.

Người nghệ nhân và cây đàn đáy trên trăm tuổi

Thứ Tư, 14/12/2016, 09:39 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhắc đến ca trù Đông Dương ngày nay không thể  không nói đến nghệ nhân Hồ Xuân Thể và cây đàn đáy trên 100 tuổi. Với cây đàn này, nghệ nhân Hồ Xuân Thể trở thành "kép" độc nhất sử dụng loại nhạc cụ này khi ca trù của làng hồi sinh. Ông hiện là thành viên duy nhất của câu lạc bộ ca trù Đông Dương được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận danh hiệu nghệ nhân dân gian.

Sinh ra trên mảnh đất Đông Dương, “cái nôi” của những làn điệu ca trù hát đứng độc nhất vô nhị, ngày bé, ông Thể đã sớm được nghe những làn điệu ca trù và tiếng đàn đáy trầm lắng trong những đêm đoàn ca trù đến tập hát tại nhà của mình. Gia đình ông, từ đời cố nội, ông nội và cha ông đều là những kép chính trong các đoàn ca trù của làng Đông  Dương. Cảm nhận được năng khiếu và sự say mê với lời ca tiếng đàn của cháu trai, ông nội đã truyền dạy cách đánh đàn đáy cho ông Thể. Đến năm 13 tuổi, ông Thể đã có thể tham gia biểu diễn cùng với đoàn ca trù đi biểu diễn ở một số lễ hội do các làng tổ chức. Những năm tháng tuổi thơ của cậu bé Thể gắn liền với điệu nhạc trầm bổng với cây đàn đáy và những làn điệu ca trù mê lòng người.

Năm 1961, ông Thể lúc này 20 tuổi kết hôn với bà Phạm Thị Nhạn, bà kém ông một tuổi, hai ông bà có với nhau 8 người con. Bà Phạm Thị Nhạn năm nay đã bước sang tuổi 75 tâm sự: “Lúc còn trẻ, bà đã rất mến mộ tiếng đàn lời ca của ông nên khi được bén duyên với ông, bà cảm thấy hạnh phúc lắm”. Lấy nhau trong cảnh đất nước đang trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Thể tạm gác lại sự nghiệp đàn hát, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Tham gia vào chiến trường 4 năm, ông trở về quê hương. Đến năm 1978, ông Thể tiếp tục trở lại với cây đàn đáy và làm kép chính cho đội hát ca trù trong làng. Ông đã cùng với các nghệ nhân hợp lại với nhau và thành lập câu lạc bộ ca trù Đông Dương cho đến ngày nay.

Nghệ nhân Hồ Xuân Thể, 76 tuổi và cây đàn đáy trên 100 tuổi của mình.
Nghệ nhân Hồ Xuân Thể, 76 tuổi và cây đàn đáy trên 100 tuổi của mình.

Nói về cây đàn đáy trên trăm tuổi của mình, nghệ nhân Hồ Xuân thể tự hào: Cây đàn đáy có tuổi đời trên 100 tuổi, từ thời ông cố nội là kép chính trong đoàn hát ca trù của Làng Đông Dương, ra tận Thanh Hóa để mua về rồi truyền lại cho ông nội và giờ cha của ông để lại cho ông cất giữ và sử dụng. Cây đàn đáy trở thành tài sản mà ông luôn quý nhất, bởi nó đã gắn bó với ông gần trọn cuộc đời.

Ông Thể cho biết: “Đàn đáy có những nét độc đáo riêng biệt nên phương pháp truyền dạy và học không giống với các loại nhạc cụ khác. Chỉ có thể dạy trực tiếp, xướng âm bằng miệng và truyền ngón theo từng làn điệu chứ không thể viết thành các bản nhạc lý cụ thể”.  

“Đàn đáy có 11 phím làm từ cây trúc còn gọi là phím trúc và dù chỉ có 11 nốt nhạc nhưng để kết hợp nhuần nhuyễn, mềm dẻo thì người nghệ nhân khi sử dụng cần phải biết kết hợp cả tay trái nhấn phím với tay phải giữ đàn, đồng thời gẩy đàn. Tất cả các bước từ nhấn phím, giữ đàn, gẩy đàn là cả một quá trình kiên nhẫn học hành lâu dài”, ông Thể cho biết thêm

Cây đàn đáy có đặc điểm, là dù cũng có những phím cao nhưng cần cây đàn rất dài cộng với một kỹ thuật “ngón chùn” làm cho âm thanh bị thấp hơn so với âm bình thường nên đàn đáy thuộc loại nhạc cụ trầm. Những âm sắc trầm đục, sâu lắng, nền nã nhưng ngắn của đàn đáy đã tạo nên sự tương phản với âm thanh vang giòn của phách và những tiếng “chát, tom” lúc bịt, lúc buông của trống chầu. Ngoài ra, cây đàn đáy rất dài và nặng nên thường người chơi phải ngồi xếp vòng mới có lực để giữ mà gẩy đàn.

Giờ đây, đã bước qua cái tuổi “xưa nay hiếm”, nghệ nhân Hồ Xuân Thể vẫn tiếp tục cùng với các thành viên Câu lạc bộ ca trù Đông Dương đi biểu diễn tại các hội diễn do huyện, tỉnh, Trung ương tổ chức. Tháng 6-2011, ông vinh dự được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận danh hiệu nghệ nhân dân gian.

Say mê, tâm huyết với nghề là thế, nhưng từ khi được thành lập cho đến nay, Câu lạc bộ Ca trù Đông Dương vẫn còn gặp khó khăn về kinh phí để duy trì hoạt động cho câu lạc bộ. Nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền  luôn cùng niềm trăn trở làm thế nào để những làn điệu ca trù và tiếng đàn đáy đậm nét văn hóa của quê hương không bị mai một luôn thổn thức trong tâm trí người nghệ nhân già.

Hà Ny
(Đài TT-TH Quảng Trạch)