.

Văn nghệ Quảng Bình, một thời không quên

Thứ Hai, 30/01/2017, 21:07 [GMT+7]
Những tác phẩm đầu tay của nhà văn Nguyễn Khắc Phê lấy bối cảnh là cuộc chiến đấu anh dũng ở Quảng Bình.
Những tác phẩm đầu tay của nhà văn Nguyễn Khắc Phê lấy bối cảnh là cuộc chiến đấu anh dũng ở Quảng Bình.

(QBĐT) - ...Sau 15 năm (1959-1974) làm việc trong ngành giao thông, năm 1974, nhà thơ Xuân Hoàng và nhà văn Trần Công Tấn, thay mặt Hội Văn nghệ Quảng Bình, sang gặp đồng chí Trưởng ty Lê Đức Mận, xin cho tôi chuyển sang Hội Văn nghệ Quảng Bình.

Ngay từ cuối năm 1968, khi tôi được cử đi học Lớp viết văn trẻ Khóa 3, anh Xuân Hoàng đã đặt “vấn đề” đưa tôi về Hội Văn nghệ và đồng chí Đặng Gia Tất, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã bàn việc này với đồng chí Lê Đức Mận, nhưng rồi phải chờ đến Đại hội Văn nghệ Tỉnh.

Phải nói thật là tôi cũng có chút phân vân trước bước ngoặt cuộc đời này. Cảm giác tương tự như một anh nhà quê lần đầu đứng trước rạp hát đầy âm thanh và màu sắc cuốn hút, mặc dù lúc đó tôi đã xuất bản cuốn sách đầu tay viết về cuộc chiến đấu anh hùng trên đường 12A (Tập ký sự “Vì sự sống con đường” - NXB Thanh Niên, 1968). Đang ăn ở nơi chốn quen thuộc, sang “miền đất mới” ấy liệu có làm ăn gì được không?... Anh Nguyễn Khắc Viện lại có ý khuyên tôi không nên làm anh văn nghệ “chuyên nghiệp hóa” sớm, mà hãy cứ bám đời sống để tích lũy vốn liếng...

Tuy vậy, rút cục, tôi đã “chia tay” với ngành giao thông, lúc đó công việc “tuyên truyền thi đua” đã nhẹ hơn trước, do Quảng Bình đã được sống trong hoàn cảnh hòa bình. Anh Xuân Hoàng, Trần Công Tấn, rồi nhà thơ trẻ Trần Nhật Thu - người cùng tôi dự lớp “viết văn trẻ khóa 3” năm 1968 - thì rất chân thành và nhiệt tình khuyến khích tôi “chuyển nghề”.

Trong khi đó, Hội Văn nghệ Quảng Bình đã có những tên tuổi hoạt động từ thời chống Pháp như Dương Tử Giang, Xuân Hoàng, Trần Công Tấn... Hình như Quảng Bình là địa phương đầu tiên trong cả nước có Hội Văn nghệ (sau đây xin nói gọn là “Hội”). Lúc tôi chuyển sang, Hội vẫn ở xóm Phú Vinh - nơi sơ tán quanh vùng Cộn, bên cạnh triền đồi thoai thoải, đầy sim mua, chạc chìu, rất gần với những trận địa pháo phòng không những năm chiến tranh.

“Thực tế” này là đề tài sáng tác cho không ít anh chị em ở Hội. Trần Nhật Thu có bài thơ “Hoa chắt chiu” khá hay viết về hoa chạc chìu với những nụ hoa trắng khiêm tốn mà hương nồng nàn trên vùng đồi sỏi đá khô cằn. Nhiều tác phẩm tạo hình bằng rễ cây của nhà thơ Hải Bằng cũng có xuất xứ từ vùng đồi này. Rồi chuyện gặp gỡ những chàng pháo thủ hình như cũng đã vào thơ, truyện của Lê Thị Mây, Xuân Hoàng...

Tôi nhớ lần đầu gặp Nguyễn Đình Chính (con trai nhà văn Nguyễn Đình Thi) khi anh còn mặc áo lính, cũng từ triền đồi có các trận địa pháo phía sau, ghé thăm Hội. Còn Đỗ Chu thì tôi gặp ở bến phà Quán Hàu cùng với một vài bạn văn khác, trong chuyến đi thực tế chiến trường. Không còn nhớ nguyên văn, nhưng hôm đó, Đỗ Chu “tuyên bố” một câu đại ý rằng chuyến này về sẽ viết một tác phẩm lớn!

Vậy nhưng “tác phẩm lớn” của Đỗ Chu để lại cho đời lại không phải là những trang viết phản ánh thực tế chuyến đi đó. Có lẽ vì cái “tạng” của anh không hợp với đề tài diễn tả những mặt trận ác liệt mịt mù bom đạn ở chiến trường Quảng Trị... Nói vậy, để thấy từ thực tế đến sáng tác có một khoảng cách rất xa; nói cách khác là chỉ khi nhà văn gắn bó với “thực tế” như một người trong cuộc, mới hy vọng có cảm hứng và đủ chi tiết sống động để làm nên tác phẩm.

Hai năm chuyển công tác sang Hội (tính cho đến khi kết nối Bình Trị Thiên thành một tỉnh), về cuối, tôi đã được cử vào Ban Thường vụ, nhưng việc có ích hơn cả là góp phần biên tập các số Tạp chí Văn nghệ Quảng Bình và giúp đỡ, động viên một số cây bút ở cơ sở qua bản thảo hay có dịp gặp gỡ... Từ đầu năm 1975, nhất là khi tin Huế được giải phóng, anh chị em trong Hội đã bắt đầu nhấp nhổm không yên... Ghi lại vài hàng Nhật ký về mùa Xuân đặc biệt này của lịch sử dân tộc:

Trích Nhật ký ngày 20-3-1975:

Những ngày qua, tin tấn công thắng lợi ở miền Nam dồn dập. Tin từ đài BBC, Hoa Kỳ và tin “mật”... Địch đã phải bỏ cả vùng Tây Nguyên, Quảng Trị...

Mấy ngày trước, tên lửa SAM và xe tăng đi cả ngày đêm. Trên trời thì Mig 17 và 21 thỉnh thoảng tập lượn để răn đe. Ở trong đó, chúng nó bảo có cuộc di dân vĩ đại nhất ở miền Nam. Ở miền Bắc, chắc rồi cũng phải có cuộc di dân vào trong đó. Trước mắt, cứ tưởng tượng dòng người, xe, súng, đạn ùn ùn đi vào những vùng mới giải phóng. Biết bao nhiêu đòi hỏi. Rộn ràng, náo nức, nhấp nhổm. Trung ương điện Thường vụ Tỉnh ủy ra tiếp thu tinh thần mới. Anh em văn nghệ cho đây là giờ phút phải có mặt ở những nơi đó...

Tình hình biến chuyển lớn, sôi sục như thế, nhưng trước 30-4, trong giới văn nghệ sĩ, chỉ riêng nhà thơ-thủ trưởng Xuân Hoàng được vào Huế và Đà Nẵng. Sau giải phóng, Lê Thị Mây và Dương Thu Hương (lúc đó là cán bộ Ty Văn hoá Quảng Bình) “liều mạng” vượt giới tuyến, khi về đã bị kiểm điểm! Nôn nóng muốn được đến vùng đất giải phóng, tôi và vài anh em khác xin đi, nhưng Ủy ban Tỉnh không cấp giấy; chỉ còn cách đạp xe vào Vĩnh Linh, đứng bên này cầu Hiền Lương nhìn sang! Trong khi đó thì không ít cây bút quân đội và nhà văn ở Hà Nội đã được theo đoàn quân tiến về Nam từ khi Huế chưa giải phóng. Việc quản lý văn nghệ sĩ ở tỉnh lẻ đến là kỳ cục...

Cho đến mấy tháng sau giải phóng, anh em văn nghệ vẫn bị “trói chân” trong Tỉnh, đi thực tế nơi này nơi nọ, mở lớp bồi dưỡng sáng tác và cả đi làm thủy lợi đắp đê dọc sông Lệ Kỳ. Riêng tôi, về thâm nhập thực tế ở Bệnh viện huyện Quảng Ninh - một điển hình y tế lúc đó, đang “thi đua quyết liệt” với Bệnh viện Quảng Trạch đã được phong là Anh hùng. Sau cả tháng “thâm nhập” - trong đó có lần vào xem mổ một sản phụ, chỉ đứng ít phút thấy máu me ghê quá, bị choáng, người tái mét, xuýt nôn ọe, phải tháo chạy ra - tôi đã viết được một bài ký dài “Ngày đêm ở một bệnh viện huyện” đăng Tạp chí Văn nghệ Quảng Bình và sau in vào tập bút ký gồm những bài viết về Quảng Bình, mang tên “Nền móng của những tầng cao”.

Đây là thời điểm cả nước xôn xao chuyện “đi vào đi ra” với thành ngữ mới “miền Nam nhận họ, miền Bắc nhận hàng”. Tôi thì vẫn chẳng được đi đâu xa, nên ghi lại vài dòng Nhật ký để thấy cuộc đời không đơn giản có vậy.

Trích Nhật ký ngày 27-7-1975

...Một số địa phương bắt đầu đón thương binh về làng. Những cuộc gặp gỡ, những vấn đề xã hội lớn... Như một ông  cụ ở Đức Ninh (nơi Hội Văn nghệ mở lớp bồi dưỡng sáng tác) có cậu con trai cả đi “B” 13 năm, nay là thượng úy. Anh cưới vợ hơn 1 năm thì đi. Cô vợ ở nhà chờ lâu không tin, gia đình lên bàn, chẳng lẽ để con cô quạnh mãi, xin cho đi lấy một công nhân lái máy cày. Nay đã 3 con. Chồng về, thông cảm, hai gia đình vẫn giữ tình thân và anh đã cưới được cô vợ trẻ 21 tuổi!.... Một gia đình tình cờ gặp, cũng có thể là cốt chuyện của một tiểu thuyết.

Trích Nhật ký ngày 23-8-1975:

Không ngờ sang Văn nghệ mà lại có lúc bận như tháng vừa qua. Thật là bù đầu, từ mờ sáng cho tới khuya. Xong lớp bồi dưỡng sáng tác, lại đến bổ sung Tập san số 4... Kế hoạch định đi trong Nam một chuyến đành gác lại. Thiên hạ thì đi đầy đường...    

Một hiện thực sôi động khác đang bắt đầu diễn ra mà không có dịp đi sâu chứng kiến: Việc thi công đường sắt nối Bắc Nam. Đến Ban Kiến thiết đường sắt gặp lại bạn cũ hồi ở Hương Sơn; rồi bạn kỹ thuật hồi ở đường số 7 Nghệ An. Nghe nói hai sư đoàn (trong đó có sư 341 của ông Trân đã đánh ở Xuân Lộc) sẽ tham gia làm nền đường...

Những ngày tháng 9, tháng 10 đó, xảy ra bao chuyện có thể nói là “động trời”: 9-9-1975 - bắt đầu đánh tư sản mại bản; ở đất lửa Quảng Bình, không hiểu “mô tê chi”, nghe vậy rất khoái vì nghĩ rằng hàng đống tài sản lớn sẽ trở về nhân dân! 22-9-1975 - đổi tiền, nhiều người mất to; rồi các tỉnh về học Nghị quyết 24 tại Hội trường Ba Đình, sôi nổi chuyện nhập tỉnh chứng tỏ tư duy “làm ăn lớn”, một thời gian sau mới nhận ra đó là sai lầm, khiến dân gian có câu “Nước không mất mà nhà tan!”...

Mãi đến cuối năm 1975, trong dịp đi thực tế trên công trường khôi phục Đường sắt Thống Nhất, tôi mới có dịp vào Huế, ghé lại Hội Văn nghệ ở 26 Lê Lợi. Kết quả chuyến đi thực tế ấy cũng chỉ là một bài ký “Ghi trên đường sắt Thống Nhất” đăng Tạp chí và gợi cảm hứng, bổ sung thêm chi tiết giúp tôi viết lại bản thảo cuốn sách đầu tay “Bên dòng sông yên tĩnh” thành tiểu thuyết “Miền xa kêu gọi” (NXB Thanh Niên, 1985).

Từ cuối tháng 4-1976, sau cuộc bầu cử Quốc hội, Quảng Bình sống cảnh chợ chiều trước khi “di cư” vào Huế theo chủ trương nhập tỉnh Bình Trị Thiên. Các cơ quan vắng thủ trưởng, nhân viên ngơ ngác chờ quyết định số phận “đi hay ở”? Nhiều người bán nhà, bán đồ đạc và bàn tán về mối bất đồng hai miền...

Nhà văn Nguyễn Khắc Phê và các bạn văn Quảng Bình thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Nhà văn Nguyễn Khắc Phê và các bạn văn Quảng Bình thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trong không khí đó, mặc dù hai cuốn tiểu thuyết “đầu tay” (“Đường qua làng Hạ” và “Đường giáp mặt trận”) đã được xuất bản, nhưng xem ra “thắng lợi” đó không át được những băn khoăn trước thời cuộc... Tuy vậy, tôi vốn là người tôn trọng quyết định của “tổ chức”, từ giữa tháng  5-1976, đã bị cuốn vào việc chuẩn bị nhập tỉnh.

Trích Nhật ký ngày 11-6-1976:

Ngày cuối cùng ở thôn Phú Vinh ra đi...
Ngày 10, họp bạn văn nghệ lần cuối ở Quảng Bình. Cuộc liên hoan chia tay, có bia kẹo, rất vui vẻ. Chiều 11, mình rời căn phòng vuông chật hẹp hứng nắng phía Tây và gió Lào, cái giàn bí mọt gãy và nghiêng xuống, ra đi. Không biết có bao giờ quay lại cái xóm nhỏ ven đồi này không?...

Khi tôi viết những dòng này, tròn 40 năm đã qua từ ngày rời thôn Phú Vinh. Có những người anh, người bạn đã đi xa mãi mãi như các “thủ trưởng” Đặng Gia Tất, Lê Đức Mận, Lại Văn Ly, Lê Khai, Xuân Hoàng, các nhà thơ Trần Nhật Thu, Nguyễn Văn Dinh... Tôi không có dịp quay lại Phú Vinh, nhưng mỗi khi có dịp gặp lại các bạn văn Quảng Bình là được sống trong tình cảm thân thuộc như anh em cùng một nhà. Thật mừng là Quảng Bình sau 40 năm trở lại địa giới “ngày xưa” lại có nhưng nhà văn, nhà thơ được bạn đọc cả nước trân trọng như Hoàng Vũ Thuật, Hữu Phương, Hoàng Thái Sơn, Nguyễn Thế Tường... và một thế hệ cây bút trẻ đầy triển vọng.

Với riêng tôi, vốn sống hơn 10 năm “chung lưng đấu cật” với đội quân giao thông trên vùng đất lửa - từ lúc một mình ngơ ngác giữa thị xã Đồng Hới năm 1963 không ai quen biết khi tìm xe lên đường 12A, đến lúc rời xóm nhỏ Phú Vinh năm 1976 - và cả những kỷ niệm, hình ảnh “đất và người” Quảng Bình mà tôi “thu hoạch” được sau các chuyến đi thực tế ở các công trường thủy lợi, các lâm trường... khi Bình Trị Thiên thành một tỉnh, đã giúp tôi chất liệu quý để viết nên một số tác phẩm quan trọng trong đời văn của mình như các tiểu thuyết “Thập giá giữa rừng sâu” (NXB Trẻ, 2003), “Những cánh cửa đã mở” (NXB Thuận Hóa, 1986 - NXB Hội Nhà văn đã in lần 2 và 3; được tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2012, cùng với tiểu thuyết “Đường giáp mặt trận”) ...

Quảng Bình, với tôi, một vùng đất không thể nào quên...

Trường An-Huế 2014-2016
(Trích Tự truyện “Số phận không định trước” sắp xuất bản)           
Nguyễn Khắc Phê