Phú, hội bài chòi ở các phường, xã Đức Ninh, Đồng Sơn, Nam lý, Hải Thành, Bắc Lý; lễ hội xuống đồng ở Lộc Ninh; liên hoan giai điệu hoa hồng...
Cùng với việc duy trì và nâng cao chất lượng 57 chuyên mục “Quê hương và con người Đồng Hới” trên sóng phát thanh Đài Truyền thanh-Truyền hình Đồng Hới nhiều hội viên đã nghiên cứu, trực tiếp viết bài tham gia các cuộc hội thảo khoa học, triển lãm tranh ảnh nghệ thuật, hoặc viết bài tuyên truyền về giá trị di sản văn hóa, lịch sử trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Đặc biệt, trong 5 năm qua, với chức năng, trình độ, trách nhiệm và lòng nhiệt huyết của mình, các thành viên trong Ban chấp hành và các hội viên như: Phạm Văn Chuyết, Nguyễn Thị Hồng, Kim Cương, Nguyễn Thị Thu Thủy, Nguyễn Thị Lệ Hằng vừa làm tốt công tác tham mưu cho Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố, tham gia tổ chức và biên tập, vừa viết bài, viết đề tài, cho việc xuất bản tập ảnh “Đồng Hới tiềm năng-hội nhập và phát triển”, tập sách “Đồng Hới quê hương và con người” và đề tài khoa học “Khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị các lễ hội văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch TP.Đồng Hới”. Đây là những công trình lớn, thu hút được nhiều nhà văn, nhà thơ và hội viên Hội Di sản trong tỉnh tham gia cộng tác như: Trần Đình Dinh, Nguyễn Khắc Thái, Tạ Đình Hà, Trần Thị Diệu Hồng, Phan Duy Huỳnh, Văn Tăng, Nguyễn Ngọc Trai, Đặng Thị Kim Liên, Nguyễn Anh Dũng, Hồ Ngọc Diệp, Phạm Thị Anh Đào, Nguyễn Văn Cội, Dương Viết Chiến, Trần Hùng, Thái Hải.
Các hội viên của hội còn tích cực tham gia viết bài cùng Hội Di sản văn hóa tỉnh xuất bản tập sách “Quảng Bình ẩn tích thời gian”. Bên cạnh những hội viên tích cực tham gia các tập sách của tỉnh và thành phố, hội viên Võ Chí Thiệm đã dày công sưu tầm và viết thành thơ hơn 100 bài thuốc in thành sách “Y thuật học đường thi” phục vụ nhân dân ứng dụng thuốc nam trong cộng đồng; hội viên Phan Duy Huỳnh đã viết nhiều tập lịch sử cho nhiều đơn vị...
BCH Hội nhiệm kỳ 2012 – 2017. |
Nhiều hội viên Hội Di sản văn hóa Việt Nam TP.Đồng Hới là hội viên Hội Nhà văn, Hội Nhạc sĩ, Hội Mỹ thuật, Hội Nhiếp ảnh của Trung ương, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật của tỉnh, như: Kim Cương, Đặng Thị Kim Liên, Hồ Ngọc Diệp, Nguyễn Anh Dũng, Võ Xuân Bé, Nguyễn Thị Lệ Hằng, Nguyễn Văn Lạc, Phan Văn Đắc, Lê Đình Ty, Nguyễn Viết Mạch... đã xuất bản hàng chục tập sách, hàng chục tác phẩm văn học nghệ thuật; viết hàng trăm bài báo được đăng tải trên các báo, đài Trung ương và địa phương, phản ánh các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, giới thiệu các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, các di sản văn hóa phi vật thể, danh nhân, quê hương và con người Đồng Hới, quảng bá du lịch, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa trên quê hương.
Nhiều hội viên đã đoạt nhiều giải thưởng văn học và báo chí của Trung ương và địa phương trong các cuộc thi. Đặc biệt có 4 hội viên là Kim Cương, Đặng Thị Kim Liên, Nguyễn Anh Dũng, Lê Đình Ty đã được trao giải thưởng Lưu Trọng Lư lần thứ 5 (2011-2016).
Cùng với các hoạt động trên các lĩnh vực thông tin, truyền thông, xuất bản, với chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm và lòng nhiệt huyết của mình, các hội viên: Nguyễn Thị Hồng, Hồ Thanh Hải, Nguyễn Thị Lệ Hằng, Đinh Thị Phương Lan, Nguyễn Thị Hòa Hương, Hoàng Minh Nghĩa đã tích cực tham mưu cho lãnh đạo thành phố và trực tiếp tham gia tổ chức nhiều hoạt động, phục vụ nhiều lễ hội và nhiều sự kiện, nhiều mặt công tác có liên quan đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá, quảng bá du lịch và danh lam thắng cảnh, góp phần làm cho Đồng Hới trở thành điểm đến hấp dẫn. Nhiều hội viên là cán bộ lãnh đạo các phường, xã như: Nguyễn Văn Cội, Nguyễn Trí Thủy, Đỗ Thị Kim Ngân, Nguyễn Thị Hoa, Nguyễn Thị Oanh, Mai Xuân Sang, Lý Quang Huy, Nguyễn Thanh Hào, Nguyễn Ngọc Phú, Đào Viết Ngô, Phạm Bá Sỹ, Hồ Minh Tý... Họ là những hạt nhân trong phong trào xã hội hoá công tác phát hiện, bảo tồn, bảo vệ và phát triển giá trị di sản văn hóa...
Đến nay, thành phố Đồng Hới đã có 16 di tích lịch sử văn hóa được Bộ văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) và Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định công nhận, thuộc địa bàn của 13 phường - xã. Các địa phương có di tích đều có hội viên Hội Di sản văn hóa Việt Nam tham gia quản lý, bảo vệ và tuyên truyền phát huy giá trị.
Hội còn tham vấn cho lãnh đạo và phối hợp với Trung tâm văn hóa thông tin thành phố chuẩn bị nội dung, vận động quyên góp hiện vật và tư liệu, trưng bày phòng truyền thống thành phố. Hội còn phối hợp với các phường, xã và Trung tâm văn hóa thông tin xây dựng các câu lạc bộ đàn và hát dân ca, bảo tồn và quảng bá các làn điệu dân ca, những bài ca cổ, phục vụ đông đảo quần chúng nhân dân, đồng thời tham gia đạt nhiều giải cao trong các cuộc thi.
Phát huy những kết quả đã đạt được, trên chặng đường mới, cùng với cả nước và cả tỉnh, Hội Di sản văn hoá Việt Nam TP.Đồng Hới tiếp tục gặt hái nhiều thành quả tốt đẹp hơn, trong công tác tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá.
Kim Cương