.

Thị xã Ba Đồn: Sôi nổi các phong trào thi đua văn hóa-xã hội

Thứ Hai, 10/04/2017, 10:54 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội trên địa bàn thị xã Ba Đồn đã tích cực vào cuộc và phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với nhau trong xây dựng nội dung, mục tiêu, kế hoạch hoạt động của các phong trào thi đua trên lĩnh vực văn hoá-xã hội. Nhờ vậy, thông qua các cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội”, phong trào xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá, cơ quan văn hoá... ở địa phương đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến tiêu biểu, đóng góp quan trọng vào việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Nhờ sự vào cuộc và phối hợp đồng bộ giữa cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội địa phương, những năm qua, các phong trào thi đua trên lĩnh vực văn hoá-xã hội được triển khai một cách sâu rộng và phát triển mạnh mẽ trên địa bàn thị xã Ba Đồn, thu hút sự đồng tình và hưởng ứng tích cực của đông đảo quần chúng nhân dân.

Đến nay, thị xã có 81,5% hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 153 làng, cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa; có 12/16 xã, phường có thiết chế văn hóa đồng bộ; 10/16 xã, phường có bưu điện văn hóa... Điển hình tiên tiến trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của thị xã có các tập thể như: Cán bộ và nhân dân thôn Hợp Hòa (xã Quảng Hòa), thôn Trường Thọ (xã Quảng Tiên), tổ dân phố 4 (phường Quảng Phong), khu phố 3 (phường Ba Đồn), Trường THPT Lê Hồng Phong...

Phong trào luyện tập thể dục, thể thao quần chúng luôn được gắn với cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, vì vậy tỷ lệ người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên tăng qua hàng năm. Nếu như năm 2010, tỷ lệ người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đạt 25,2% thì năm 2016 tăng lên trên 30%. Hiện tại, toàn thị xã có trên 220 sân hoạt động thể dục thể thao các loại, bảo đảm phục vụ tốt cho nhu cầu tập luyện và thi đấu của cán bộ và quần chúng nhân dân trên địa bàn.

Các phong trào thi đua nhằm thúc đẩy sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo được các đơn vị trường học trên địa bàn thị xã triển khai thực hiện một cách toàn diện. Các phong trào thi đua: “Dạy tốt, học tốt”, “Xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Xây dựng trường xanh, sạch, đẹp", “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục"... đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, quy mô trường lớp được ổn định.

Đại diện lãnh đạo tỉnh và các đơn vị, địa phương liên quan trao quà cho các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn thị xã Ba Đồn.
Đại diện lãnh đạo tỉnh và các đơn vị, địa phương liên quan trao quà cho các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn thị xã Ba Đồn.

Đến nay, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục trên địa bàn thị xã cơ bản đủ về số lượng, đạt chuẩn trình độ chuyên môn nghiệp vụ so với quy định. Số giáo viên đạt chuẩn cả ba cấp học là 100%, tỷ lệ phòng học cao tầng chiếm trên 60%.

Trên địa bàn thị xã hiện có 31 trường đạt chuẩn quốc gia (trong đó có 4 trường mầm non, 21 trường tiểu học, 4 trường THCS và 2 trường THPT); duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập trung học cơ sở, hoàn thành phổ cập mầm non trẻ 5 tuổi. Công tác hướng nghiệp, dạy nghề phổ thông, dạy nghề cho người lao động từng bước đi vào nền nếp, xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh, phong trào khuyến học, khuyến tài ngày càng được các địa phương quan tâm nhằm tiến tới xây dựng xã hội hóa học tập.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đã có những chuyển biến tích cực, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn thị xã hiện chiếm gần 50%, trong đó lao động qua đào tạo nghề chiếm trên 36%. Về chính sách ưu đãi trong giáo dục, mỗi năm thị xã cấp trên 5 tỷ đồng hỗ trợ cho học sinh, sinh viên thuộc diện hộ nghèo; đồng thời huy động các nguồn đóng góp xây dựng quỹ vì người nghèo trên 200 triệu đồng.

Thi đua thực hiện tốt chính sách dân số-kế hoạch hóa gia đình được hầu hết các đơn vị, địa phương trên địa bàn thị xã triển khai sâu rộng. Các đơn vị, địa phương đã đẩy mạnh công tác truyền thông "Tăng cường đưa dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản-KHHGĐ đến vùng khó khăn", vùng có tỷ lệ sinh cao; đồng thời triển khai thực hiện đề án kiểm soát dân số vùng biển đảo, hạn chế mất cân bằng giới tính khi sinh, góp phần cơ cấu dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số.

Đến cuối năm 2016, toàn thị xã có 13/16 xã phường đạt chuẩn quốc gia về y tế, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm xuống còn 13,5%, tỷ suất sinh 0,25%o so với năm 2015. Công tác tiêm phòng, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em trên địa bàn được thực hiện khá hiệu quả. Điển hình trên lĩnh vực dân số-KHHGĐ có Ban Dân số-KHHGĐ phường Quảng Long và các xã Quảng Tiên, Quảng Hải, Quảng Văn và Quảng Trung. Các chính sách giảm nghèo, hỗ trợ hộ nghèo cũng được cấp uỷ và chính quyền các cấp đặc biệt chú trọng.

Các đơn vị, địa phương đã thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội, dự án tạo việc làm và các dự án tài trợ, vốn vay xoá đói giảm nghèo, đầu tư cho các xã miền núi-bãi ngang... để giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người dân. Nhờ vậy, số hộ nghèo trên địa bàn thị xã giảm từ 9,14% vào cuối năm 2015 xuống còn 7,64% vào cuối năm 2016.

Thị xã Ba Đồn là một trong những địa phương thực hiện kịp thời và bảo đảm các chính sách ưu đãi đối với người có công, việc trợ giúp những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cũng như các hoạt động quan tâm, chăm sóc trẻ em và các đối tượng bảo trợ xã hội khác thông qua việc đẩy mạnh các phong trào: “Đền ơn  đáp nghĩa”, "Uống nước nhớ nguồn”, “Tặng sổ tiết kiệm”, “Tặng nhà tình nghĩa”, “Chăm sóc phụng dưỡng đối tượng người có công với cách mạng”...

Đặc biệt, sự phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban MTTQVN thị xã và các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội, các tầng lớp nhân dân trong việc triển khai các phong trào đã khơi dậy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của người dân. Những nghĩa cử cao đẹp này đã trở thành đạo lý, nếp nghĩ, lẽ sống và việc làm thường xuyên của người dân thị xã Ba Đồn.

Hiền Chi