.

Dấu tích văn minh Chăm Pa ở Quảng Bình

Thứ Ba, 11/04/2017, 08:14 [GMT+7]

(QBĐT) - Vào những năm đầu công nguyên, nhà nước Chăm Pa ra đời. Theo tài liệu bia ký Chăm Pa, cuối thế kỷ IV đầu thế kỷ V, người Chăm đã thống nhất lãnh thổ chạy từ Quảng Bình vào đến tận Phú Yên. Trong quá trình quản lý lãnh thổ, người Chăm đã tiếp thu những giá trị nổi bật của nền văn hóa Sa Huỳnh ra đời trước đó để hình thành nền văn minh đặc sắc, văn minh Chăm Pa. Quảng Bình là một trong những cái nôi của văn minh Chăm Pa.

Vương quốc Chăm Pa được xác lập dựa trên sự thống nhất giữa hai tiểu vương quốc của bộ lạc Cau và bộ lạc Dừa diễn ra vào cuối thế kỷ VI sau công nguyên. Vùng đất Quảng Bình nằm trọn trong vương quốc Chăm Pa. Từ khi vương quốc Chăm Pa thành lập, cư dân Chăm Pa đã có đời sống vật chất và tinh thần phát triển. Trong lĩnh vực nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc văn hóa Chăm Pa đã góp phần cống hiến những giá trị quý báu trong kho tàng nghệ thuật của Việt Nam và thế giới

Trong một thời gian dài của lịch sử gần ngàn năm (từ năm 192 đến 1069), văn hóa Chăm Pa đã để lại những dấu ấn độc đáo và đặc sắc trên đất Quảng Bình. Người Chăm sau khi giành độc lập, đã bảo vệ nền độc lập đó và xây dựng một nền văn hóa dân tộc. Họ đã học cách xây thành, đắp lũy... Thành tựu nổi bật còn để lại cho đến nay là thành Khu Túc, lũy Hoàn Vương, những loại hình di tích, di vật về văn minh Chăm Pa ở Quảng Bình vẫn còn hiện hữu và được bảo tồn. Bằng sự khéo léo và kỹ thuật điêu luyện, các nghệ nhân Chăm Pa đã thành công trong kỹ thuật chạm khắc trên đá, đồng, kim loại khác; đặc biệt tượng người đạt đỉnh cao nghệ thuật tạo hình. Tượng thần tuy trừu tượng, cao siêu nhưng vẫn gần gũi với người trần tục, phản ánh đề tài tín ngưỡng thần thoại và tôn giáo, tính lịch sử, hiện thực cuộc sống xã hội Chăm Pa đương thời. Xin được giới thiệu điểm qua một số thành tựu văn hóa Chăm Pa ở Quảng Bình đóng góp vào văn hóa dân tộc.

Phế tích thánh đường Phật giáo Mỹ Đức, xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy: Phế tích tháp nằm trên gò cao rộng chừng 3500m. Gò cao hơn mặt ruộng xung quanh 50 - 60cm. Gò cách sông Cẩm Ly 500m về phía Đông. Phế tích của 3 ngôi tháp có cùng kích thước với tháp Đại hữu. Hiện tại di tích gò tháp chỉ còn lại gạch Chăm nằm vụn rải rác, xếp chồng. Người dân sống ở đây đã sử dụng mặt gò để làm nhà ở và trồng cây hồ tiêu. Khai quật một đoạn tháp, có từng lớp gạch nguyên vẹn xây theo kiểu của các đền tháp Chăm. Các viên gạch Chăm có màu hồng sắc đỏ, độ nung thấp, độ thấm nước cao, ở giữa lõi có màu đen. Dựa trên các tài liệu để lại và căn cứ vào tài liệu khảo sát, tháp Mỹ Đức có niên đại thế kỷ IX –X. Tại đền tháp này trước đây thờ các ngẫu tượng Linhga và Y ô ni và lưỡng thần Linhga Y ô ni hỗn hợp.

Phế tích tháp Đại Hữu (thuộc thôn Đại Hữu, xã An Ninh, huyện Quảng Ninh): Phế tích này trước đây cũng là thánh đường Phật giáo của người Chăm; gồm ba đơn nguyên kiến trúc gạch, mặt bằng có hình vuông cạnh 3,5m. Di tích này nằm trên một khoảng đất rộng tương đối cao. Hiện còn lại dấu tích của bờ móng có nhiều gạch Chăm. Khi đào thám sát có một bờ móng có 8 lớp gạch xếp chập khối, không có chất kết dính. Phía dưới lớp gạch là đất pha cát có màu vàng trộn sỏi. Đây là lớp đất nền gia cố bảo vệ móng gạch cũng như toàn bộ tháp. Móng kiến trúc theo hướng Bắc Nam. Những hiện vật ở hai thánh đường phật giáo Chăm này hiện vẫn còn lưu giữ ở các bảo tàng Chăm Đà Nẵng, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh và bảo tàng nước ngoài.

Hiện vật Chăm tiêu biểu tại tháp Đại Hữu có thể kể đến gồm các tác phẩm điêu khắc: 2 tượng đá cát kết thể hiện hình ảnh PraJraparamita, 2 tượng Bồ tát Lôkevara đúc bằng đồng thau, 1 tượng phật đứng bằng đồng cao 0,445m; 1 tượng nhỏ bằng đồng mạ vàng tinh vi cao 0,122m thể hiện hình tượng Quan âm bồ tát Lôketvara. Một tượng đồng Avalokitesvara cao 53 cm đã được công nhận là bảo vật quốc gia ngày 10 tháng 12 năm 2013. Hiện vật của thánh đường phật giáo Mỹ Đức có: 3 bức tượng đá, có 2 tượng Prajraparamita và 1 tượng Looketvara.

Các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc đá và đồng phát hiện thuộc văn hóa Chăm Pa có niên đại vào cuối thế kỷ IX đầu thế kỷ X, tương đương vương triều Inđrapura (875-915). Những tác phẩm điêu khắc đá và đồng này đã chứng tỏ nền văn minh Chăm Pa phát triển rực rỡ tại Quảng Bình. Trình độ chế tác đá và điêu khắc, đúc đồng lúc này đã đạt đến trình độ kỹ thuật cao, rất tinh tế và điêu luyện.

Ngoài các tác phẩm điêu khắc đá và đồng, văn minh Chăm Pa ở Quảng Bình còn để lại nhiều di vật lịch sử phản ánh cuộc sống, tín ngưỡng của người Chăm đương thời bằng các chất liệu như gốm, sứ, đồng như bát chén, bình, lọ, bình vôi... Đây là những hiện vật có giá trị thuộc văn hóa Chăm Pa đã được sưu tầm đưa về trong Bảo tàng Quảng Bình. Hy vọng trong thời gian tới, các sưu tập hiện vật này sẽ được giới thiệu với công chúng trong và ngoài tỉnh.

Trần Thị Diệu Hồng